TÌM HIỂU MỘT SỐ LÝ THUYẾT NỀN NGHIÊN CỨU TRONG
KẾ TOÁN QUẢN TRỊ
Kế toán quản trị (KTQT) là một bộ phận quan trọng của hệ thống thông tin quản lý. Để tổ chức và vận hành tốt công tác KTQT thì người xây dựng mô hình phải dựa vào các lý thuyết nền tảng để có cơ sở thiết lập phù hợp. Chính vì vậy, các lý thuyết: Lý thuyết dự phòng, lý thuyết đại diện, lý thuyết xã hội học, lý thuyết tâm lý và lý thuyết phát triển bền vững thường xuyên được áp dụng trong các nghiên cứu KTQT. Bài viết đi vào tìm hiểu các lý thuyết nền tảng trên.
1. Lý thuyết dự phòng (Contingency Theory)
Loại thứ nhất của các loại lý thuyết là lý thuyết dự phòng.Thực tế trong các doanh nghiệp (DN), cơ cấu tổ chức luôn có sự thay đổi đáng kể. Các nhà nghiên cứu cho rằng không có duy nhất một cơ cấu tổ chức “tốt nhất” cho các tổ chức. Hiệu suất của một tổ chức phụ thuộc vào sự phù hợp với cơ cấu tổ chức đó và các biến theo ngữ cảnh như môi trường, chiến lược, công nghệ, quy mô, văn hóa (Chenhall 2007). Các lý thuyết phù hợp giữa cơ cấu tổ chức và các biến theo ngữ cảnh được gọi chung là lý thuyết dự phòng.
Theo lý thuyết dự phòng, KTQT được coi là thành phần của cơ cấu tổ chức. KTQT là quá trình điều chỉnh sự phù hợp giữa KTQT cụ thể với cácbiến theo ngữ cảnh. Các biến môi trường bên ngoài, công nghệ, cơ cấu tổ chức và quy mô đã được nghiên cứu bởi các nhà nghiên cứu KTQT trong hơn 25 năm.
Trong hai thập niên cuối của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu KTQT thay đổi tập trung vào các biến văn hóa và chiến lược (Langfied - Smilth,2006). Biến công nghệ là một biến ảnh hưởng lớn đến nghiên cứu KTQT. Những thay đổi về công nghệ được sử dụng bởi các tổ chức thường dẫn đến thay đổi trong các yêu cầu của tổ chức về KTQT. Các tổ chức áp dụng công nghệ sản xuất phức tạp, yêu cầu sự kiểm soát và điều khiển linh hoạt, cần khuyến khích các nhân viên phản ánh nhanh với các tình huống khác nhau. Và để quản lý chất lượng toàn diện, tổ chức cần có phương tiện hoạt động hiệu quả để đo lường kết quả sáng kiến chiến lược của nhà quản trị, sử dụng thẻ điểm cân bằng cho phù hợp với nhu cầu quản trị.
Vào những năm 1960, lý thuyết dự phòng đã được phát triển và sử dụng bởi các nhà nghiên cứu KTQT. Lý thuyết dự phòng có tầm quan trọng đáng kể để nghiên cứu KTQT. Đặc biệt trong nghiên cứu KTQT chi phí, một hệ thống KTQT chi phí thích hợp với DN và môi trường DN đó đang hoạt động.
2. Lý thuyết đại diện
Loại thứ hai của các lý thuyết là lý thuyết đại diện. Lý thuyết đại diện xoay quanh hai câu hỏi: Tại sao chủ DN phải chia sẻ quyền lực (cho nhà quản lý) và quyền sở hữu (cho các cổ đông khác) khi biết rằng lợi nhuận thu được sẽ giảm nếu anh ta tự mình điều hành và sở hữu DN? Ai thực sự là người nắm quyền kiểm soát DN:cổ đông hay nhà quản lý? Và DN được tổ chức quản lý và kiểm soát như thế nào để đảm bảo sự ổn định trên cơ sở thỏa mãn lợi ích của các bên?
Lý thuyết đại diện tập trung vào phân tích mối quan hệ hợp đồng đặc biệt giữa chủ doanh nghiệp (các cổ đông) và nhà quản lý của các DN cổ phần.
Theo Jensen và Meckling, (1976) phân tích mối quan hệ mâu thuẫn phụ thuộc giữa chủ doanh nghiệp (cổ đông) và các nhà quản lý (ban lãnh đạo, quản lý) trong DN. Trong đó, cổ đông được gọi là người ủy quyền, ủy thác, bổ nhiệm, chỉ định người khác cho nhà quản lý hay còn gọi là người đại diện, thực hiện hoạt động điều hành và quản lý DN mà trong đó bao gồm cả việc trao thẩm quyền, để ra quyết định định đoạt tài sản của DN.
Lý thuyết đại diện cho rằng, nếu cả hai bên trong mối quan hệ này (cổ đông và nhà quản lý DN) đều muốn tối đa hóa lợi nhuận của mình, thì tin rằng nhà quản lý sẽ luôn hành động vì lợi ích tốt nhất cho người chủ (các cổ đông). Mối quan hệ đại diện còn thể hiện trong mối quan hệ giữa nhà quản lý cấp cao và nhà quản lý cấp thấp hơn trong hệ thống phân quyền, giữa nhà quản lý với người trực tiếp sử dụng các nguồn lực DN.
Lý thuyết đại diện cho rằng, xung đột sẽ phát sinh khi có thông tin không đầy đủ và bất cân xứng, giữa chủ thể và đại diện trong DN. Cả hai bên có lợi ích khác nhau và vấn đề này được giảm thiểu bằng cách sử dụng các cơ chế thích hợp để hạn chế sự phân chia lợi ích giữa cổ đông và nhà quản lý DN, đãi ngộ thích hợp cho nhà quản trị và hạn chế những hành vi không bình thường, tư lợi của người quản lý DN. Hợp đồng tối ưu giữa cổ đông và nhà quản lý là thỏa thuận thù lao, tiền thưởng, danh vọng, quyền lực, nghề nghiệp.
Mối quan hệ giữa cổ đông và nhà quản lý được minh họa trong hình 2.1 dưới đây. Trong đó mỗi bên chạy theo mục đích riêng của mình và thực hiện những hoạt động nhằm đảm bảo lợi ích của mình.
Nguồn: Vũ Mạnh Chiến và Phan Thanh Tú (2014)
Hình 2. 1 Quan hệ giữa cổ đông và nhà quản lý
3. Lý thuyết xã hội học
Lý thuyết xã hội học tập trung vào việc làm thế nào tổ chức được thành lập, thông qua tương tác giữa con người, tổ chức và xã hội. Các nhà nghiên cứu KTQT cho rằng, sự tồn tại của một tổ chức yêu cầu phù hợp với xã hội về hành vi có thể chấp nhận được, để đạt được mức độ cao của hiệu quả sản xuất.
Các nhà lý thuyết xã hội học xem xét hệ thống KTQT về mặt thực tiễn xã hội hơn chỉ về kỹ thuật để đưa ra các quyết định nội bộ và hiệu quả tổ chức. Foucault (1926-1984) sử dụng cách tiếp cận để nghiên cứu KTQT trong một bối cảnh chính trị xã hội rộng hơn.
Lý thuyết xã hội học cho thấy, hệ thống KTQT trong DN không chỉ là những vấn đề mang tính nội bộ DN mà nó chịu tác động ảnh hưởng trong một bổi cảnh xã hội chung, nó liên quan đến các chế độ, chính sách hiện hành và giải quyết các mối quan hệ với người lao động trong DN. Chính vì vậy, mục tiêu của DN đặt ra phải nằm trong mục tiêu chung mà xã hội chấp nhận được.
Chẳng hạn: Các tiêu chuẩn chi phí phải xây dựng trên cơ sở định mức chung của ngành hay việc lập các kế hoạch về chi phí tiền lương phải trên cơ sở mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định, các thông tin về KTQT cung cấp chịu tác động bởi các quy định về chính sách thuế,..
4. Lý thuyết tâm lý học
Lý thuyết tâm lý học đã được sử dụng để nghiên cứu KTQT trong hơn 50 năm, Argyris (1952, 1953) dựa vào mối quan hệ của con người và động lực nhóm để điều tra bối cảnh xã hội của ngân sách.
Lý thuyết này nhấn mạnh vai trò con người trong tổ chức, quan điểm của nhóm này cho rằng năng suất lao động không chỉ do yếu tố vật chất quyết định mà còn do nhu cầu tâm lý xã hội của con người. “Vấn đề tổ chức là vấn đề con người” và họ chỉ ra rằng trong trường phái cổ điển có nhiều hạn chế vì đã bỏ qua yếu tố con người trong quá trình làm việc.
Tác giả của lý thuyết các quan hệ con người trong tổ chức là Mary Parker Pollet (1868 – 1933). Tác giả này cho rằng, trong quá trình làm việc, người lao động có các mối quan hệ với nhau và với các nhà quản lý. Đồng thời tác giả cũng nhấn mạnh, hiệu quả của quản trị phụ thuộc vào việc giải quyết các mối quan hệ này. Các tác giả về hành vi con người cho rằng hoạt động của con người phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tâm lý xã hội. Chính các yếu tố này tạo nên các quan hệ tốt đẹp trong quá trình lao động, từ đó mà có thể đạt hiệu quả cao trong quá trình làm việc.
Trong những năm 1970, KTQT sử dụng lý thuyết tâm lý đê nghiên cứu làm thế nào các các nhân xử lý các thông tin để lập kế hoạch, kiểm soát và ra quyết định. Lý thuyết tâm lý học có thể được sử dụng để giải thích cả nguyên nhân và ảnh hưởng của KTQT đến hành vi cá nhân.
Lý thuyết tâm lý học chỉ ra rằng thiết lập và vận hành hệ thống KTQT trong DN phải xem xét tác động đến mối quan hệ con người trong DN (quan hệ cấp trên với cấp dưới, quan hệ giữa các bộ phận trong DN với nhau). Điều này liên quan đến quá trình hoạch định ngân sách, quá tình kiểm soát, đánh giá và quyết định phải tạo động lực và hướng đến việc nâng cao hiệu suất các bộ phậ.
Chẳng hạn: thiết lập các định mức chi phí và các chỉ tiêu đánh giá nếu chỉ quan tâm cắt giảm chi phí mà không chú ý đến nâng cao hiệu suất và giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bộ phận trong DN có thể sẽ không huy động được mọi người trong DN nỗ lực phấn đấu giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận.
5. Lý thuyết phát triển bền vững
Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về phát triển bền vững tuỳ theo cách tiếp cận, mục đích nghiên cứu sử dụng khác nhau mà khái niệm này được hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Theo Hồi đồng Thế giới về môi trường và Phát triển của Liên hợp Quốc, thì phát triển bền vững là “Sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”.
Kháiniệm này chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo môi trường sống cho con người trong quá trình phát triển.
Kế thừa và phát triển khái niệm nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Công Quang đưa ra khái niệm như sau: Phát triển bền vững là “Sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu cũng như điều kiện sống của thế hệ tương lai trên cơ sở phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường ở các thế hệ, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của con người” . Khái niệm này nhấn mạnh 3 thành phần: Kinh tế - xã hội – môi trường. Sự kết hợp hài hòa giữ tăng trưởng kinh tế và thân thiện môi trường. Phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (công bằng xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo,..) và bảo vệ môi trường (Khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, chống chặt phá rừng, tiết kiệm tài nguyên,..)
Các lý thuyết nền sử dụng trong nghiên cứu KTQT là cơ sở nền tảng và xuất phát điểm để xác định các nội dung KTQT đối với từng DN và vận dụng một cách có hiệu quả. Đồng thời các lý thuyết nền cũng chỉ ra rằng hệ thống KTQT của DN chỉ thực sự hữu hiệu khi nó được xây dựng và phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng loại hình DN và từng nền kinh tế cụ thể.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
Tiếng Anh
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: