ThS. Đào Thị Đài Trang
Khoa Kế Toán – Đại học Duy Tân
daitrangdtu@gmail.com
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình cải cách hành chính và thể chế một cách mạnh mẽ, hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên sôi động, nhu cầu các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết hoặc thu hút vốn trên thị trường nước ngoài ngày càng gia tăng. Đặc biệt thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế trong giai đoạn mới, Chính phủ có chủ trương phải đẩy nhanh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới cũng như công cuộc cải cách thể chế tại Việt Nam.
1. Về phía Nhà nước
- Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính đến các doanh nghiệp.
- Giám sát việc tuân thủ chuẩn mực đối với các doanh nghiệp trong việc trình bày và công bố thông tin.
- Hoàn thiện hành lang pháp lý về các Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn góp phần lành mạnh hóa môi trường pháp lý đối với hoạt động kế toán nói riêng và lĩnh vực kinh tế nói chung. Do vậy, khi ban hành các Luật, Nghị định hay Thông tư hướng dẫn nghị định cần lưu ý những vấn đề liên quan nhằm tránh xung đột về quan điểm với chuẩn mực báo cáo tài chính và đặc biệt là đối với nội dung vừa có liên quan các qui định trong chuẩn mực báo cáo tài chính vừa liên quan đến qui định của luật pháp.
- Nhà nước cần đảm bảo tính độc lập về lợi ích khi ban hành các chuẩn mực kế toán cũng như các qui định về thuế.
- Hành lang pháp lý còn được biểu hiện thông qua trật tự ban hành chuẩn mực và thông tư hướng dẫn chuẩn mực. Chẳng hạn Việt Nam không ban hành chuẩn mực kế toán về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính nhưng ban hành Thông tư 210/2009/TT-BTC để hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính. Điều này không những gây cản trở cho việc ban hành chuẩn mực báo cáo tài chính sau này mà còn tạo sự thiếu thống nhất về tính pháp lý trong hệ thống chuẩn mực.
- Từng bước nâng cao vai trò và vị thế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trước đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập là cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ. Tuy nhiên theo Nghị định 66/2004/NĐ-CP, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được chuyển về trực thuộc Bộ Tài chính, như vậy bên cạnh những ưu điểm trực thuộc một cơ quan quản lý là Bộ Tài chính nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ mất dần phạm vi hoạt động, quyền hạn bị thu hẹp và thực tiễn phải qua nhiều khâu trung gian chồng chéo trong tổ chức quản lý. Song trong xu hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phải thể hiện rõ vai trò và quyền hạn trong việc giải quyết và xử lý vấn đề cung cấp thông tin của các công ty niêm yết. Để làm được điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải là cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ thay vì Bộ Tài chính như hiện nay.
- Ngoài ra, cần nâng cao vai trò của Hội đồng Kế toán quốc gia. Theo qui định hiện hành Hội đồng này là tổ chức nằm trong qui trình soạn thảo chuẩn mực kế toán Việt Nam để đóng góp ý kiến về nội dung chuẩn mực kế toán trước khi trình Bộ Tài chính ban hành. Tuy nhiên thực trạng Hội đồng chưa thể hiện vai trò trong quá trình ban hành chuẩn mực kế toán. Do vậy, Hội đồng cần đảm trách vai trò như một tổ chức tư vấn độc lập đối với việc xây dựng hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam cả trong qui định lẫn trong thực tiễn áp dụng.
- Cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa để các công ty nước ngoài đầu tư vào dịch vụ kế toán, kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Nhà nước cần ban hành các chính sách nhằm hoàn thiện và nâng cao các môi trường kinh doanh trong đó bao gồm việc phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn trung và dài hạn, công cụ phái sinh.
2 Về phía doanh nghiệp
Đối với doanh nghiệp, theo nhận định của các chuyên gia là các doanh nghiệp cần phải nỗ lực để đáp ứng yêu cầu đặc biệt các ngân hàng, bảo hiểm cũng như các công ty niêm yết nhằm đáp ứng trong xu thế hội tụ kế toán ốc tế. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải:
- Nhận thức được tầm quan trọng trong việc tuân thủ các qui định.
- Tìm hiểu để nâng cao kiến thức bởi các nhà quản lý là những người trực tiếp quyết định trong việc thực hiện các qui định trong chuẩn mực.
- Nâng cao năng lực đội ngũ hành nghề kế toán. Đội ngũ hành nghề kế toán là người trực tiếp vận dụng chuẩn mực báo cáo tài chính vào thực tiễn trong các doanh nghiệp. Do đó đội ngũ hành nghề cần được đào tạo liên tục để nâng cao năng lực nhằm vận dụng chuẩn mực một cách có hiệu quả.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin và quản trị để đáp ứng cơ sở hạ tầng kế toán cho doanh nghiệp.
3 Về phía Tổ chức nghề nghiệp
Đối với Tổ chức nghề nghiệp, cần thực hiện các vấn đề sau:
- Vai trò của Tổ chức nghề nghiệp phải được nâng cao để trở thành một Tổ chức nghề nghiệp đủ mạnh có thể đảm trách việc soạn thảo chuẩn mực cũng như giám sát thực thi chuẩn mực của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quyết định mức độ hội tụ, phương thức hội tụ không chỉ phụ thuộc vào Tổ chức nghề nghiệp mà còn phụ thuộc các yếu tố khác như môi trường chính trị, kinh tế, pháp lý và tổ chức lập quy hiện hành của Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là Bộ Tài chính. Do vậy, Tổ chức nghề nghiệp chỉ có thể đảm trách các nội dung nêu trên.
- Để có thể thực hiện trọng trách, Tổ chức nghề nghiệp cần tổ chức lại nhân sự, củng cố đội ngũ bằng việc huy động lực lượng các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các công ty kiểm toán, nhà làm luật, các kế toán trưởng.
- Tổ chức nghề nghiệp tham gia đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn cho các nhà quản lý, những người hành nghề để cập nhật kiến thức nâng cao nghiệp vụ.
- Khuyến khích biên soạn các tài liệu hướng dẫn và giải thích về chuẩn mực báo cáo tài chính nhằm tạo sự đa dạng và phong phú nguồn tư liệu giúp người sử dụng được hiểu rõ những nội dung, các vấn đề, nội dung trong chuẩn mực.
- Tăng cường hơn nữa việc kết hợp với các Tổ chức nghề nghiệp nước ngoài để mở rộng các khóa đào tạo để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho người hành nghề.
- Cần đổi mới việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ đối với người hành nghề (CPA Việt Nam) trong đó cần đổi mới nội dung đề thi theo hướng mở rộng giải quyết các vấn đề trên cơ sở nguyên tắc, qui định liên quan đến chuẩn mực hơn là xử lý các nghiệp vụ trên tài khoản để nâng cao tính xét đoán trong nghề nghiệp.
- Giữ vai trò hỗ trợ và phản biện trong việc xây dựng và ban hành các chuẩn mực kế toán cũng như các chính sách, chế độ liên quan đến kế toán.
- Ngoài ra, đổi mới chương trình đào tạo và cải tiến phương pháp giảng dạy là một trong những vấn đề quan trọng góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng về kế toán, trong đó các cơ sở giáo dục bao gồm trường đại học, cao đẳng, các học viện cần đổi mới chương trình đào tạo ngành kế toán kiểm toán theo hướng tăng cường giảng dạy các nội dung liên quan đến chuẩn mực báo cáo tài chính quốc gia và quốc tế hơn là giảng dạy kỹ năng, xử lý tài khoản kế toán như hiện nay để đào tạo người hành nghề kế toán có năng lực cao và có thể vận dụng tốt chuẩn mực báo cáo tài chính. Đồng thời, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng giúp người học xử lý và giải quyết những tình huống thực tế nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tính xét đoán trong nghề nghiệp.
Kết luận:
Trước xu thế toàn cầu hoá và hội nhập khu vực, việc duy trì VAS/VFRS cho các báo cáo tài chính của doanh nghiệp được xem là một trong những rào cản để thu hút đầu tư từ nước ngoài, thu hút vốn ngoại có giá thấp trên các thị trường vốn quốc tế. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang bị đánh giá chưa minh bạch, không phản ánh đúng tình hình tài chính và kinh doanh của tổ chức, không thể sử dụng hiệu quả cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước và giúp cho doanh nghiệp Việt Nam bay cao và bay xa hơn trên trường quốc tế. Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng tầm cạnh tranh quốc tế cũng để Việt Nam có thể nhanh chóng hội nhập, nhu cầu phải áp dụng IAS/IFRS Việt Nam hiện đang cấp bách hơn bao giờ hết. Đây thực sự là quá trình dài và khó khăn, để làm được điều này nhất thiết cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan nhà nước như BTC, Cơ quan Thuế, Doanh nghiệp hay các cơ sở đào tạo trong nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính, 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam;
2. Hà Xuân Thạch, Nguyễn Ngọc Hiệp (2018), Những nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi báo cáo tài chính từ chuẩn mực kế toán Việt Nam sang chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế;
3. Đào Thị Đài Trang, Trịnh Lê Tân, 2016, Tính cấp thiết trong việc triển khai áp dụng hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế(IFRS) tại Việt Nam và một số kiến nghị, kỷ yếu hội thảo quốc gia: IFRS – Cơ hội và thách thức khi áp dụng tại Việt Nam
4. Bộ Tài chính, 2009. Hướng dẫn áp dụng CMKT quốc tế vềtrình bày BCTC và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính, ban hành theo thông tư số 210/2009/TT-BTC ngày 06/11/2009.
5. Bộ Tài chính, 2012. Hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, theo thông tư số 52/2012/TT-BTC ngày 5/04/2012.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: