ThS. Dương Thị Thanh Hiền
Trường Đại học Duy Tân
Tóm tắt:
Bài viết nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu học tập trực tuyến (E-learning) của học viên đang theo học tại Trường Đại học Duy Tân - Đà Nẵng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 4 nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu học tập trực tuyến của học viên, bao gồm: (i) Cơ hội việc làm; (ii) Tính linh hoạt; (iii) Chất lượng đào tạo; (iv) Chi phí học tập.
Từ khóa: các nhân tố, nhu cầu học tập trực tuyến, học viên, Trường Đại học Duy Tân
GIỚI THIỆU
Chương trình đào tạo từ xa hoặc trực tuyến (E-learning) với những tính năng, tiện ích vượt trội đã trở thành lựa chọn tốt nhất cho người học, thúc đẩy sự cởi mở của nền giáo dục, giảm thiểu các rào cản về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh kinh tế, tuổi tác và trình độ. Hình thức đào tạo mềm dẻo, linh hoạt này khẳng định các quan niệm học tập suốt đời và giáo dục cho mọi người. Hình thức giáo dục này đã và đang có những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều thành phần. Tuy nhiên, việc thiết kế những chương trình đào tạo còn nhiều bất cập và có thể chưa đáp ứng được hết nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng về học tập từ xa, cũng như E-learning.
Năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức cho phép Trường Đại học Duy Tân đào tạo các chương trình trực tuyến. Theo đó, Trường Đại học Duy Tân là 1 trong 14 trường đại học trên cả nước và là 1 trong 2 trường đại học ngoài công lập được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở chương trình đào tạo hệ Cử nhân (Đại học) trực tuyến. Hệ Cử nhân (Đại học) trực tuyến tại Trường Đại học Duy Tân đang áp dụng mô hình tiên tiến của hệ thống giáo dục trực tuyến đang rất thịnh hành tại các đại học của Mỹ, gắn kết doanh nghiệp với đào tạo và ứng dụng E-Learning trên cơ cở hạ tầng công nghệ hiện đại do Trung tâm Công nghệ phần mềm Trường Đại học Duy Tân phát triển.
Nhận thấy rằng, việc xác định nhu cầu cũng như các nhân tố tác động đến cầu học trực tuyến là hết sức cấp thiết. Chính vì vậy, tác giả tiến hành nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu học tập trực tuyến của học viên đang học tại Trường Đại học Duy Tân” nhằm xác định nhu cầu cơ bản của người lao động về học tập trực tuyến, cũng như phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu học tập, từ đó đề ra những giải pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng ngày càng toàn diện và chất lượng về nhu cầu học tập trực tuyến của người lao động.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Thuật ngữ E-learning xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 10/1999 trong một hội nghị Quốc tế về CBT (Computer - Based Training). Từ thời điểm đó, các cụm từ như “online learning” (học trực tuyến) hay “virtual learning” (học tập ảo) bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Có thể nói, kết hợp với các từ cụm từ “online learning” hay “virtual learning”, E-learning mô tả một cách đầy đủ về môi trường học tập chuyên nghiệp. Trong đó, người học có thể tương tác với môi trường học tập trực tuyến thông qua internet hoặc các phương tiện truyền thông điện tử khác (intranet, extran…). E-learning là viết tắt của Electronic Learning. Hiểu theo nghĩa tổng quát, E-learning là một thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là công nghệ thông tin.
Trong nghiên cứu về sự nhận thức của học viên tại châu Á về hình thức đào tạo từ xa, Jung (2012) đã chỉ ra các yếu tố: Sự tín nhiệm đối với cơ sở giáo dục; Phương tiện và công nghệ; Sự hỗ trợ của nơi đào tạo ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của loại hình đào tạo từ góc nhìn của người học.
Carlsen và cộng sự (2016) cho rằng, sự công nhận của người đi trước về chất lượng các khóa đào tạo tự xa cũng ảnh hưởng đến ý định tham gia học tập của các học viên tiềm năng.
Đặng Văn Dân (2014) cho rằng: Sự tin tưởng vào chất lượng ĐTTX của người học và Thị trường lao động sẽ ảnh hưởng đến cầu đào tạo.
Nguyễn Quốc Nghị và cộng sự (2018) đã chỉ ra: Cơ hội việc làm (thăng tiến trong công việc) và Sự linh hoạt của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy là 2 nhóm chính ảnh hưởng đến nhu cầu học tập từ xa của người học ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Mô hình nghiên cứu
Thông qua lược khảo một số nghiên cứu trước đó, tác giả thấy rằng, có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu học tập trực tuyến tại Đại học Duy Tân. Tác giả đã lập ra 25 biến phân thành 5 nhóm và từng biến được đo lường bằng phân tích nhân tố.
Và biến phụ thuộc: Nhu cầu học tập trực tuyến (NC1 - NC5): 3 biến.
Phương trình nghiên cứu có dạng:
NC = β1.CN + β2.VL + β3.LH + β4.CL + β5.HP
Trong đó: NC: là nhu cầu học tập trực tuyến tại trường; CN: Công nghệ thông tin; VL: Cơ hội việc làm; LH: Tính linh hoạt của hình thức đào tạo; CL: Chất lượng đào tạo; CP: Chi phí học tập. Mô hình nghiên cứu được biểu đồ hóa như Hình.
Các giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:
Giả thuyết H1: Công nghệ thông tin có tác động thuận chiều đến Nhu cầu học tập trực tuyến tại Trường Đại học Duy Tân.
Giả thuyết H2: Cơ hội việc làm có tác động thuận chiều đến Nhu cầu học tập trực tuyến tại Trường Đại học Duy Tân.
Giả thuyết H3: Tính linh hoạt có tác động thuận chiều đến Nhu cầu học tập trực tuyến tại Trường Đại học Duy Tân.
Giả thuyết H4: Chất lượng đào tạo có tác động thuận chiều đến Nhu cầu học tập trực tuyến tại Trường Đại học Duy Tân.
Giả thuyết H5: Chi phí học tập có tác động thuận chiều đến Nhu cầu học tập trực tuyến tại Trường Đại học Duy Tân.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu kết hợp giữa nghiên cứu định tính với nghiên cứu định lượng.
Nghiên cứu định tính được tiến hành thông qua phỏng vấn (qua email và thảo luận) 10 chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu E-learning.
Nghiên cứu định lượng được thực hiện theo phương pháp thuận tiện, phát trực tiếp cho người được khảo sát. Số phiếu phát ra là 220 phiếu, thu về 200 phiếu hợp lệ. Thời gian khảo sát từ ngày 25/4/2018 đến ngày 25/5/2019 (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Đánh giá độ tin cậy của thang đo
Kết quả Bảng 1 cho thấy, độ tin thang đo đối với các nhân tố, gồm: Công nghệ thông tin; Cơ hội việc làm; Tính linh hoạt; Chất lượng đào tạo; Chi phí học tập; Nhu cầu học tập là đạt yêu cầu do hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0.6. Đây là điều kiện để phân tích nhân tố khám phá (EFA).
Bảng 1: Thống kê độ tin cậy của thang đo
STT |
Nhân tố |
Biến quan sát ban đầu |
Biến quan sát còn lại |
Cronbach’s Alpha |
1 |
Công nghệ thông tin (CN) |
5 |
5 |
0.745 |
2 |
Cơ hội việc làm (VL) |
5 |
5 |
0.766 |
3 |
Tính linh hoạt (LH) |
5 |
5 |
0.821 |
4 |
Chất lượng đào tạo (CL) |
5 |
5 |
0.715 |
5 |
Chi phí học tập (CP) |
5 |
5 |
0.779 |
5 |
Nhu cầu học tập (NC) |
3 |
3 |
0.679 |
Nguồn: Tính toán của tác giả
Phân tích EFA
Phân tích EFA của biến độc lập
Bảng 2 cho thấy, hệ số KMO là 0.756 (0.5 < KMO < 1). Đồng thời, kết quả kiểm định Bartlett’s với mức ý nghĩa Sig. là 0.000 nhỏ hơn 0.05, các biến quan sát trong tổng thể có mối tương quan với nhau và chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn thích hợp.
Bảng 2: Kết quả phân tích EFA của biến độc lập
Kiểm tra của KMO and Bartlett's |
||
Kaiser-Meyer-Olkin Measure of Sampling Adequacy |
.756 |
|
Mô hình kiểm tra của Bartlett's |
Approx. Chi-Square |
3548.166 |
df |
300 |
|
Sig. |
.000 |
Nguồn: Tính toán của tác giả
Bảng 3 cho thấy, hệ số KMO là 0.647 (0.5 < KMO < 1). Đồng thời, kết quả kiểm định Bartlett’s với mức ý nghĩa Sig. là 0.000 nhỏ hơn 0.05, các biến quan sát trong tổng thể có mối tương quan với nhau và chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn thích hợp.
Bảng 3: Kết quả phân tích EFA của biến phụ thuộc
Kiểm tra của KMO and Bartlett's |
||
Kaiser-Meyer-Olkin Measure of Sampling Adequacy |
.647 |
|
Mô hình kiểm tra của Bartlett's |
Approx. Chi-Square |
80.882 |
df |
3 |
|
Sig. |
.000 |
Nguồn: Tính toán của tác giả
Bảng 4: Hệ số phù hợp của mô hình
Mô hình |
R |
R2 |
R2 hiệu chỉnh |
Sai số chuẩn của ước lượng |
Durbin-Watson |
1 |
.835a |
.697 |
.690 |
.307 |
1.564 |
Nguồn: Tính toán của tác giả
Bảng 4 cho thấy, R2 = 0.697, R2 hiệu chỉnh = 0.690. R2 > R2 hiệu chỉnh, nên nó dùng để đánh giá độ phù hợp của mô hình sẽ an toàn hơn, vì nó không thổi phồng mức độ phù hợp của mô hình. R2 hiệu chỉnh là 0.69. nghĩa là 69% sự biến thiên của biến phụ thuộc là Nhu cầu học tập được giải thích bởi biến thiên của 5 biến độc lập.
Kiểm định mô hình hồi quy tuyến tính
Bảng 5: Phân tích phương sai
Mô hình |
Tổng bình phương |
df |
Trung bình bình phương |
F |
Sig. |
|
1 |
Hồi quy |
42.126 |
5 |
8.425 |
89.444 |
.000b |
Phần dư |
18.274 |
194 |
.094 |
|
|
|
Tổng cộng |
60.399 |
199 |
|
|
|
Nguồn: Tính toán của tác giả
Giá trị Sig. của phân tích ANOVA về sự phù hợp của mô hình hồi quy bằng 0.000 < 0.05, nên ta bác bỏ giả thiết H0, nghĩa là có mối quan hệ giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc.
Bảng 5 cho thấy, thống kê giá trị F = 89.444 được dùng để kiểm định giả thiết H0, mối quan hệ tuyến tính là rất có ý nghĩa với p_value < 0,05. Như vậy, các biến độc lập trong mô hình có quan hệ đối với biến phụ thuộc Nhu cầu học tập, sự tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc với mức tin cậy 99%.
Bảng 6: Kết quả hệ số hồi quy
Mô hình |
Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa |
Hệ số hồi quy chuẩn hóa |
T |
Sig. |
Thống kê đa cộng tuyến |
||
Beta |
Sai số chuẩn |
Beta |
Dung sai |
VIF |
|||
Hằng số |
0.046 |
0.198 |
|
2.230 |
0.818 |
|
|
CN |
0.026 |
0.064 |
0.023 |
4.409 |
0.683 |
0.465 |
1.151 |
VL |
0.626 |
0.076 |
0.654 |
8.224 |
0.000 |
0.280 |
1.575 |
LH |
0.035 |
0.089 |
0.038 |
4.391 |
0.000 |
0.162 |
2.177 |
CL |
0.159 |
0.078 |
0.166 |
3.313 |
0.000 |
0.391 |
1.555 |
CP |
0.108 |
0.092 |
0.109 |
2.165 |
0.000 |
0.174 |
1.761 |
Kết quả phân tích các hệ số hồi quy trong mô hình cho thấy, mức ý nghĩa của các thành phần Sig.=0,000 (nhỏ hơn 0,05), riêng biến CN bị loại vì thành phần Sig. không phù hợp (Sig. = 0,683 > 0,05). Do đó, các biến độc lập còn lại đều có tác động đến Nhu cầu học tập trực tuyến. Tất cả các thành phần đều có ý nghĩa trong mô hình và tác động cùng chiều đến Nhu cầu học tập, do các hệ số hồi quy đều mang dấu dương.
Phương trình hồi quy tuyến tính đa biến của nghiên cứu này có dạng:
Hồi quy chưa chuẩn hóa là:
NC = 0.046 + 0.626VL + 0.035LH + 0.159CL + 0.108CP + e.
Hồi quy đã chuẩn hóa là:
NC* = 0.654VL + 0.038LH* + 0.166CL* + 0.109CP*
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 4 nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu học tập trực tuyến của học viên, bao gồm: (i) Cơ hội việc làm; (ii) Tính linh hoạt; (iii) Chất lượng đào tạo; (iv) Chi phí học tập. Trong khi đó, nhân tố Công nghệ thông tin lại có quan hệ ngược chiều với nhu cầu học tập trực tuyến của học viên.
Căn cứ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm góp phần mở rộng nhu cầu học tập trực tuyến tại Trường Đại học Duy Tân, như sau:
Một là, về công nghệ. Trường Đại học Duy Tân cần đầu tư phát triển của công nghệ, việc xây dựng môi trường học tập trực tuyến hiện đại, xây dựng các nội dung giảng dạy trực tuyến được phát triển theo hướng ngày càng tiếp cận gần hơn với người học để người học có thể khai thác nội dung học tập trực tuyến từ thiết bị di động, hay học tập trong mô hình trường đại học ảo…
Hai là, về kỹ thuật. Nhà trường cần đầu tư cơ sở kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp 4.0, như: đường truyền internet tốc độ cao, điện toán đám mây, máy tính, mạng nội bộ, phần mềm trí tuệ nhân tạo, phần mềm phục vụ E-learning, website, thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến... “Online hóa” nhà trường học, bao gồm cả online về dạy học và online về quản lý, điều hành tác nghiệp và hỗ trợ giảng viên, sinh viên.
Ba là, về cơ chế, chính sách. Nhà trường cần hoàn thiện văn bản quản lý, hướng dẫn khai thác, sử dụng hệ thống E-learning; các buổi tập huấn cụ thể cho từng loại đối tượng: cán bộ quản lý giáo dục, quản trị hệ thống, giảng viên, sinh viên để hiểu rõ về hệ thống E-learning. Tăng cường trình tự chủ trong hoạt động đào tạo và quản trị Nhà trường nhằm tạo sự linh hoạt thích ứng với xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Bốn là, về gắn kết Nhà trường và doanh nghiệp. Nhà trường cần xây dựng quan hệ gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; đồng thời, cần đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung về: cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, quan trọng hơn là rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống./.
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Văn Dân (2014). Phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới cầu đào tạo từ xa ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
2. Nguyễn Quốc Nghi, Phan Thị Mỹ Hoàng và Nguyễn Quang Duy (2018). Các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu học tập từ xa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, tập 54, số 1D, 175-186
3. Carlsen, A., Holmberg, C., Neghina, C., and OwusuBoampong (2016). Opportunities for distance education to benefit adult learners in higher education, UNESCO Institute for Lifelong Learning (UIL) Feldbrunnenstr, 58, 20148 Hamburg, Germany
4. Jung, I. (2012). Asian Learners’ Perception of Quality in Distance Education and Gender Differences, The International Review of Research in Open and Distributed Learning, 13(2), 1-25
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: