Ths Võ Hồng Hạnh
Khoa Kế toán – Trường Đại học Duy Tân
Tóm tắt: Báo cáo tài chính (BCTC) cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng để ra quyết định. Với khối lượng dữ liệu lớn và phức tạp, quá trình làm báo cáo tài chính khó tránh khỏi một số sai sót nhất định. Tuy nhiên, chất lượng thông tin có thể làm tổn hại đến việc ra quyết định của các đối tượng sử dụng thông tin trong BCTC. Tại Việt Nam thực trạng sai sót BCTC của công ty niêm yết là rất lớn về cả số lượng công ty và quy mô sai sót. Cần có những giải pháp phù hợp để hạn chế những sai sót này giúp người sử dụng BCTC có thể đưa ra quyết định phù hợp.
Từ khóa:
1. Cơ sở lý thuyết về sai sót trong Báo cáo tài chính
Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 "Mục tiêu tổng thể của KTV và doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán" định nghĩa sai sót “Là sự khác biệt giữa giá trị, cách phân loại, trình bày hoặc thuyết minh của một khoản mục trên BCTC với giá trị, cách phân loại, trình bày hoặc thuyết minh của khoản mục đó theo khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng. Sai sót có thể phát sinh do nhầm lẫn hoặc gian lận".
Gian lận nói chung và gian lận BCTC nói riêng ngày càng có xu hướng gia tăng về số lượng và quy mô ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Từ đó xuất hiện xu hướng ở các công ty lớn trên thế giới thuê các nhà hành nghề chuyên nghiệp trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán (Còn gọi là Kế toán điều tra - forensic accountants) để hạn chế hành vi gian lận BCTC. Theo Hiệp hội các nhà điều tra gian lận Hoa Kỳ (Association of Certified Fraud Examiner), gian lận được định nghĩa như sau: “gian lận nghề nghiệp (occupational fraud1) là việc cá nhân sử dụng nghề nghiệp để làm giàu thông qua việc cố tình sử dụng không đúng hoặc sử dụng sai mục đích các nguồn tài nguyên hoặc tài sản của tổ chức ”.
Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 240 [28] định nghĩa gian lận theo nghĩa gian lận BCTC: “những hành vi cố ý làm sai sót thông tin kinh tế, tài chính do một hay nhiều người trong HĐQT, Ban Giám đốc, các nhân viên hoặc bên thứ ba thực hiện, làm ảnh hưởng đến BCTC”. Chuẩn mực kiểm toán số 240 (ban hành năm 2012) nhấn mạnh hành vi gian dối của gian lận nói chung thay vì gian lận BCTC: “gian lận là hành vi cố ý do một hay nhiều người trong Ban quản trị, Ban Giám đốc, các nhân viên hoặc bên thứ ba thực hiện bằng các hành vi gian dối để thu lợi bất chính hoặc bất hợp pháp”. Cũng theo chuẩn mực này, gian lận BCTC “thường bao gồm các hành vi thao túng quy trình lập và trình bày BCTC bằng cách thực hiện các bút toán ghi sổ không phù hợp hoặc không được phê duyệt..., hoặc bằng việc Ban Giám đốc tự điều chỉnh số liệu trong BCTC mà các điều chỉnh này không được phản ánh trong sổ kế toán”
Những hành vi, thủ đoạn gian lận BCTC có thể được vận dụng theo các cách:
- Xuyên tạc, làm giả (bao gồm cả việc giả mạo chữ ký), hoặc sửa đổi chứng từ, sổ kế toán có chứa đựng các nội dung, số liệu được dùng để lập BCTC;
- Làm sai sót hoặc cố ý không trình bày trong BCTC các sự kiện, giao dịch hoặc các thông tin quan trọng khác;
- Cố ý áp dụng sai các nguyên tắc kế toán liên quan đến các số liệu, sự phân loại, cách thức trình bày hoặc thuyết minh;
- Lập các bút toán khống, nhất là vào thời điểm gần cuối kỳ kế toán, để điều chỉnh kết quả kinh doanh hoặc để đạt được các mục đích khác;
- Điều chỉnh các giả định và thay đổi các xét đoán dùng để ước tính số dư tài khoản một cách bất hợp lý;
- Không ghi nhận, ghi nhận trước hoặc trì hoãn việc ghi nhận vào BCTC các sự kiện và giao dịch tài chính phát sinh trong kỳ báo cáo;
- Che giấu hoặc không trình bày các sự kiện có thể làm ảnh hưởng đến các khoản mục được ghi nhận trong BCTC;
- Dàn xếp các giao dịch phức tạp nhằm làm sai sót tình hình tài chính hoặc kết quả kinh doanh của đơn vị;
- Sửa đổi các chứng từ và điều khoản liên quan đến các giao dịch lớn và bất thường.
Có thể thấy rằng, các định nghĩa về gian lận có khác nhau ít nhiều nhưng đều nhấn mạnh đến hành vi (cố ý hay thiếu thận trọng) của người quản lý, cá nhân làm sai lệch trọng yếu thông tin cung cấp trong BCTC, lừa dối người sử dụng BCTC. Các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên môn và các nhà hoạch định chính sách luôn tìm cách giải thích hành vi gian lận này thông qua nghiên cứu các nguyên nhân của hành vi gian lận. Các lý thuyết được trình bày sau đây được xem là cơ sở giúp giải thích phần lớn nguyên nhân hành vi gian lận của người quản lý công ty.
2. Giải pháp nhằm hạn chế những sai sót trong Báo cáo tài chính của các công ty niêm yết
Kết quả nghiên cứu từ các tài liệu trước cho thấy số lượng thành viên HĐQT càng nhiều thì sai sót BCTC càng giảm. Điều đó cho thấy số lượng thành viên HĐQT càng nhiều thì sẽ tập hợp được sức mạnh của nhiều người, tăng cường khả năng kiểm tra, giám sát ban điều hành, từ đó làm giảm sai sót BCTC. Các công ty niêm yết tại Việt Nam cần duy trì một số lượng thành viên HĐQT đủ lớn để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát ban điều hành doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng BCTC.
Các công ty có chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm giám đốc thì có sai sót BCTC nhiều hơn so với các công ty không có sự kiêm nhiệm. Việc này sẽ góp phần tách biệt chức năng giám sát và chức năng điều hành, tránh hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” tại doanh nghiệp, nâng cao chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp. Chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm giám đốc thì việc giám sát của HĐQT đối với ban giám đốc sẽ độc lập hơn, điều đó cho thấy việc giám sát của HĐQT có ảnh hưởng trong việc giảm thiểu sai sót BCTC. Vì vậy đối với các công ty đang có sự kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và Giám đốc điều hành thì cần sớm tách biệt nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra sai sót BCTC. Điều này sẽ hạn chế việc vì những động cơ, lợi ích riêng mà giám đốc có thể làm sai lệch thông tin trên BCTC. Ngoài ra cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của HĐQT đối với ban giám đốc. Việc không được kiêm nhiệm hai chức danh nêu trên được quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 71. Theo đó, từ ngày 01/8/2020 các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam phải thực hiện quy định không được kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và giám đốc điều hành.
Bên cạnh yếu tố số lượng thành viên HĐQT thì số lượng cuộc họp của HĐQT cũng ảnh hưởng đến sai sót BCTC của các công ty niêm yết tại Việt Nam. Số lượng cuộc họp của HĐQT trong năm càng nhiều thì sai sót BCTC càng ít, điều này cũng hoàn toàn phù hợp bởi vì số lượng cuộc họp nhiều chứng tỏ HĐQT thực hiện nghiêm túc và giám sát thường xuyên, liên tục việc điều hành của ban giám đốc, từ đó giảm sai sót BCTC.
Vì vậy, để hạn chế sai sót BCTC tại các công ty niêm yết thì cần phải tăng cường tính độc lập của thành viên HĐQT độc lập, các thành viên này phải thực sự độc lập trong các mối quan hệ, nhất là độc lập về mặt kinh tế. Vấn đề này cũng đã được khuyến nghị trong “Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất dành cho Công ty đại chúng tại Việt Nam”.
Ngoài ra, thành viên của HĐQT độc lập cần được trao quyền lực nhiều hơn, thậm chí chủ tịch HĐQT là thành viên độc lập. Các thành viên độc lập phải có báo cáo đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình cho đại hội cổ đông thường niên. Đây là cơ sở để đại hội cổ đông quyết định về chế độ thù lao thành viên độc lập. Ngoài thù lao do đại hội cổ đông quyết định thì thành viên độc lập không được nhận bất cứ lợi ích nào khác từ công ty. Bên cạnh đó, thông thường HĐQT sử dụng chủ yếu các thông tin được cung cấp từ những người quản lý công ty. Do vậy, các thành viên độc lập cần cập nhật thêm các thông tin, chủ động phân tích từ những nguồn tin độc lập, khách quan, ví dụ như kiểm toán từ bên ngoài, thanh tra chuyên ngành hoặc bộ phận kiểm soát của công ty. Ngoài ra, cũng cần quy định cho phép các cổ đông trực tiếp tiếp xúc với các thành viên độc lập, hoặc thiết lập mạng lưới cung cấp thông tin riêng để đảm bảo thu thập thông tin kịp thời, chính xác.
Mặc dù các biến liên quan đến ban kiểm soát công ty đưa vào kiểm định trong nghiên cứu này không cho ý nghĩa thống kê vì có thể do dữ liệu nghiên cứu không đủ thuyết phục để chấp nhận các giả thuyết có liên quan, vì thực tế liên quan đến các biến này có thể khác xa với giá trị danh nghĩa (dữ liệu thu thập) do các công ty thực hiện mang tính đối phó với quy định có tính pháp lý. Tuy nhiên vai trò của ban kiểm soát đối với HĐQT và ban giám đốc trong việc phát hiện, ngăn ngừa nhằm hạn chế sai sót BCTC là điều không thể phủ nhận. Thực tế ở Việt Nam, hoạt động giám sát của ban kiểm soát đối với HĐQT, ban giám đốc còn khá hạn chế; quy trình kiểm tra, giám sát rủi ro của ban kiểm soát cũng chưa rõ ràng; hoạt động kiểm tra, giám sát của ban kiểm soát đối với HĐQT, ban giám đốc phần lớn mang tính thủ tục, hình thức.
Do đó để nâng cao vai trò giám sát của ban kiểm soát thì trong quy chế quản trị của các công ty niêm yết ở Việt Nam cần bổ sung các vấn đề sau:
- Ban kiểm soát giám sát HĐQT và ban giám đốc trong việc xây dựng các chiến lược phòng ngừa rủi ro thông qua việc xây dựng và cải tiến hệ thống kiểm soát nội bộ cũng như hệ thống kế toán. Kết quả cần phải được báo cáo tại đại hội cổ đông thường niên. Tại đại hội cổ đông thường niên, cổ đông phải xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ban kiểm soát làm cơ sở để quyết định mức thù lao cho phù hợp.
- Xem xét và đánh giá phương pháp làm việc của kiểm toán nội bộ về những vấn đề liên quan đến tính hiện hữu và tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ, qua đó đề xuất những biện pháp cải tiến hệ thống này nói riêng và hệ thống quản lý công ty nói chung.
- Giám sát mối quan hệ giữa KTV độc lập và ban điều hành và những người quản lý trong công ty nhằm đảm bảo tính độc lập của KTV.
- Cần trao quyền cho trưởng ban kiểm soát nhiều hơn. Trưởng ban kiểm soát phải có báo cáo đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình cho đại hội đồng cổ đông thường niên. Đây là cơ sở để đại hội đồng cổ đông đánh giá hiệu quả làm việc của Ban kiểm soát trong một nhiệm kỳ đại hội.
Mỗi công ty niêm yết tại Việt Nam nên thành lập một ủy ban kiểm toán như các nước phát triển trên thế giới. Đặc biệt là nên chú trọng bản chất hơn hình thức, không chỉ thành lập cho có mà phải hoạt động để phát huy vai trò kiểm soát chất lượng BCTC, ngăn ngừa sai sót BCTC. Trên thế giới công ty niêm yết phải thành lập ủy ban kiểm toán trong đó các thành viên phải độc lập (không phải là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành, kế toán trưởng của công ty được kiểm toán và phải có ít nhất một thành viên độc lập có chuyên môn về kế toán hoặc kiểm toán). Ủy ban kiểm toán phải yêu cầu KTV và công ty kiểm toán báo cáo các nội dung quan trọng phát hiện trong quá trình kiểm toán, các yếu kém trong hệ thống kiểm soát nội bộ liên quan đến việc lập và trình bày BCTC. Nếu làm được điều này thì chất lượng BCTC của công ty niêm yết sẽ được nâng cao từ đó làm giảm sai sót BCTC. Việc thành lập Ủy ban kiểm toán và bảo đảm để ủy ban này có đủ nguồn lực và thẩm quyền cũng được khuyến nghị tại Nguyên tắc số 4.1 trong Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất dành cho Công ty đại chúng tại Việt Nam.
Ngoài ra, các công ty niêm yết cũng cần có các giải pháp hiệu quả trong việc sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập và tăng cường chất lượng của nhân viên kế toán, cụ thể:
- Các công ty niêm yết tại Việt Nam nên xem xét kỹ lưỡng trong việc lựa chọn công ty kiểm toán độc lập để kiểm toán BCTC. Việc chọn Công ty Kiểm toán nên quan tâm đến chất lượng dịch vụ hơn là phí kiểm toán. Bởi vì những công ty kiểm toán có mức phí quá thấp thường thực hiện kiểm toán trong thời gian ngắn, cắt giảm nhân lực, cắt giảm các thủ tục kiểm toán, điều này ảnh hưởng đến chất lượng BCTC, hiệu quả kiểm toán sẽ giảm xuống. Ngoài ra, các công ty cũng nên mời KTV tham gia trong đại hội cổ đông nhằm tăng cường vai trò của kiểm toán độc lập.
- Trong các nguyên nhân dẫn đến sai sót BCTC có nguyên nhân do sự yếu kém của kế toán viên. Vì vậy các công ty niêm yết cũng cần đầu tư vào việc nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên kế toán để đáp ứng yêu cầu lập và trình bày BCTC phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành.
Để tăng cường vai trò và trách nhiệm của HĐQT, trước hết hoạt động giám sát của HĐQT phải bảo đảm hữu hiệu. Điều này bao hàm tất cả các khía cạnh quản lý của HĐQT, bao gồm cả tính độc lập và sự chú tâm của các thành viên HĐQT. HĐQT cũng thực hiện trách nhiệm của mình một cách độc lập trong việc bổ nhiệm, giám sát, thù lao, kiểm toán và ban kiểm toán nội bộ.
3. Kết luận
Báo cáo tài chính (BCTC) cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng để ra quyết định. Chất lượng thông tin có thể làm tổn hại đến việc ra quyết định của các đối tượng sử dụng thông tin trong BCTC. Sai sót BCTC là một chủ đề có tính thời sự trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị. Tính phổ biến của sai sót BCTC trên thế giới và ở nước ta đặt ra vấn đề cần tìm hiểu bản chất, nguyên nhân, và hệ quả của sai sót. Một chủ đề nghiên cứu rộng rãi trong giới học thuật là nghiên cứu về gian lận BCTC (fraudulent financial statements). Chủ đề này đã và đang thu hút sự quan tâm của công chúng, quản lý nhà nước và các bên có liên quan khác vì hành vi này xảy ra ở nhiều công ty với mức độ khác nhau làm ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của các bên có liên quan trên thị trường chứng khoán và cả trong đời sống xã hội (chẳng hạn trường hợp của Enron, WorldCom, Global Crossing, Adelphia, Lehman Brothers... ở Mỹ hay Bánh kẹo Biên Hòa năm 2002, Đồ hộp Hạ Long năm 2002, Bông Bạch Tuyết năm 2004-2008, Dược Viễn Đông năm 2009, Gỗ Trường Thành năm 2016, …. ở Việt Nam).
Trong khi đó thực trạng sai sót BCTC của các công ty niêm yết ở Việt Nam là rất lớn về cả số lượng, quy mô. Điều này đòi hỏi các nghiên cứu ở Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào chủ đề này để đưa ra các bằng chứng thuyết phục về hiện tượng, nguyên nhân sai sót; qua đó giúp cho cơ quan quản lý nhà nước nâng cao năng lực quản lý, giúp cho công chúng hiểu rõ hơn hiện tượng sai sót BCTC.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính (2001), Quyết định số 143/2001/QĐ-BTC về ban hành Chuẩn mực kiểm toán số 240-Gian lận và sai sót.
2. Bộ Tài chính (2007), Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán/Trung tâm Giao dịch Chứng khoán.
3. Bộ Tài chính (2012), Thông tư số 121/2012/TT-BTC Quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, ban hành ngày 26/7/2012.
4. Bộ Tài chính (2012), Thông tư số 214/2012/TT-BTC về Ban hành Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam-Chuẩn mực kiểm toán số 240: Trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến gian lận trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính.
5. Bộ Tài chính (2017), "Thông tư số 95/2017/TT-BTC về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ hướng dẫn Quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng".
6. Kinney, W. R., Jr. , McDaniel, L. S. (1989), "Characteristics of Firms Correcting Previously Reported Quarterly Earnings", Journal of Accounting & Economics. 11 (1), pp. 71.
7. Nguyễn Công Phương , Lâm Xuân Đào (2016), "Các nhân tố ảnh hưởng đến sai phạm trong báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam", Tạp chí Kinh tế & Phát triển. 230, pp. 62-71.
8. Nguyễn Hữu (2018), Nhiều công ty chứng khoán không muốn ban kiểm soát, Báo đầu tư.
9. Nguyễn Trọng Hiếu (2020), Sai Sót Trong Báo Cáo Tài Chính Của Công Ty Niêm Yết Trên Thị Trừờng Chứng Khoán Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
10. Pincus, K. V. (1989), "The efficacy of a red flags questionnaire for assessing the possibility of fraud", Accounting, Organizations and Society. 14 (1-2), pp. 153-163.
11. Piot, C. , Janin, R. (2007), "Audit quality and earnings management in France", European Accounting Review. 16 (2), pp. 429-454.
12. UBCK nhà nước (SSC) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) (2019), Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất dành cho Công ty đại chúng tại Việt Nam.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: