Ảnh hưởng của các nguyến tắc kế toán đến việc tính giá các đối tượng kế toán
Th.S. Nguyễn Khánh Thu Hằng
Tóm tắt
Đối với tất cả các doanh nghiệp sản xuất hay thương mại thì việc tính giá các đối tượng kế toán là việc rất quan quan trọng vì nó giúp doanh nghiệp phản ánh và xác định được giá trị hàng mua vào hay xuất kho. Từ đó tính được những chỉ tiêu tổng hợp phục vụ công tác quản lý sản xuất kinh doanh và quản lý tài chính tại doanh nghiệp. Kế toán cung cấp thông tin cho nhiều đối tượng khác nhau nên đòi hỏi phải luôn trung thực và chính xác vì vậy khi thực hiện công tác tính giá các đối tượng kế toán cần tuân thủ các nguyên tắc kế toán của chuẩn mực kế toán Việt Nam.
Từ khoá: Doanh nghiệp, tính giá, nguyên tắc, …
Khái niệm tính giá
Để ghi nhận giá trị của tài sản vào chứng từ, sổ sách và báo cáo kế toán cần sử dụng phương pháp tính giá. Tính giá là phương pháp kế toán sử dụng thước đo giá trị để đo lường các đối tượng kế toán khác nhau để xác định giá trị ghi sổ theo những nguyên tắc nhất định.
Tính giá có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp vì vậy Nhà nước đã ban hành nhiều quy định liên quan đến tính giá. Khi tính giá doanh nghiệp phải phản ánh phản ánh trung thực tình hình tài sản, tình hình và kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhằm phục vụ cho yêu cầu quản lý của nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có yêu cầu quản lý của nhà nước nên khi tính giá cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định được Nhà nước ban hành thống nhất và nhất thiết phải đảm bảo yêu cầu trung thực và chính xác. Khi đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu và nguyên tắc tính giá thì tính giá cho phép tổng hợp và phản ảnh đúng đắn tình hình tài sản, nguồn hình thành tài sản, tốc độ chu chuyển vốn kinh doanh nhanh hay chậm … và cũng thông qua tính giá mới có thể có thể xác định được chi phí đầu vào của các yếu tố sản xuất để tạo ra doanh thu trong kỳ. Từ đó cho phép doanh nghiệp tính toán chính xác chỉ tiêu giá thành, kết quả kinh doanh và những chi tiêu tổng hợp cần thiết khác cho việc quản lý các đối tượng kế toán.
Trong kế toán, tính giá bao gồm:
- Tính giá cho ghi nhận ban đầu: Là xác định giá trị của đối tượng kế toán ngay khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh để ghi nhận vào sổ kế toán.
- Tính giá sau ghi nhận ban đầu: Là xác định lại giá trị của các đối tượng kế toán sau một kỳ nhất định, trước khi lập báo cáo tài chính, xuất phát từ sự thay đổi giá trị của các đối tượng kế toán. Ở nước ta, tính giá sau ghi nhận ban đầu chủ yếu được sử dụng để tính giá cho tài sản có giá thị trường giảm so với giá gốc đã ghi sổ, được điều chỉnh bằng cách lập dự phòng.
Yêu cầu của tính giá
Ảnh hưởng của các nguyên tắc kế toán đến việc tính giá đến các đối tượng kế toán
Thứ nhất là nguyên tắc hoạt động liên tục: Khi thực hiện việc lập và trình bày các báo cáo tài chính thì cần dựa trên giả định doanh nghiệp hoạt động liên tục. Vì vậy, giả định hoạt động liên tục cho thấy doanh nghiệp không có ý định mà cũng không cần thiết phải có ý định từ bỏ công việc kinh doanh hay thu hẹp quy mô hoạt động của doanh nghiệp một cách đáng kể. Khi một đơn vị mua và duy trì tài sản dùng để hoạt động sản xuất kinh doanh thì giá trị của các tài sản này có thể thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên theo nguyên tắc hoạt động liên tục thì chỉ dùng giá gốc, không dùng giá thị trường nên giá trị những tài sản này không được điều chỉnh theo giá trị thị trường trên sổ sách và báo cáo tài chính của đơn vị, trừ phi có các bằng chứng ngược lại. Khi giả thuyết rằng đơn vị đang hoạt động liên tục thì tài sản của đơn vị sử dụng là để phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh chứ không phải để bán trên thị trường, do vậy giá thị trường của chúng trên thực tế là không thích hợp và không cần thiết. Vì vậy trong quá trình tính giá, kế toán chỉ sử dụng giá gốc, không dùng đến giá thị trường nếu doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh bình thường và không bị phá sản trong tương lai gần.
Thứ hai là nguyên tắc giá gốc: Kế toán phải áp dụng nguyên tắc giá gốc khi phản ánh trên sổ sách kế toán, giá này được ghi nhận ngay tại thời điểm phát sinh chứ không phải giá thị trường. Do vậy, nguyên tắc giá gốc đảm bảo tính khách quan trong việc tính giá đối tượng kế toán nhưng lại không phản ánh được giá trị trao đổi trên thị trường, nghĩa là không phản ánh giá hiện hành và đây là nguyên tắc kế toán chung được sử dụng xuyên suốt trong qui trình làm kế toán khi doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc hoạt động liên tục. Vì vậy nguyên tắc giá gốc và nguyên tắc hoạt động liên tục luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Theo nguyên tắc giá gốc, một tài sản của đơn vị khi mua vào phải được ghi nhận theo giá trị tại thời điểm xảy ra nghiệp vụ mua đó và sẽ không thay đổi giá trị của tài sản này trên sổ sách kế toán nếu giá thị trường của tài sản này có thể thay đổi vào những thời điểm sau đó. Khi vận dụng nguyên tắc giá gốc, giá trị của tài sản mua vào được xác định dựa trên căn cứ số tiền hoặc tương đương tiền thực tế mà đơn vị đã bỏ ra để hình thành nên đối tượng tài sản đó. Ví dụ : nếu một công ty chi ra 700 triệu đồng để mua một cửa hàng, khi mua kế toán phải ghi nhận giá trị của cửa hàng này là 700 triệu. Tuy nhiên, nếu sau đó, giá cửa hàng đó tăng lên là 800 triệu thì kế toán không được điều chỉnh thay đổi giá trị của cửa hàng trong sổ sánh kế toán của công ty. Áp dụng nguyên tắc này làm cho giá trị của tài sản trên báo cáo tài chính không được phản ánh theo giá thị trường mà chỉ phản ánh theo giá gốc. Mục đích của nguyên tắc này nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác.
Thứ ba là nguyên tắc khách quan: Nguyên tắc này đòi hỏi các số liệu ghi chép trên kế toán phải dựa trên những sự kiện có tính kiểm tra được. Nguyên tắc này bổ sung cho nguyên tắc giá gốc và yêu cầu tài sản phải được ghi chép theo chi phí chứ không theo giá thị trường dự kiến.Trên thực tế, giá thị trường của các tài sản rất khó ước tính vì nó thường xuyên biến động. Chi phí có thể được xem là khách quan, bởi vì nó được hình thành từ sự thương lượng của bên mua và bên bán có đủ hiểu biết về hàng hoá mà họ mua-bán. Hai bên đều phải đi đến thoả thuận một mức giá sao cho có lợi cho cả hai bên. Ví dụ:Công ty ABC vào ngày 15/11/N mua một ô tô tải về chở hàng (nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ). Để ghi nhận ô tô tải này vào khối tài sản chung của đơn vị thì kế toán phải xác định được giá trị của ô tô tải tuân thủ các nguyên tắc kế toán.Theo những chứng từ có liên quan thì các chi phí mua ô tô tải gồm có:
- Giá mua theo hóa đơn GTGT (chưa có thuế GTGT): 400.000.000đ.
- Lệ phí trước bạ 8.000.000đ.
- Phí làm giấy tờ xe 2.000.000đ.
Vậy giá trị của ô tô tải là: 410.000.000đ.
Như vậy, việc tính giá ô tô tải được ghi nhận bằng đơn vị tiền tệ, tuân thủ nguyên tắc khách quan do việc ghi nhận giá trị tài sản dựa trên những bằng chứng có thể kiểm chứng được là các hóa đơn, tuân thủ nguyên tắc giá gốc vì ghi đủ các chi phí phát sinh tính đến thời điểm tài sản trong trạng thái sẵn sàng sử dụng.
Thứ tư là nguyên tắc nhất quán: Khi sử dụng báo cáo tài chính, người ta luôn có nhu cầu so sánh các thông tin trên báo cáo tài chính kỳ này với các kỳ khác để có thể xác định xu hướng biến động về tình hình tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp; các thông tin trên báo cáo tài chính của các đơn vị khác nhau với nhau để đánh giá mối tương quan về tình hình tài chính của các doanh nghiệp. Vì vậy, đơn vị có thể lựa chọn một trong các phương pháp tính giá khác nhau được thừa nhận và khi đã lựa chọn phương pháp nào rồi thì đơn vị không được thay đổi trong các kỳ tiếp theo. Nếu trong trường hợp cần có sự thay đổi, đơn vị phải nêu rõ lý do thay đổi trong phần thuyết minh báo cáo tài chính.Ví dụ, một khi đơn vị đã lựa chọn một phương pháp tính giá xuất kho hàng tồn kho theo phương pháp bình quân gia quyền cả kỳ dự trữ thì phương pháp này phải được áp dụng trong suốt kỳ kế toán (trong vòng 1 năm). Nếu kỳ (năm) sau đó, nếu vì những lý do nhất định mà đơn vị phải thay đổi phương pháp tính giá xuất kho khác cho thuận lợi hơn thì đơn vị phải nêu rõ trong phần thuyết minh báo cáo tài chính để cho người sử dụng thông tin trong các báo cáo tài chính của đơn vị biết được ảnh hưởng của việc thay đổi này.
Thứ năm là nguyên tắc thận trọng:Khi thực hiện công việc của mình, kế toán luôn áp dụng nguyên tắc thận trọng để đảm bảo báo cáo được trình bày một cách hợp lý. Với nguyên tắc này, thu nhập chỉ được ghi nhận khi có chứng cứ chắc chắn còn chi phí được ghi nhận khi có thể. Mục đích giúp doanh nghiệp không được đánh giá cao hơn thực tế đối với tài sản, đánh giá thấp hơn thực tế đối với chi phí và công nợ. Chẳng hạn, kế toán phản ánh giá vốn của hàng tồn kho theo giá trị thị trường trong trường hợp giá thị trường thấp hơn giá gốc của chúng bằng cách lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Đây chính là biểu hiện của việc tuân thủ nguyên tắc thận trọng.
Thứ sáu là nguyên tắc trọng yếu: Với nguyên tắc này, những sai sót nhỏ không trọng yếu và những khoản mục này không làm ảnh hưởng đến tính trung thực và tính hợp lý của báo cáo tài chính, tức là không làm tác động đến quyết định của người sử dụng thông tin, những sai sót này có xảy ra hay không xảy ra đều không ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng thông tin thì có thể cho phép bỏ qua. Tuỳ quy mô mỗi đơn vị khác nhau thì tính trọng yếu cũng khác nhau. Tính trọng yếu này phụ thuộc vào độ lớn và tính chất của thông tin hoặc các sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét trên cả phương diện định lượng và định tính.
Ngoài 6 nguyên tắc kế toán nêu trên có ảnh hưởng đến việc tính giá các đối tượng kế toán thì khi mức giá chung thay đổi hoặc tuỳ theo yêu cầu quản lý trong nội bộ đơn vị cũng có thể dẫn đến những ảnh hưởng nhất định trong tính giá trị các tài sản của đơn vị. Bởi vì, mặc dù nguyên tắc giá gốc yêu cầu tài sản của đơn vị phải được kế toán ghi nhận theo chi phí thực tế khi phát sinh nghiệp vụ mua, tuy nhiên trong những tình huống phát triển kinh tế nào đó có thể làm cho mức giá chung tăng hoặc giảm mạnh thì cần thiết phải điều chỉnh giá gốc của tài sản đã được ghi nhận trước đây cho phù hợp với sự biến động của mức giá chung. Tuy nhiên khi điều chỉnh đơn vị không được tự ý thực hiện mà phải tuân thủ những qui định của Nhà nước về mặt thời gian, đối tượng được điều chỉnh và mức độ điều chỉnh, tỷ lệ điều chỉnh, …
Kết luận
Việc tính giá các tài sản của doanh nghiệp mua vào hay bán ra rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đơn vị kinh doanh vì vậy khi thực hiện tính giá kế toán cần tuân thủ đúng các nguyên tắc kế toán được ban hành để đảm bảo giá trị tài sản mua vào và bán ra được tính chính xác, trung thực. Từ đó sẽ làm cơ sở để đơn vị hoạch định và phát triển chiến lược kinh doanh của mình góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Tài liệu tham khảo
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: