Th.S Nguyễn Thị Đoan Trang
Trường Đại học Duy Tân
doantrangchihai@gmail.com
Ước tính kế toán là một khoản mục quan trọng và nhạy cảm trên báo cáo tài chính do bản chất không chắc chắn, dễ bị ảnh hưởng bởi các dữ liệu đầu vào, mô hình, giả định, phương pháp và sự chủ quan của người lập ước tính. Cũng chính vì bản chất không chắc chắn này mà ước tính kế toán dễ bị lợi dụng để đạt được các lợi ích riêng cho bản thân người lập ước tính, ảnh hưởng tới tính trung thực và hợp lý của tổng thể báo cáo tài chính. Từ đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính như các cơ quan Nhà nước có liên quan, nhà đầu tư, chủ sở hữu doanh nghiệp, chủ nợ
1. Ước tính kế toán
Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA) và Chuẩn mực kiểm toán Quốc tế (ISA) số 540, Ước tính kế toán là một giá trị tiền tệ gần đúng trong trường hợp không có phương pháp đo lường chính xác.
Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) số 29 và Chuẩn mực kế toán Quốc tế (IAS) số 08, nhiều khoản mục trên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp không thể xác định được một cách đáng tin cậy mà chỉ có thể ước tính. Ước tính kế toán là quá trình xét đoán dựa trên những thông tin tin cậy nhất và mới nhất tại thời điểm đó. Việc sử dụng Ước tính kế toán với độ tin cậy hợp lý là một phần không thể thiếu trong việc lập Báo cáo tài chính và không vì là Ước tính kế toán mà bị xem là kém tin cậy.
Như vậy, theo quan điểm của Chuẩn mực kiểm toán, Ước tính kế toán là một khoản mục cụ thể, có giá trị gần đúng trên Báo cáo tài chính do không có phương pháp đo lường chính xác.
Theo quan điểm của Chuẩn mực kế toán thì Ước tính kế toán là một quá trình xét đoán giá trị của một số khoản mục trên Báo cáo tài chính.
Ước tính kế toán được hiểu là một giá trị gần đúng của một chỉ tiêu liên quan đến Báo cáo tài chính được ước tính trong trường hợp thực tế đã phát sinh nhưng chưa có số liệu chính xác hoặc chưa có phương pháp tính toán chính xác hơn hoặc một chỉ tiêu thực tế chưa phát sinh nhưng đã được ước tính để lập báo cáo tài chính như ước tính các khoản dự phòng về tài sản, chi phí bảo hành …
Ước tính kế toán được chia thành hai loại là ước tính các chỉ tiêu đã phát sinh và ước tính các chỉ tiêu chưa phát sinh:
- Ước tính các chỉ tiêu đã phát sinh là giá trị gần đúng của một chỉ tiêu liên quan đến báo cáo tài chính được ước tính trong trường hợp thực tế đã phát sinh nhưng chưa có số liệu chính xác hoặc chưa có phương pháp tính toán chính xác hơn như: dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, khấu hao tài sản cố định, chi phí trả trước, giá trị sản phẩm dở dang.
- Ước tính các chỉ tiêu chưa phát sinh là giá trị gần đúng của một chỉ tiêu thực tế chưa phát sinh nhưng đã được ước tính để lập báo cáo tài chính, bao gồm: dự phòng chi phí bảo hành, chi phí trích trước.
Theo đó, mỗi loại ước tính kế toán có nguyên tắc ghi nhận và đo lường riêng.
2. Sự cần thiết phải có các ước tính kế toán
Nguy cơ sử dụng các ước tính kế toán để phản ánh sai lệch thông tin tài chính là có thực nhưng các ước tính kế toán vẫn được sử dụng. Điều đó cho thấy việc sử dụng các ước tính mang lại những lợi ích nhất định.
Thứ nhất, việc cho phép các nhà quản lý dùng những ước tính kế toán sẽ giúp cho Báo cáo tài chính thể hiện gần nhất giá trị thực của doanh nghiệp. Các ước tính trong báo cáo tài chính giúp thể hiện những triển vọng phát triển của doanh nghiệp hấp dẫn các nhà đầu tư và tránh những thông báo bất lợi cho việc cạnh tranh trên thị trường.Từ đó, các ước tính kế toán giúp các doanh nghiệp tăng hiệu quả trong quan hệ với nhà đầu tư.
Thứ hai, sử dụng ước tính kế toán toán thống nhất trong lập báo cáo tài chính sẽ giúp đối tượng lập báo cáo và sử dụng báo cáo có quan điểm nhất quán.
Thứ ba, nếu không cho phép doanh nghiệp sử dụng ước tính kế toán thì chế độ kế toán sẽ phải cực kỳ chi tiết, đưa ra tất cả các tình huống có thể xảy ra để các doanh nghiệp dựa vào đó mà áp dụng. Điều này là không thể thực hiện được nên nền kinh tế luôn biến động từng ngày. Các cơ quan nhà nước sẽ vất vả để có thể chắc chắn các doanh nghiệp tuân thủ đúng chế độ. Như vâỵ, khó có thể loại bỏ hoàn toàn ước tính kế toán.
Thứ tư, một chế độ kế toán không có chỗ cho các xét đoán chủ quan khi lập báo cáo tài chính có thể có ảnh hưởng không tốt tới các chính sách đầu tư, chính sách tài chính và sản xuất của doanh nghiệp
2. Nguyên tắc ghi nhận
Thứ nhất, đối với các chỉ tiêu đã phát sinh
Các khoản dự phòng tổn thất tài sản chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng đáng tin cậy như: nợ phải thu quá hạn thanh toán nghi trong hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, cam kết nợ mà doanh nghiệp đã đòi nhiều lần nhưng chưa thu được, khách nợ đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể, mất tích, bỏ trốn; sự suy giảm của giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho so với giá gốc; bằng chứng chắc chắn cho thấy giá trị thị trường của các loại chứng khoán mà doanh nghiệp đang nắm giữ vì mục đích kinh doanh bị giảm so với giá trị đã ghi sổ; hoặc tổ chức kinh tế mà doanh nghiệp đang đầu tư vào bị thua lỗ.
Thứ hai, đối với các chỉ tiêu chưa phát sinh
Dự phòng chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp: chỉ được ghi nhận khi thỏa mãn những điều kiện: doanh nghiệp có nghĩa vụ nợ hiện tại do kết quả từ một sự kiện đã xảy ra; sự giảm sút về những lợi ích kinh tế có thể xảy ra dẫn đến việc yêu cầu phải thanh toán nghĩa vụ nợ; và đưa ra một ước tính đáng tin cậy về giá trị của nghĩa vụ nợ đó.
Dự phòng chi phí phát sinh từ việc giải quyết các vụ kiện tụng, tranh chấp: là nghĩa vụ nợ có khả năng phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra và sự tồn tại của nghĩa vụ nợ này sẽ chỉ được xác nhận bởi khả năng xảy ra hoặc không xảy ra của một hoặc nhiều sự kiện không chắc chắn trong tương lai mà doanh nghiệp không kiểm soát được; hoặc nghĩa vụ nợ hiện tại phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra nhưng chưa được ghi nhận vì không chắc chắn có sự giảm sút về lợi ích kinh tế do việc phải thanh toán nghĩa vụ nợ; hoặc giá trị của nghĩa vụ nợ đó không được xác định một cách đáng tin cậy.
Chi phí trích trước: phải có bằng chứng đáng tin cậy và hợp lý về các khoản chi phí phải trích trước trong kỳ, để đảm bảo số chi phí phải trả được ghi nhận phù hợp với chi phí thực tế phát sinh.
3. Phương pháp đo lường
Thứ nhất, đối với các chỉ tiêu đã phát sinh
- Dự phòng nợ phải thu khó đòi: Doanh nghiệp phải dự kiến mức tổn thất có thể xảy ra hoặc tuổi nợ quá hạn của các khoản nợ và tiến hành lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, kèm theo các chứng cứ chứng minh. Mức trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi thực hiện theo quy định hiện hành.
- Dự phòng giảm giá hàng tồn kho: dựa trên số chênh lệch giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho. Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất kinh doanh bình thường trừ đi chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc bán chúng. Việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho được thực hiện theo quy định của VAS 02 “Hàng tồn kho” và quy định của chế độ tài chính hiện hành.
- Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính: thực hiện đúng theo từng loại đầu tư, cụ thể: Đối với các khoản đầu tư chứng khoán: mức dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán được xác định dựa vào chênh lệch giữa giá chứng khoán hạch toán trên sổ kế toán và giá chứng khoán thực tế trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính cho từng loại chứng khoán theo quy định hiện hành. Đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn: mức dự phòng tổn thất được xác định dựa vào chênh lệch giữa vốn góp thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế với vốn chủ sở hữu thực có, nhân với tỷ lệ giữa số vốn đầu tư của doanh nghiệp với tổng số vốn góp thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế.
- Chi phí trả trước: việc tính và phân bổ chi phí trả trước phải căn cứ vào tính chất, mức độ từng loại chi phí để lựa chọn tiêu thức và phương pháp hợp lý. Bên cạnh đó, phải theo dõi riêng từng khoản chi phí trả trước theo từng kỳ hạn chi phí trả trước đã phát sinh, đã phân bổ vào các đối tượng chịu chi phí của từng kỳ và số còn lại chưa phân bổ.
- Khấu hao tài sản cố định: mọi tài sản cố định, bất động sản đầu tư dùng để cho thuê của doanh nghiệp có liên quan đến sản xuất kinh doanh đều phải trích khấu hao theo quy định hiện hành. Doanh nghiệp căn cứ vào quy định của pháp luật và yêu cầu quản lý để lựa chọn một trong các phương pháp trích khấu hao phù hợp.
- Giá trị sản phẩm dở dang: tùy thuộc vào quy trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để lựa chọn phương pháp đánh giá giá trị sản phẩm sở dang cuối kỳ cho phù hợp.
Thứ hai, đối với các chỉ tiêu chưa phát sinh
- Dự phòng chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp: doanh nghiệp dự kiến mức tổn thất trích bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp đã tiêu thụ trong năm và tiến hành lập dự phòng cho từng loại sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp có cam kết bảo hành. Tổng mức trích lập dự phòng bảo hành theo quy định đã cam kết với khách hàng nhưng tối đa không vượt quá 5% tổng doanh thu tiêu thụ đối với các sản phẩm, hàng hóa và không quá 5% trên tổng giá trị công trình đối với các công trình xây lắp.
- Dự phòng chi phí phát sinh từ việc giải quyết các vụ kiện tụng, tranh chấp: phải được ước tính thường xuyên để xác định xem liệu sự giảm sút lợi ích kinh tế có xảy ra hay không. Nếu sự giảm sút kinh tế trong tương lai có thể xảy ra liên quan đến một khoản mục trước đây là một khoản nợ tiềm tàng, thì phải ghi nhận khoản dự phòng đó vào báo cáo tài chính của kỳ kế toán có khả năng thay đổi ngoại trừ trường hợp không đưa ra được cách ước tính đáng tin cậy.
- Chi phí trích trước: việc trích trước vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ phải được tính toán chặt chẽ (lập dự toán chi phí và được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
4. Kết luận
Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) 540, nội dung và độ tin cậy của các thông tin có thể có để hỗ trợ cho ban giám đốc lập ước tính kế toán có thể khác nhau đáng kể, làm ảnh hưởng đến mức độ không chắc chắn của các ước tính kế toán. Mức độ không chắc chắn đó lại ảnh hưởng đến rủi ro có sai sót trọng yếu của các ước tính kế toán, kể cả việc ước tính kế toán dễ bị ảnh hưởng bởi sự thiên lệch cố ý hay vô ý của ban giám đốc. Qua đó, có thể nhận thấy bản chất cơ bản của các ước tính kế toán là:
Thứ nhất, tính không chắc chắn trong các ước tính: là khả năng dễ xảy ra sự thiếu chính xác vốn có trong giá trị đo lường của ước tính kế toán và các thuyết minh liên quan. Các ước tính kế toán không được xác định và đo lường một cách chính xác, do đó phải dựa vào các dữ liệu, mô hình và phương pháp lập ước tính khác nhau. Những yếu tố này thay đổi tùy thuộc vào đặc điểm của từng khoản mục, ngành nghề kinh doanh đặc thù của doanh nghiệp cũng như tính sẵn có của thông tin tại thời điểm lập ước tính làm ảnh hưởng đến độ tin cậy của ước tính kế toán.
Thứ hai, tính chủ quan trong các ước tính: hay sự thiên lệch của ban giám đốc, là sự thiếu khách quan trong quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính. Khuôn khổ lập và trình bày báo cáo tài chính yêu cầu phải khách quan, nghĩa là không thiên lệch (VSA 540). Tuy nhiên, ước tính kế toán là không tính xác và có thể chịu ảnh hưởng bởi kinh nghiệm, xét đoán chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người lập. ban giám đốc có thể dựa vào sự chủ động trong việc lựa chọn và sử dụng các dữ liệu, mô hình ước tính nhằm mục đích riêng, dẫn đến sự sai lệch đáng kể về thông tin tài chính của doanh nghiệp.
Mặc dù ước tính kế toán là khoản mục có tính không chắc chắn cao và chứa đựng sự chủ quan của ban giám đốc. Tuy nhiên, đây lại là khoản mục hết sức quan trọng và cần thiết, giúp nâng cao tính trung thực và hợp lý của thông tin trình bày trên báo cáo tài chính, đảm bảo phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp và cung cấp thông tin tài chính hữu ích cho người sử dụng báo cáo tài chính.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính (2012), Thông tư 214/2012 về ban hành Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, ngày 06/12/2012
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: