Ngay từ những ngày đầu thành lập (11/11/1994), trường Đại học Duy Tân bao gồm 3 khoa : Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ. Riêng khoa Quản trị Kinh doanh được Trường ra quyết định thành lập và chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 23/01/1995. Lúc này, Khoa thực hiện việc đào tạo các ngành: Kế toán Kiểm toán, Quản trị Kinh doanh, Tài chính Tín dụng và Kinh tế Du lịch.
Sau một thời gian hoạt động nhằm đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của xã hội, nhu cầu học tập và quản lý đào tạo, Hội đồng Quản trị và Ban Giám hiệu trường đã quyết định tách ngành Kế toán Kiểm toán và ngành Tài chính Tín dụng ra khỏi Khoa Quản trị Kinh doanh để thành lập Khoa Tài chính Kế Toán theo Quyết định số 905 QĐ/ ĐHDT ngày 15/11/1999.
Đội ngũ cán bộ, giảng viên Khoa Kế toán
Qua nhiều lần thay đổi về tổ chức, Khoa Kế Toán ngày nay được thành lập theo quyết định số 1095/03/QĐ/ĐHDT ngày 21/11/2003 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/12/2003. Cùng với sự phát triển của trường, khoa Kế toán đã không ngừng đi lên, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hoá chuyên ngành, hình thức đào tạo và số lượng sinh viên theo học ngày càng tăng. Từ khoảng 200 sinh viên theo học ở những năm đầu thành lập, đến nay Khoa đang đào tạo gần 5.000 sinh viên chính quy ở bậc đại học, cao đẳng và liên thông. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 19 khoá Đại học và 9 khoá Cao đẳng tốt nghiệp ra trường (đào tạo hơn 8.000 Cử nhân Kế toán). Nhiều sinh viên của Khoa khi ra trường được thị trường lao động chấp nhận, một số ít hiện đang nắm giữ một số vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp, tập đoàn, các cơ quan, ban ngành… trên cả nước.
Với đội ngũ giảng viên cơ hữu trẻ, năng động được đào tạo cơ bản với 100% đạt trình độ Sau đại học. Mục tiêu đào tạo mà Khoa Kế toán trường Đại học Duy Tân luôn hướng tới đó là:
“Đào tạo các sinh viên có năng lực công tác trong tất cả các loại hình doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức trong xã hội; có khả năng thích nghi tốt trong tất cả các điều kiện môi trường làm việc; sử dụng thành thạo Tin học và ngoại ngữ giao tiếp; trang bị được ý thức nghiên cứu và cập nhật những thông tin về chuyên môn, luôn có ý thức học tập trên 4 trụ cột chính: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống với nhau và học để thành người (Learning to know, learning to do, learning to live together, learning to be)”