Dương Thị Thanh Hiền
Khoa Kế toán – Đại học Duy Tân
1. Công bố thông tin kế toán là gì
Một trong những yêu cầu cơ bản của thị trường chứng khoán (TTCK) là công bố thông tin. Công bố thông tin chính là việc các tổ chức, các DN khi tham gia thị trường phải có nghĩa vụ cung cấp “đầy đủ, trung thực, kịp thời những thông tin liên quan đến tình hình hoạt động” của mình cho các nhà đầu tư biết.
Trong tóm tắt về công bố thông tin dành cho các công ty niêm yết (CTNY) thì đây được xem là cách để thực hiện sự công khai, rõ ràng của DN nhằm giúp cho các bên có liên quan có thể thu thập “thông tin một cách công bằng và đồng thời”. Trong định nghĩa này, chúng ta có thể hiểu rằng, minh bạch thông tin “là sự công bố thông tin kịp thời và đáng tin cậy, cho phép những người sử dụng thông tin đó có thể đánh giá chính xác về tình hình và hiệu quả của một đơn vị, hoạt động kinh doanh và rủi ro liên quan đến các hoạt động này”. (Theo International Finance Corporation, Public disclosure and transparency, Yerevan, May 2006).
Cụ thể hơn, công bố thông tin kế toán (Accounting Disclosures) là việc cung cấp tất cả thông tin thông qua các báo cáo của một DN trong một khoảng thời gian cụ thể. Thông thường, công bố thông tin có hai loại: công bố thông tin bắt buộc và công bố thông tin tự nguyện. Công bố thông tin bắt buộc (Madatory disclosure) là việc công bố các thông tin kế toán theo quy định của luật pháp và yêu cầu của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ. Công bố thông tin tự nguyện (Voluntary disclosures) tuỳ thuộc vào DN, có nghĩa là một DN không có yêu cầu bắt buộc phải công bố những thông tin dạng này. Theo xu thế ngày nay thì các thông tin tự nguyện đang được rất nhiều các đối tượng quan tâm vì tính ảnh hưởng của nó và các DN cũng đang nhận được nhiều lời khuyên là công bố thông tin tự nguyện càng nhiều thì sẽ nhận được càng nhiều lợi ích.
Công bố thông tin bắt buộc đề cập đến những khía cạnh và thông tin phải được công bố như là kết quả của sự tồn tại của một số quy định pháp luật, thị trường vốn, TTCK hoặc quy định của cơ quan quản lý. Mục đích của việc công bố này là nhằm thoả mãn nhu cầu về thông tin của các bên liên quan, đảm bảo kiểm soát chất lượng sản xuất thông qua việc tuân thủ các quy định của pháp luật và tiêu chuẩn (Adina và Ion, 2008), đồng thời giúp bảo vệ an toàn và lợi ích của các nhà đầu tư.
Việc công bố thông tin kế toán tự nguyện như là một thông tin bổ sung liên quan đến các quy định quốc gia khác nhau hoặc tham chiếu quốc tế về báo cáo kinh doanh, là một điều không bắt buộc theo luật pháp, nhưng trở nên tự nguyện thông qua các hành vi liên quan đến công bố. Công bố những thông tin tự nguyện phụ thuộc vào cả sự lựa chọn tự do của các nhà quản lý DN và về các quy định có hiệu lực, các áp lực bên ngoài của thị trường vốn, các tổ chức, cá nhân và các yếu tố văn hoá (Adina và Ion, 2008).
2. Nghiên cứu về công bố thông tin kế toán trên thế giới
Nghiên cứu về công bố thông tin kế toán đã được nhiều tác giả lựa chọn thực hiện. Các nghiên cứu liên quan đến nội dung này chia công bố thông tin kế toán thành 2 loại gồm công bố thông tin bắt buộc và công bố thông tin tự nguyện. Trong đó, công bố thông tin bắt buộc là việc các công ty phải bắt buộc thực hiện các yêu cầu về công bố thông tin theo quy định của pháp luật, theo Luật chứng khoán, theo các nguyên tắc kế toán hay theo quy định của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, Boesso, G., (2006) cho rằng, các nhà đầu tư, thị trường tài chính và các bên liên quan ngày càng không hài lòng với thông tin công bố bắt buộc, từ đó làm nảy sinh nhu cầu về công bố thông tin tự nguyện của các DN này, qua đó, họ mong muốn nhận được các thông tin toàn diện hơn về chiến lược dài hạn và hiệu quả hoạt động của DN. Theo báo cáo Cải thiện báo cáo kinh doanh (FASB, 2001) thì công bố thông tin tự nguyện là thông tin do các CTNY tự nguyện công bố, nhưng không phải là thông tin tài chính cơ bản bắt buộc phải công bố theo các nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi và các yêu cầu của cơ quan quản lý chứng khoán. Yu Tian và Jingliang Chen (2009) cho rằng ở giai đoạn đầu của TTCK, công bố thông tin tự nguyện rất chiếm ưu thế và được các đối tượng sử dụng thông tin quan tâm và điều này được các cơ quan quản lý chứng khoán tin là “bàn tay vô hình” tác động, được thúc đẩy bởi lợi ích của người tham gia TTCK, giúp cho họ nhận thấy sự cân bằng thông tin trong đó “thông tin được công bố đầy đủ là nguồn lực được phân bổ hiệu quả”.
Gigler F. và Hemmer. T (1998) cho thấy rằng sự hoàn hảo của việc công bố thông tin bắt buộc và quy định thị trường liên quan sẽ có hai tác động đến công bố thông tin tự nguyện. Thứ nhất, giảm công bố thông tin tự nguyện, nếu các CTNY được yêu cầu công bố thêm thông tin, việc công bố thông tin tự nguyện sẽ làm tăng chi phí của công ty, bao gồm chi phí xử lý và phát hành thông tin, rủi ro tố cáo và mất lợi thế cạnh tranh, điều này khiến các nhà quản lý thiếu động cơ để công bố thông tin tự nguyện. Thứ hai, trong điều kiện chất lượng công bố thông tin bắt buộc kém và sự điều tiết thị trường thấp, các nhà quản lý thông qua việc công bố thông tin tự nguyện để gửi tín hiệu đến thị trường vốn, với hy vọng thu được phản hồi tích cực, tại thời điểm này, nhiều thông tin sẽ được công bố một cách tự nguyện.
Ronen và Yaari (2002) cho rằng việc công bố thông tin tự nguyện nhằm mục đích giới thiệu và giải thích tiềm năng của công ty với các nhà đầu tư, thúc đẩy tính lưu động của thị trường vốn, đảm bảo phân bổ vốn hiệu quả hơn và giảm chi phí vốn, đồng thời giúp giao tiếp được tích cực hơn là chỉ công bố các thông tin bắt buộc. Tuy nhiên, việc công bố thông tin bắt buộc có thể làm giảm hoặc ảnh hưởng đến việc công bố thông tin tự nguyện, một số công ty có thể chọn áp dụng chiến lược công bố một phần thông tin đó là các thông tin tích cực, mang lại phản ứng tốt của thị trường với thông tin đó, trong khi các thông tin tiêu cực thì lại không được công bố.
Một số các tác giả tiêu biểu lựa chọn nghiên cứu về công bố thông tin có thể kể đến như Lang, M. và Lundholm, R. (1993): xem xét sự thay đổi trong mức độ công bố thông tin và cung cấp bằng chứng cho thấy các phân tích gia tăng về quy mô DN và hiệu quả hoạt động, lợi nhuận và khả năng các công ty phát hành chứng khoán trong giai đoạn hiện tại hoặc tương lai thì sẽ công bố thông tin nhiều hơn; Owusu – Ansah (1998): khảo sát thực nghiệm về ảnh hưởng của tám thuộc tính DN đến mức độ công bố thông tin kế toán trên báo cáo của 49 CTNY ở Zimbabwe. Kết quả là cơ cấu sở hữu, quy mô công ty, tuổi công ty, là tập đoàn đa quốc gia và lợi nhuận có ảnh hưởng tích cực đến mức độ công bố thông tin, chất lượng kiểm toán bên ngoài, loại hình công nghiệp và tính thanh khoản dường như không có ảnh hưởng; Bernard Raffournier (2006): tìm hiểu về mức độ công bố thông tin kế toán trong các BCTN của các DN ở Thụy Sĩ. Kết quả cho thấy quy mô DN và tính quốc tế có tác động rất lớn trong chính sách công bố thông tin của các DN; Patricia Teixeira Lopes và Lucia Lima Rodrigues (2007): xem xét sự tác động của các nhân tố đến mức độ công bố thông tin ở Bồ Đào Nha. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ công bố thông tin bị ảnh hưởng đáng kể bởi quy mô DN, tình trạng niêm yết, đòn bẩy tài chính.
Bên cạnh đó một số nghiên cứu lựa chọn chỉ thực hiện nghiên cứu tự nguyện công bố thông tin như Meek, G.K., và cộng sự (1995): xem xét về các yếu tố tác động đến mức độ công bố thông tin tự nguyện và xây dựng một danh mục công bố thông tin tự nguyện dựa trên khảo sát ở Mỹ, Anh và một số nước Châu Âu. Kết quả khẳng định các nhân tố giải thích cho mức độ công bố thông tin tự nguyện bao gồm: quy mô DN, vùng địa lý, tình trạng niêm yết và loại ngành công nghiệp mà công ty hoạt động; Chau và Gray (2002): thực hiện nghiên cứu về mối liên hệ giữa cấu trúc sở hữu vốn và công bố thông tin tự nguyện tại Hồng Kông và Singapore. Kết quả cho thấy cấu trúc sở hữu vốn có yếu tố bên ngoài và quy mô đa dạng thì có tương quan cùng chiều với mức độ công bố thông tin tự nguyện, ngược lại các công ty có yếu tố sở hữu nội bộ và sở hữu gia đình thì làm giảm chỉ số công bố thông tin tự nguyện
3. Nghiên cứu về công bố thông tin kế toán tại Việt Nam
Phạm Đức Hiếu và Đỗ Thị Hương Lan (2015) trong nghiên cứu của mình đã trình bày công bố thông tin bao gồm hai loại là công bố thông tin bắt buộc và công bố thông tin tự nguyện. Theo các tác giả, công bố thông tin bắt buộc là trường hợp các quy tắc và quy định được thiết lập để các CTNY công bố thông tin của họ ra công chúng một cách thường xuyên. Công bộ thông tin tự nguyện đề cập đến các hoạt động công bố thông tin ngoài những thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý và động cơ có thể xuất phát từ hình ảnh công ty với bên ngoài, duy trì mối quan hệ với nhà đầu tư và giảm rủi ro kiện tụng. Cũng theo nghiên cứu này, ở Việt Nam, việc công bố thông tin bắt buộc chưa được thực thi đầy đủ, tuy nhiên trước các vụ bê bối của công ty Bông Bạch Tuyết hay công ty Dược Viễn Đông, các nhà đầu tư Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn vào hoạt động của các công ty họ đầu tư, yêu cầu quyền lợi của mình thông qua việc được thông báo thông tin chất lượng và kịp thời về hoạt động của công ty.
Ở Việt Nam, các nghiên cứu về công bố thông tin được nhiều tác giả lựa chọn thực hiện, tiêu biểu có thể kể đến một số tác giả như Lê Trường Vinh và Hoàng Trọng (2008): thông qua việc phát bảng hỏi và nhận về các kết quả trả lời, nhóm tác giả đã dùng kết quả này để lập nên bộ chỉ số đánh giá mức độ công khai minh bạch của thông tin; Đoàn Nguyễn Trang Phương (2010): nghiên cứu về các nhân tố tác động đến mức độ công bố thông tin kế toán của các CTNY ở Việt Nam và cho rằng khả năng sinh lời và chủ thể kiểm toán là hai nhân tố có tác động đáng kể; Nguyễn Công Phương và cộng sự (2014): tìm hiểu thực trạng và các yếu tố tác động đến mức độ công bố thông tin tài chính của các CTNY trên SGDCK Tp.HCM. Kết quả cho thấy các yếu tố quy mô, công ty kiểm toán, tỉ lệ sở hữu nước ngoài, mức độ sinh lời và thời gian niêm yết của DN có tác động đến mức độ công bố; Ngô Thu Giang (2014): xem xét tác động của 5 nhân tố: ngành nghề kinh doanh, đặc điểm về nguồn vốn chủ sở hữu, đặc điểm về quản trị công ty, đặc điểm về kết quả kinh doanh, đặc điểm niêm yết đến mức độ công bố thông tin kế toán.
Bên cạnh đó, cũng có một số tác giả lựa chọn chỉ thực hiện nghiên cứu về tự nguyện công bố thông tin như Tạ Quang Bình (2012): tiến hành xem xét về vấn đề tự nguyện công bố thông tin của các CTNY tại Việt Nam. Kết quả cho thấy ở một nước đang phát triển như Việt Nam, thì mức độ công bố thông tin về nguồn nhân lực trong DN thấp. Tác giả cho thấy các DN cần cải thiện hơn trong việc xác định thông tin công bố tự nguyện để đáp ứng và tạo niềm tin cho nhà đầu tư; Nguyễn Thị Thu Hảo (2015): xem xét tác động của các nhân tố: quy mô, loại hình sở hữu, lợi nhuận, công ty kiểm toán, đòn bẩy tài chính, HĐQT, tỷ lệ thành viên độc lập trong HĐQT đến mức độ công bố thông tin kế toán tự nguyện. Kết quả cho thấy: quy mô, loại hình sở hữu, lợi nhuận có tác động đến mức độ công bố thông tin kế toán tự nguyện còn các nhân tố khác thì dường như không …
4. Kết luận
Công bố thông tin là một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản của thị trường chứng khoán (TTCK). Công bố thông tin được xem là cách để các định chế, các tổ chức thể hiện sự công khai minh bạch thông tin của mình, giúp cho các cổ đông, các nhà đầu tư và các bên liên quan có thể tiếp nhận thông tin một cách công bằng và kịp thời. Công bố thông tin bao gồm công bố thông tin bắt buộc và công bố thông tin tự nguyện.
Nội dung bài viết nhằm mang đến một cái nhìn tổng quát về các nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam có liên quan trực tiếp, gián tiếp đến công bố thông tin hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Bernard Raffournier, 2006. The determinants of voluntary financial disclosure by Swiss listed companies. University of Geneva, Pages 261-280, Published online: 28 Jul 2006.
2. Bộ Tài chính, 2015. Thông tư 155/2015/TT-BTC - Hướng dẫn việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán - Ban hành ngày 06/10/2015.
3. Boesso, G., 2006. Voluntary Disclosure & Stakeholders' Management in Italy and in the United States. Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=968678 or http://dx.doi.org/10.2139/SSRN.968678
4. Đặng Thị Bích Ngọc, 2018. Nghiên cứu công bố thông tin kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Học viện Tài Chính.
5. Gary K. Meek và cộng sự, 1995. Factors influencing voluntary annual report disclosure U.S., U.K., and continental European multinational corporations. Journal of International Business Studies.
6. Gigler, F., 1994. Self-enforcing voluntaru disclosure. Journal of Accounting Research 32, 224-240.
7. Gray, S. J. và cộng sự, 1984. International Financial Reporting: A comparative international survey of accounting requirements and practices in 30 countries. Springer.
8. Lang M. và Lunholm R., 1993. Cross-sectional determinants of analyst ratings of corporate disclosure. Journal of Accounting Research, Vol. 31, No. 2, Autumn, 1993
9. Nguyễn Công Phương và cộng sự, 2014. Nghiên cứu thực trạng công bố thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí phát triển Kinh tế 287 (09/2014), 15 - 33.
10. Nguyễn Thị Thu Hảo, 2015. Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin tự nguyện của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE. Tạp chí phát triển Kinh tế, 26(11), 99-115.
11. Nguyễn Văn Bảo (2021). Mức Độ Công Bố Thông Tin Kế Toán Và Năng Lực Cạnh Tranh – Bằng Chứng Thực Nghiệm Tại Các Doanh Nghiệp Xây Dựng Và Kinh Doanh Bất Động Sản Niêm Yết Trên Thị Trường Chứng Khoán Việt Nam. Luận án tiến sĩ. Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh.
12. Patricia Teixeira Lopes và Lucia Lima Rodrigues, 2007. Accounting for Financial Instruments: An Analysis of the Determinants of Disclosure in the Portuguese Stock Exchange. The International Journal of Accounting, Vol. 42, Issue 1, 2007, Pages 25-26.
13. Pham Duc Hieu và Do Thi Huong Lan, 2015. Factors Influencing Voluntary Disclosure of Vietnamese Listed Companies. Journal of Modern Accounting and Auditing 11(12): 656–76.
14. Ronen và Yaari, 2002. Incentives for voluntary disclosure. Journal of Financial Markets. No.5. p21-23.
15. Tạ Quang Bình, 2012. Voluntary Disclosure Information in the Annual Reports of Non Financial Listed Companies: The Case of Vietnam. Journal of Applied Economics and Business Research, 2: 69-90.
16. Yu Tian và Jingliang Chen, 2009. Concept of Voluntary Information Disclosure and A Review of Relevant Studies. International Jounal of Economics and Finance, Vol. 1, No. 2, pp 55-59.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: