ThS. Nguyễn Thị Hồng Sương - Đại học Duy Tân
Kế toán quản trị (KTQT) là điểm mấu chốt của việc ra quyết định có chất lượng vì nó mang lại những thông tin thích hợp nhất để phân tích của đơn vị. Tuy nhiên, việc ra quyết định có chất lượng chưa bao giờ khó khăn như hiện nay do sự cạnh tranh trong kinh doanh và do những ý tưởng sáng tạo liên tục thay đổi hàng ngày. Khối lượng và tốc độ của dữ liệu phi cấu trúc đang ngày càng tăng và càng phức tạp. Bài viết tìm hiểu về “Những nguyên tắc kế toán quản trị toàn cầu” trong giai đoạn kinh doanh đầy khó khăn, phức tạp và luôn biến động nhanh như hiện nay.
Từ khóa: Kế toán quản trị, kế toán quản trị toàn cầu, doanh nghiệp
Nguyên tắc KTQT toàn cầu
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện bởi Viện Kế toán quản trị công chứng Anh quốc (CIMA) và Viện kế toán công chứng Hoa Kỳ (AICPA) trên 20 quốc gia trải dài trên 5 châu lục, tài liệu “Những nguyên tắc kế toán quản trị toàn cầu” được xuất bản và công bố năm 2018. Đây là tài liệu ích có giá trị tham khảo cao nhằm vận hành KTQT một cách hiệu quả nhất tại các DN. Quá trình vận hành KTQT này cần có các kế toán viên có chuyên môn cao. Những người này phải đảm bảo áp dụng các nguyên tắc KTQT vào hoạt động hàng ngày.
Nguyên tắc thứ nhất, Sự giao tiếp truyền đạt tầm nhìn có ảnh hưởng
KTQT phục vụ cho quá trình ra quyết định, nên việc truyền đạt thông tin rất quan trọng và tùy thuộc vào nhu cầu, mức độ của người tiếp nhận thông tin. Ra quyết định dựa trên việc trao đổi thông tin nhằm mục đích loại bỏ nguy cơ thông tin bị sai lệch, không đồng nhất. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ những thông tin phù hợp nhất mới được dùng để phân loại và phân tích, giúp tăng tầm ảnh hưởng của KTQT. Bất kỳ dự đoán, thảo luận hoặc báo cáo nào cũng phải dựa trên các nguồn thông tin chính xác, đáng tin cậy, minh bạch và có tính tác động đến doanh nghiệp.
Mục tiêu của nguyên tắc
Dẫn đến các quyết định tốt hơn về chiến lược và thực thi chiến lược ở tất cả các cấp độ. Có nghĩa là thông tin phải được truyền đạt trong tất cả các cấp DN nhằm mục đích đạt được mục tiêu đề ra trên cơ sở giao tiếp, khuyến khích suy nghĩ ở các cấp để ra quyết định tốt hơn.
· Nội dung của nguyên tắc
KTQT bắt đầu và kết thúc với các cuộc đối thoại. Chức năng này cải thiện việc ra quyết định bằng cách trao đổi thông tin có ý nghĩa ở tất cả các giai đoạn của việc ra quyết định. Việc giao tiếp tốt về thông tin quan trọng cho phép KTQT kết nối các cụm hoạt động và hỗ trợ cách suy nghĩ hợp nhất. Hậu quả của các hoạt động của một bộ phận đến bộ phận khác sẽ dễ nhận ra, chấp nhận hoặc điều chỉnh.
Bằng việc thảo luận các nhu cầu của những người ra quyết định, thông tin thích hợp nhất có thể được tìm ra và phân tích. Nguyên tắc này liên quan đến việc điều chỉnh việc giao tiếp theo một cách thức phù hợp với quyết định được cân nhắc với người đang ra quyết định (hoặc các đối tượng khác. Nguyên tắc yêu cầu phá vỡ sự phức tạp, cung cấp sự minh bạch về cách đạt được các kết luận. Khi thông tin được đúng người nhận vào đúng thời điểm, họ sẽ có vị trí tốt hơn để ra quyết định dẫn đến tạo ra giá trị trong dài hạn. Đó là cách KTQT tác động đến việc ra quyết định dựa trên thông tin.
+ Trao đổi về phát triển và tiến hành chiến lược
+ Sự giao tiếp được điều chỉnh cho phù hợp
+ Sự giao tiếp hỗ trợ các quyết định tốt hơn
Nguyên tắc thứ hai, Thông tin thích hợp
Việc có được các thông tin chính xác có ảnh hưởng đến việc ra quyết định thì thông tin đó phải liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị. Nhiều quan điểm cho rằng, các dữ liệu trong quá khứ không thực sự cần thiết và hữu ích. Tuy nhiên, nếu thông tin đó cho biết những hoạt động nào đem đến lợi nhuận cao, những hoạt động nào không có hiệu quả, thì thông tin đó vẫn còn giá trị để khai thác thêm. Thông tin chỉ mất đi giá trị khi nó bao gồm chi phí chìm hoặc chi phí cam kết. Nhiệm vụ của KTQT là xem xét mọi cơ sở dữ liệu có sẵn và chỉ trích xuất những phần phù hợp nhất với nhu cầu hiện tại, sau đó sàng lọc và đẩy những dữ liệu này qua khâu phân tích.
· Mục tiêu của nguyên tắc
Giúp tổ chức lập kế hoạch và tìm ra thông tin cần thiết để thiết lập chiến lược và cách thức tiến hành. Loại bỏ những thông tin không thích hợp trong quá trình ra quyết định, những thông tin được chọn lọc là những thông tin mang tính khoa học chính xác và cần thiết.
· Nội dung của nguyên tắc
Vai trò trung tâm của KTQT là cung cấp thông tin thích hợp có sẵn đến những người ra quyết định kịp thời. Theo nguyên tắc giao tiếp, cần truyền đạt và hiểu về quyết định cần đưa ra và các nhu cầu của người ra quyết định. Do đó nguyên tắc này liên quan đến việc xác định, thu thập, công nhận, chuẩn bị và lưu trữ thông tin. Điều này yêu cầu đạt được sự cân bằng phù hợp giữa:
+ Thông tin liên quan đến quá khứ, hiện tại và tương lai
+ Thông tin nội bộ và từ bên ngoài
+ Thông tin tài chính và phi tài chính (bao gồm các vấn đề về môi trường và xã hội)
Nguyên tắc thứ ba, Phân tích tác động đến giá trị - thông qua phân tích các tình huống và mô hình
Các thông tin có liên quan được sử dụng để ra quyết định và tính các tác động và ảnh hưởng của cơ hội cũng như rủi ro đến hoạt động của doanh nghiệp. Các phương án được đưa ra giúp DN cân nhắc từng hành động và đánh giá từng tình huống dựa trên sự hiểu biết thấu đáo về tình hình kinh doanh và tình hình của nền kinh tế. Dựa trên các thông tin thu được, doanh nghiệp điều chỉnh mục tiêu và nhu cầu cho phù hợp hơn, tiến hành khai thác khi có cơ hội hay nên giảm thiểu đầu tư nhằm tránh rủi ro.
· Mục tiêu của nguyên tắc
Để mô phỏng các tình huống khác nhau nhằm minh họa cho quan hệ nguyên nhân kết quả giữa đầu vào (chi phí, an toàn, chất lượng) và kết quả đầu ra (số lượng, chất lượng, doanh thu, tính hiệu quả) nhằm đánh giá hiệu quả của việc thực hiện mục tiêu DN đề ra.
· Nội dung của nguyên tắc
Nguyên tắc này chú trọng vào sự tương tác giữa KTQT và mô hình kinh doanh. Bằng việc thiết lập mô hình tác động của các cơ hội và rủi ro, định lượng được tác động lên các kết quả chiến lược và đánh giá được khả năng một kết quả được yêu cầu sẽ tạo ra, duy trì và triệt tiêu giá trị.
KTQT sử dụng thông tin thích hợp trong nguyên tắc 2 để phát triển các mô hình tình huống. Nỗ lực trong việc đánh giá các tình huống phải tương thích với tầm quan trọng của quyết định cần đưa ra. Một số mô hình tình huống sẽ đơn giản và ít nỗ lực trong khi mô hình khác phức tạp hơn và cần cân nhắc nhiều yếu tó phức tạp hơn.
Nguyên tắc này yêu cầu sự hiểu biết thấu đáo về mô hình kinh doanh và môi trường kinh tế vĩ mô rộng lớn hơn. Nó liên quan đến việc phân tích thông tin theo con đường tạo ra giá trị, đánh giá các cơ hội và chú trọng vào các rủi ro, chi phí và khả năng tạo ra giá trị của các cơ hội.
Những mô phỏng đưa ra các lựa chọn
Các hành động được sắp xếp thứ tự ưu tiên tùy theo tác động đến các kết quả
Nguyên tắc thứ tư, Trách nhiệm quản lý tạo niềm tin
Ưu tiên hàng đầu của chuyên viên kế toán quản trị chính là đảm bảo mọi hoạt động và quyết định kinh doanh đều tuân thủ đúng theo luật pháp và quy tắc ứng xử kế toán địa phương. Bảo toàn tính liêm chính và đạo đức nghề nghiệp chính là phương thức giúp các kế toán viên bảo toàn giá trị và trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp.
· Mục tiêu của nguyên tắc
Chủ động quản lý các mối quan hệ và các nguồn lực để bảo vệ các tài sản tài chính và phi tài chính, danh tiếng và giá trị của tổ chức. Nghĩa là khi quyết định chiến lược cần cân nhắc rủi ro về danh tiếng, quyền lợi các bên liên quan (nội bộ và cả bên ngoài DN, kể cả xem xét các yếu tố môi trường cũng được cân nhắc trước khi quyết định đầu tư.
· Nội dung của nguyên tắc
Việc lập kế hoạch và quản lý có trách nhiệm đối với các nguồn lực đảm bảo tính sẵn có của chúng cho các thế hệ tương lai. Các mối quan hệ giúp các tổ chức tiếp cận được các nguồn lực. Niềm tin là nền tảng cho các mối quan hệ tốt, bất kể là quan hệ giữa các đồng nghiệp hay giữa các tổ chức và các khách hàng, các nhà đầu tư, các nhà cung cấp và xã hội rộng lớn hơn. Các chuyên viên KTQT được tin là hành động có đạo đức, có trách nhiệm giải trình và quan tâm đến các giá trị của tổ chức, các yêu cầu quản trị và các trách nhiệm với xã hội.
Nguyên tắc này liên quan đến việc cảnh giác về các mâu thuẫn quyền lợi có thể có và không đặt các lợi ích thương mại ngắn hạn hoặc cá nhân lên trên lợi ích dài hạn của tổ chức hoặc các bên có liên quan của tổ chức. Nguyên tắc yêu cầu các chuyên viên KTQT hành xử, khuyến khích các đồng nghiệp hành xử với tính chính trực, tính khách quan và thách thức có tính chất xây dựng bất kỳ quyết định nào không theo khuôn khổ các giá trị của tổ chức.
+ Trách nhiệm giải trình và uy tín.
+ Tính bền vững
+ Tính chính trực và đạo đức
Khi thực hiện chiến lược, các chuyên gia KTQT định hướng các hành động của họ theo khuôn khổ các giá trị của tổ chức. Các giá trị cốt lõi của tổ chức có thể cung cấp tiêu chuẩn chọn lọc cho các quyết định để thoát khỏi tình trạng khó quyết định. Cần thận trọng khi tiến hành công việc và giữ vững các cam kết. Nỗ lực trong mỗi việc làm để tránh cung cấp thông tin gây hiểu lầm và giải thích sai. Tuân theo luật đạo đức và các quy định. Chất vấn hành vi sai sót và báo cáo lên cấp có thẩm quyền; tố cáo nếu được yêu cầu. Chất vấn các giả định mang tính lối mòn là kết quả của tư duy phê phán và thẩm tra dữ liệu mà KTQT có liên quan.
Ví dụ : Chấp nhận hay từ chối đơn đặt hàng, DN cần xem xét tác động về giá trị dài hạn của đơn đặt hàng có được cân nhắc đến khi ra các quyết định ngắn hạn hay không? Không đặt các lợi ích thương mại ngắn hạn hoặc cá nhân lên trên lợi ích dài hạn của DN.
KẾT LUẬN
Ra quyết định dựa trên bằng chứng hoặc sự đánh giá với đủ thông tin hơn là sự phỏng đoán làm cho thành công bền vững trở nên dễ đạt hơn. Tất cả những nguyên tắc kế toán quản trị toàn cầu xuất phát từ tham vọng này. Bốn nguyên tắc kế toán quản trị toàn cầu được tạo ra nhằm định hướng cho các Giám đốc Tài chính (CFO), Giám đốc Điều hành (CEO) và ban quản lý cấp cao trong việc thực hành kế toán quản trị theo chuẩn mực, giúp họ phản ứng nhanh hơn với thử thách, bảo vệ giá trị thương hiệu và đảm bảo chất lượng của các quyết định được đưa ra.
-----------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Hội Kiểm toán hành nghề Việt Nam (2018). Những nguyên tắc kế toán quản trị toàn cầu. Nhà xuất bản thanh viên Hà Nội.
2. PGS.TS. Phạm Văn Dược, TS. Huỳnh Lợi (2009), Mô hình và cơ chế vận hành KTQT, NXB Tài chính, Hà Nội;
3. TS. Võ Văn Nhị, TS. Đoàn Ngọc Quế, ThS. Lý Thị Bích Châu (2001), Hướng dẫn lập đọc, phân tích các báo cáo tài chính và báo cáo kế toán quản trị, NXB Thống kê, Hà Nội;
4.Nguyễn Thị Loan, Trần Quốc Thịnh (2017), Giáo trình Kế toán quản trị, nhà xuất bản Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.
6. Howell, Robert A., Sakurai, Michiharu (1992), “Management Accounting (And other) Lessons from the Japanese”, Management Accounting. Dec. Vol.74. Iss. 6, page 28 - 34.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: