Dương Thị Thanh Hiền
Hệ thống thông tin kế toán (HTTTKT) hiện đại là một tập hợp các hệ thống điện tử dựa trên máy tính được sử dụng để thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu kế toán, tài chính của một đơn vị cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định của tổ chức (Rommey và Steinbart, 2012). Những nghiên cứu trước đây cũng cho thấy, việc sử dụng HTTTKT đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ DN đạt được hiệu quả kinh doanh cao hơn và vững chắc hơn. Đã có nhiều nghiên cứu đã chứng minh thành công sự quan hệ thuận chiều từ HTTTKT đến hiệu quả hoạt động của các DN.
1. Hệ thống thông tin kế toán
Hệ thống thông tin (HTTT) là một hệ thống tạo ra thông tin cho người sử dụng, người quản lý sử dụng các thông tin trong HTTT như báo cáo tài chính để ra quyết định. HTTT có mục tiêu chính là làm cho tổ chức hoạt động hữu hiệu và hiệu quả (Bagranoff và cộng sự, 2010). O'Brien và George (2005) cho rằng HTTT là sự kết hợp được thiết lập bao gồm: “Con người, phần cứng, phần mềm, các mạng lưới truyền thông, nguồn dữ liệu, chính sách và các thủ tục để lưu trữ, khôi phục, chuyển đổi dữ liệu thành thông tin và truyền thông tin trong một tổ chức. HTTT là một tập hợp các bộ phận (phần tử) tương tác với dự định chuyển đổi dữ liệu (biến đổi) thành thông tin hữu ích cho tổ chức như dữ liệu giao dịch tài chính được xử lý thành các báo cáo tài chính”.
Hình 1. Khuôn khổ hệ thống thông tin
Nguồn: Hall (2011)
Hệ thống thông tin kế toán là một hệ thống thông tin thu thập, xử lý và lưu trữ dữ liệu liên quan đến các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp cho các bộ phận để ra quyết định của doanh nghiệp (David và cộng sự,1999). Hệ thống thông tin kế toán (HTTTKT) là một khuôn khổ để điều phối các nguồn lực (dữ liệu, thiết bị, nhà cung cấp, nhân sự và nguồn tài trợ) để chuyển đổi đầu vào thành đầu ra thành các thông tin kinh tế tài chính giúp cho việc thực hiện các hoạt động của một thực thể và cung cấp thông tin kế toán cho các đối tượng quan tâm (Wilkinson, 1999). Bodnar và Hopwood (2004) cho rằng hệ thống thông tin kế toán là tập hợp các nguồn lực, ví dụ, con người và thiết bị được thiết kế, để thay đổi dữ liệu tài chính và các dữ liệu khác thành thông tin có thể được truyền đạt đến người ra quyết định.
Marshall và Paul (2012) cho rằng hệ thống thông tin kế toán bao gồm con người, quy trình và công nghệ thông tin, thực hiện các chức năng quan trọng như thu thập, lưu trữ dữ liệu phát sinh trong quá trình hoạt động và các giao dịch nhằm giúp đơn vị có thể xem lại những sự kiện xảy ra, xử lý dữ liệu thành thông tin hữu ích phục vụ cho việc ra quyết định, đồng thời cung cấp, kiểm soát
đầy đủ thông tin để bảo vệ tài sản của đơn vị, bao gồm cả dữ liệu của hệ thống thông tin kế toán. Hệ thống thông tin kế toán được nhấn mạnh như một công cụ không thể thiếu trong quá trình ra quyết định, lập kế hoạch chiến lược, cũng như giám sát tài chính (Alrabei, 2014).
Các thành phần thuộc hệ thống thông tin kế toán. HTTTKT là một hệ thống gồm nhiều yếu tố cấu thành có mối liên hệ rất chặt chẽ, mật thiết nhưng cũng không kém phần phức tạp. Theo cách tiếp cận các yếu tố cấu thành của O'Brien, 2005; Susanto, 2004; Romney và Steinbart (2012). Theo đó, HTTTKT bao gồm 6 thành phần chính sau đây: (1) nhân lực, (2) quy trình và hướng dẫn sử dụng, (3) dữ liệu, (4) phần cứng, (5) phần mềm và (6) kiểm soát nội bộ. James và George (2010) khẳng định rằng các thành phần có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau để đạt được một mục tiêu chung thông qua một quá trình chuyển đổi từ đầu vào đến đầu ra. Do đó, dưới góc độ đánh giá của tác giả, cách tiếp cận này sẽ cung cấp một cách nhìn tương đối toàn diện, giúp cho việc phân tích và thiết kế HTTTKT tại các DN trong điều kiện hiện nay.
2. Hiệu quả hoạt động
Hiệu quả hoạt động (firm/organization performance) là mục tiêu mà mọi DN đều mong muốn đạt được trong quá trình kinh doanh. Đây cũng là phạm trù quan trọng được rất nhiều nghiên cứu về lĩnh vực quản lý quan tâm khai thác. Biết được các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả là rất quan trọng, bởi qua đó cho phép các nhà quản trị xác định yếu tố nào cần giải quyết để cải thiện hiệu quả hoạt động cho DN. Có thể nói, hiệu quả hoạt động (HQHĐ) của DN là một khái niệm đa chiều (Kaplan và Norton, 1992; Ondoro, 2015). Tùy theo bối cảnh hoạt động, yếu tố thời gian cũng như mục tiêu nghiên cứu mà cách tiếp cận thuật ngữ hiệu quả hoạt động cũng khác nhau. Ở cấp độ doanh nghiệp, phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng hiệu quả hoạt động phải gắn với mục tiêu kinh tế cụ thể.
Richard và cộng sự (2009) khẳng định rằng hiệu quả phản ảnh cho trình độ sử dụng các yếu tố thuộc về nguồn lực sẵn có của một DN. Đây là quá trình chuyển đổi các yếu tố đầu vào của DN thành yếu tố đầu ra. Hiệu quả hoạt động của DN là chỉ tiêu phản ánh là mức độ đạt được kết quả của DN trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hiệu quả hoạt động là chỉ tiêu phản án quá trình đạt được mức độ về các chỉ tiêu kinh doanh của DN so với các đối thủ trong cùng lĩnh vực kinh doanh (Gilley và Rasheed, 2000; Gilley và cộng sự, 2004; Kroes và Ghosh, 2010).
Đánh giá HQHĐ được xem là thành phần quan trọng trong quá trình ra quyết định của các doanh nghiệp. Đánh giá HQHĐ cung cấp thông tin cho nhà quản lý doanh nghiệp để đảm bảo các quyết định đưa lại kết quả tốt nhất có thể, có tính đến đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Đo lường hiệu quả hoạt động trên khía cạnh tài chính vẫn luôn là cách thức đo lường phổ biến nhất trong những nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp nói chung và kế toán nói riêng (Hudson, 2001). Một số nhà nghiên cứu như Hopwood (1972), Kaplan và Atkinson (1998), Lau và Sholihin (2005) đã chỉ ra rằng việc có nhiều nghiên cứu sử dụng hiệu quả tài chính để phản ánh tình hình hoạt động của doanh nghiệp xuất phát từ những ưu điểm nhất định đó là tính khách quan và tính thuận tiện. Trên thực tế những ưu điếm này xuất phát từ việc chỉ số tài chính luôn được cung cấp từ những ghi chép của kế toán và chúng luôn được tuân thủ theo các nguyên tắc nhằm đảm bảo tính khách quan, hợp lý và hợp lệ.
3. Mối quan hệ giữa hệ thống thông tin kế toán và hiệu quả hoạt động
Những nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra những kết quả tương tự khi chứng minh được tác động của hệ thống thông tin kế toán đối với hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp – dù xem xét từ góc độ khả năng sinh lời, hoặc khả năng quản lý các dòng tiền (khả năng thanh toán), hoặc khả năng sử dụng tài sản hay nguồn vốn (khả năng hoạt động, đòn bẩy tài chính) (Sabherwal và cộng sự, 2019), Mikalef và Manjul, 2021, lmudeen, 2022). Tuy nhiên, một trong những hạn chế của các nghiên cứu này liên quan đến dạng dữ liệu thứ cấp, khi khẳng định kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, và những yếu tố đó có mối quan hệ tương quan lẫn nhau. Ví dụ, Liu và Chen (2020) cho rằng một doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt thì sẽ áp dụng hệ thống thông tin kế toán tốt, đồng thời việc áp dụng hệ thống thông tin kế toán tốt sẽ tác động ngược lại đến kết quả kinh doanh.
Mehdi và cộng sự (2015) đã tiến hành nghiên cứu hiệu quả của hệ thống thông tin kế toán đối với hiệu suất, năng suất và khả năng gia tăng lợi nhuận trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Iran. Phương pháp nghiên cứu được áp dụng là điều tra mô tả. Kết quả chỉ ra rằng việc sử dụng hiệu quả HTTTKT ở các DN trên sàn giao dịch Tehran có quan hệ thuận chiều với hiệu quả hoạt động, năng suất và khả năng gia tăng năng suất (đo lường bằng hệ số P/E và Tobin’s Q). Nhiều nghiên cứu khác cũng đưa ra một số kết quả tương tự (Saeidi, 2014; Nizar và cộng sự, 2016). Saeidi (2014) đã nghiên cứu tác động của hệ thống thông tin kế toán với hiệu quả tài chính. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hệ thống thông tin kế toán có mối quan hệ chặt chẽ với kiến thức và hiểu biết của nhà quản lý, nhân viên kế toán, việc ra quyết định, hiệu quả tài chính và nguồn lực của tổ chức, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp (thông qua chỉ tiêu ROA và ROE).
Nghiên cứu thực nghiệm của Taiwo (2016) đã làm rõ tác động của công nghệ thông tin đối với hệ thống kế toán và hiệu quả hoạt động của tổ chức. Tác giả sử dụng số liệu sơ cấp và thứ cấp. Số liệu sơ cấp được khai thác từ bảng hỏi dành cho 20 nhân viên thuộc ngành tài chính và những nhân viên làm việc tại các phòng liên quan đến kế toán ở đại học Covenant, Ni-ge-ri-a. Số liệu này được phân tích dựa trên phân tích tương quan Pearson. Kết quả cho thấy hệ thống ICT có mối quan hệ dương với hệ thống kế toán và mối quan hệ dương với hiệu quả hoạt động của tổ chức
Khan (2017) đã chỉ ra ảnh hưởng của hệ thống thông tin kế toán đối với hiệu quả hoạt động của tập đoàn Procter and Gamble. Số liệu được thu thập từ phiếu điều tra xây dựng theo thang đo Likert. 174 nhân viên tập đoàn đã tham gia trả lời. Số liệu được phân tích theo mô hình hồi quy tuyến tính. Tác giả chứng minh rằng HTTTKT có tác động lớn nhất tới hoạt động marketing, sau đó là việc làm. Từ đó, tác giả đưa ra kết luận hệ thống thông tin kế toán có tác động đáng kể đến hiệu quả hoạt động của tổ chức tại tập đoàn P&G.
Ironkwe và Nwaiwu (2018) tiến hành nghiên cứu thực nghiệm về tính hiệu quả của hệ thống thông tin kế toán đối với các chỉ số đo lường tài chính và phi tài chính tại các doanh nghiệp ở Nigeria. Các tác giả thu thập số liệu định tính và định lượng từ bảng hỏi và sàn giao dịch chứng khoán Nigeria (2011-2014) đối với 16 doanh nghiệp và tiến hành phân tích bằng phương pháp hồi quy tuyến tính và SPSS. Kết quả nghiên cứu cho thấy HTTTKT có tác động tích cực đối với các chỉ số đo lường tài chính và phi tài chính của doanh nghiệp ở Nigeria.
Tại Việt Nam, đã có một số nghiên cứu liên quan đến tác động của hệ thống thông tin kế toán đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, ví dụ những nghiên cứu của các tác giả như Đoàn Ngọc Phúc (2014), Lê Thu Hằng (2022), Vũ Quốc Thông và cộng sự (2022), Đinh Phi Hổ và các cộng sự (2021)… Phần lớn những nghiên cứu này sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng.
Tóm lại, nếu doanh nghiệp áp dụng công nghệ thông tin vào kế toán, các chỉ tiêu tài chính đều tốt lên một cách tương đối, cũng như hỗ trợ quá trình ra quyết định hiệu quả hơn.
Tài liệu tham khảo
1. Gelinas, Ulrich & Dull, B. Richard. (2012), Accounting information systems, 9th Edition, USA: South Western Cengage Learning
2. Marshall B. Romney, Paul Jhon Steinbart, Joseph M. mula, Ray MC Namara, & Trevor Tonkin. (2013), AISs: Pearson Australia.
3. Saeidi, H., Prasad, G. B., & Saremi, H. (2015), ‘The Role of Accountants in Relation to AISs and Difference between Users of AIS and Users of Accounting’, Bull. Env. Pharmacol. Life Sci, 4, 115-123
4. Trương Văn Tú (2023), Ảnh Hưởng Của Hệ Thống Thông Tin Kế Toán Đến Hiệu Quả Hoạt Động Của Các Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa Việt Nam, Luận án tiến sĩ ngành Kế toán, Trường Đại học kinh tế quốc dân.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: