NGHIÊN CỨU VỀ KHÁI NIỆM KIỂM TOÁN QUA CÁC GIÁO TRÌNH PHỔ BIẾN HIỆN NAY
Hiện nay trên thị trường sách tham khảo và giáo trình các môn học về Kiểm toán có trình bày nhiều khái niệm về thuật ngữ “Kiểm toán” khác nhau. Mỗi một khái niệm có một góc nhìn thể hiện quan điểm nghiên cứu và đề cập đến những khía cạnh khác nhau của các nhóm tác giả. Bài viết sau được xin được đi vào tập hợp và phân tích những vấn đề cơ bản liên quan đến khái niệm này
Kiểm toán có gốc từ Latinh là: "Audit" gắn liền với nền văn minh Ai Cập và La Mã cổ đại, xuất hiện vào thế kỷ thứ III trước công nguyên. Auditing có nghĩa là "nghe", do các nhà cầm quyền La Mã tổ chức để kiểm tra độc lập về tình hình tài chính. Hình ảnh của kiểm toán cổ điển là việc kiểm tra về tài sản, phần lớn được thể hiện bằng cách người ghi chép đọc to lên cho một bên độc lập "nghe" rồi chấp nhận. Cho đến những năm 30 của thế kỷ XX, kiểm toán với nghĩa là kiểm tra độc lập và bày tỏ ý kiến mới được phát triển ở các nước Bắc Mỹ và Tây Âu.
Ngày nay, hoạt động kiểm toán đã vượt khỏi phạm vi của từng địa phương, từng quốc gia và phát triển theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá từ đó hình thành các tổ chức nghề nghiệp kiểm toán quốc tế, các tập đoàn kiểm toán mang tầm quốc tế hoạt động xuyên quốc gia. Một số tập đoàn kiểm toán xuyên quốc gia đứng đầu thế giới như: Coopers Lybrand, Ersnt and Young, Price Water House và Deloitte Touch Tomatsu...
Mặc dù khái niệm kiểm toán đã xuất hiện khá lâu đời nhưng cho đến nay vẫn còn có những cách hiểu khác nhau, đôi khi chưa có sự đồng nhất: Vương quốc Anh đã đưa ra khái niệm: " Kiểm toán là sự kiểm tra độc lập và là sự bày tỏ ý kiến về những bản khai tài chính của một xí nghiệp do một kiểm toán viên được bổ nhiệm để thực hiện những công việc đó theo đúng với bất kỳ nghĩa vụ pháp định có liên quan"[1, tr.30]; Với khái niệm này, các nhà khoa học ở Anh quan niệm kiểm toán là sự kiểm tra độc lập và bày tỏ ý kiến về bản khai tài chính của kiểm toán viên theo nghĩa vụ pháp định. Hoa Kỳ lại quan niệm: "Kiểm toán là một quá trình mà qua đó một người độc lập, có nghiệp vụ tập hợp và đánh giá rõ ràng về một thông tin có thể lượng hoá có liên quan đến một thực thể kinh tế riêng biệt nhằm mục đích xác định và báo cáo mức độ phù hợp giữa thông tin có thể lượng hoá với những tiêu chuẩn đã được thiết lập" [1, tr.30-31]; các nhà khoa học về kiểm toán Hoa Kỳ cũng khẳng định sự kiểm tra độc lập của kiểm toán viên, tuy nhiên nhấn mạnh hơn đến khía cạnh chuyên môn tức là các kiểm toán viên không chỉ độc lập mà phải “có nghiệp vụ”; khái niệm của Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh đến sự phù hợp giữa thông tin với các tiêu chuẩn đã được thiết lập. Còn các nhà kinh tế nước Cộng hoà Pháp lại quan niệm rằng: "Kiểm toán là việc nghiên cứu và kiểm tra các tài khoản niên độ của một tổ chức do một người độc lập, đủ danh nghĩa gọi là một kiểm toán viên tiến hành để khẳng định rằng những tài khoản đó phản ánh đúng tình hình tài chính thực tế không che dấu sự gian lận và chúng được trình bày theo mẫu chính thức của luật định" [1, tr.31].
Theo định nghĩa của Liên đoàn quốc tế các nhà kế toán (International Federation of Accountants –IFAC) thì “ Kiểm toán là việc các kiểm toán viên độc lập kiểm tra và trình bày ý kiến của mình về các bản báo cáo tài chính”. Trong giáo trình kiểm toán của các tác giả Alvin A.Rens và James K.Loebbecker đã định nghĩa: Kiểm toán là quá trình các chuyên gia độc lập và có thẩm quyền thu thập và đánh giá các bằng chứng về các thông tin có thể định lượng được của một đơn vị cụ thể nhằm mục đích xác nhận và báo cáo về mức độ phù hợp giữa các thông tin này với các chuẩn mực đã được thiết lập; Định nghĩa khác nêu: Kiểm toán là thủ pháp xem xét và kiểm tra một cách khách quan về từng khoản mục bao gồm việc thẩm tra những thông tin đặc trưng được xác định bởi kiểm toán viên hoặc thiết lập bởi thực hành chung. Nói tổng quát, mục đích của kiểm toán là trình bày ý kiến hoặc đi đến kết luận về cái được kiểm toán. (Auditing - Theory & Practice của John Dunn, University of Strathclyde, Glasgow nhà xuất bản Prentice Hall).
Như vậy, các khái niệm trên phản ánh tương đối đầy đủ về các đặc trưng cơ bản của kiểm toán truyền thống đã phát triển lâu đời. Các khái niệm khẳng định rằng: Kiểm toán là sự kiểm tra và bày tỏ ý kiến về bản khai tài chính hoặc các tài khoản của một tổ chức, cơ quan, xí nghiệp; việc kiểm toán được thực hiện bởi kiểm toán viên có chuyên môn nghiệp vụ, độc lập; đánh giá mức độ trung thực, phù hợp của các thông tin so với các tiêu chuẩn đã được thiết lập; các thông tin kiểm toán được trình bày theo một cách thức nhất định. Các khái niệm đó mới chỉ tập trung ở việc kiểm toán các bản khai tài chính, mang tính truyền thống khi kiểm toán được xuất hiện. Ngày nay, khái niệm kiểm toán hết sức rộng mở, phát triển vượt ra ngoài khuôn khổ quan niệm truyền thống. Bằng chứng là kiểm toán ngày nay không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra các bản kê khai tài chính, các tài khoản... mà đã phát triển trên phạm vi rộng lớn. Thông qua hoạt động kiểm toán có thể kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật; nội quy, quy chế của mọi chủ thể kinh tế cũng như kiểm tra, giám sát vĩ mô tình hình phát triển của nền kinh tế; hiệu lực và hiệu quả quản lý các nguồn lực...
Ở Việt Nam, khái niệm kiểm toán mới xuất hiện vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, với sự ra đời của các công ty kiểm toán và tư vấn tài chính trực thuộc Bộ Tài chính. Ngày 11/7/1994 cơ quan Kiểm toán Nhà nước được thành lập đã ghi nhận một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống kiểm toán ở Việt Nam. Thuật ngữ kiểm toán đã được nhiều nhà kinh tế học bàn tới, trong đó, nổi bật là các khái niệm kiểm toán sau: theo giáo trình Lý thuyết kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế quốc dân quan niệm: " Kiểm toán là xác minh và bày tỏ ý kiến về thực trạng hoạt động được kiểm toán bằng hệ thống phương pháp kỹ thuật của kiểm toán chứng từ và ngoài chứng từ do các kiểm toán viên có trình độ nghiệp vụ tương xứng thực hiện trên cơ sở hệ thống pháp lý có hiệu lực" [1, tr.30]; quan niệm cho rằng kiểm toán không chỉ là bản khai tài chính mà là “ xác minh và bày tỏ ý kiến về thực trạng hoạt động”; đồng thời, khái niệm cũng đề cập đến việc sử dụng phương pháp kiểm toán khi kiểm toán viên thực thi nhiệm vụ. Học viện Tài chính Hà Nội lại nêu khái niệm: ''Kiểm toán là quá trình các chuyên gia độc lập và có thẩm quyền, có kỹ năng nghiệp vụ, thu thập và đánh giá các bằng chứng về các thông tin có thể định lượng của một đơn vị nhằm mục đích xác nhận và báo cáo về mức độ phù hợp giữa các thông tin này với các chuẩn mực đã được xây dựng'' [2, tr.5]. Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Kiểm toán là một quá trình do Kiểm toán viên đủ năng lực và độc lập tiến hành nhằm thu thập bằng chứng về những thông tin có thể định lượng của một tổ chức và đánh giá chúng nhằm thẩm định và báo cáo về mức độ phù hợp giữa những thông tin đó với các chuẩn mực đã được thiết lập” [3, tr.7].
Qua việc phân tích các khái niệm kiểm toán, có thể thống nhất với quan niệm kiểm toán của Học viện Tài chính Hà Nội, đây là khái niệm diễn đạt đầy đủ nội dung của hoạt động kiểm toán: Kiểm toán là một quá trình chứ không phải là một hoạt động đơn lẻ; quá trình đó phản ánh hoạt động của các chuyên gia độc lập, có thẩm quyền, có kỹ năng nghiệp vụ; thông qua hoạt động kiểm toán, các chuyên gia có thể thu thập, định lượng, đánh giá các thông tin về chủ thể kinh tế (so với chuẩn mực đã xác định) và có thể kiểm tra, kiểm soát được các hoạt động kinh tế cả ở tầm vi mô và vĩ mô. Quan niệm về kiểm toán như trên rất rộng mở về nội dung đã thoát ly được quan niệm truyền thống về kiểm toán, đó là chỉ kiểm tra các bản kê khai tài chính, các tài khoản mà đã phát triển việc kiểm toán tuân thủ các quy định của pháp luật; nội quy, quy chế của chủ thể kinh tế cũng như kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong việc quản lý các nguồn lực của một tổ chức, đơn vị, xí nghiệp.
Như vậy, Kiểm toán là quá trình các chuyên gia độc lập và có thẩm quyền, có kỹ năng nghiệp vụ, thu thập và đánh giá các bằng chứng về các thông tin có thể định lượng của một đơn vị nhằm mục đích xác nhận và báo cáo về mức độ phù hợp giữa các thông tin này với các chuẩn mực đã được xây dựng.
-----------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] GS.TS Nguyễn Quang Quynh (1998), Lý thuyết kiểm toán, Nxb Tài chính, Hà Nội.
[2] Trường Đại học Tài chính kế toán Hà Nội (2004), Kiểm toán, Nxb Tài chính, Hà Nội.
[3] Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (1997), Kiểm toán, Nxb Tài chính, thành phố Hồ Chí Minh.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: