LỢI NHUẬN NGÂN HÀNG VÀ BÀI TOÁN TRÍCH LẬP DỰ PHÒNG RỦI RO KHÓ GIẢI
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hiện nay, với mỗi khoản huy động, ví dụ 10 đồng, các Ngân hàng phải dành 3% cho dự trữ bắt buộc, 10% dự trữ thanh khoản. Ngoài ra, khi bắt đầu cho vay, Ngân hàng còn phải trích 0,75% cho dự phòng chung (dành cho những tổn thất chưa xác định được trong quá trình phân loại nợ). Khoản trích lập dự phòng nặng nhất khi ứng với mức độ rủi ro từng món nợ, ngân hàng phải trích lập dự phòng tăng dần. Cụ thể, nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) không cần trích lập; nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) 5%; nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) 20%; nhóm 4 (nghi ngờ) 50%; nhóm 5 (có nguy cơ mất vốn) 100%. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của các Ngân hàng, vậy, trích lập như thế nào, trích lập ra làm sao để không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận là bài toán khó giải đối với các Ngân hàng.
1. Trích lập dự phòng rủi ro là gì?
Thông tư 15/2010/TT-NHNN phân loại nợ, trích lập sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, trong thông tư này nêu rõ:
Dự phòng rủi ro là khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra do khách hàng của tổ chức tài chính quy mô nhỏ không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết vay. Dự phòng rủi ro được tính theo dư nợ gốc và hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ. Dự phòng rủi ro bao gồm: Dự phòng cụ thể và Dự phòng chung.
Dự phòng cụ thể là khoản tiền được trích lập trên cơ sở phân loại nợ để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với từng nhóm nợ.
Dự phòng chung là khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất chưa xác định được trong quá trình phân loại nợ và trích lập dự phòng cụ thể và trong các trường hợp khó khăn về tài chính của các tổ chức tài chính quy mô nhỏ khi chất lượng các khoản nợ suy giảm
Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với các nhóm nợ như sau:
a) Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn): 0%;
b) Nhóm 2 (Nợ cần chú ý): 2%;
c) Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn): 25%;
d) Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ mất vốn): 50%;
đ) Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn): 100%.
2. Ảnh hưởng của trích lập dự phòng rủi ro đến lợi nhuận của Ngân hàng
Trong nửa đầu năm 2014, trong hầu hết các Báo cáo tài chính của các Ngân hàng, trích lập dự phòng ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận đạt được của họ. Một số Ngân hàng quy mô nhỏ có lợi nhuận khả quan như Ngân hàng Tiên Phong (263 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm); Ngân hàng Phương Đông lợi nhuận trước thuế 128 tỷ đồng, đạt 73% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm... còn lại phần lớn là có lãi sụt giảm hoặc chưa tới 50% kế hoạch năm.
ACB lũy kế 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 730 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt trên 945 tỷ đồng. DongA Bank lãi 6 tháng qua chỉ bằng phân nửa cùng kỳ 2013.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lợi nhuận trước thuế 6 tháng của ngân hàng đạt 2.418 tỷ đồng, bằng 41% kế hoạch năm.
Ngân hàng Quốc Dân là một trong những đơn vị có kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng khá ảm đạm khi lợi nhuận thu về chưa tới 4 tỷ đồng, vỏn vẹn bằng 4% kế hoạch năm (96 tỷ đồng).
Như vây, theo thống kê hoạt động 6 tháng đầu năm của các ngân hàng, đơn vị có mức lợi nhuận cao nhất cũng chỉ đạt 51-52% kế hoạch năm, còn lại đa phần mới thực hiện 25-27% kế hoạch năm, thậm chí thấp hơn.
Nguyên nhân chính có thể đến từ việc trích lập dự phòng rủi ro lớn đã ảnh hưởng nhất định đến tốc độ lợi nhuận của các ngân hàng. Điển hình như ACB, trong quý II/2014, ngân hàng này phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới hơn 354 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ gần 57 tỷ đồng.
Lãnh đạo ACB cho rằng, việc trích lập dự phòng của nhà băng tăng chủ yếu do tình trạng nợ xấu còn cao (3,6%). Đây là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của ngân hàng bị giảm sút.
Nhìn nhận vần đề này, một chuyên gia kinh tế là Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phân tích dự phòng đang tăng lên, đồng nghĩa việc bảo đảm an toàn cho ngân hàng đang lớn hơn sức ép lợi nhuận từ cổ đông, quản lý của Nhà nước về dự phòng rủi ro cũng đang chặt chẽ hơn.
Có thể thấy vấn đề lợi nhuận đang là khó khăn chung của toàn ngành ngân hàng. Tổng cầu yếu, hàng tồn kho của doanh nghiệp ngày một nhiều khiến ngân hàng không dám cho vay vì sợ gia tăng tỷ lệ nợ xấu. Nếu trích lập dự phòng đầy đủ thì các ngân hàng khả năng sẽ không có lãi như công bố.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống nửa đầu năm mới đạt một phần tư kế hoạch (mới tăng 3,52% so với mục tiêu 12%). Tại ACB, tăng trưởng tín dụng sau hai quý đạt 3,32%. Một Ngân hàng khác là Vietinbank có 2 quý kinh doanh cũng không thực sự khởi sắc khi tín dụng thậm chí còn tăng trưởng dưới trung bình ngành (2,8%). Nhiều ngân hàng khác dao động một đến 2%.
Trên thực tế, hiện lợi nhuận của các ngân hàng vẫn chủ yếu đến từ tín dụng (70-80%), nhưng mấy tháng qua, bên cạnh việc tín dụng giẫm chân tại chỗ, các nhà băng còn phải giảm lãi suất rất nhiều để chia sẻ với doanh nghiệp nên biên lợi nhuận thấp.
Có thể dễ dàng nhận thấy margin - chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra - ngày càng co hẹp (dao động 2-4%) trong khi số lượng khách hàng lại vơi đi, điều này khiến lợi nhuận khó khởi sắc. Bởi dù sao, với một ngân hàng truyền thống, lãi từ cho vay vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn.
Vị này dự đoán, với đà tăng trưởng tín dụng chậm chạp hiện nay, ngân hàng chắc chắn khó đạt được chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra đầu năm, hạn mức tăng dư nợ 12% năm nay, trong khi 6 tháng qua, ngân hàng chỉ mới sử dụng hết 3%.
Như vậy có thể nhìn nhận rằng với xu hướng và cách thức hiện nay, tín dụng khó đạt mục tiêu 12%. Do vậy, lợi nhuận của các ngân hàng năm nay cũng khó về đến đích
3. Giải pháp?
Có nhiều “thủ thuật” để Ngân hàng giảm bớt số tiền trích lập dự phòng nhằm hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận hàng năm. Số lãi hàng ngàn tỷ đồng có thể biến thành lỗ ngay lập tức nếu họ trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu. Rõ ràng, với cơ chế trích lập dự phòng của Ngân hàng nhà nước như hiện tại, chỉ cần hạch toán giảm số nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5), đặc biệt là nhóm 5, số tiền trích lập dự phòng đối với một Ngân hàng sẽ thấp đi rất nhiều so với thực tế.
Lợi nhuận đang là nguyên nhân hàng đầu khiến các ngân hàng tính toán, cân nhắc có nên trích đúng, đủ dự phòng rủi ro hằng năm. Các Ngân hàng luôn bị sức ép trong kinh doanh khiến họ phải giấu đi những khoản nợ đáng lẽ phải trích dự phòng rủi ro một cách sòng phẳng. Thứ nhất, hội đồng quản trị các Ngân hàng đã cam kết với cổ đông về tăng trưởng lợi nhuận, nếu không đạt, ngoài việc giá cổ phiếu xuống dốc, uy tín của họ sẽ bị giảm, dẫn đến nguy cơ “mất ghế”. Thứ hai, các Ngân hàng thường nhìn nhau trong việc công bố lợi nhuận. Thứ ba, việc công bố lợi nhuận còn liên quan đến uy tín và thương hiệu của một Ngân hàng trong công tác huy động vốn.
Như vậy, để có lợi nhuận, khi lên cân đối, các Ngân hàngthường có 2 phương án để thực hiện, một là có giải xấu để nợ xấu có tỷ lệ hợp lý (dưới 5%), hai là không trích dự phòng hoặc trích không đầy đủ để hạ thấp chi phí, đảm bảo có thu nhập đủ chi lương.
Trước thực trạng bức bách về tỷ lệ nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro hằng năm chưa đúng và đủ, Ngân hàng nhà nước cần ban hành một thông tư mới quy định về cách phân loại và trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động Ngân hàng. Nếu được thông qua, tỷ lệ nợ xấu và dự phòng phải trích lập của các Ngân hàng sẽ chính xác và toàn diện hơn.
Tóm lại, dù muốn hay không, việc minh bạch, công khai nợ xấu cũng như danh tính của các Ngân hàng yếu kém là chủ trương đúng đắn nhằm lành mạnh hóa hệ thống Ngân hàng, ngăn chặn tái lạm phát và chặn đà suy giảm kinh tế.
Ths. Mai Thị Quỳnh Như
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: