SỰ THAY ĐỔI CỦA VĂN BẢN PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC THUẾ & KIỂM TOÁN VÀ NHỮNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÔNG TÁC GIẢNG DẠY CHUYÊN NGÀNH KẾ TOÁN – KIỂM TOÁN TẠI ĐẠI HỌC DUY TÂN
Tóm tắt
Quy định pháp lý về thuế và kiểm toán giúp điều chỉnh hoạt động thuế và kiểm toán diễn ra một cách trình tự và theo một cách nhất định để đảm bảo cung cấp thông tin tài chính kế toán có chất lượng cao cho các đối tượng sử dụng. Tại Việt Nam, hệ thống văn bản chi phối công tác thuế và kiểm toán bao gồm các cấp độ pháp lý được Nhà nước quy định để quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm soát và điều chỉnh tất cả các các nội dung trong hoạt động thuế và kiểm toán thuộc nhiều lĩnh vực và các thành phần trong nền kinh tế. Mặc khác, hệ thống các văn bản pháp lý về thuế và kiểm toán là công cụ hữu ích để nhà nước, quản lý, kiểm soát chất lượng thông tin kế toán tài chính ở các doanh nghiệp đồng thời cũng là công cụ để điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Do vậy những điều chỉnh về thuế và kiểm toán cũng mang tính tất yếu trong quá trình phát triển và hội nhập nền kinh tế thế giới. Phạm vi bài viết này sẽ tập trung vào một số vấn đề liên quan đến những cải cách về thuế và kiểm toán và những ảnh hưởng của nó đến công tác đào tạo và giảng dạy tại Đại học Duy Tân, nhằm đưa ra một số định hướng cơ bản cho việc hoàn thiện, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy công tác kế toán đáp ứng yêu cầu “đào tạo gắn liền với thực tiễn” ở Việt Nam hiện nay.
I. Tổng hợp một số thay đổi trong các văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực thuế và kiểm toán tại Việt Nam trong thời gian gần đây
1. Những cải cách trong lĩnh vực thuế và quản lý thuế.
Theo lộ trình cải cách thuế và hệ thống thu ngân sách nhà nướctừ năm 2011 tới năm 2020 (Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ). Mục tiêu tổng quát của chiến lược này là (1) Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, công bằng, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (2) Mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước; (3) Là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả; (4) Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiệu quả, công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đi kèm với đó là các mục tiêu cụ thể.
Theo đó, hầu hết các sắc thuế đều được sửa đổi, bổ sung và đi vào cuộc sống.Chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây từ 2011 đến nay, hệ thống văn bản Luật liên quan đến lĩnh vực thuế của Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới nhiều luật thuế như: Năm 2012 ban hành Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế TNCN (Luật số 26/2012/QH13ngày 26 tháng 11 năm 2012). Năm 2013, sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế TNDN (Luật số: 32/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013); sửa đổi bổ sung Luật thuế GTGT Luật số: 31/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013, Năm 2014, tập trung sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) Luật số: 70/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014, đặc biệt là Luật sửả đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế như Luật thuế TNDN, Luật thuế TNCN, Luật thuế tài nguyên, Luật quản lýthuế (Luật số 71/2014/QH13, ngày 26 tháng 11 năm 2014, luật này có hiệu thi hành từ ngày 01/01/2015. Đồng thời với sự thay đổi của các văn bản Luật, các văn bản pháp qui khác như Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện các văn bản Luật liên quan đến lĩnh vực thuế và quản lýthuế cũng đã có những thay đổi đáng kể. Có thể kể đến 1 số thay đổi chính sau:
- Một số thay đổi về chính sách thuế GTGT:
Ngày 10/10/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 151/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2014, hướng dẫn Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều tại các Nghị định quy định về thuế; Theo đó, việc cắt giảm, bỏ bớt những thủ tục hành chính thuế rườm rà không cần thiết, nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong việc thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) theo đúng quy định của Luật quản lý thuế mà Quốc hội đã ban hành như: Sửa đổi nguyên tắc chung về tính thuế, khai thuế; đối tượng khai thuế GTGT theo quý, thời kỳ khai thuế theo quý, Cách xác định doanh thu để xác định đối tượng khai thuế.
Ngày 27/02/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 26/2015/TT-BTC hướng dẫn nội dung về thuế giá trị gia tăng (GTGT), quản lý thuế và hóa đơn. Các nội dung mới của Thông tư lần này được sửa đổi, bổ sung nhằm hướng dẫn chi tiết một số Điều tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, nội dung mới sửa đổi, bổ sung về chính sách thuế GTGT liên quan đến Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính như sau: điều chỉnh, bổ sung về đối tượng không chịu thuế GTGT đối với các mặt hàng: Phân bón, Thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn cho vật nuôi khác, Tàu đánh bắt xa bờ, Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; Bổ sung cách xác định giá tính thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) trong 1 số trường hợp cụ thể; điều chỉnh bổ sung đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0%, 5%; Bổ sung cách xác định doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT vào công thức tính phân bổ để xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ; Bổ sung hướng dẫn về khấu trừ thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa chuyển sang đối tượng không chịu thuế GTG,…
- Một số thay đổi về chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Thông tư số 151/2014/TT-BTC hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm về chính sách thuế TNCN có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2014; Cụ thể như sau: Sửa đổi, bổ sung về khai thuế, quyết toán thuế TNCN đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh; Sửa đổi, bổ sung về các khoản thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà Người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức; Sửa đổi, bổ sung về trách nhiệm thi hành đối với trường hợp người sử dụng bất động sản do nhận chuyển nhượng trong khoảng thời gian từ ngày 01/07/1994 đến trước ngày 01/01/2009;
- Những sửa đổi, bổ sung quan trọng về chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Thông tư số 151/2014/TT-BTC cũng có những sửa đổi, bổ sung rất đáng quan tâm về thuế TNDN. Theo đó, một số nội dung chính sửa đổi, bổ sung như: Sửa đổi, bổ sung về phần trích khấu hao tương ứng với nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống; phần trích khấu hao đối với tài sản cố định (TSCĐ) là tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; điều chỉnh, bổ sung cách tính và xác định chi phí được trừ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Kể từ quý 4/2014 trở đi thì doanh nghiệp không phải kê khai đối với tờ khai thuế TNDN tạm tính, thay vào đó doanh nghiệp tạm nộp thuế TNDN và cuối năm thực hiện quyết toán thuế TNDN và DN sẽ bị xử phạt đối với số tiền chậm nộp(>20%)…
Nhìn chung, Việt Nam cơ bản đã xây dựng được một hệ thống quy định pháp luật về thuế quy chuẩn, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho các hoạt động của nền kinh tế và tài khóa quốc gia; tạo sự phù hợp của hệ thống thuế Việt Nam với thông lệ quốc tế, đảm bảo được tính tương thích với các nền kinh tế thị trường trong khu vực, hướng tới giai đoạn hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.
2. Một sốcải cách trong lĩnh vực kiểm toán
Điểm mốc cho sự cải tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực kiểm toán đó chính là sự ra đời của hệ thống chuẩn mực kiểm toán mới năm 2012 được ban hành kèm theo thông tư 214/2012/TT-BTC ngày 6 tháng 12 năm 2012. Sự ra đời của hệ thống chuẩn mực kiểm toán mới đánh dấu một bước phát triển mới của hoạt động kiểm toán Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Lần đầu tiên việc biên soạn chuẩn mực kiểm toán có sự tham gia chính thức của Hiệp hội nghề nghiệp kiểm toán Việtnam (VACPA) phù hợp với thông lệ quốc tế.
Gần đây nhất với sự ra đời của thông tư 157/2014/TT-BTC ban hành quy định kiểm soát chất lượng (KSCL) dịch vụ kiểm toán thay thế cho các nội dung liên quan đến KSCL đã được quy định tại Quyết định số 32/2007/QĐ-BTC ngày 15/05/2007. Sự ra đời của các thông tư mới đã góp phần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hơn hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán độc lập, và hứa hẹn sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ kiểm toán trong tương lai, tạo được sự tin cậy đối với người sử dụng dịch vụ cũng như những người quan tâm khác, đáp ứng được các điều kiện hội nhập của ngành nghề theo xu hướng quốc tế.
Sự ra đời của chương trình kiểm toán mẫu do hiệp hội nghề nghiệp ban hành theo Quyết định 1089/QĐ-VACPA ngày 1/10/2010 của Chủ tịch VACPA. CTKiT mẫu năm 2010 được xây dựng trên cơ sở các quy định của Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, kinh nghiệm thực hành kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán quốc tế và các doanh nghiệp kiểm toán lớn ở Việt Nam, các hướng dẫn chi tiết của VACPA và kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực kiểm toán tại Việt Nam. CTKiT mẫu đã nhận được sự đánh giá cao của các KTV và DNKiT. Đặc biệt sau khi hệ thống 37 chuẩn mực kiểm toán mới được ban hành, ngày 23/12/2013, Chủ tịch VACPA đã ký Quyết định số 368/QĐ-VACPA về việc ban hành Bộ CTKiT mẫu năm 2013, được xây dựng trên nền tảng Bộ CTKiT mẫu đã ban hành năm 2010, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số biểu mẫu cập nhật theo Hệ thống CMKiT Việt Nam mới.
Bộ chương trình kiểm toán mẫu gồm:
(1) Hồ sơ kiểm toán mẫu (cập nhật 2013);
(2) Tài liệu hướng dẫn thực hiện CTKiT mẫu (cập nhật 2013);
(3) Quyết định của Chủ tịch VACPA về việc ban hành “Chương trình kiểm toán mẫu. (cập nhật năm 2013).
Chương trình kiểm toán mẫu cập nhật năm 2013 được VACPA tiếp tục cung cấp miễn phí cho các hội viên, sinh viên, giảng viên và người quan tâm đến lĩnh vực kiểm toán.
Trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước với sự ra đời của Quyết định số 01/2014/QĐ-KTNN ban hành Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước số 30- Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng đánh dấu bước phát triển mới của kiểm toán trong lĩnh vực công.
Như vậy, trong xu thế toàn cầu hóa, tiến trình mở cửa và hội nhập của Việt Nam hiện nay không chỉ dừng lại ở các quan hệ giao dịch thương mại hàng hóa mà còn mở rộng đối với quan hệ cung cấp dịch vụ, trong đó có cả dịch vụ kế toán, thuế và kiểm toán và đào tạo kế toán, kiểm toán. Việc xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, thống nhất qua đó định hướng và đổi mới công tác đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng đang là một vấn đề hết sức cấp bách trong tình hình hiện nay.
II. Ảnh hưởng của những thay đổi pháp lý trong lĩnh vực thuế và kiểm toán đến công tác đào tạo và giảng dạy chuyên ngành kế toán – kiểm toán tại Đại học Duy tân.
1. Mục tiêu đào tạo và định hướng pháp triển công tác đào tạo chuyên ngành kế toán – kiểm toán tại Đại học Duy Tân
Với mục tiêu đào tạo của chuyên ngành kế toán – kiểm toán tại Đại học Duy Tân là nhằm đào tạo nguồn nhân lực ngành Kế toán - Kiểm Toán trình độ đại học có năng lực chuyên môn vững vàng, có bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng được nhu cầu nhân lực thực tiễn hiện nay. Trong đó, lấy môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý về kế toán, thuế và kiểm toán cùng thực tiễn nghiệp vụ là môi trường đào tạo chủ yếu. Cụ thể hóa 3 mục tiêu “ biết, hiểu và làm tốt” các công việc kế toán, thuế và kiểm toán trong tất cả các loại hình doanh nghiệp, cũng như có thể tiếp cận tốt công việc thực hành kiểm toán trong lĩnh vực kiểm toán độc lập, kiểm toán nhà nước. Đồng thời, trang bị đầy đủ kiến thức cơ sở để sinh viên tốt nghiệp có thể tiếp tục theo học các bậc đào tạo cao hơn hoặc đáp ứng yêu cầu các khóa học để đạt được các chứng chỉ nghề nghiệp tại Việt Nam và quốc tế như: Chứng chỉ hành nghề kế toán, Chứng chỉ kiểm toán viên, các khóa học CAT, ACCA, CFA, …
Từ đó cho thấy công tác đào tạo nguồn nhân lực đạt chất lượng cao trong lĩnh vực kế toán, thuế và kiểm toán đòi hỏi phải đứng trên các quan điểm sau:
+ Kế thừa chọn lọc khung pháp lý kế toán, thuế và kiểm toán hiện hành cho công tác kế toán, thuế và kiểm toán trong doanh nghiệp theo một chỉnh thế thống nhất, đồng bộ để xây dựng hành lang pháp lý đào tạo và giảng dạy dựa trên nền tảng lý thuyết chắc chắn và bám sát quy phạm pháp luật, chế độ mới nhất.
+ Tiếp cận các quy định và thông lệ quốc tế để hiện đại hóa khung pháp lý nhằm nâng cao tính hội nhập về kế toán, thuế và kiểm toán.
+ Công tác nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao kế toán, thuế, và kiểm toán phải phù hợp với đặc thù về quy mô, trình độ và yêu cầu quản lý của các doanh nghiệp.
+ Công tác đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán đảm bảo rèn luyệnđược những kỹ năng cơ bản của nghề nghiệp đồng thời rèn luyện tính cẩn thận, chu đáo, kỹ năng phân tích và xử lý các tình huống phát sinh trong kinh tế tài chính đặc thù.
Qua các quan điểm trên có thể nhận thấy được rằng để đào tạo người làm công tác kế toán, thuế và kiểm toán đòi hỏi người giảng dạy ngoài các tác phong sư phạm cần phải đảm bảo tiêu chí về kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng công cụ chung ngành kế toán, kiểm toán. Có khả năng làm việc độc lập, phát hiện giải quyết vấn đề, có năng lực thuần thục về kế toán, thuế và kiểm toán; có khả năng ngoại ngữ chuyên ngành, ứng dụng tin học hóa vào công tác chuyên môn, am hiểu quy trình về hạch toán kế toán, thuế, tài chính doanh nghiệp, kế toán quản trị, am hiểu chuẩn mực và chế độ. Nắm bắt các kiến thức bổ trợ pháp luật về kinh tế, kế toán, kiểm toán, thuế, đầu tư..
2. Đánh giá mức độ ảnh hưởng của những thay đổi pháp lý trong lĩnh vực thuế và kiểm toán đến công tác đào tạo và giảng dạy hiện nay ở Đại học Duy Tân
Có thể khẳng định với 20 năm xây dựng và phát triển, Duy Tân là một cơ sở đào tạo có uy tín, sản phẩm đào tạo luôn được đánh giá cao, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước và địa phương.
Xuất phát từ những thay đổi cơ bản trong chiến lược phát triển thuế, kế toán, kiểm toán đã được Chính phủ phê duyệt. Từ đó đặt ra các yêu cầu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực kế toán, thuế và kiểm toán tại Đại học Duy Tân cũng phải có những thay đổi tích cực như sau:
Thứ nhất, đối với việc xây dựng chương trình đào tạo:
Chương trình đào tạo được thiết kế đảm bảo tính chuyên sâu nghề nghiệp, thể hiện nghiêm túc phương châm “Học đi đôi với hành” và tập trung theo hướng Kế toán kết hợp với Kiểm toán, chuyên sâu về kế toán và trang bị bổ sung các kiến thức về thuế. Chương trình đào tạo được lồng ghép chặt chẽ giữa kiến thức lý thuyết và thực tế hoạt động kế toán, kiểm toán, thuế trong từng học phần, lồng ghép chặt chẽ giữa kiến thức kế toán, kiểm toán, tài chính và các kiến thức về phân tích hoạt động SXKD, phân tích báo cáo tài chính, phân tích và đánh giá rủi ro của các dự án đầu tư,… với phương pháp nghiên cứu các tình huống kinh doanh cụ thể. Người học được tham gia thảo luận, tham dự các buổi nói chuyện chuyên đề về thực tiễn hoạt động kế toán - kiểm toán trong từng học phần chuyên ngành, tham dự các buổi định hướng nghề nghiệp kế toán - kiểm toán với những chuyên gia đang thực hiện các công việc chuyên môn về kế toán và tại các tổ chức kiểm toán. Người học được cung cấp kỹ năng thực hành chuyên sâu các công việc kế toán, thuế và kiểm toán từ lập chứng từ, ghi sổ kế toán cho đến lập báo cáo tài chính và các báo cáo kế toán khác, trong các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau: sản xuất, kinh doanh thương mại, xây lắp, xuất nhập khẩu và lĩnh vực tài chính công; kỹ năng lập các tờ khai và báo cáo thuế hiện hành phù hợp với quy định pháp lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kỹ năng sử dụng thành thạo một số chương trình phần mềm kế toán phổ biến, phần mềm kê khai thuế cập nhật và có kỹ năng tư vấn về thuế cho việc ra các quyết định kinh doanh.
Chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán trong năm qua đã thực hiện điều chỉnh bổ sung các môn học cung cấp các kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu như: Kê khai và quyết toán thuế, tổ chức công tác kiểm toán, các môn học về hướng nghiệp, tranh tài giả pháp (PBL)….
Ngoài ra, chương trình đào tạo cũng được thiết kế một cách linh hoạt, đảm bảo cho người học hoàn toàn chủ động, có thể rút ngắn thời gian học tập và chuyển đổi linh hoạt giữa các chuyên ngành khác nhau thuộc khối ngành kinh tế, có thể dể dàng học liên thông giữa các bậc học và tiếp tục theo học các bậc đào tạo cao hơn.
Thứ hai, về công tác quản lýchất lượng đào tạo:
Từ năm 2012 khi chuyển đổi từ hình thức đào tạo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ, thực hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa Ban Giám hiệu, Khoa và Bộ môn trong công tác quản lýchất lượng đào tạo. Chương trình đào tạo sinh viên từng khóa, từng bậc được rà soát, điều chỉnh bổ sung hằng năm. Toàn bộ các môn học trong chương trình đào tạo chuyên ngành đều được xây dựng hệ thống đề cương tín chỉ chi tiết, được tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung định kỳ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy của từng môn học. Chẳng hạn đề cương môn học kiểm toán nội bộ được điều chỉnh, bổ sung trong năm 2014 là tập trung vào kiểm toán các hoạt động phi tài chính nhiều hơn làcác hoạt động tài chính để tách biệt với nội dung của môn Kiểm toán tài chính cũng như trang bị kiến thức kiểm toán đa ngành, đa lĩnh vực cho sinh viên. Đề cương tín chỉ môn kiểm toán căn bản cũng được biên soạn lại theo tinh thần cập nhật nội dung 37 chuẩn mực kiểm toán mới và hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Nghiên cứu đưa vào giảng dạy lần đầu tiên môn tổ chức công tác kiểm toán theo chương trình kiểm toán mẫu của VACPA ban hành năm 2013.
Bộ môn thường xuyên thực hiện việc kiểm tra chi tiết toàn bộ hệ thống bài giảng, bài tập, slide, giáo trình giảng dạy của giảng viên đồng thời hàng tháng đều có tổ chức dự giờ nhằm đảm bảo chuẩn xác về nội dung, phương pháp giảng dạy, về tính thực tiễn, hiện đại và không ngừng cập nhật hệ thống văn bản pháp lýliên quan trong từng môn giảng, từng nội dung giảng dạy của giảng viên.
Bởi lẽ để giảng dạy tốt thì một trong những yêu cầu đặt ra là giảng viên phải truyền đạt tốt và chuẩn xác những thông tin. Khi thông tin thay đổi yêu cầu giảng viên phải cập nhật đầy đủ, kịp thời.
Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được xúc tiến ở cả 2 đối tượng người dạy và người học. Các buổi sinh hoạt chuyên môn, học thuật trong môi trường chuyên sâu về lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế, …được tổ chức thường xuyên nên sớm hình thành thói quen, cách tiếp cận và tư duy định hướng nghề nghiệp cho cả người dạy và người học.
Thứ ba, về đổi mới phương pháp giảng dạy:
Đây là một vấn đề mang tính tất yếu trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán trong điều kiện hiện nay. Bởi kế toán - kiểm toán là một ngành học đòi hỏi người học luôn phải tiếp cận với tri thức hiện đại. Do vậy phương pháp đào tạo phải hướng đến rèn luyện cho người học đạt được những kỹ năng cơ bản như:
- Kỹ năng đọc, hiểu, vận dụng chế độ và chuẩn mực kế toán, thuế và kiểm toán vào hoạt động chuyên môn trong doanh nghiệp cụ thể.
- Kỹ năng phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh, kỹ năng phân tích báo cáo tài chính.
- Có khả năng đưa ra các quyết định liên quan đến kế toán tài chính, thuế và kiểm toán dựa trên các thông tin kế toán tài chính được cung cấp.
- Thành thạo Tin học văn phòng.
- Có khả năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, trong hoạt động chuyên môn
Trong quá trình học tập, sinh viên phải được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy tính tự chủ, độc lập, sáng tạo của mình để tiếp cận tri thức trong từng môn học.
Do vậy, khi nội dung giảng dạy thay đổi, tất yếu phương pháp giảng dạy phải thay đổi thích ứng. Chẳng hạn Phần mềm ứng dụng kê khai thuế thay đổi yêu cầu đặt ra đối với người dạy cần phải đổi mới phương pháp cho phù hợp: Cụ thể tất cả các phần mềm hổ trợ kê khai trước đây gần như tất cả các số liệu xử lý đều tự động, xong với phần mềm mới như hiện nay 3.3.1 Tổng cục thuế thả lỏng rất nhiều chỉ tiêu để cho doanh nghiệp tự quản lý công tác kế toán và kê khai thuế ở đơn vị mình, yêu cầu miễn sao doanh nghiệp nộp thuế đúng và đủ là được. Chính vì vậy yêu cầu người dạy phải vừa cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cơ bản trong xử lý phần mềm vừa tạo cho sinh viên những kiến thức khoa học xử lý tình huống thưc tế, đựa ra nhận định và xét đoán cá nhân phù hợp với qui định về thuế và kế toán hiện hành. Hay khi hệ thống chuẩn mực kiểm toán mới ban hành, có nhiều điểm mới so với hệ thống chuẩn mực kiểm toán đã được ban hành trước đây. Đòi hỏi người dạy phải gởi mở kiến thức để giúp người học so sánh được sự khác biệt trong chuẩn mực cũ và chuẩn mực mới, quy định cũ với quy định mới, đưa ra nhận định, lýdo của sự thay đổi đó….
Vì vậy, việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực: giảng dạy dưới dạng dự án dành cho một số môn chuyên ngành như kiểm toán tài chính, kiểm toán nội bộ, kiểm toán hoạt động; học tập theo nhóm để kiểm tra đánh giá chéo giữa các nhóm với nhau,…cũng được tích cực áp dụng trong quá trình giảng dạy của giảng viên.
III. Một số trao đổi và đề xuất của Bộ môn đối với BGH và Khoa về vấn đề đào tạo và quản lýchất lượng đào tạo tại Đại học Duy Tân
- Thứ nhất, Thực hiện liên kết với các đại lý thuế trên địa bàn thành phố để mở các lớp đào tạo ngắn hạn như: thực hành kê khai và quyết toán thuế, kế toán thuế ngắn hạn nhằm tăng cường sự sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn chuyên ngành nhằm cạnh tranh được với các cơ sở đào tạo ngắn hạn trên địa bàn thành phố hiện nay.
Với mô hình đào tạo này:
Bộ môn sẽ chịu trách nhiệm giảng dạy nội dung các học phần lý thuyết
Đại lý thuế sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn các học phần thực hành kế toán, thuế trong tất cả các loại hình doanh nghiệp như sản xuất, dịch vụ, thương mại, xây lắp.
-Thứ hai, tăng cường công tác quản l chất lượng đào tạo theo hướng chuyên sâu: giám sát chặt chẽ nội dung các buổi sinh hoạt học thuật chuyên môn, xây dựng tiêu chí thi đua của giáo viên hướng sâu hơn vào công tác chuyên môn như bỏ bớt các qui định về lượt đi thư viện, hiện nay số lượt thư viên của mỗi giảng viên là 4 lượt nên giảm xuống còn 2 lượt,
- Tạo điều kiện cho giảng viên ở các khoa và bộ môn được tiếp cận với hệ thống dữ liệu ở một số trang Web chuyên ngành như: hệ thống dữ liệu của đại học quốc gia,…….
- Giảm bớt số lượt cố vấn học tập và tăng cường yêu cầu về mặt chất lượng nội dung và thời gian mỗi lượt CVHT (hiện nay số lượt CVHT 8 lượt trên/tháng) giảm xuống 4 lượt nhưng tăng thời gian cố vấn mỗi lượt lên ít nhất 45 – 60 phút/lượt.
Tóm lại, việc đánh giá ảnh hưởng của những thay đổi pháp lý liên quan đến lĩnh vực thuế, kế toán và kiểm toán nói chung đến công tác đào tạo và giảng dạy tại Khoa Kế toán Đại học Duy Tân nói riêng và Đại học Duy Tân nói chung là vấn đề có tính cấp thiết cần được khẩn trưởng thực hiện thống nhất và có bước đi phù hợp. Một khi nhận định được ảnh hưởng của sử thay đổi này công tác đào tạo nguồn nhân lực kế toán – kiểm toán đạt chất lượng ở Đai học Duy tân sẽ ngày càng đạt kết quả cao hơn. Bài viết này cũng mong đóng góp một phần nhỏ vào công việc nói trên.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: