Nguyễn Thị Khánh Vân – Khoa kế toán
1. Kế toán và chức năng của kế toán
Theo Luật kế toán Việt Nam 2015 (Luật Kế toán), Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động. Nếu phân chia nội dung cung cấp và đối tượng sử dụng thông tin của kế toán, kế toán được phân thành kế toán tài chính và kế toán quản trị. Trong đó, Kế toán tài chính là thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính bằng báo cáo tài chính cho đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin của đơn vị kế toán, Kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán. Theo Zimmerman (2000), chức năng đầy đủ của kế toán được chia thành 2 loại: kiểm soát và ra quyết định. Đối với kế toán tài chính, kiểm soát là quá trình, trách nhiệm quản lý các nguồn lực của các bên liên quan, đặc biệt là các nhà đầu tư, đồng thời ra quyết định là việc cung cấp các thông tin hữu ích về mặt giá trị cho các nhà đầu tư (Hemmer and Labro, 2008). Đối với kế toán quản trị, kiểm soát bao gồm tất cả các công việc liên quan việc hoạch định, quản lý và phục vụ ra quyết định là việc cung cấp các thông tin liên quan đến chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp. Mặc dù có sự khác biệt về chức năng và nhiệm vụ giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị, tuy nhiên, xét ở khía cạnh chức năng chung của kế toán, đây là 2 thành phần không thể tách rời và có quan hệ tác động lẫn nhau, trong đó, kế toán tài chính là cơ bản, nền tảng để tổ chức kế toán quản trị (Hemmer và Labro, 2008).
Sự phân biệt hoặc sự hòa hợp giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị chỉ là tương đối, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin trở thành nền tảng và ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của kế toán (quá trình thu thập, xử lý dữ liệu, người sử dụng thông tin, phương pháp kế toán (Taipaleenmäki và Ikäheimo, 2013). Do đó, để có một cách tiếp cận tổng thể hơn về kế toán với chức năng cung cấp thông tin để kiểm soát và ra quyết định, cần phải tiếp cận kế toán dưới góc độ một hệ thống thông tin (Nguyễn Đăng Huy, 2011)
2. Kế toán tiếp cận kế toán dưới góc độ hệ thống thông tin
Ở góc độ hệ thống, kế toán là tập hợp các thành phần liên quan thực hiện chức năng thu thập, xử lý, lưu trữ dữ liệu và cung cấp thông tin kế toán cho người sử dụng (Thái Phúc Huy và cộng sự, 2012). Các thành phần của hệ thống kế toán bao gồm:
- Thành phần thu thập dữ liệu: bao gồm các phương thức ghi nhận, thu nhập dữ liệu từ các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp như chứng từ, hệ thống tài khoản, các đối tượng chi tiết
- Thành phần xử lý: Các yếu tố tham gia vào quá trình xử lý như phương pháp kế toán, quy trình thực hiện, phương thức xử lý (bằng thủ công, hay phần mềm…), tổ chức phân công con người, công việc…
- Thành phần lưu trữ thông qua hệ thống chứng từ, sổ sách, tập tin lưu trữ
- Thành phần kiểm soát: Các quy định, thủ tục, chính sách được thiết lập trong hệ thống nhằm kiểm soát quá trình thu thập, xử lý và cung cấp thông tin của kế toán
- Thành phần cung cấp thông tin: Thông qua các báo cáo, sổ sách kế toán bằng giấy hoặc trên các phần mềm hỗ trợ.
Như vậy, trên cơ sở lý thuyết về hệ thống thông tin kế toán, việc cung cấp các thông tin kế toán bao gồm kế toán tài chính, kế toán quản trị phụ thuộc vào mục tiêu của hệ thống kế toán cùng với sự vận hành của các thành phần của hệ thống thông tin, trong đó có phần mềm kế toán. Mối liên hệ, tác động giữa phần mềm kế toán với các thành phần khác của hệ thống kế toán có thể ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện của hệ thống kế toán. Việc sử dụng phần mềm kế toán trong hệ thống kế toán có thể ảnh hưởng đến các thành phần khác nhau của hệ thống (thu thập, xử lý, kiểm soát, cung cấp thông tin), từ đó tác động (tích cực hoặc tiêu cực) đến hoạt động của hệ thống kế toán và mục tiêu của cung cấp thông tin kế toán tài chính hoặc kế toán quản trị của hệ thống kế toán.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn Đăng Huy (2011). Tổ chức công tác kế toán trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
2.Thái Phúc Huy, Nguyễn Phước Bảo Ấn, Nguyễn Bích Liên, Bùi Quang Hùng, Trần Thanh Thúy, Phạm Trà Lam (2012). Hệ thống thông tin kế toán. Tp. Hồ Chí Minh: NXB Phương Đông.
3.Hemmer, T., & Labro, E. (2008). On the optimal relation between the properties of managerial and financial reporting systems. Journal of Accounting Research, 46(5), 1209-1240.
4.Taipaleenmäki, J., & Ikäheimo, S. (2013). On the convergence of management accounting and financial accounting–the role of information technology in accounting change. International Journal of Accounting Information Systems, 14(4), 321-348.
5.Zimmerman, S. M. (2000). Accounting for Clare. College English, 62(3), 317-334.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: