KẾ TOÁN TRÁCH NHIỆM: CÔNG CỤ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM
ThS.Nguyễn Thị Hồng Sương - Đại học Duy Tân
Kế toán quản trị (KTQT) được hình thành, phát triển và được vận dụng nhiều ở các nước có nền kinh tế phát triển như: Pháp, Mỹ, Đức, Nhật,…KTQT có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin phục vụ cho nhà quản trị trong quản lý DN. Và kế toán trách nhiệm (KTTN) là một nội dung cơ bản của KTQT, là công cụ đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp (DN). Hiện nay, các DN tại Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến việc sử dụng KTTN nhằm phục vụ cho việc kiểm soát và đánh giá kết quả hoạt động của các bộ phận trong DN tại Việt Nam.
Từ khóa: Kế toán quản trị, kế toán trách nhiệm, trung tâm trách nhiệm, hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp.
Đặt vấn đề
KTTN là một nội dung cơ bản của KTQT, ra đời nhằm mục tiêu đánh giá trách nhiệm các cá nhân, bộ phận trong tổ chức. KTTN có vai trò và vị trí quan trọng trong các DN, phạm vi hoạt động rộng, cơ cấu tổ chức gắn với trách nhiệm nhiều cá nhân, nhiều bộ phận. Bên cạnh đó, các DN cần có sự phân quyền trong hoạt động kinh doanh, vì vậy hệ thống quản lý trách nhiệm cũng cần được đánh giá và hoàn thiện sao cho hiệu quả nhằm giúp các DN nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, phù hợp xu thế phát triển và hội nhập quốc tế. Do đó, tác giảđi vào phân tích một số nội dung KTTN trong DN để từ đó có những định hướng tổ chức trong các DN hiệu quả hơn.
Cơ sở lý thuyết về kế toán trách nhiệm
Khái niệm kế toán trách nhiệm
KTTN là phương pháp kế toán thu thập, ghi nhận, báo cáo và đo lường kết quả hoạt động của từng bộ phận để đánh giá thành quả của từng bộ phận nhằm kiểm soát quá trình hoạt động và chi phí phát sinh của các bộ phận trong tổ chức, phối hợp giữa các bộ phận với nhau trong việc thực hiện mục tiêu chung của toàn doanh nghiệp
Bản chất của kế toán trách nhiệm
KTTN thực chất là thiết lập những quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bộ phận, thành viên và một hệ thống chỉ tiêu, công cụ, báo cáo nhằm đánh giá thành quả của từng bộ phận, thành viên, qua đó kiểm soát hoạt động và chi phí của các bộ phận trong tổ chức, phối hợp các bộ phận trong việc thực hiện mục tiêu chung của toàn DN.
Phân cấp quản lý – cơ sở hình thành kế toán trách nhiệm
Hệ thống KTTN gắn liền với sự phân cấp về quản lý. Nếu không có sự phân cấp quản lý thì sẽ không tồn tại hệ thống KTTN hay hệ thống KTTN sẽ không có ý nghĩa. Phân cấp quản lý là sự phân chia quyền lực từ cấp trên xuống cấp dưới, quyền ra quyết định và trách nhiệm được trải rộng trong toàn tổ chức. Các cấp quản lý khác nhau được quyền ra quyết định và chịu trách nhiệm với phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của họ. Hoạt động của tổ chức gắn liền với quyền hạn, trách nhiệm của tất cả các bộ phận, thành viên. Các cấp phân cấp quản lý gồm: Quản trị cấp cao, quản trị cấp trung gian, quản trị cấp tác nghiệp.
Trong KTTN, các trung tâm trách nhiệm chủ yếu được phân chia theo chức năng tài chính, đó là: Trung tâm chi phí, trung tâm doanh thu, trung tâm lợi nhận và trung tâm đầu tư. Khi phân cấp quản lý, kế toán sẽ xác định các cấp thuộc về một trong các trung tâm trách nhiệm để theo dõi báo cáo. Trung tâm trách nhiệm là một bộ phận trong tổ chức – nơi mà nhà quản trị bộ phận chịu trách nhiệm tại bộ phận mình quản lý. Hệ thống KTTN trong mối quan hệ với cơ cấu tổ chức quản lý thể hiện thông qua hình 1
Hình 1: Mối quan hệ giữa cơ cấu tổ chức quản lý và hệ thống kế toán trách nhiệm
Lý do vận dụng KTTN vào các DN Việt Nam
Để kiểm soát tốt được chi phí và đánh giá hiệu quả hoạt động của từng bộ phận trong DN thì việc vận dụng KTTN vào DN là một điều tất yếu với một số lý do sau:
Thứ nhất, KTTN cung cấp cơ sở cho việc đánh giá chất lượng về kết quả hoạt động của các nhà quản lý từng bộ phận trong DN.
Thứ hai, KTTN giúp xác định sự đóng góp của từng bộ phận, đơn vị vào lợi ích chung của toàn DN.
Thứ ba, KTTN được sử dụng để đo lường kết quả hoạt động của các nhà quản lý và xem ảnh hưởng đến cách thức thực hiện hành vi của các nhà quản lý này trong DN.
Thứ tư, KTTN thúc đẩy nhà quản lý bộ phận điều hành bộ phận mình quản lý theo phương thức phù hợp với mục tiêu chung DN.
Tổ chức KTTN vào các DN Việt Nam
Để hệ thống KTTN thực sự là công cụ hỗ trợ việc kiểm soát quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản trị cho DN Việt Nam. Theo tác giả, DN cần quan tâm đến những vấn đề sau:
Thứ nhất, phân quyền quản lý theo nhóm trách nhiệm
Việc phân chia các trung tâm trách nhiệm sẽ tạo ý tưởng cho lãnh đạo DN trong việc thiết lập một mô hình cơ cấu tốt nhất, phân chia trách nhiệm quản lý lập kế hoạch, phân tích, báo cáo, tách bạch theo từng hoạt động nhằm thuận tiên cho quản lý.
TRUNG TÂM CHI PHÍ |
Bộ phận quản lý Trách nhiệm: sử dụng hiệu quả và tiết kiệm chi phí quản lý. |
Bộ phận sản xuất kinh doanh Trách nhiệm:xây dựng định mức chi phí, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh. |
Hình 2. Mô hình quản lý phân quyền theo trách nhiệm
Thứ hai, Xây dựng bộ máy kế toán để hoàn thiện việc xử lý thông tin trong các trung tâm trách nhiệm
Qua khảo sát một số DN cho thấy các DN chỉ tập trung vào kế toán tài chính (KTTC) và KTTC dựa trên cơ sở các định mức hiện vật và lao động để xây dựng định mức còn việc xây dựng dự toán ở kiểu dự toán tĩnh chưa lập dự toán linh hoạt. Đặc biệt những DN sản xuất kinh doanh không ổn định, thường xuyên biến động thì việc lập dự toán linh hoạt có ý nghĩa quan trọng, thiết lập hệ thống báo cáo nội bộ, phân tích báo cáo và đánh giá trách nhiệm ở từng trung tâm thì DN chưa thực hiện được. Điều đó, chứng tỏ nếu tổ chức bộ máy kế toán có sự kết hợp giữa KTTC và KTQT sẽ giúp cho nhà quản trị DN ra quyết định tốt hơn.
Theo mô hình kết hợp sẽ tạo điều kiện cho DN có thể kết hợp chặt chẽ giữa quản lý tổng hợp với quản lý chi tiết theo từng đối tượng cụ thể, tạo điều kiện cho việc phân công công việc của các nhân viên kế toán, tạo điều kiện trao đổi giữa thông tin KTQT và KTTC, nâng cao hiệu quả của công tác kế toán trong doanh nghiệp cũng như đánh giá trách nhiệm từng bộ phận.
Hình 3.Bộ máy KTQT - KTTC kết hợp của DN
Thứ ba, xây dựng các trung tâm trách nhiệm
Thứ tư, tổ chức lập dự toán tại các trung tâm trách nhiệm
Các dự toán được lập cần xây dựng chi tiết, phù hợp với đặc thù từng DN và phục vụ tốt cho việc kiểm soát thông tin. Mẫu biểu DN có thể tự thiết kế phục vụ cho công tác quản trị DN.
Chỉ tiêu |
Số tiền |
|
XXX |
|
XXX |
|
XXX |
|
XXX |
|
XXX |
Thứ năm, tổ chức hệ thống báo cáo và các chỉ tiêu đánh giá các trung tâm trách nhiệm
Tổ chức hệ thống báo cáo trách nhiệm từng trung tâm là một công việc quan trọng trong quá trình sử dụng công cụ kế toán trách nhiệm của từng bộ phận. Các báo cáo thực tế được lập cần phải có sự phân tích và đánh giá trách nhiệm cũng như thành quả của từng bộ phận, từng cấp quản lý. Qua đó nâng cao trách nhiệm cũng như năng lực quản lý từng cấp, từng trung tâm.
+ Hệ thống báo cáo và chỉ tiêu tại trung tâm chi phí:
Cần lập các báo cáo tình hình thực hiện chi phí như: bảng tính giá thành sản phẩm (lập theo từng sản phẩm, lập từng tháng) phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh. Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả của trung tâm chi phí là chênh lệch giữa các khoản mục chi phí thực tế so với chi phí dự toán đã được lập theo định mức mà DN xây dựng.
+ Hệ thống báo cáo và chỉ tiêu tại trung tâm doanh thu:
Cần lập báo cáo theo dõi tình hình thực hiện doanh thu cho từng mặt hàng, từng công việc. Qua đó xác định được nhân tố giá bán, số lượng bán từng loại sản phẩm, công việc chênh lệch giữa dự toán và thực tế bao nhiêu, đó cũng là chỉ tiêu để đánh giá trách nhiệm của nhà quản trị tại trung tâm.
+ Hệ thống báo cáo và chỉ tiêu tại trung tâm lợi nhuận:
Cần lập báo cáo xác định kết quả inh doanh theo dạng số dư đảm phí như đã trình bày ở trên. Ngoài ra, tại trung tâm này cần lập thêm báo cáo theo bộ phận. Để đánh giá trách nhiệm quản lý và thành quả cần phải so sánh giữa lợi nhuận thực tế đạt được và lợi nhuận dự toán. Đồng thời kết hợp kết quả trung tâm doanh thu và trung tâm chi phí để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận nhằm đưa ra giải pháp tốt nhất. Chỉ tiêu đánh giá có thể là: lợi nhuận đạt được trong kỳ và lợi nhuận tính trên đơn vị sản phẩm.
+ Hệ thống báo cáo và chỉ tiêu tại trung tâm đầu tư:
Cần lập báo cáo xác định kết quả kinh doanh theo dạng số dư đảm phí, báo cáo bộ phận, tính các chỉ tiêu tỷ suất hoàn vốn đầu tư (ROI) và lãi thặng dư (RI). Dựa vào các thông tin trên để đánh giá hiệu quả hoạt động các bộ phận, so sánh các báo cáo trên giữa thực tế và dự toán để xác định độ lệch để tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp tối ưu. Chỉ tiêu ROI và RI đều có những hạn chế nhất định trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của trung tâm nên các DN sử dụng kết hợp các hai chỉ tiêu trên để đánh giá.
KẾT LUẬN
KTTN là một bộ phận của KTQT và còn là một khái niệm tương đối mới đối với một số DN. Hệ thống KTTN bao gồm các công cụ, chỉ tiêu đánh giá giúp các nhà quản lý ở từng bộ phận, phòng ban thực hiện mục tiêu chung cho DN. Qua đó có thể xem KTTN là công cụ đắc lực để đánh giá hiệu quả hoạt động trong các DN hiện nay. Đặc biệt các DN có quy mô lớn có sự phân cấp quản lý rõ ràng và biết cách vận dụng KTTN vào thực tế để giúp DN kiểm soát và quản lý tốt hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
-----------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] Bộ tài chính (2006), Thông tư 53/2006/TT-BTC “ Hướng dẫn áp dụng KTQTtrong các DN”
[2] PGS.TS. Phạm Văn Dược - TS. Huỳnh Lợi (2009), Mô hình và cơ chế vận hành kế toán quản trị, NXB tài chính
[3] Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổ chức kế toán trách nhiệm trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tạp chí khoa học đại học Tân Trào số tháng 04/2017
[4] Đặng Văn Thanh, Võ Đình Hảo, Mô hình tổ chức công tác kế toán và bộ máy kế toán, NXB tài chính, Hà Nội
[5] NCS. ThS. Hoàng Thu Hiền,Vận dụng kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam,Tạp chí nghiên cứu trao đổi.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: