DIỄN BIẾN NỢ XẤU TẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NỬA ĐẦU NĂM 2014
Trong năm 2013, lần đầu tiên tỷ lệ nợ xấu mới giảm được xuống 4%, dù đây là tỷ lệ tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng, mức độ sát thực có hạn chế nhất định, nhưng là kết quả của loạt giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt trong hai năm qua. Thế nhưng, đà giảm mạnh trong tháng 12/2013 không thể nối tiếp, trong nửa đầu năm 2014, nợ xấu lại có xu hướng tăng lên. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về diễn biến tình trạng này trong nửa đầu năm 2014.
1. Nợ xấu là gì?
Nợ xấu hay nợ khó đòi là các khoản nợ dưới chuẩn, có thể quá hạn và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ lẫn khả năng thu hồi vốn của chủ nợ. Theo Quy định của Ngân hàng nhà nước, nợ xấu là những khoản nợ được phân loại từ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nghi ngờ) và nhóm 5 (có khả năng mất vốn).
Cụ thể nhóm 3 trở xuống gồm các khoản nợ quá hạn trả lãi và/hoặc gốc trên 90 ngày, đồng thời quy định các ngân hàng thương mại căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng để hạch toán các khoản vay vào các nhóm thích hợp.
Như vậy nợ xấu được xác định theo 2 yếu tố: đã quá hạn trên 90 ngày và khả năng trả nợ đáng lo ngại. Đây được coi là định nghĩa của chung trong giới tín dụng chuyên ngành.
Còn theo định nghĩa nợ xấu của các tổ chức tín dụng thế giới thì: một khoản nợ được coi là nợ xấu khi quá hạn trả lãi và/hoặc gốc trên 90 ngày; hoặc các khoản lãi chưa trả từ 90 ngày trở lên đã được nhập gốc, tái cấp vốn hoặc chậm trả theo thoả thuận; hoặc các khoản phải thanh toán đã quá hạn dưới 90 ngày nhưng có lý do chắc chắn để nghi ngờ về khả năng khoản vay sẽ được thanh toán đầy đủ”.
Và khi khách hàng bị nợ xấu từ nhóm 3 trở lên sẽ rất khó được ngân hàng duyệt vay lại ít nhất là 5 năm.
Như vậy nợ xấu hay nợ khó đòi là các khoản nợ dưới chuẩn, có thể quá hạn và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ lẫn khả năng thu hồi vốn của chủ nợ, điều này thường xảy ra khi các con nợ đã tuyên bố phá sản hoặc đã tẩu tán tài sản. Nợ xấu gồm gồm các khoản nợ quá hạn trả lãi và/hoặc gốc trên thường quá ba tháng căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng để hạch toán các khoản vay vào các nhóm thích hợp.
2. Diễn biến nợ xấu tại các Ngân hàng thương mại cổ phần nửa đầu năm 2014
Ở Quý I năm 214, báo cáo tài chính mà các ngân hàng thương mại tập trung công bố cho thấy nhiều trường hợp khó khăn hơn ở nợ quá hạn. Như ACB đã chính thức vượt mốc 3% với 3,27%; DongA Bank đã lên mức khá cao với suýt soát 4%; PG Bank sau khi giảm được trong năm qua (một phần lớn nhờ bán lại cho VAMC) cũng đã trở lại trên 4%; hay tại Sacombank, một trong số ít thành viên có tỷ lệ thấp năm ngoái (1,45%), đã tăng lên 1,86%...
Ở diễn biến chung, theo cơ quan chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước đưa ra gần đây, đến hết tháng 2/2014, nợ xấu của toàn hệ thống vào khoảng 122.000 tỷ đồng, ứng với tỷ lệ 3,86%. Nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu theo Quyết định 780, nợ xấu của toàn hệ thống lên tới gần 308.000 tỷ đồng (chiếm 9,71% dư nợ).
Ở dữ liệu của một tổ chức nghiên cứu khác, nợ xấu từ đầu năm đến nay, theo họ tập hợp độc lập, đã tăng thêm ước khoảng 10.000 tỷ đồng, đưa tổng quy mô lên khoảng 126.000 tỷ, chiếm khoảng 4% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Tại Ngân hàng SHB, Báo cáo tài chính hợp nhất quý II vừa công bố cho thấy lãi sau thuế 185 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng được Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê lý giải là do ngân hàng kiểm soát tốt chi phí, tăng quy mô kinh doanh và tăng tài sản sinh lời. Cùng kỳ năm ngoái, chi phí hoạt động của ngân hàng lên tới 427 tỷ đồng nhưng giảm xuống còn 284 tỷ đồng trong quý II năm nay. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng từ 650 tỷ đồng năm ngoái lên 760 tỷ đồng năm nay, đặc biệt các khoản thu từ dịch vụ tăng gần gấp 3 lên 124 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các khoản nợ đến hạn mà khách hàng chưa thanh toán vẫn là mối quan ngại lớn tại SHB. Vào thời điểm 30/6/2014, ngân hàng có 7.470 tỷ đồng nợ các khoản nợ quá hạn, tăng 72% so với đầu năm và chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, số cho vay được khoanh lại và chờ xử lý đạt hơn 1.200 tỷ đồng.
Nợ quá hạn tăng khiến SHB phải dành thêm gần 360 tỷ đồng để dự phòng rủi ro trong quý II/2014, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm ngoái. Điều này trái ngược với tình hình quý đầu năm khi nhà băng hoàn nhập trên 215 tỷ đồng chi phí dự phòng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gấp 10 lần năm ngoái (âm 89,6 tỷ đồng) cũng là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của ngân hàng bớt tích cực.
Tại Ngân hàng Viettinbank, đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng lên 2,53%, từ mức 1,8% cuối tháng 3 và 1% đầu năm. Kéo theo đó, chi phí trích lập dự phòng trong quý II lên trên 690 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng 6 tháng cũng đạt trên 1.700 tỷ đồng.
Lợi nhuận hợp nhất sau thuế quý II/2014 được ngân hàng công bố đạt trên 1.880 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần giảm 4%, còn 4.495 tỷ đồng. Tính tại 30/6/2014, tăng trưởng tín dụng của Vietinbank mới đạt 0,4%, sau khi tăng trưởng âm gần 6% trong quý đầu năm. Hoạt động chứng khoán đầu tư cũng lỗ thuần hơn 130 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 120 tỷ đồng.
Ngoài hai mảng kinh doanh trên, hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, hoạt động ngoại hối chuyển từ lỗ trên 20 tỷ đồng quý II/2013 sang lãi 72 tỷ đồng năm nay.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietinbank lãi sau thuế 3.024 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ một năm trước. Số dư tiền gửi của khách hàng tăng 3,6% trong nửa đầu năm.
Tại Sacombank, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ ngân hàng mẹ quý II năm 2014. Theo đó, các chỉ số hoạt động kinh doanh đều tương đối khả quan trong thời gian qua.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý II là 781 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, nhà băng này lãi trước thuế trên 1.500 tỷ, tăng 5,7% và hoàn thành hơn 50% kế hoạch năm. Nếu trừ thuế, lãi 6 tháng còn khoảng 1.200 tỷ đồng.
Sacombank có mức lợi nhuận khả quan một phần nhờ tín dụng 6 tháng đầu năm tăng trưởng 9,4%, đưa thu nhập lãi thuần đạt 3.340 tỷ đồng. Mức lãi thuần này khá cao trong bối cảnh hiện nay, nhưng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Sacombank, nguyên nhân là dư nợ cho vay tăng hơn 9.700 tỷ đồng nhưng lãi suất cho vay giảm khiến thu nhập lãi giảm hơn 206 tỷ đồng.
Bù lại, lãi từ hoạt động khác của nhà băng tăng vọt, từ chưa đầy 5 tỷ quý II năm ngoái lên 108 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận từ khoản này cũng tăng hơn 10 lần (127 tỷ đồng so với 12 tỷ đồng).
Tuy nhiên, một số hoạt động khác như dịch vụ, chứng khoán đầu tư và thu nhập góp vốn trong quý II đều giảm so với cùng kỳ 2013. Nợ xấu của Sacombank đến 30/6 tuy vẫn dưới ngưỡng quy định nhưng có tăng nhẹ, từ mức 1,48% cuối năm ngoái lên 1,51%. Ngoài ra, tương tự các nhà băng khác, trích lập dự phòng rủi ro của Sacombank cũng tăng so với cùng kỳ, từ 246 tỷ lên 308 tỷ đồng.
Như trên, nợ xấu vẫn diễn biến phức tạp. Nỗ lực xử lý của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng với nhiều giải pháp trong hai năm qua dường như mới chỉ khống chế tốc độ và những ảnh hưởng của nó.
Xu hướng trở lại hiện nay, theo các tổ chức nghiên cứu là tổng hòa của nhiều tác động.
Thứ nhất, nợ xấu tiềm ẩn trong nhóm 1 và 2 đến nay đã không cầm cự được thêm, buộc phải chuyển sang nhóm 3. Đây cũng là kết quả của thực tế khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung.
Thứ hai, sau một thời gian khá dài thực hiện cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 mà không phải chuyển nhóm, đến nay là lúc phải thừa nhận những khoản nợ xấu đã từng được gửi cho tương lai. Nhưng khoản trước đây đáng ra là nợ xấu, qua cơ hội được cơ cấu lại đến nay vẫn không “qua khỏi”.
Thứ ba, nợ xấu tăng trở lại so với thời điểm cuối 2013 không loại trừ có khả năng “điều chỉnh kỹ thuật” của một số tổ chức tín dụng.
Thứ tư, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm rất thấp, không giúp pha loãng tỷ lệ nợ xấu.
Thứ năm, diễn biến của nợ xấu và hoạt động của các ngân hàng thương mại phản ánh thực trạng của nền kinh tế. Đây là vấn đề chung, nên việc xử lý nợ xấu nếu chỉ riêng ngạch ngân hàng thì càng giải vẫn càng nan.
3. Xử lý nợ xấu như thế nào?
Theo quy định hiện hành, các Ngân hàng phải trích lập dự phòng đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán từ trên 3 tháng và nợ phải thu chưa quá hạn, nhưng có thể không đòi được do khách nợ không có khả năng thanh toán. Đối với những khoản nợ quá hạn từ 3 năm trở lên coi như không có khả năng thu hồi, chủ nợ phải sử dụng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi, quỹ dự phòng tài chính để bù đắp, phần chênh lệch thiếu hạch toán vào chi phí quản lý của Ngân hàng. Ngoài ra, Ngân hàng còn tiếp tục phần theo dõi riêng trên sổ kế toán và ngoại bảng cân đối kế toán trong thời hạn tối thiểu là 5 năm và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ.
Điều đó cho thấy, các khoản nợ xấu ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các Ngân hàng, họ sẽ mất nhiều thời gian, công sức, tiền của để đôn đốc thu hồi nợ. Nhiều trường hợp, việc thu nợ trực tiếp từ khách nợ hầu như không thể do khách hàng không còn nguồn trả nợ, nếu thực hiện kê biên và bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ thì đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động của DN và việc này cũng không hề đơn giản nếu bên có tài sản đảm bảo không hợp tác, hoặc tẩu tán tài sản... Trường hợp không có tài sản đảm bảo thì chủ nợ phải nộp đơn ra toà yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với khách hàng để thu hồi vốn từ thanh lý tài sản. Áp dụng biện pháp phá sản doanh nghiệp cũng chỉ là "bất đắc dĩ" vì quy trình, thủ tục phá sản rất phức tạp, khó khăn và mất thời gian, có nhiều trường hợp đến 5 năm chưa thực hiện được.
Vậy đâu là giải pháp khả thi trong việc xử lý nợ xấu? Hiện đang có một số hướng đi cơ bản như sau:
Thứ nhất, Ngân hàng tự tổ chức quản lý hoặc bàn giao khoản nợ xấu cho công ty quản lý nợ trực thuộc để tiếp tục theo dõi các khoản nợ nhằm thực hiện thu hồi nợ thông qua việc xử lý các tài sản đảm bảo khoản nợ, khai thác tài sản đảm bảo, tiếp tục theo đuổi các vụ kiện để thu hồi một phần nợ từ thanh lý tài sản của doanh nghiệp phá sản... Đây là hướng đi được một số Ngân hàng thực hiện. Tuy nhiên, thực hiện giải pháp này, các chủ nợ vẫn mất nhiều thời gian và tiền bạc để thu hồi nợ xấu, vẫn phải duy trì một bộ máy, bộ phận riêng để quản lý nợ xấu, cho nên không khả thi.
Thứ hai, là biện pháp thu nợ có chiết khấu. Đây là hình thức giảm giá trị khoản nợ phải trả cho doanh nghiệp, giá trị triết khấu do Ngân hàng và doanh nghiệp thoả thuận nhưng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy họ thanh toán dứt điểm khoản nợ, Ngân hàng tuy chịu thiệt một chút nhưng cũng sớm thu hồi được một phần vốn và cắt bỏ được "cục nợ" dây dưa này.
Thứ ba, bán nợ cho các tổ chức có chức năng mua - bán nợ chuyên nghiệp, đây là phương án xử lý nợ xấu nhanh nhất giúp chủ nợ thu hồi một phần vốn kinh doanh để phục vụ cho các nhu cầu và cơ hội kinh doanh mới, nhằm cải thiện tình hình tài chính. Hiện nay, mới chỉ có Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính đang thực hiện nghiệp vụ này.
Có thể thấy, việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp là một hướng đi mới trong việc xử lý triệt để nợ xấu và góp phần làm lành mạnh hoá tình hình tài chính của nền kinh tế nói chung và của chủ nợ nói riêng.
Ths. Mai Thị Quỳnh Như
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: