THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TẠI VIÊT NAM
Nền kinh tế mạnh luôn đi kèm với một hệ thống thanh toán hiện đại. Tuy nhiên, sau rất nhiều những nỗ lực của cả hệ thống pháp lý và quản lý, có vẻ như mơ ước về một nền kinh tế với hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt hiệu quả vẫn đang là khát khao của nhiều người
1. Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư
Nhà nước Việt Nam từ những năm 2007 trở lại đây luôn có các chính sách khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là Nghị định 35/2007/NĐ-CPP quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; Chỉ thị 20/2007/CT-TTg, Chỉ thị 05/2007/CT-NHNN về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN; Quyết định 20/2007/QĐ-NHNN ban hành Quy chế về phát hành, sử dụng, thanh toán và cung cấp dịch vụ hỗ trợ thẻ ngân hàng cộng với những sửa đổi bổ sung về lĩnh vực thanh toán trong Luật NHNN và Luật các TCTD năm 2010 đã và đang từng bước xác lập và hoàn thiện hành lang pháp lý cho các dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo điều kiện cho ngân hàng tham gia sâu rộng và các hoạt động thương mại điện tử, cung cấp các dịch vụ thanh toán cho các chủ thể tham gia kinh doanh trực tuyến trên mạng trong phạm vi toàn xã hội.
Nhằm tạo niềm tin của người dân trong sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 cũng quy định các tội danh cụ thể liên quan đến công nghệ cao, tạo điều kiện cho việc đấu tranh phòng chống tội phạm trong thanh toán, là chế tài quan trọng . Điều này đặc biệt quan trọng bởi lẽ hiện nay, đối tượng tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán trong khu vực dân cư không còn giới hạn ở các ngân hàng mà còn có các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, vì thế mức độ cạnh tranh trên thị trường sẽ gay gắt hơn.
Ngành công nghệ thông tin cũng tham gia rất sâu sát đến vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là internet, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam trong những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ như internet banking, mobile banking, ví điện tử,… đang dần đi vào cuộc sống, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.Theo kết quả điều tra của Bộ Công thương cho thấy, gần như 100% doanh nghiệp được điều tra đã tổ chức triển khai ứng dụng thương mại điện tử ở nhiều quy mô và mức độ khác nhau và phát triển trên hầu khắp các tỉnh thành của cả nước. Cùng với đó, hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ trực tuyến trên internet đã từng bước phát triển và dần trở nên quen thuộc. Nhờ đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã có những bước phát triển đáng kể và đang ngày càng thể hiện vai trò và lợi thế vượt trội so với các phương tiện thanh toán truyền thống trước đây.
Dịch vụ tài khoản cá nhân của hệ thống Ngân hàng thương mại phát triển khá nhanh. Số lượng tài khoản cá nhân tăng trung bình mỗi năm từ 130%-150% về số tài khoản và 120% về số dư. Có được kết quả như trên là do nhiều yếu tố tác động như: môi trường pháp lý trong lĩnh vực thanh toán ngân hàng có những thay đổi theo hướng phù hợp hơn, mạng lưới điểm giao dịch của các ngân hàng được mở rộng, thanh toán điện tử liên ngân hàng được triển khai có hiệu quả,…
2. Những hạn chế trong vấn đề phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
- Các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hiện phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt này còn mới mẻ và bỡ ngỡ với phần lớn người dân; tâm lý e dè, sợ rủi ro đã ngăn cản việc tiếp cận của người tiêu dùng với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mới. Các thanh toán trong khu vực dân cư phần lớn vẫn sử dụng tiền mặt, ngay cả ở thành thị, nơi có điều kiện thuận lợi cho phát triển các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến.
- Các đơn vị kinh doanh không muốn chấp nhận thẻ một phần do phải trả phí ngân hàng, một phải là phải công khai doanh thu. Vì thế, một số đơn vị chấp nhận thẻ dù đã ký hợp đồng chấp nhận thẻ với ngân hàng nhưng vẫn tìm nhiều cách hạn chế các giao dịch bằng thẻ của khách hàng như để máy cà thẻ vào nơi khuất, ưu tiên khách hàng trả tiền mặt,…
- Hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán phát triển chưa đồng bộ, bởi đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn nên thường chỉ có các ngân hàng thương mại có tiềm lực về tài chính mới có khả năng đầu tư các trang thiết bị phục vụ hoạt động thanh toán.
- Với sự phát triển của khoa học công nghệ và truyền thông, nhiều dịch vụ thanh toán mới ra đời nhưng hành lang pháp lý chưa được thiết lập. Các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt chưa thật đồng bộ, chưa khuyến khích đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng; sự phối kết hợp giữa những biện pháp hành chính và biện pháp kích thích kinh tế chưa đủ mạnh đề đưa chủ trương đi vào cuộc sống.
3. Các giải pháp để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
- Thay đổi thói quen và nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận tiền mặt là một công cụ được ưa chuộng trong thanh toán và từ lâu đã trở thành thói quen khó thay đổi của người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp.
- Tạo động cơ kinh tế đủ mạnh để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt: đối với nhiều đối tượng giao dịch, các công cụ và dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt không chứng tỏ có lợi ích hơn hẳn về kinh tế so với thanh toán bằng tiền mặt.
- Thay đổi hình thức phát triển kinh tế không chính thức, đây là nền kinh tế xuất phát từ đặc điểm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo quy mô nhỏ, lẻ, với loại hình này thì khả năng tiếp nhận phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là rất khó khăn. Ngoài ra, một bộ phận rất lớn của nền kinh tế không chính thức là kinh tế ngầm liên quan tới hoạt động buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại,...Đối với những người tham gia các giao dịch này, cho dù phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt có thuận tiện thì đó vẫn không phải là biện pháp thanh toán được lựa chọn, xuất phát từ nhu cầu che dấu nguồn gốc giao dịch và danh tính của đối tượng tham gia.
- Hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán chưa hoàn thiện, mặc dù trong thời gian vừa qua hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán đã cải thiện nhiều, song vẫn được đánh giá là chưa đầy đủ và đồng bộ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thanh toán điện tử và thương mại điện tử. Hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực thanh toán vẫn còn những điểm cần phải tiếp tục được chỉnh sửa, thay thế để có thể phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu của người sử dụng.
- Ngoài ra, với tốc độ phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin và sự ra đời của hàng loạt các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nền tảng pháp lý cần được hoàn chỉnh gấp để bao hàm cả các loại hình tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không phải là ngân hàng, các tổ chức công nghệ thông tin cung ứng những sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho các ngân hàng, các tổ chức làm dịch vụ thanh toán,…
- Tăng mức độ hiệu quả của nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này, từ giác độ các ngân hàng thương mại, vấn đề lớn nhất trong phát triển hoạt động thanh toán là những hạn chế về vốn đầu tư. Vốn đầu tư đòi hỏi phải rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài hạn mà hiệu quả đầu tư lại thấp. Vì vậy, chỉ có những ngân hàng có tiềm lực mạnh về tài chính mới có khả năng tập trung đầu tư lớn về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động thanh toán. Các ngân hàng nhỏ chủ yếu chọn cách chia sẻ mạng lưới với các ngân hàng lớn. Tuy nhiên, khả năng chia sẻ mạng lưới và hạ tầng kỹ thuật khác giữa các ngân hàng còn hạn chế, do các ngân hàng chưa tìm được tiếng nói chung để đi đến thoả thuận kết nối thống nhất.
- Trấn áp một cách có hiệu quả vấn đề liên quan đến gian lận trong hoạt động này. Gian lận phát sinh chủ yếu liên quan đến gian lận tài khoản thẻ và thẻ giả, tiếp sau là các loại hình khác như thẻ mất cắp, thất lạc… Trong đó, gian lận tài khoản thẻ thường xảy ra với các giao dịch không xuất trình thẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn đáng kể so với gian lận thẻ giả. Gần đây, thị trường xuất hiện rủi ro cực kỳ nguy hiểm là hiện tượng kẻ xấu đập phá máy ATM để lấy tiền.
Ths. Mai Thị Quỳnh Như
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: