NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỂ NÂNG CAO TÍNH THỰC TIỄN TRONG QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC HIỆN NAY NHẰM ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỦA XÃ HỘI TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP
TS. Phan Thanh Hải
Trưởng khoa Kế toán – Đại học Duy Tân
Theo kết quả của nhiều cuộc điều tra được thực hiện trong những năm gần đây khi nghiên cứu về khả năng thích ứng của người Sinh viên mới tốt nghiệp Đại học, cao đẳng đối với công việc hiện tại ở các doanh nghiệp, có thể thấy được một thực tế đó là : hầu hết các doanh nghiệp đều phải bỏ ra những khoản chi phí lớn để thực hiện quá trình đào tạo và đào tạo lại những “nhân viên mới” này. Hay nói cách khác, tính thực tiễn của những tân cử nhân, kỹ sư, bác sỹ, y tá…mới ra trường so với mức độ kỳ vọng về sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp đang còn ở mức khá khiêm tốn.
Nguyên nhân của thực trạng trên thì có nhiều tuy nhiên trong phạm vi của bài viết này tác giả chỉ xin nói đến một nguyên nhân chính, chủ yếu nhất đó là công tác đào tạo của các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng…của chúng ta hiện nay. Trong nội dung của công tác đào tạo, theo tác giả có những tồn tại cụ thể như sau :
Thứ nhất, Chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo còn chưa gắn liền với thực tiễn xã hội
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, chúng ta có thể thấy rất rõ sự thay đổi và phát triển nhanh chóng cả về quy mô lẫn chất lượng của nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao trong xã hội. Việc doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra hàng chục ngàn đôla mỗi tháng và các chính sách đãi ngộ cao để tuyển dụng và mời về làm việc những nhân viên có kinh nghiệm thực tiễn là điều không còn gì quá xa lạ. Thế nhưng để trả cho những tân sinh viên mới ra trường mức lương vài triệu đồng một tháng có rất nhiều nhà quản lý tại các doanh nghiệp vẫn phải cân nhắc và suy nghĩ. Nguyên nhân cũng chỉ bởi qua kiểm tra sơ bộ thì đa phần các kiến thức và các kỹ năng mà người “nhân viên mới” này được trang bị đã trở nên quá cũ và lạc hậu so với bối cảnh công việc và sự phát triển của xã hội, cùa doanh nghiệp.
Bỏ qua những nguyên nhân chủ quan khác về phía thái độ và nhận thức của người sinh viên khi đang còn ngồi trên ghế giảng đường đại học thì một phần nguyên nhân chủ yếu đó là xuất phát từ sự thụ động và chậm trễ trong việc thay đổi và cập nhật khung chương trình đào tạo.
Kiến thức là nhiều trường Đại học, Học viện, cao đẳng…ở nước ta truyền đạt cho những sinh viên đã và đang theo học là những kiểu kiến thức cơ sở nặng về trường phái giáo dục hàn lâm thay vì trường phái “cầm tay chỉ việc” như đối với các chương trình giáo dục tiên tiến.
Học quá nhiều môn học hàng tuần; bội thực bởi những thuật ngữ, khái niệm nhưng lại thiếu những giờ thực hành, thao tác trên các máy móc, phương tiện làm việc, thiếu sự suy nghĩ và làm việc độc lập trong cách giải quyết các tình huống thực tế …đang là thực tế đào tạo của không ít cơ sở đào tạo hiện nay.
Chúng ta hãy thử làm một phép thử đơn giản mà xem : trong số các sinh viên năm cuối khoa kế toán của một trường đào tạo, liệu có bao nhiêu bạn có thể viết được một thư đòi nợ khách hàng chuẩn xác, một hợp đồng kinh tế chuẩn mực; có bao nhiêu bạn biết cách thao tác với các công cụ làm việc văn phòng hữu ích như máy fax, máy photocopy….v..v..
Tất cả những thực trạng kể trên không thể phụ nhận một vấn đề đó là khung chương trình đào tạo của nhiều cơ sở đào tạo hiện nay vẫn còn chậm trễ trong việc thay đổi, cập nhật và bắt kịp với yêu cầu đỏi hỏi của xã hội mà cụ thể là các doanh nghiệp trên thực tế.
Thứ hai, Đội ngũ nhà giáo còn trẻ và thiếu kinh nghiệm nghiên cứu, làm việc
Theo thống kê của Bộ giáo dục đào tạo từ năm 1987 cho đến nay số lượng trường Đại học, cao đẳng đã tăng gấp 3,7 lần, số người tốt nghiệp ra trường tăng 11 lần nhưng đội ngũ nhà giáo chưa có sự phát triển tương xứng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ngoại trừ các trường Đại học, học viện, cao đẳng ra đời và phát triển sớm thì hầu hết các giảng viên của các cơ sở đào tạo ở Việt Nam chúng ta đều có tuổi đời còn rất trẻ.
Sự năng động và nhiệt tình, sáng tạo của các giảng viên trẻ là điều rất đáng ghi nhận tuy nhiên có thể thấy rằng nó không đủ mạnh để khỏa lấp được sự thiếu kinh nghiệm trong làm việc và nghiên cứu.
Với đặc thù của ngành nghề đào tạo đặc biệt trong giai đoạn chuyên ngành thì tất cả các giảng viên tham gia trực tiếp giảng dạy đòi hỏi phải có kiến thức thực tế sâu rộng, khả năng NCKH tốt để có thể cung cấp cho người sinh viên nhưng giờ giảng có chất lượng thay vì như thực tế hiện nay rất nhiều giảng viên phần lớn đều là những sinh viên khá, giỏi được giữ lại trường; chưa được trau dồi và cọ xát với thực tế công tác ở các doanh nghiệp cụ thể. Chính vì vậy họ chỉ cung cấp cho sinh viên những giờ học hàn lâm nặng về hàm lượng lý luận chứ không có hoặc có rất ít những tình huống và quy trình thao tác thực tế.
Trong quá trình tự đánh giá nội bộ thì không hề thiếu những trường hợp như là giảng viên dạy về Thuế nhưng lại chưa cập nhật những sắc thuế mới nhất; giảng viên giảng dạy về Kế toán nhưng lại chưa thể sử dụng thành thạo một phần mềm kế toán chuyên ngành; giảng viên dạy về Kiểm toán quy trình nhưng chưa từng kinh qua một cuộc kiểm toán thực tế..v..v…
Qua phân tích một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng tính thực tiễn của công tác đào tạo của các cơ sở đào tạo còn chưa cao, tác giả bài viết mạnh dạn nêu ra một số các giải pháp như sau :
1. Các giải pháp đối với các cơ sở đào tạo :
+ Các cơ sở đào tạo phải xây dựng cho được khung chương trình chuẩn trong quá trình đào tạo trong đó nêu rõ chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra của sinh viên ở tất cả các ngành được Bộ giáo dục cho phép tuyển sinh và đào tạo.
+ Định kỳ, cơ sở đào tạo nên lập kế hoạch và tự tổ chức thực hiện quy trình rà soát lại khung chương trình đào tạo thông qua ý kiến của người học, giảng viên tham gia giảng dạy.
+ Định kỳ nên thuê các doanh nghiệp lớn và có uy tín về sử dụng nhân lực khảo sát và đánh giá mức độ phù hợp giữa thực tế công tác đào tạo với yêu cầu của doanh nghiệp. Việc làm này trên thực tế đã có nhưng chưa thực sự chất lượng vì hầu hết các doanh nghiệp và đơn vị chưa đầu tư nhiều vào chất lượng của các ý kiến đóng góp.
+ Nghiên cứu và ban hành các chuẩn giảng viên, rà soát và giám sát quá trình biên soạn bài giảng, giảng dạy trên giảng đường đối với các giảng viên đặc biệt là các giảng viên có tuổi đời trẻ, thâm niên trong nghiên cứu và thực tế chưa cao.
+ Đa dạng hóa các hình thức giảng dạy, đánh giá sinh viên gắn với các tình huống, các bài tập nhóm cụ thể.
+ Đổi mới quy trình và có biện pháp giám sát cụ thể đối với thời gian thực tập, kiến tập tại các doanh nghiệp thực tế của sinh viên.
+ Tăng cường công tác quan hệ doanh nghiệp, mời các nhà quản lý, các chuyên viên có thâm niên đồng hướng dẫn các đồ án, các khóa luận tốt nghiệp cho SV trong đó phần cơ sở lý luận do giảng viên hướng dẫn; phần thực trạng do các nhà quản lý, chuyên viên ở doanh nghiệp hướng dẫn…
+ Định kỳ thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên môn, các buổi tư vấn kỹ năng, giao lưu sinh viên với doanh nghiệp.
2. Giải pháp đối với Bộ giáo dục đào tạo;Hiệp hội nghề nghiệp; Các doanh nghiệp sử dụng lao động :
+ Nghiên cứu và phối hợp soạn thảo tiến đến ban hành các văn bản lấy ý kiến đóng góp rộng rãi về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra của sinh viên ở tất cả các chuyên ngảnh đào tạo. Trong đó ý kiến của Hiệp hội nghề nghiệp đối với chuẩn đầu ra là cực kỳ quan trọng.
+ Định kỳ hoặc bất thường Bộ giáo dục nên phối hợp với Hiệp hội nghề nghiệp, các Doanh nghiệp tham gia thực hiện công tác kiểm soát chất lượng đào tạo; trong đó chú trọng đánh giá tính đổi mới, tính phù hợp của chương trình đào tạo đối với nhu cầu thực tiễn của xã hội.
+ Ban hành các văn bản quy định về điều kiện, phạm vi, nghĩa vụ có liên quan đến việc cho phép thực tập sinh là sinh viên làm việc thực tế tại các doanh nghiệp
+ ……
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: