HỘI NHẬP TRONG LĨNH VỰC DỊCH VỤ KẾ TOÁN CỦA VIỆT NAM – THỰC TRẠNG VÀ THÁCH THỨC KHI HỘI NHẬP VỚI KINH TẾ QUỐC TẾ
Ở bất kỳ quốc gia nào, trong điều kiện hiện nay thì việc phát triển dịch vụ kế toán luôn là một trong những yêu cầu cấp thiết bởi vì đây là một dịch vụ sử dụng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có vai trò quan trọng trong việc góp phần làm minh bạch hóa môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quá trình sản xuất cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả.
Nội dung bài viết này nhằm đưa ra những đánh giá liên quan đến thực trạng của quá trình hội nhập dịch vụ kế toán tại Việt Nam thời gian qua; đồng thời nêu ra các thách thức cơ bản mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian sắp đến trong bối cảnh đòi hỏi phải chủ động và hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế quốc tế. Trong khuôn khổ bài viết này tác giả cũng đưa ra một số các đề xuất và kiến nghị để thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập dịch vụ này tại Việt Nam trong tương lai.
Từ khóa : hội nhập, dịch vụ kế toán, hiệp định,kinh tế quốc tế, kế toán viên hành nghề
Từ trước cho đến nay vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế đối với dịch vụ kế toán tại các quốc gia nói chung và ở các nước đang phát triển như Việt Nam nói riêng đã được nhiều tác giả thực hiện và công bố trên nhiều công trình nghiên cứu. Nghiên cứu sớm nhất được công bố là của tác giả Hugh A.Adams và Đỗ (2005) khi đề cập đến vấn đề Hội nhập với các nguyên tắc kế toán và kiểm toán quốc tế của Việt Nam giai đoạn trước năm 2005. Các nghiên cứu tiếp theo của các tác giả Trần T.K.A (2008), Trần Q.T (2014) Trần H.V (2014) Đinh (2014)…cũng được thực hiện trên nền tảng phương pháp nghiên cứu định tính để đánh giá thực trạng vấn đề hội nhập trong dịch vụ kế toán từ sau năm 2005 cho đến nay. Tuy nhiên với sự thay đổi mạnh mẽ của hệ thống các chuẩn mực, các nguyên tắc được thừa nhận trong lĩnh vực kế toán tài chính…trên phạm vi quốc tế và khu vực trong những năm vừa qua thì vấn đề hội nhập trong tất cả các dịch vụ này nói chung và dịch vụ kế toán nói riêng luôn luôn có tính cấp thiết và dành được sự quan tâm của nhiều đối tượng. Với những lý do đó thông qua phương pháp nghiên cứu định tính trên cơ sở các dữ liệu thu thập được, mục tiêu trọng tâm của bài viết đó là việc đánh giá lại thực trạng của quá trình hội nhập dịch vụ kế toán của Việt Nam những năm qua, phân tích những thách thức cơ bản của dịch vụ kế toán khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế . Nội dung bài viết bao gồm 3 phần : (1) Thực trạng hội nhập của dịch vụ kế toán của Việt Nam trong thời gian qua; (2) Những thách thức cơ bản của dịch vụ kế toán Việt Nam ; (3) Một số các kiến nghị và đề xuất.
Cũng cần lưu ý và nhấn mạnh rằng trong phạm vi bài viết này thì dịch vụ kế toán được hiểu là dịch vụ gồm nhiều công việc khác nhau liên quan đến quy trình xử lý thông tin kế toán, từ việc ghi sổ kế toán đến lập BCTC. Bao gồm những công việc chính như : ghi sổ kế toán, lập BCTC, soát xét kế toán, phân tích BCTC, thiết lập và duy trì các thủ tục kế toán cho khách hàng…
Thực trạng hội nhập của dịch vụ kế toán Việt Nam những năm qua
Trong quá trình phát triển của mình, Việt Nam đã nhận thức rõ việc phải chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm gắn kết nền kinh tế và thị trường trong nước với nền kinh tế khu vực và thế giới. Đây là một xu thế hoàn toàn tất yếu và mang ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của quốc gia. Quá trình hội nhập này được thực hiện thông qua các nỗ lực tự do hóa và mở cửa các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực về thương mại dịch vụ, đặc biệt là thị trường dịch vụ kế toán.
Kể từ năm 1986, Việt Nam đã tiến hành mở cửa và hội nhập trong nhiều lĩnh vực trong đó riêng lĩnh vực kế toán thì văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự đổi mới là Pháp lệnh kế toán và thống kê số 06-LCT/HĐNN ngày 10/05/1988. Từ đó cho đến này thực trạng của quá trình hội nhập trong phạm vi dịch vụ này về cơ bản được thể hiện thông qua những điểm chính như sau :
(1) Việt Nam đã có những thay đổi và hoàn thiện các chính sách pháp luật trong lĩnh vực Kế toán
Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành rất nhiều văn bản về Kế toán và về cơ bản đã hình thành, tạo lập được một khung pháp lý phù hợp, đầy đủ đáp ứng yêu cầu quản lý dịch vụ kế toán của nhà nước và hội nghề nghiệp. Đồng thời đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Việt Nam thực hiện tốt các cam kết trong khuôn khổ các cam kết đã ký với các tổ chức trên thế giới như Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA), Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của tổ chức thương mại thế giới WTO (GATS).
Hiện tại Việt Nam đang có hệ thống các văn bản như Luật kế toán (ra đời năm 2003), hệ thống 26 chuẩn mực nghề nghiệp cùng nhiều văn bản dưới dạng nghị định của chính phủ, quyết định, thông tư của Bộ Tài chính...quy định và hướng dẫn công tác Kế toán. Các văn bản pháp luật này được điều chỉnh, cập nhật và thay đổi khá nhiều lần trong thời gian vừa qua trên cơ sở việc áp dụng hài hòa các quy định của những nguyên tắc kế toán chung được thừa nhận, hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế. Tuy nhiên thông qua các công trình nghiên cứu mới nhất của Vân (2014), Thịnh (2014) thì Việt Nam được đánh giá vẫn là một trong số các quốc gia có tình hình áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế chưa đầy đủ và vẫn là một trong số ít các quốc gia vẫn duy trì việc áp dụng hệ thống Chế độ kế toán đặc thù. Các chuẩn mực kế toán hiện tại về cơ bản còn một số điểm khác biệt lớn so với chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và IFRS. Nhiều chuẩn mực như Chuẩn mực về chế độ nhân viên (IAS 19), chuẩn mực về trợ cấp chính phủ (IAS 20), chuẩn mực về nông nghiệp (IAS 41)...vẫn chưa được ban hành.
(2) Việt Nam thực hiện việc ký kết và tuân thủ theo các quy định, cam kết về dịch vụ Kế toán theo hướng phù hợp với quy định chung và thông lệ của các nước trong khu vực và trên thế giới
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tiến hành việc ký kết các văn kiện và cam kết quan trọng về dịch vụ kế toán, đặc biệt là các văn bản và hiệp định với các tổ chức như nêu trên. Trong 04 phương thức cung cấp dịch vụ nói chung và dịch vụ kế toán nói riêng (Cung cấp dịch vụ qua biên giới; Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài; Hiện diện thương mại và Hiện diện thể nhân) thì Việt Nam đã thực hiện cam kết 4 trong số 4 phương thức. Theo đó Việt Nam đã cho phép :
(a) Việc một công ty Việt Nam cung cấp dịch vụ kế toán cho một chi nhánh của một doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
(b) Một công ty Việt Nam có chi nhánh hoạt động tại nước ngoài có thể yêu cầu một công ty nước ngoài cung cấp các dịch vụ kế toán của chi nhánh đó. Kết quả của dịch vụ kế toán này sẽ có pháp lý tại Việt Nam trên cơ sở Việt Nam cam kết không hạn chế đối với phương thức cung cấp dịch vụ này. Ngược lại, Việt Nam cũng đồng ý cho phép các công ty cung cấp dịch vụ kế toán Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ này cho các công ty của các nước khác thuộc thành viên của WTO, ASEAN hay Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam.
(c) Các nhà cung cấp dịch vụ kế toán nước ngoài được mở chi nhánh hoặc một cơ sở kinh doanh tại Việt Nam nhằm theo đuổi chiến lược phát triển quốc tế của mình. Tiêu biểu là các công ty kiểm toán thuộc nhóm Big Four đều có mặt hoạt động tại thị trường Việt Nam từ những năm 1991,1992 dưới hình thức thành lập các công ty TNHH 100% vốn nước ngoài theo Luật đầu tư của Việt Nam và thực hiện việc cung cấp nhiều dịch vụ trong đó có các dịch vụ kế toán cho nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau.
(d) Những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện dịch vụ kế toán được pháp đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán làm kế toán hoặc làm kế toán trưởng. (mục 11, điều 5 chương 1, Luật kế toán 2003). Như vậy với quy định này Việt Nam đã cho phép phương thực hiện diện Thể nhân trong việc cho phép và thừa nhận việc các chuyên gia kế toán của các nước khác nếu đủ điều kiện thì được cung cấp dịch vụ kế toán tại Việt Nam với tư cách cá nhân bênh cạnh việc đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cảnh, lưu trú của các thể nhân đi kèm khi thực hiện phương thức Hiện diện thương mại nói trên.
(3) Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách trong nỗ lực mở rộng và tự do hóa thị trường kế toán
Quá trình tự do hóa thị trường dịch vụ nói chung và thị trường dịch vụ kế toán nói riêng là biểu hiện rõ nét của quá trình mở cửa hội nhập, chính vì vậy trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự nỗ lực trong việc cho phép nhiều công ty kể cả trong nước và có vốn nước ngoài thực hiện việc cung cấp các dịch vụ khác nhau của dịch vụ kế toán .
Thêm vào đó, Việt Nam cũng đã chú trọng việc thành lập và hoạt động Hội nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán (VAA); thực hiện nhiều nỗ lực trong việc tự do hóa việc cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ kế toán; nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế toán viên hành nghề, các nhà quản lý trong lĩnh vực kế toán; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ; thừa nhận các chứng chỉ, bằng cấp đào tạo của các hội nghề nghiệp có uy tín trên thế giới cũng như trong khu vực.
Mặc dù những vấn đề trình bày ở trên đã cho sự nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập dịch vụ kế toán với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong những năm vừa qua nhưng trong quá trình thực hiện Việt Nam phải đối mặt với những thách thức nhất định.
Những thách thức cơ bản của dịch vụ kế toán Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế
Trong những năm gần đây nền kinh tế thế giới đang diễn ra những thay đổi với tốc độ nhanh chóng, các giao dịch kinh doanh ngày càng đa dạng và phức tạp, kế toán đóng vai trò thu thập xử lý và cung cấp thông tin một cách trung thực khách quan về các giao dịch đó nên không thể tránh khỏi những hạn chế bất cập trong quá trình hội nhập. Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện việc nỗ lực để gia nhập vào Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP-rans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) và tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC-ASEANEconomic Community)thì những thách thức cơ bản liên quan đến dịch vụ Kế toán có thể liệt kê qua một số các vấn đề như sau :
(1)Xây dựng đội ngũ nhân viên kế toán, kế toán viên hành nghề có năng lực, bằng cấp và chuyên môn được quốc tế công nhận.
Điều quan trọng bậc nhất đối với việc hội nhập của dịch vụ kế toán trong nền kinh tế quốc tế đó là việc đội ngũ những người làm dịch vụ này (kế toán viên, kiểm toán viên) phải đạt được trình độ quốc tế. Trong những năm vừa qua, trong thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam ngoại trừ các nhà cung cấp là các công ty kiểm toán có vốn đầu tư nước ngoài có được một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, đạt trình độ quốc tế thì đa phần đội ngũ những người làm công tác kế toán tại Việt Nam còn rất nhiều hạn chế; đặc biệt là các hạn chế liên quan đến trình độ Ngoại ngữ sự am hiểu văn hóa đa quốc gia, pháp luật và chính sách của các nước trong khu vực và trên thế giới.
(2) Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và vai trò của việc dịch vụ kế toán trong các nhà quản lý doanh nghiệp và công chúng ở thị trường trong nước.
Trên thực tế hiện nay, rất nhiều nhà quản lý các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ cũng như công chúng ở thị trường trong nước tại Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ sâu sắc được vai trò của dịch vụ kế toán trong chiến lược phát triển lâu dài của đơn vị. Đa phần chúng ta đều đánh giá đúng vai trò và vị trí của kế toán chưa đúng vì hầu hết đều cho rằng kế toán chỉ là công cụ của quản lý, nhiều quan điểm cho rằng không nên sử dụng các dịch vụ kế toán, kiểm toán vì lo ngại liên quan đến tính bảo mật thông tin hay hạn chế nguồn lực tài chính bởi các chi phí thuê dịch vụ kế toán bên ngoài hay các khoản chi phí phải bỏ ra quá lớn để duy trì một bộ máy kế toán hoàn chỉnh tại đơn vị.
(3) Điều chỉnh hệ thống cơ sở pháp lý về kế toán theo hướng hài hòa giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với các chuẩn mực kế toán quốc tế.
Nhiều nghiên cứu mới nhất của các tác giả như Trần T.K.A (2008) Trần H. V (2014), Đinh (2014)...đã chỉ rõ là trong thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong công tác xây dựng pháp luật nhưng hệ thống các văn bản pháp luật về dịch vụ kế toán của Việt Nam vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu tính ổn định và chưa phù hợp hoàn toàn với các cam kết quốc tế. Ví dụ các chuẩn mực kế toán còn lạc hậu và chưa cập nhật kịp so với các thông lệ và chuẩn mực kế toán quốc tế; hệ thống các chuẩn mực kế toán ban hành còn thiếu; quá chú trọng trong việc sửa đổi và ban hành Chế độ kế toán chứ chưa hướng đến các chuẩn mực nghề nghiệp...
(4) Sự hài hòa giữa vai trò quản lý của Nhà nước với hội nghề nghiệp trong quản lý dịch vụ kế toán
Dịch vụ kế toán là một trong những dịch vụ được nhà nước thừa nhận và bảo hộ chính vì vậy ở bất kỳ quốc gia nào nói chung và Việt Nam nói riêng thì vai trò quản lý của Nhà nước luôn được đề cao và chú trọng bên cạnh vai trò quản lý của các tổ chức nghề nghiệp. Tuy nhiên việc hài hòa trong công tác quản lý giữa hai chủ thể này luôn là một thách thức trong quá trình mở cửa hội nhập.
Một số các kiến nghị và kết luận
Trên cơ sở phân tích tiến trình thực trạng và nêu ra một vài điểm thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế dịch vụ kế toán Việt Nam, tác giả đưa ra một số các giải pháp như sau :
(1) Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống cơ sở pháp lý liên quan đến dịch vụ kế toán trên cơ sở đối chiếu, ban hành bổ sung hệ thống các văn bản pháp luật về kế toán theo hướng hài hòa với các quy định của GATS, chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA) và IFRS.
(2) Xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển đội ngũ những người làm công tác kế toán, dịch vụ kế toán đạt chuẩn trình độ khu vực và thế giới thông qua việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán uy tín trên thế giới như ACCA, CPA Australia, SAA…thực hiện quá trình đào tạo các chứng chỉ và bằng cấp chuyên nghiệp. Tăng cường việc thỏa thuận, hợp tác đàm phán giữa các cấp Chính phủ các nước về đào tạo, giáo dục; tiến đến việc công nhận và chuẩn hóa các bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề lẫn nhau.
(3) Chú trọng đầu tư xây dựng thị trường vốn, tăng cường công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, công chúng trong thị trường về tầm quan trọng của dịch vụ kế toán.
(4) Có định hướng và lộ trình thực hiện việc chuyển giao năng lực quản lý nghề nghiệp kế toán giữa vai trò quản lý của Nhà nước với Hội kế toán và kiểm toán (VAA) đáp ứng với các yêu cầu và thông lệ chung của quốc tế và các nước trong khu vực, trong các khối liên minh về kinh tế.
(5) Việt Nam cần chú trọng đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty thực hiện việc kinh doanh dịch vụ kế toán không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn hướng đến việc cung cấp dịch vụ vượt ra khỏi phạm vi biên giới, thâm nhập vào thị trường dịch vụ kế toán ở các nước khác trên thế giới và trong khu vực (chú trọng đến việc xuất khẩu dịch vụ). Khuyến khích các công ty kinh doanh dịch vụ kế toán chuyên nghiệp trở thành thành viên của các hãng cung cấp dịch vụ có uy tín trên thế giới.
Tóm lại, phạm vi bài viết này trao đổi một số vấn đề cơ bản liên quan đến thực trạng và những thách thức trong quá trình hội nhập của dịch vụ kế toán Việt Nam, đặc biệt đặt trong bối cảnh gia nhập vào kinh tế quốc tế. Để đẩy nhanh hơn nữa quá trình hội nhập này, Việt Nam cần thiết phải thực hiện đầy đủ các cam kết về cung cấp dịch vụ kế toán theo thông lệ chung của thế giới, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nhân lực kế toán trên cơ sở thay đổi nhận thức của các đối tượng sử dụng dịch vụ kế toán trong thị trường.
----------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
Trần, T. K. A (2008), Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán-Thực trạng và giải pháp (trang 82-93)
Hugh A.Adams và Đỗ, T. L (2005), Hội nhập với các nguyên tắc kế toán và kiểm toán quốc tế, NXB Chính trị quốc gia Việt Nam.
Đinh, T. T (2014), Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán Việt Nam, Tạp chí tài chính Việt Nam, 3(1), 20-25. Tham khảo nguồn từ : http://www.tapchitaichinh.vn/Dien-dan-khoa-hoc/Hoi-nhap-quoc-te-trong-linh-vuc-ke-toan-kiem-toan-cua-Viet-Nam/47590.tctc
Hà, T. N. H (2008), Hệ thống kế toán và kiểm toán Việt Nam đã phù hợp với thông lệ quốc tế. Tham khảo nguồn từ :https://luattaichinh.wordpress.com/2008/11/24/h%E1%BB%87-th%E1%BB%91ng-k%E1%BA%BF-toan-ki%E1%BB%83m-toan-vi%E1%BB%87t-nam-da-phu-h%E1%BB%A3p-v%E1%BB%9Bi-thong-l%E1%BB%87-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/
Nguyễn, T. T (2014), Những giải pháp hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán-kiểm toán ở Việt Nam. Tham khảo nguồn từ : http://www.vacpa.org.vn/index.php?o=modules&n=forum&f=forum_detail&idforum=787&page=2
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: