Kinh nghiỆm quỐc tẾ vỀ phát triỂn dỊch vỤ ngân hàng hỖ trỢ doanh nghiỆp vỪA và nhỎ và bài hỌc cho ViỆt nam
Dịch vụ ngân hàng được coi là huyết mạch cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong toàn bộ quá trình phát triển, từ khâu khởi sự, đi vào hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế.
1. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển dịch vụ ngân hàng hổ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ:
Các ngân hàng thương mại nhìn chung có xu hướng ưu tiên cho vay đối với các doanh nghiệp lớn vì các doanh nghiệp này có thể đưa ra các kế hoạch kinh doanh tốt hơn, đã được đánh giá tín nhiệm và có thể cung cấp các thông tin tài chính tin cậy hơn.
Tại nhiều nơi trên thế giới, khi các ngân hàng cho vay tới các DNVVN thường kèm theo xu hướng tính thêm khoản phí dựa trên tính toán về các rủi ro có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp này.
Nhiều chính phủ và tổ chức tài chính quốc tế đang nỗ lực xem xét những vấn đề cơ bản trong việc tiếp cận tài chính của các DNVVN (vấn đề rủi ro và chi phí giao dịch cao) trên cơ sở đó xem xét khả năng tạo ra các chương trình tín dụng ưu đãi hoặc bảo lãnh cho vay.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp các chương trình này có thể dẫn đến việc mất khả năng hoàn trả khoản vay hoặc khoản vay không tới được nhóm đối tượng mong muốn.
Tại Châu Phi, ví dụ của các chương trình thất bại nói trên có thể kể đến là các chương trình tín dụng tại Sahara-Châu Phi vào đầu những năm 1980 do các tổ chức tài chính phát triển đưa ra. Mục tiêu ban đầu của các chương trình này là cung cấp các khoản tín dụng dài hạn và các dịch vụ tài chính cho các lĩnh vực ưu tiên ở nông thôn. Trong các chương trình này các chính sách được áp dụng bao gồm can thiệp của chính phủ đối với các dòng tín dụng thông qua một hệ thống các khoản tài trợ, áp dụng lãi suất trần, phân bổ tín dụng… Do vậy, các ngân hàng không có động lực trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như năng lực đánh giá rủi ro và giám sát các khoản vay. Tất cả các yếu tố nói trên làm cho kết quả kinh doanh của các ngân hàng này có xu hướng xấu đi. Tại một số quốc gia trong ví dụ này, tỷ lệ các khoản vay không hoạt động đã đạt tới 90% tổng số các khoản cho vay của ngân hàng.
Tại Mỹ và các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu, các chuyên gia đã đưa ra các nhận định và bài học bao gồm:
- Các ngân hàng cần cung cấp và phát triển các dịch vụ ngân hàng phục vụ các DNVVN đồng thời phải tính đến rủi ro và các khoản chi phí liên quan tới việc cung cấp các dịch vụ này
- Một số lượng lớn các ngân hàng hoạch định các chiến lược riêng biệt để phục vụ các DNVVN. Các chiến lược này có đặc điểm là nhằm vào việc chuyển hướng từ việc tập trung phát triển các sản phẩm đơn lẻ sang việc cung cấp các nhóm dịch vụ chuyên cho các DNVVN
- Các chiến lược trên đây trên thực tế đã đảm bảo việc cải thiện các mối quan hệ giữa các ngân hàng với các DNVVN và qua đó tăng hiệu quả (lợi nhuận) của việc cung cấp dịch vụ cho nhóm doanh nghiệp này.
Các giải pháp đã được các ngân hàng trong khối này áp dụng để phục vụ tốt hơn các DNVVN bao gồm:
· Giảm thiểu tình trạng thiếu thông tin về các DNVVN và rủi ro thông qua:
+ Việc sử dụng hệ thống tính điểm tín dụng;
+ Sử dụng thông tin do bên ngoài cung cấp;
+ Đánh giá rủi ro đối với người chủ DNVVN;
+ Xây dựng hệ thống chi phí và giá trên cơ sở mức độ rủi ro;
+ Chia sẻ rủi ro với bên thứ ba;
+ Thiết lập các bộ phận chuyên hỗ trợ cho các nhóm doanh nghiệp có độ rủi ro cao, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập
· Giảm chi phí cho vay thông qua:
+ Việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại;
+ Xây dựng cơ cấu tổ chức phù hợp và đơn giản hoá thủ tục cho vay;
+ Phát triển các sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của các DNVVN;
+ Cải tiến việc cung cấp các dịch vụ cho các DNVVN thông qua đào tạo các nhân viên ngân hàng và phân khúc các nhóm khách hàng;
+ Hợp tác với các tổ chức của DNVVN và các tổ chức cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh để giảm rủi ro và chi phí cũng như tích hợp các dịch vụ tài chính và phi tài chính
Bên cạnh đó, để các ngân hàng có thể hạn chế việc thiếu thông tin về các DNVVN và tăng cường quản trị rủi ro trên thực tế đã nảy sinh nhu cầu có hai hệ thống hạ tầng bao gồm:
- Các ngân hàng cần phải có bộ máy và cơ chế hiệu quả để có thể xử lý và phân tích số lượng lớn các thông tin dữ liệu để hỗ trợ quá trình ra quyết định
- Cần thiết phải có một hệ thống hạ tầng phù hợp cho toàn bộ thị trường tài chính để có thể đưa ra các thông tin tài chính tin cậy và đúng lúc
Về thông tin tài chính tin cậy của các DNVVN,một trong số các nguyên nhân các ngân hàng do dự khi cho vay đối với các DNVVN là việc các tổ chức này không thể đánh giá hết các rủi ro bởi việc thiếu các thông tin tài chính tin cậy. Tại các thị trường tài chính ổn định và phát triển các nhà cung cấp tín dụng thường đòi hỏi các thông tin tài chính rõ ràng, tin cậy. Các thông tin càng đầy đủ thì chi phí tiếp cận vốn càng thấp. Các thông tin này được thể hiện qua các báo cáo tài chính và tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc gia hoặc thậm chí là các tiêu chuẩn quốc tế.
Các ngân hàng và các tổ chức liên quan thậm chí trong một số trường hợp còn yêu cầu bổ sung thêm các thông tin bên cạnh các thông tin đã được công bố rộng rãi. Bên cạnh đó các nhà phân tích tài chính, các tổ chức định mức tín dụng và các tổ chức cung cấp thông tin về doanh nghiệp cũng có thể cung cấp thông tin cho các nhà cung cấp tín dụng.
Tuy nhiên, tại các nền kinh tế phát triển như Liên minh Châu Âu và Mỹ thì các DNVVN cũng không buộc phải thông báo kết quả kinh doanh theo một chuẩn chung nếu các doanh nghiệp này chưa đạt đến một ngưỡng nhất định về giá trị tài sản, doanh số hoặc số lượng lao động. Điều đó cũng có nghĩa là nhiều DNVVN hiện không có các thông tin tài chính tin cậy để các nhà đầu tư và cung cấp tín dụng có thể sử dụng được. Do vậy các nhà cung cấp dịch vụ buộc phải tự xác định cho mình các thông tin nào là cần thiết và qua đó đặt gánh nặng lên vai các DNVVN buộc phải tuân thủ các cách thức báo cáo khác nhau.
Một điểm khá quan trọng là bản thân phần lớn các DNVVN cũng không xây dựng cho mình các thông tin tài chính cơ bản để người chủ doanh nghiệp có thể quản lý doanh nghiệp mình một cách có hiệu quả.
Sau khi xem xét các khó khăn và nguyên nhân DNVVN gặp phải trong quá trình xây dựng hệ thống thông tin tài chính đáng tin cậy, tại Mỹ và EU nhóm công tác liên chính phủ (ISAR-Intergovernmental Working Group of Experts on International Standards of Accounting and Reporting) đã định ra các đặc thù đối với một hệ thống kế toán của các DNVVN. Các đặc thù này bao gồm: dễ sử dụng, linh hoạt, biểu mẫu chuẩn chung và nhất quán theo các phương thức kế toán đang được áp dụng rộng rãi. Một hệ thống như trên chắc chắn sẽ giúp giảm sự mất cân xứng về thông tin và cung cấp các thông tin quản lý hữu ích cho người chủ doanh nghiệp.
Hiện nay các phương pháp mới do các tổ chức tài chính áp dụng để đánh giá và xếp hạng tín dụng đã vô hình chung bao hàm việc tồn tại các thông tin tài chính tin cậy. Điều kiện tiên quyết để vận hành các phương pháp trên nhằm giảm các chi phí giao dịch và rủi ro chính là các thông tin kế toán đáng tin cậy. Các thông tin này có thể được các DNVVN cung cấp với điều kiện là các đòi hỏi về kế toán và báo cáo phải tính đến các hình thức giao dịch phổ biến của các DNVVN cũng như khả năng và đặc thù quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp này.
Tại Đài loan, Ngân hàng Hợp tác Đài loan (TCB) trong một thời gian dài đã cung cấp nhiều loại dịch vụ tài chính cho DNVVN Đài Loan, bao gồm cho vay và tư vấn tài chính. Những doanh nghiệp được Ngân hàng Hợp tác Đài loan hỗ trợ, cùng với nỗ lực của bản thân họ đã có khả năng cạnh tranh vững mạnh ở thị trường trong nước và nước ngoài. Sau khi sáp nhập với Ngân hàng Nông nghiệp Trung quốc ngày 1/5/2006, Ngân hàng Hợp tác Đài loan là ngân hàng thương mại lớn nhất tại Đài Loan, và lớn thứ 8 tại Châu Á.
Với các yếu tố quan trọng như mở rộng hoạt động kinh doanh của ngân hàng, củng cố kênh dịch vụ và tạo quy mô kinh tế, Ngân hàng Hợp tác Đài loan (TCB) không chỉ giúp tăng hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của mình mà còn tăng cường dịch vụ cho DNVVN.
Các rào cản trong việc vay vốn đối với DNVVN tại Đài Loan phải kể đến:
- Thiếu tài sản đảm bảo
- Thông tin tài chính và kế toán chưa minh bạch
- Một số chủ DNVVN có khuynh hướng sử dụng nguồn lực của gia đình để điều hành việc kinh doanh
- Để trốn thuế một số DNVVN “chế biến” thông tin kế toán của họ bằng cách giảm thiểu lợi nhuận
- Nội dung của các báo cáo tài chính được công bố thường không phải là các tài liệu tham chiếu có ý nghĩa. Không có thông tin tài chính chính xác đồng nghĩa với việc không thể đưa ra thông tin chuẩn cho những người điều hành trong việc kiểm soát quản lý và lập kế hoạch. Tình trạng thiếu thông tin tài chính minh bạch và chính xác làm tăng sự nghi ngờ từ phía nhà cung cấp vốn, làm cho DNVVN gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn vay. Nếu DNVVN không có khả năng cải thiện hệ thống tài chính và kế toán cũng như tăng tính minh bạch đối với các thông tin tài chính của họ, thì điều dễ nhận thấy là các ngân hàng sẽ tăng trọng số rủi ro đối với với các doanh nghiệp này, và kết quả là các doanh nghiệp này gặp khó khăn hơn trong việc nhận vốn vay.
- Những người điều hành DNVVN thường không có khái niệm về dòng lưu chuyền tiền tệ để lập kế hoạch tài chính. Hầu hết chủ doanh nghiệp tại Đài Loan chỉ có kinh nghiệm về sản xuất hoặc bán lẻ, như vậy vẫn chưa đủ đế giúp họ điều hành doanh nghiệp. Trong môi trường thay đổi nhanh chóng khả năng điều chỉnh để thích nghi vẫn chưa theo kịp hoàn cảnh.
- Cải thiện các báo cáo tài chính của DNVVN và tăng độ minh bạch đối với các thông tin tài chính
- Bổ sung kiến thức tài chính và khả năng lập kế hoạch tài chính cho chủ DNVVN và nhân viên kế toán
- Giúp DNVVN hiểu được các quy trình và tiêu chuẩn đánh giá rủi ro tín dụng
Ngoài việc duy trì uy tín về kết quả hoạt động và hồ sơ tín dụng cũng như chuẩn bị các kế hoạch tài chính và kế hoạch trả nợ phù hợp, việc phải làm trong tương lai đối với các DNVVN là tham gia vào việc lập kế hoạch chiến lược một cách năng động và hệ thống chứ không phản ứng một cách thụ động, nhằm tăng cường khả năng lập kế hoạch tài chính để có thể sử dụng vốn một cách hiệu quả.
Nhằm khuyến khích việc thiết lập quan hệ dài hạn giữa các ngân hàng và DNVVN, Đài Loan đã khởi xướng một một dự án đặc biệt vào ngày 1/7/2005 với tiêu đề “Ngân hàng địa phương tăng vốn vay cho DNVVN”, với mục tiêu ban đầu là các ngân hàng trong nước giải ngân số vốn vay 6,24 tỷ USD cho DNVVN từ tháng 6/2005 đến tháng 6/2006. Kết quả hoạt động của từng ngân hàng sẽ được đánh giá làm cơ sở để đưa ra những phần thưởng tương ứng cho các ngân hàng. Dự án này sẽ được triển khai trong 3 năm, trong đó thực tiễn và nội dung hoạt động sẽ được xây dựng và rà soát lại trên cơ sở hàng năm.
Ngoài việc củng cố hoạt động kinh doanh thông qua các khoản cho vay doanh nghiệp lớn và bảo hiểm, Ngân hàng Hợp tác Đài loan còn nhận nhiệm vụ dành riêng một phần vốn của mình để thúc đẩy DNVVN phát triển, thông qua các quĩ như Quỹ phát triển DNVVN…
Đối với những DNVVN có tiềm năng nhưng thiếu tài sản đảm bảo, Ngân hàng Hợp tác Đài loan giúp họ có được bảo lãnh từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNVVN để giúp họ có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.
Nhằm hỗ trợ DNVVN phản ứng với môi trường kinh tế thường xuyên thay đổi, Ngân hàng Hợp tác Đài loan đã giới thiệu một sản phẩm tài chính mới - Những khoản cho vay có giá trị nhỏ cho DNVVN- theo đó đơn xin vay và quy trình đánh giá được đơn giản hoá. Sản phẩm mới này được thiết kế nhằm giúp DNVVN dễ tiếp cận vốn vay nhờ đó có thể mở rộng diện khách hàng và tăng lợi nhuận cho ngân hàng.
Về thủ tục và qui trình cho vay:
- Đơn xin vay và quy trình đánh giá được đơn giản hoá. Các món vay có thể được giải ngân trong vòng 3 ngày kể từ khi nộp tất cả các giấy tờ được yêu cầu
- Sử dụng hệ thống tính điểm để đánh giá uy tín của khách hàng bằng việc xem xét các nhân tố bao gồm khoảng thời gian kể từ khi thành lập, hồ sơ tín dụng, năng lực của đơn vị bảo lãnh, và hồ sơ giới thiệu về doanh nghiệp để xác định giá trị của khoản vay có thể cấp cho khách hàng với cách thức tương tự như sản phẩm ngân hàng tiêu dùng.
- Phối hợp với Quỹ bảo lãnh Tín dụng DNVVN để một mặt giải quyết tình trạng thiếu tài sản đảm bảo của người xin vay vốn, và mặt khác là phân tán rủi ro tín dụng
- Quy định mức trần cho vay để có thể kiểm soát được rủi ro của khoản vay. Trong trường hợp quá hạn, chủ DNVVN có khả năng trả nợ dưới hình thức trả góp.
Kể từ khi khai trương sản phẩm này (những khoản cho vay có giá trị nhỏ cho DNVVN) vào ngày 15/9/2004, Ngân hàng Hợp tác Đài loan đã thu hút được 7.167 khách hàng. Cho đến cuối tháng 5/2006, tổng số món vay đã giải ngân là 178,15 triệu USD, trung bình một món vay cho một khách hàng là 25.000 USD. Điều này làm giảm rủi ro của chủ nợ. Đặc biệt là với mức lãi suất năm là 6,3% là mức cao hơn so với mức lãi suất áp dụng cho doanh nghiệp lớn, lợi nhuận của ngân hàng cũng tăng lên đáng kể.
Về nợ quá hạn, do sử dụng hệ thống tính điểm tín dụng theo đó những khách hàng không đủ tiêu chuẩn sẽ bị loại nên chỉ có một số lượng nhỏ món vay bị quá hạn. Cho đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, ở mức khoảng 1%. Đây là mức thấp hơn so với tiêu chuẩn trung bình.
2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:
Tóm lại, từ các phân tích và so sánh trên đây chúng ta có thể thấy rằng các kinh nghiệm và giải pháp thực tiễn từ các nền kinh tế (trong đó có các nền kinh tế có nhiều điểm tương đồng với Việt nam) có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:
Hệ thống các dịch vụ ngân hàng hỗ trợ DNVVN cần phải hướng tới mục tiêu giúp các DNVVN phát triển và phát triển bền vững. Các dịch vụ này phải được xây dựng trên một nền tảng các quy định pháp lý đồng bộ trong đó Luật Các tổ chức tín dụng là then chốt, tuy nhiên việc đồng bộ hoá các quy định pháp lý liên quan cũng đóng vai trò quan trọng.
- Trước hết đó là việc các ngân hàng thương mại nâng cao hiệu quả kinh doanh thông qua áp dụng hệ thống quản lý hiện đại, tiên tiến và áp dụng các công nghệ mới để có thể cung cấp dịch vụ tới các DNVVN với chi phí hợp lý. Bản thân mỗi ngân hàng thương mại sẽ có các chiến lược khách hàng khác nhau với tỉ lệ DNVVN khác nhau. Một số ngân hàng có thể duy trì chiến lược tập trung phần lớn nguồn lực phục vụ cho các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là với số lượng đông đảo các DNVVN đang trên đà gia tăng như hiện nay thì hầu hết các ngân hàng thương mại trong nước sẽ coi các DNVVN là đối tượng phục vụ quan trọng. Kể cả các ngân hàng nước ngoài hiện nay chưa coi trọng việc phục vụ các DNVVN là ưu tiên hàng đầu thì trong thời gian tới các ngân hàng này chắc chắn cũng sẽ lựa chọn cho mình một nhóm các khách hàng là các DNVVN có uy tín, kinh doanh hiệu quả và đem lại lợi nhuận cao cho ngân hàng.
- Việc đưa ra các dịch vụ được tiêu chuẩn hoá với các quy trình rõ ràng, đơn giản sẽ là mục tiêu cấp thiết đối với các ngân hàng trong việc cạnh tranh lẫn nhau để phục vụ các DNVVN. Bên cạnh đó, sẽ xuất hiện xu hướng các ngân hàng thương mại đưa ra các “gói dịch vụ” hay tập hợp các giải pháp cho các DNVVN. Các khoản tín dụng nhỏ với các quy trình thủ tục đơn giản sẽ là một trong những dịch vụ hấp dẫn cho các DNVVN. Các nền kinh tế thành công trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các DNVVN luôn đưa các chương trình tín dụng nhỏ cho các DNVVN với các qui trình được chuẩn hoá và đơn giản hoá ở mức tối đa có thể.
- Quản trị rủi ro xét từ phía ngân hàng và DNVVN sẽ đóng vai trò cốt lõi trong thời gian tới. Nếu chỉ một bên quản lý rủi ro tốt thì việc cung cấp dịch vụ cho các DNVVN cũng khó được tiến hành (ví dụ như ngân hàng không thể thẩm định được các khoản vay hoặc các DNVVN không tính hết các rủi ro trong các dự án đầu tư xin vay vốn) hoặc ít nhất cũng kéo theo các chi phí dịch vụ cao mà các DNVVN với tiềm lực tài chính hạn chế khó có thể tiếp cận được.
- Về phía các DNVVN thì quản trị doanh nghiệp nói chung hay quản trị tài chính nói riêng sẽ là cơ sở để doanh nghiệp phát triển cũng như tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng một cách có hiệu quả. Nếu doanh nghiệp không có hệ thống báo cáo tài chính minh bạch theo tiêu chuẩn thì bản thân họ cũng không thể quản lý tốt doanh nghiệp mình cũng như tiếp cận vốn và thu hút đầu tư.
- Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, bên cạnh việc xây dựng một hệ thống quy định pháp lý chung tuân thủ theo các cam kết quốc tế của Việt Nam thì việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kế toán và báo cáo tài chính phù hợp với đặc thù của DNVVN sẽ góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp này nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng tiếp cận các nguồn tài chính và phát triển.
Tài liệu tham khảo:
1. Kỷ yếu hội thảo (2006), Diễn đàn đầu tư và hỗ trợ DNVVN Châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh tháng 10/2006
2. Hatice Jenkins (2000), Commercial Bank Behaviour in Micro and Small Enterprise Finance, Development Discussion Papers, Harvard Institute for International Developments, Harvard University
3. UJF Institute (2003), Supporting SMEs and Entrepreneurs through Institutional Network: Emerging Japanese Practices and Implications for South-East Asia.
3. United Nation Conference on Trade and Development (2001), Improving the competitiveness of SMEs in developing countries-the role of finance to enhance enterprise development, New York and Geneva.
4. World Bank (2005), Role of Factoring for Financing Small and Medium Enterprises, World Bank Policy Research Working Paper.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: