Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước 1560: Căn cứ pháp lý quan trọng đối với cuộc kiểm toán báo cáo tài chính
TS. PHAN THANH HẢI –TRƯỞNG KHOA KẾ TOÁN - ĐẠI HỌC DUY TÂN ĐÀ NẴNG
Chuẩn mực kiểm toán Nhà nước (CMKTNN) số 1560 – Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán nằm trong số 39 CMKTNN được ban hành ngày 15/7 theo Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNNcủa KTNN và có hiệu lực kể từ ngày 15/09 tới. Nội dung chuẩn mực nói riêng và hệ thống CMKTNN nói chung là căn cứ pháp lý quan trọng để các Kiểm toán viên Nhà nước (KTVNN) thực hiện tốt các cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC).
Hướng tiếp khác biệt với chuẩn mực kiểm toán độc lập
Trong phần Quy định chung, CMKTNN 1560 có trình bày cơ sở xây dựng của chuẩn mực dựa trên các CMKTNN số 100, 200 và ISSAI 1560 của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI). Trong khi đó Chuẩn mực kiểm toán 560 – các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kể toán, do Bộ Tài chính ban hành (VSA 560) không trình bày nội dung này. Đây cũng chính là một cách tiếp cận khác biệt rất rõ nét trong chuẩn mực này nói riêng cũng như hệ thống 39 CMKTNN nói chung so với Hệ thống các chuẩn mực kiểm toán độc lập đã ban hành và áp dụng.
CMKTNN 1560 đã đưa ra cách tiếp cận khác với VSA 560 bằng cách nêu rõ Mục đích và phạm vi áp dụng của chuẩn mực gắn liền với nhau. Trong khi đó ở VSA 560, phạm vi chuẩn mực được nêu lên đầu tiên song lại tách biệt với “Mục tiêu” bởi khái niệm về “Các sự kiện sau ngày kết thúc kỳ kế toán”. Tuy có cách tiếp cận và sắp xếp khác nhau nhưng nội dung của các mục này về cơ bản không có sự khác nhau giữa CMKTNN 1560 và VSA 560.
Trong mục “Giải thích thuật ngữ”, CMKTNN 1560 giải thích cụ thể 3 thuật ngữ là: ngày kết thúc kỳ kế toán, ngày phê duyệt BCTC, các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán. Còn VSA 560 giải thích cụ thể 5 thuật ngữ với 2 khái niệm chỉ dẫn là: ngày lập báo cáo kiểm toán và ngày công bố BCTC. Tuy nhiên cả 2 chuẩn mực này đều nhất quán về định nghĩa đối với sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán đó là những sự kiện phát sinh kể từ sau ngày kết thúc kỳ kế toán đến ngày lập Báo cáo kiểm toán (BCKT) và những sự việc mà Kiểm toán viên (KTV) biết được sau ngày lập BCKT.
Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán
Theo VSA 560, các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán bao gồm: Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán đến ngày lập BCKT; những sự việc mà KTV biết được sau ngày lập BCKT nhưng trước ngày công bố BCTC; những sự việc mà KTV biết được sau ngày công bố BCTC. Trong khi đó, CMKTNN 1560 quy định các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán bao gồm: Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán đến ngày lập BCLT; những sự việc mà KTV biết được sau ngày lập BCKT.
Có thể thấy, từ giai đoạn “sau ngày kết thúc kỳ kế toán cho đến ngày lập BCKT”, CMKTNN 1560 và VSA 560 đều có những điểm tương đồng khi ban hành những quy định và hướng dẫn cụ thể các thủ tục kiểm toán để thu thập các bằng chứng đánh giá về các sự kiện đã tồn tại vào ngày kết thúc kỳ kế toán và các sự việc phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán.
Liên quan đến “những sự việc mà KTV biết được sau ngày lập BCKT”, giữa CMKTNN 1560 và VSA 560 có sự khác biệt rất rõ. Theo đó, VSA 560 đã đưa ra các hướng dẫn khá cụ thể về trách nhiệm của KTV độc lập trong trường hợp sau ngày lập BCKT song vẫn xảy ra một số sự việc dẫn đến phải có thuyết minh hoặc điều chỉnh.Tuy nhiên với đặc thù trong lĩnh vực công, mà hệ thống pháp luật và các quy định liên quan có thể cấm các đơn vị sửa đổi BCTC thì CMKTNN 1560 đã đưa ra hướng dẫn: KTVNN phải thực hiện các thủ tục kiểm toán cần thiết làm cơ sở quyết định xem có cần điều chỉnh BCKT không. Trong trường hợp nếu thấy cần thiết thì phải đính chính và đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm trình Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định việc đính chính BCKT cho phù hợp (Đoạn 11)
CMKTNN 1560 và VSA 560 đều chung quan điểm thống nhất khi phân loại sự kiện sau ngày kết thúc kỳ kế toán dựa trên cơ sở việc các khuôn khổ về lập và trình bày BCTC chia sự kiện này thành 02 loại; đó là những sự kiện cung cấp bằng chứng về các sự việc đã tồn tại vào ngày kết thúc kỳ kế toán và những sự kiện cung cấp bằng chứng về các sự việc phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán. Đặc biệt, tại đoạn 6 của VSA 560 và CMKTNN 1560 đều nhấn mạnh trách nhiệm của KTV đó là : “Phải thực hiện các thủ tục kiểm toán đã được thiết kế nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc KTV đã nhận biết toàn bộ các sự kiện phát sinh từ sau ngày kết thúc kỳ kế toán đến ngày lập BCKT cần được điều chỉnh hoặc thuyết minh trong BCTC”
Có thể thấy, CMKTNN 1560 nói riêng và hệ thống 39 CMKTNN mới nói chung đã thực sự khắc phục được một số các nhược điểm về cách thức trình bày, sắp xếp các nội dung theo định hướng đơn giản, tạo điều kiện cho người đọc dễ dàng tiếp cận và vận dụng nội dung chuẩn mực so với hệ thống chuẩn mực kiểm toán độc lập. Tuy còn vài khác biệt nhỏ về khía cạnh nội dung song về cơ bản giữa CMKTNN 1560 và VSA 560 nhất quán về nội dung phân loại sự kiện phát sinh, trách nhiệm của KTV, hướng dẫn một số thủ tục kiểm toán cơ bản để thu thập bằng chứng kiểm toán.
Hi vọng rằng CMKTNN 1560 nói riêng và hệ thống 39 CMKTNN nói chung có hiệu lực từ ngày 15/09/2016 sẽ tạo lập được một nền tảng pháp lý quan trọng, vững chắc góp phần hỗ trợ các đơn vị của KTNN trong việc thực thi các cuộc kiểm toán BCTC chất lượng, hiệu quả trong thời gian đến./.
Box: CMKTNN 1560 bao gồm 2 phần lớn (Quy định chung và Nội dung chuẩn mực ) với 12 đoạn. Trong đó phần Quy định chung với 4 đoạn giới thiệu về “Cơ sở xây dựng chuẩn mực” và “Mục đích, phạm vi áp dụng”, “Giải thích thuật ngữ của chuẩn mực”; phần Nội dung chuẩn mực với hướng dẫn cụ thể gồm 8 đoạn với 02 nội dung chính của sự kiện đó là : “Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán đến ngày lập báo cáo kiểm toán” và “Những sự việc mà KTVNN biết được sau ngày lập báo cáo kiểm toán”; ngoài ra là phần yêu cầu về “tài liệu, hồ sơ kiểm toán” có liên quan khi vận dụng chuẩn mực trong quá trình kiểm toán.
Bố cục của VSA 560 được chia làm 3 phần: Quy định chung, Nội dung chuẩn mực và Hướng dẫn áp dụng. Riêng phần quy định chung và nội dung chuẩn mực bao gồm 17 đoạn và riêng phần Hướng dẫn áp dụng có 18 đoạn (A1 đến A18).
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: