NỢ XẤU VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ ĐẾN SỰ HỒI PHỤC KINH TẾ
Đầu tháng 04 năm 2014, tại buổi họp báo công bố báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới tổ chức, trong phần nhận định về môi trường vĩ mô của Việt Nam, các chuyên gia đã có nhận xét rằng nền kinh tế của Việt Nam đã ổn định trở lại trong hai năm gần nhất, tuy nhiên nếu so với tiềm năng của Việt nam thì nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng ở dưới mức kỳ vọng. Một phần nguyên nhân của vấn đề này là do hệ thống ngân hàng tại Việt Nam mà trong đó, nợ xấu vẫn được coi là “nút thắt cổ chai”, kéo lùi tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế.
Ngân hàng thế giới đã cho rằng chính việc không biết chính xác quy mô nợ xấu đang gây cản trở cho quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra nhận định cho rằng lạm phát thấp đã tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, song tăng trưởng tín dụng mới chỉ nhích dần dần do các ngân hàng phải chịu gánh nặng từ tỷ lệ nợ xấu cao.
Các báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, từ năm 2013, chính phủ Việt Nam đã thành lập Công ty quản lý tài sản để mua lại nợ xấu từ các Ngân hàng thương mại. Động thái này đã được Ngân hàng thế giới đánh giá tương đối cao, vì nó giúp các Ngân hàng thương mại đưa được các khoản nợ xấu ra khỏi Bảng cân đối kế toán của mình. Tuy nhiên, vẫn còn một số e ngại từ Ngân hàng Thế giới về nguồn lực cũng như hiệu quả hoạt động của Công ty quản lý tài sản vì hiệu quả của việc xử lý nợ vẫn chưa được phản ảnh rõ ràng.
Cho đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Thế giới vẫn chưa có thông tin đầy đủ và chính xác về hoạt động mua lại nợ xấu của Công ty quản lý tài sản mặc dù lượng nợ xấu đã được Công ty này mua lại đáng kể.
Bên cạnh đó, báo cáo của Ngân hàng thế giới nhận xét khả năng cạnh tranh Việt Nam so với các nền kinh tế có trình độ tương đương đang bị suy giảm, bên cạnh những thách thức tài chính ngày càng tăng do thu ngân sách giảm.
Về triển vọng kinh tế năm 2014, tổ chức này dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn khoảng 5,5% dựa trên giả định Chính phủ theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng và tiếp tục tái cơ cấu. Cán cân thương mại và vãng lai dự kiến vẫn thặng dư, nhưng ở mức thấp hơn năm 2013. Lạm phát có thể đạt mục tiêu của Chính phủ là 7% trong trường hợp tăng trưởng tín dụng khiêm tốn và sẽ không xảy ra những cú sốc lớn từ phía cung.
Ngoài ra, việc Việt Nam nỗ lực yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành và cổ phần hóa có thể gửi tín hiệu tích cực với các nhà đầu tư về cam kết của Chính phủ đối với chương trình này.
Song, Ngân hàng thế giới cũng cảnh báo những thành quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn mong manh và đang đối mặt với những rủi ro liên quan đến tổng cầu của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu. Một rủi ro khác là cơ quan chức năng có thể buộc phải nới lỏng chính sách tài khóa về tiền tệ thận để kích cầu khu vực tư nhân và đà cải cách có thể tiếp tục chậm chạp, khiến cho tăng trưởng GDP tiếp tục ở mức thấp và giảm bền vững tài khóa
Thực tế nhiều khoản nợ ở Việt Nam không “quá xấu”, bởi các khoản nợ có tài sản đảm bảo chiếm trên 84%, tài sản này có giá trị bằng khoảng 135% khoản nợ xấu. Nhiều khoản nợ được trích lập dự phòng rủi ro, các tổ chức tín dụng đã trích lập trên dưới 70.000 tỷ đồng cho việc này. Có thể gọi đây là các khoản nợ không sinh lời và hoàn toàn có cơ sở để xử lý.
Tuy nhiên, phần lớn tài sản thế chấp là bất động sản, trong khi thị trường này đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Xây dựng để tháo gỡ nút thắt này, ngoài ra cần có sự tham gia của Bộ Công Thương để giải quyết hàng tồn kho nói chung và bất động sản nói riêng.
Nợ xấu ở Việt Nam nếu vẫn cứ tiếp tục ở mức cao sẽ khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, còn ngân hàng thì sẽ ngày càng bị ăn mòn vào lợi nhuận. Một khi nợ xấu đã đến ngưỡng báo động, nếu cứ để các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tự xử lý, thì số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản sẽ tiếp tục gia tăng do vẫn đang có nợ xấu tại ngân hàng, hàng hóa chậm tiêu thụ.
Với thực trạng kinh tế hiện nay, yêu cầu giải quyết ngay bài toán nợ xấu đang rất cấp bách. Bởi nợ xấu đang trở thành gánh nặng không chỉ cho hoạt động ngân hàng, doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế. Nếu xử lý chậm ngày nào thì cả ngân hàng và doanh nghiệp đều khó có thể khơi thông vốn thêm ngày ấy, từ đó sẽ ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.
Khi nợ xấu càng kéo dài thì các chi phí bỏ ra về mặt hữu hình và vô hình đối với xử lý nợ xấu càng lớn. Về mặt hữu hình là việc các tài sản cầm cố tại ngân hàng sẽ ngày càng bị hao mòn, hư hỏng, giá trị và giá trị sử dụng sẽ mất dần, nếu nợ xấu được xử lý nhanh thì các tài sản này sẽ được đem ra sử dụng nhanh chóng, tạo nên giá trị và giá trị thặng dư cho nền kinh tế. Về mặt vô hình khi quá trình xử lý nợ xấu kéo dài, dẫn tới hệ số tín nhiệm của Việt Nam sẽ khó mà duy trì được mức tín nhiệm như hiện nay, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư.
Tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực cho vay bất động sản thương mại và bất động sản dân dụng mặc dù trong các báo cáo là không thật sự lớn, tuy nhiên có thể vì lý do nào đó trong phương án kinh doanh, số tiền cho vay lẽ ra được rót vào các lĩnh vực sản xuất nhưng kỳ thực lại được rót vào bất động sản hoặc lĩnh vực phi sản xuất. Không thể có số liệu thống kê chính thức trong lĩnh vực này nhưng có thể dư nợ cho vay loại này không hề nhỏ đối với nền kinh tế, tình trạng bất động sản xuống giá như thời gian vừa qua càng làm cho nhu cầu đối với bất động sản giảm mạnh, hàng tồn kho về bất động sản ngày càng tăng lên, các doanh nghiệp bất động sản bắt buộc phải liên tục hạ giá bán nhưng vẫn không thể bán được, quá trình này diễn ra liên tục trong thời gian dài dẫn tới hiện tượng bán tháo, tuột dốc không phanh, khi đã dẫn tới tình trạng bán tháo mà vẫn không có người mua thì số tiền mà các doanh nghiệp bất động sản bán được cũng không thể nào trả được hết nợ gốc cho ngân hàn
Nợ xấu đang gia tăng gây mối nguy hại lớn cho nền kinh tế và trực tiếp ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, vấn đề hàng đầu được đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước vào lúc này làm sao xử lý giảm bớt tỷ lệ nợ xấu này.
Thông điệp của Chính phủ gần đây cũng cho thấy rằng, giải quyết nợ xấu là nhiệm vụ hàng đầu trong kế hoạch cải tổ hệ thống ngân hàng. Trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo liên ngành để triển khai "Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng" và "Đề án Xử lý nợ xấu của các hệ thống tổ chức tín dụng". Theo quyết định vừa ban hành, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là trưởng ban chỉ đạo. Ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - làm Phó trưởng ban thường trực. Ngân hàng Nhà nước sẽ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo. Kinh phí để hoạt động do ngân sách Nhà nước bảo đảm, được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Ngân hàng Nhà nước.
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là tham mưu, nghiên cứu, về đề xuất giúp Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành để cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, Công ty quản lý tài sản sẽ tiếp tuc thực hiện nhiệm vụ của mìn,h mua lại toàn bộ nợ xấu cho các ngân hàng thương mại: Việc Nhà nước mua lại nợ xấu của các ngân hàng là một vấn đề cực kỳ khó giải quyết bởi vì để đảm bảo sự công bằng, minh bạch thì phải có một cơ chế đấu giá minh bạch đối với các tài sản này.
Tuy nhiên, việc đấu giá cho hàng vạn tài sản là nợ xấu tại hàng ngàn các doanh nghiệp, các cá nhân khác nhau trong nền kinh tế quả là rất khó khăn, quá trình này không thể giải quyết nhanh chóng, sẽ mất rất nhiều năm mới có thể thực hiện được. Vậy nếu mua lại nợ xấu thì chỉ nên dừng lại ở phạm vi hẹp và đối với các tài sản dễ dàng định giá chính xác trên thị trường.
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay của các doanh nghiệp đối với các Ngân hàng thương mại. Trước mắt, các DN này sẽ vẫn duy trì được cơ bản lượng tiền, vốn nhất định đáp ứng cho nhu cầu hoạt động một cách cầm chừng, khi đã hoạt động mang tính cầm cự, các doanh nghiệp không thể nào đạt được lợi nhuận cao như trong điều kiện bình thường, nếu sản xuất kinh doanh có lãi, số lãi này cũng không thể nào trả đủ cho phần lãi vay ngân hàng, chứ chưa nói đến việc trả số tiền gốc, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải gánh chịu những khoản nợ và phải tiếp tục trả lãi cao cho những món vay đó, như vậy phương án này không thực sự hiệu quả, nó chỉ kéo dài thêm ngày xảy ra viễn cảnh xấu mà thôi.
Hỗ trợ để thực hiện các khoản thanh toán, chẳng hạn như Nhà nước giảm miễn thuế cho các doanh nghiệp, hoặc giãn thời gian nộp thuế đối với các doanh nghiệp, phương án này có hiệu quả, tuy nhiên nó chưa phải là liều thuốc đủ mạnh để chữa trị cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay.
Giảm lãi suất cho vay có ý nghĩa nhất định đối với nhiều doanh nghiệp trên thị trường, tuy nhiên điều này cũng không khiến cho các doanh nghiệp xây dựng thêm nhà xưởng mới hoặc mua thêm máy móc thiết bị mới bởi vì thực tế đã chứng mình rằng trong thời gian qua, tình trạng dư thừa năng lực sản xuất gia tăng đáng kể do lãi vay ngân hàng quá cao, một tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên thị trường phải thu hẹp quy mô hoạt động thậm chí phá sản, giải thể.
Có thể thấy trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế nếu thực hiện tốt được các giải pháp đã nêu là giải quyết được triệt để vấn đề nợ xấu trong điều kiện hiện tại của nền kinh tế. Và việc xử lý nợ xấu càng khẩn trương thì càng có hiệu quả cao và tránh được những thiệt hại lớn hơn cho nền kinh tế.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: