ThS. Đào Thị Đài Trang
Khoa Kế Toán – Đại học Duy Tân
daitrangdtu@gmail.com
TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN GIÁ ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ QUỐC GIA- LIÊN HỆ TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP PHẦN CẢI THIỆN TÌNH HÌNH CHUYỂN GIÁ TẠI VIỆT NAM
Tóm tắt
Thời gian qua, ở Việt Nam những hành vi chuyển giá để trốn thuế diễn ra khá phức tạp và là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng.Hoạt động này được nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư ưa dùng để giảm nghĩa vụ nộp thuế, gia tăng lợi ích cục bộ.Xét về lâu dài thì hoạt động chuyển giá không những tạo ra rủi to cho DN mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh trong cơ chế thị trường, ảnh hưởng đến chính sách quản lý và điều hành nền kinh tế của Chính phủ. Tình trạng chuyển giá trong các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết đã được các cơ quan chức năng cũng như truyền thông cảnh báo nhiều lần.Tuy nhiên, việc chống chuyển giá đang là vấn đề hết sức khó khăn đối với cơ quan quản lý.Bài viết đi phân tích tác động của chuyển giá đối với nền kinh tế quốc gia, liên hệ thực tế chuyển giá ở Việt Nam và đề xuất một số ý kiến trong việc chống chuyển giá.
Từ khóa: Chuyển giá, chống chuyển giá, FDI
Abstract
In recent years, I Vietnam, some transfer pricing behavior for tax evasion was happened sophisticatedly and problems attracting many stakeholders. This activity was appled for avoidance tax responsibility and achieving local benefit by FDI firms and investors. In long term, the transfer pricing make not only risks for enterprises but also affect to business environment in market machanesim. Beside that, it also affect to management policies and conductig national economy of government. Transfer pricing status in linking transaction enterprises was warned many times by functional agency and communication organization. However, transfer pricig adversary is emerging as difficult problem for state governance agancies. Weanalyzes transfer pricing affecting on national economy and connecting actual transfer pricing in Vietnam. This paper makes suggestions on solutions for anti-transfer pricing.
Keyword: Transfer pricing, anti-transfer pricing, FDI
1. Chuyển giá là gì?
Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các doanh nghiệp chuyển giátrên toàn cầu.
Như vậy, chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết. Hành vi ấy có đối tượng tác động chính là giá cả.
2. Tác động của chuyển giá
a. Đối với nền kinh tế xuất khẩu đầu tư
Xem xét toàn bộ quá trình thực hiện hành vi chuyển giá thì chúng ta có thể nhận ra là các doanh nghiệp chuyển giá là người được hưởng lợi nhiều nhất vì tối thiểu được khoản thuế phải nộp. Quốc gia nào có thuế suất thấp hơn sẽ được hưởng lợi. Chuyển giá làm thất thu thuế của quốc gia xuất khẩu đầu tư nếu thuế suất ở quốc gia này cao hơn thuế suất của quốc gia tiếp nhận đầu tư, làm mất cân đối trong kế hoạch thuế của quốc gia này.
Hoạt động chuyển giá sẽ làm cho dòng vốn đầu tư dịch chuyển không theo ý muốn quản lý của chính phủ của quốc gia xuất khẩu đầu tư, vì vậy mục tiêu quản lý kinh tế vĩ mô sẽ gặp nhiều khó khăn.
b. Đối với nền kinh tế nhận đầu tư
Thông qua hoạt động chuyển giá, các doanh nghiệp chuyển giáđịnh giá cao các yếu tố đầu vào từ đó các doanh nghiệp chuyển giá rút ngắn thời gian thu hồi vốn, vì vậy mà các luồng vốn có xu hướng chảy ngược ra khỏi quốc gia tiếp nhận đầu tư. Các hành động chuyển giá nhằm thu hồi vốn nhanh hơn so với kế hoạch đầu tư ban đầu sẽ làm cho thay đổi cơ cấu vốn của nền kinh tế quốc gia tiếp nhận đầu tư. Hậu quả là tạo ra sự phản ánh sai lệch kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, tạo ra một bức tranh kinh tế không trung thực.
Trong một số trường hợp, quốc gia tiếp nhận đầu tư có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn nên trở thành người được hưởng lợi từ hoạt động chuyển giá. Vì vậy mà các quốc gia này cố ý làm lơ để các doanh nghiệp chuyển giátha hồ thực hiện hành vi chuyển giá và các quốc gia này không sẵn lòng hợp tác với chính quốc để ngăn chặn hành vi chuyển giá. Về lâu dài, khi mà có sự chuyển biến của môi trường kinh doanh quốc tế thì các quốc gia này từng được xem là “thiên đường về thuế” sẽ đến lượt gánh chịu những hậu quả do việc thả lỏng và thờ ơ trong công tác quản lý trước đây gây ra. Lúc này các quốc gia này sẽ phải đương đầu với 16 khó khăn về tài chính do các nguồn thu không bền vững đã phản ánh không chính xác sức mạnh của nền kinh tế và khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra.
Thông qua hoạt động chuyển giá nhằm xâm chiếm thị phần khi mới tham gia vào thị trường, các doanh nghiệp chuyển giásẽ tiến hành các chiêu thức quảng cáo và khuyến mãi quá mức, và hậu quả là lũng đoạn thịtrường. Các doanh nghiệp trong nước không đủ tiềm lực tài chính để cạnh tranh vì vậy mà dần dần sẽ bị phá sản hoặc buộc phải chuyển sang kinh doanh trong các ngành khác. Các doanh nghiệp chuyển giásẽ dần trở nên độc quyền và thao túng thị trường trong nước, kiểm soát giá cả và mất dần tính tự do cạnh tranh của thị trường tự do. Chính phủ của quốc gia này sẽ gặp khó khăn trong quá trình hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô và không thể thúc đẩy ngành sản xuất trong nước phát triển.
Thông qua hoạt động chuyển giá, các doanh nghiệp chuyển giásẽ thực hiện kế hoạch thôn tính các doanh nghiệp trong nước. Với tiềm lực tài chính mạnh, các doanh nghiệp chuyển giásẽ tiến hành liên doanh với các doanh nghiệp trong nước với tỷ lệ vốn góp cao để nắm quyền quản lý. Khi đã nắm được quyền quản lý các doanh nghiệp chuyển giásẽ thực hiện hành vi chuyển giá nhằm làm cho kết quả kinh doanh thua lỗ kéo dài. Khi kết quả hoạt động kinh doanh bị thua lỗ thì bắt buộc phải tăng vốn góp lên, nếu các đối tác trong nước không đủ tiềm lực tài chính sẽ phải bán lại phần vốn góp của mình và như vậy là từ công ty liên doanh chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài. Kế hoạch thôn tính doanh nghiệp trong nước đã thành công.
Các hoạt động chuyển giá sẽ làm phá sản kế hoạch phát triển nền kinh tế quốc dân của các quốc gia tiếp nhận đầu tư. Nếu không bị ngăn chặn kịp thời thì về lâu dài các quốc gia tiếp nhận đầu tư sẽ phải phụ thuộc về mặt kinh tế và tiếp theo sau đó là sự chi phối về mặt chính trị. Hoạt động chuyển giá sẽ gây ra tình trạng mất cân đối trong cán cân thanh toán quốc tế của quốc giá đó.
3. Thực trạng chuyển giá tại Việt Nam
Việt Nam là quốc gia chịu tác động trực tiếp từ hoạt động chuyển giá của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài(FDI).
Ngay sau Đại hội VI của Đảng (1986) đề ra chiến lược Đổi mới kinh tế, Luật Đầu tư nước ngoài đã sớm được ban hành (1987), góp phần tạo ra môi trường kinh doanh mới dựa trên một nền tảng pháp lý cụ thể, phù hợp với nhận thức về xu thế mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong giai đoạn đầu của quá trình đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang còn bị cấm vận kinh tế, việc mở cửa cho phép đầu tư nước ngoài đã khẳng định quan điểm “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”. Hơn nữa, trong điều kiện các nguồn lực hỗ trợ từ hệ thống XHCN cũ không còn và tiết kiệm trong nước không đủ, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một sự bổ sung hết sức quan trọng cho đầu tư để phát triển đất nước. Đầu tư nước ngoài cũng góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế, cải thiện cán cân thương mại, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân, đóng góp nguồn thu ngân sách quốc gia. Tính đến hết năm 2016, Việt Nam có hơn 20 nghìn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 281,882 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI qua các báo cáo lại không cao, phổ biến nhất là tình trạng thua lỗ. Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố có đánh giá rất đáng chú ý, trong 3 loại hình doanh nghiệp, khối FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ vẫn luôn cao nhất. Một số số liệu báo lỗ của các doanh nghiệp FDI [1]
Một điều bất hợp lý là dù thua lỗ liên tục nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.Mặt khác, trong khi doanh nghiệp FDI kêu lỗ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi.
|
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế (tính đến tháng 11/2016), toàn ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 329 doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Từ đó, ngành Thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt hơn 607,5 tỷ đồng; giảm lỗ 5.162,2 tỷ đồng; giảm khấu trừ hơn 2 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 2.121 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 211 tỷ đồng; giảm lỗ 3.922 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 1.966 tỷ đồng.Riêng tại TP.HCM, tình trạng kê khai lỗ nhiều năm liên tục, không phát sinh số thuế phải nộp, có các dấu hiệu của việc chuyển giá thông qua việc mua bán hàng hóa, dịch vụ với các đơn vị có quan hệ liên kết… chiếm tỉ lệ khá lớn trong các DN FDI. Trong năm 2016, Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện thanh tra 99 DN có giao dịch liên kết, truy thu được trên 116 tỷ đồng, giảm lỗ trên 871 tỉ đồng, giảm khấu trừ trên 1,3 tỉ đồng. Đặc biệt, nhiều DN mặc dù khai lỗ nhưng vẫn bị ấn định và truy thu với số thuế từ 2 đến 16 tỉ đồng/DN.[2]
Việc chuyển giá từ doanh nghiệp FDI có ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam:
Thứ nhất, thất thu ngân sách nhà nước do thất thu nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cụ thể: 50% doanh nghiệp FDI thua lỗ có tỷ trọng đóng góp vào tổng thu ngân sách quốc gia của khối doanh nghiệp FDI (không tính thu từ dầu thô) chỉ chiếm từ 9 - 10% hoặc có năm 12%, một con số đóng góp khá thấp.
Thứ hai, gia tăng giá trị nhập khẩu, tác động tiêu cực đến cán cân thương mại và cán cân thanh toán. Việc nâng khống giá trị thiết bị, máy móc , nguyên liệu đã khiến cho khu vực FDI mặc dù có xuất khẩu, song giá trị nhập khẩu vẫn cao, dẫn đến cán cân thương mại và cán cân thanh toán bị thâm hụt.
Thứ ba, gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa.Việc tạo ra lợi thế từ việc “tối thiểu hóa” số thuế phải nộp và “tối đa hóa” lợi nhuận nên phần lớn doanh nghiệp FDI dễ dàng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước khiến cho doanh nghiệp Việt Nam có thể bị thua lỗ, bị phá sản hoặc phải chuyển sang kinh doanh ngành hàng khác.
Thứ tư, góp phần làm sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn FDI nói riêng và vốn nói chung
Vì vậy, chuyển giá không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
4. Một số ý kiến góp phần cải thiện tình hình chuyển giá tại Việt Nam
Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, kiện toàn bộ máy:
Trước mắt, Việt Nam cần hoàn thiện hành trang pháp lý về chống chuyển giá và tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá.Trên thực tế Việt Nam đã sớm nhận thức và có nhiều nỗ lực chống chuyển giá cả trên phương diện pháp lý.Văn bản pháp lý đầu tiên đề cập đến chuyển giá là Thông tư 74/1997/TT-BTC hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài; tiếp đến là Thông tư 89/1999/TT-BTC và Thông tư 13/2001/TT-BTC; đến Thông tư 05/2005/TT-BTC hướng dẫn về thuế nhà thầu thì vấn đề này được bỏ ra khỏi nội dung điều chỉnh. Cho đến 19/12/2005, chuyển giá đã được nhắc lại tại Thông tư 117/2005/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn việc thực hiện xác định giá thị trường trong các giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Việt Nam đã xây dựng và áp dụng Thông tư 66/2010/TT-BTC (quy định về xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết và được dựa trên hướng dẫn của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế - OECD, phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam); Thông tư 71/2010/TT-BTC (hướng dẫn ấn định thuế đối với cơ sở kinh doanh xe ô tô, xe máy ghi giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường. Đặc biệt, Tổ Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá trực thuộc Tổng cục Thuế đã được thành lập ngày 15/02/2012; Bộ Tài chính đã có quyết định số 1250/QĐ-BTC ngày 21/5/2012, về việc phê duyệt chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012- 2015.Hay Thông tư 201/2013ngày 20/12/2013 hướng dẫn việc áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế.Và mới đây nhất là Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (GDLK) đã chính thức có hiệu lực vào tháng 5/2017.Nghị định này là cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho công tác đấu tranh chống chuyển giá và khắc phục kịp thời những bất cập của thực tế.
Thứ hai, rà soát, điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương.
Vì nguyên nhân dẫn đến hành vi chuyển giá là có sự chênh lệch thuế thu nhập DN giữa các quốc gia, chênh lệch thuế suất thuế thu nhập DN trong một quốc gia do áp dụng thuế suất ưu đãi và các ưu đãi khác như miễn, giảm thuế.
Thứ ba, cần tăng cường thanh tra giá chuyển giao.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế. Chú trọng việc thanh tra, kiểm tra giá chuyển giao đối với các DN có nhiều thành viên; các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá của DN liên kết, các DN đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế. Đối với các trường hợp chuyển giá, phải có chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt so với quy định hiện tại để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Thứ tư, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp FDI trong các cơ quan chức năng của Việt Nam để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá giữa các cơ quan chức năng.
Thứ năm, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành thuế để chuyên theo dõi, kiểm soát chuyển giá.
Kết luận:
Hoạt động chống chuyển giá có thể tác động đến khả năng thu hút đầu tư nước vào Việt Nam trong ngắn hạn theo hướng giảm số lượng dự án và vốn đầu tư, song về dài hạn sẽ nâng cao chất lượng thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bằng việc hạn chế các nhà đầu tư không hiệu quả và tăng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài, thu hút được các nhà đầu tư có uy tín, môi trường đầu tư Việt Nam sẽ phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh hơn. Các ngành chức năng, các địa phương cần kiên quyết và quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các biện pháp đồng bộ chống chuyển giá, để tránh những thua thiệt khi thu hút đầu tư nước ngoài.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/chuyen-gia-tai-viet-nam-va-mot-so-goi-y-chinh-sach-chong-chuyen-gia-54559.html
[2] http://www.baomoi.com/xay-dung-co-so-du-lieu-chong-chuyen-gia-tron-thue/c/21562806.epi
[4] http://www.cafef.vn/chong-chuyen-gia.html
[5] Nghị định 20/2017/NĐ-CP
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: