TÌM HIỂU CÁC PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG ĐỂ DỰ BÁO CÁC CHỈ TIÊU TÀI CHÍNH - DỰ BÁO CÁC CHỈ TIÊU TRÊN BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG
Nguyễn Thị Hồng Sương
Dự báo các chỉ tiêu tài chính là việc dự báo về các chỉ tiêu cơ bản trên báo cáo tài chính của các kì kinh doanh sắp tới. Dự báo các chỉ tiêu tài chính là căn cứ quan trọng để xác định nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp. Một trong những mục tiêu cơ bản của phân tích báo cáo tài chính là dựa vào số liệu quá khứ, nhìn nhận hiện tại và dự báo các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp trong tương lai. Có thể nói dự báo tài chính là mối quan tâm của người sử dụng thông tin trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong thực tiễn có hai phương pháp cơ bản để lập dự báo tài chính
1. Các phương pháp dự báo tài chính
1.1. Phương pháp dự báo tài chính trên cơ sở kế hoạch hoạt động chi tiết của doanh nghiệp
Phương pháp dự báo trên cơ sở kế hoạch hoạt động chi tiết chỉ sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp. Theo phương pháp này, dự báo tài chính được thực hiện thông qua việc lập dự toán hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Căn cứ các định mức về chi phí và kế hoạch hoạt động cụ thể, doanh nghiệp lập dự toán theo từng khoản mục chi phí hoạt động kinh doanh (theo từng yếu tố, từng địa điểm phát sinh), kết hợp với dự toán tiêu thụ để lần lượt lập dự toán tiền, dự toán báo cáo kết quả kinh doanh, dự toán báo cáo tài chính. Các bản dự toán này thường được lập cho thời gian một năm và chi tiết thành từng quí, tháng, nhằm xác định nhu cầu vốn bổ sung chính xác hơn và cụ thể hơn theo từng thời điểm trong năm (hình 9.1)
Lưu ý, dự báo tài chính chỉ là một trong số rất nhiều tác dụng của phương pháp dự báo trên cơ sở các kế hoạch hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Với các bản dự toán chi tiết, từng bộ phận hoạt động trong doanh nghiệp đều phải chủ động lập kế hoạch kinh doanh, thực hiện kế hoạch và đánh giá việc thực hiện kế hoạch. Phương pháp dự báo trên cơ sở kế hoạch hoạt động chi tiết cần thiết và hữu ích cho việc quản trị tài chính trong nội bộ doanh nghiệp.
1.2. Phương pháp dự báo tài chính theo tỉ lệ phần trăm trên doanh thu
Phương pháp dự báo này được sử dụng cho cả trong và ngoài doanh nghiệp. phương pháp này tập trung vào trực tiếp dự báo các chỉ tiêu báo cáo tài chính theo tỉ lệ phần trăm trên doanh thu thay vì nghiên cứu chi tiết từng yếu tố chi phí cũng như các kế hoạch hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Phương pháp dự báo tài chính này được thực hiện dựa trên cơ sở giả định các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính thay đổi theo một tỉ lệ nhất định so với mức doanh thu đạt được của doanh nghiệp. Doanh thu thay đổi kéo theo sự thay đổi của chi phí kinh doanh và lợi nhuận, từ đó làm thay đổi vốn chủ sở hữu và các tài sản cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Khác với phương pháp dự báo tài chính trên cơ sở các kế hoạch hoạt động chi tiết thường được thực hiện cho một năm và chi tiết thành các quý, tháng; các báo cáo tài chính theo phương pháp tỉ lệ phần trăm trên doanh thu có thể lập thời gian dài hơn như 05 năm hoặc 10 năm. Tuy nhiên mức độ chính xác của dự báo tài chính sẽ càng giảm dần khi thời gian dự báo càng dài.
2.Dự báo các chỉ tiêu trên báo cáo kết quả hoạt động
2.1. Mối liên hệ giữa các chỉ tiêu trên báo cáo kết quả hoạt động với doanh thu
Căn cứ vào tình hình cụ thể tại từng doanh nghiệp và dựa vào số liệu phản ánh trên BCKQKD qua nhiều kỳ, các nhà phân tích tiến hành xem xét mối quan hệ giữa doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ với các chỉ tiêu tài chính phản ánh trên BCKQKD như sau:
- Những chỉ tiêu có quan hệ cùng chiều với doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ và thường chiếm một tỷ lệ nhất định so với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Thông thường, khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ thay đổi (tăng hoặc giảm), các chỉ tiêu tài chính sau đây trên BCKQKD cũng thay đổi cùng chiều (tăng hoặc giảm như:
+ Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ;
+ Các khoản giảm trừ doanh thu;
+ Giá vốn hàng bán;
+ Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ;
+ Chi phí bán hàng,……
Các chỉ tiêu tài chính nói trên khi so với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ thường chiếm một tỷ lệ nhất định, xấp xỉ nhau qua các năm.
Doanh nghiệp có thể sử phương pháp dự báo tài chính theo tỉ lệ phần trăm trên doanh thu trong một thời gian vài năm nên nhà phân tích cần xác định các chỉ tiêu biến đổi theo doanh thu và dự báo tỉ lệ phần trăm trên doanh thu của các chỉ tiêu đó.
- Ngoài những chỉ tiêu tài chính trên còn một số chỉ tiêu tài chính khác như chi phí tài chính, doanh thu hoạt động tài chính, thu nhập khác và lợi nhuận khác,…..cũng có mối quan hệ chặt chẽ khi lập BCKQKD dự báo, có thể thay đổi không cùng chiều hoặc không thay đổi theo doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ
Tóm lại, tùy theo mối quan hệ các chỉ tiêu với doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, các nhà phân tích sẽ tiến hành xem xét và phân định các chỉ tiêu tài chính thành các nhóm khác nhau: nhóm những chỉ tiêu thay đổi cùng chiều, nhóm chỉ tiêu thay đổi không cùng chiều, hoặc thay đổi không rõ ràng. Để đảm bảo độ chính xác các chỉ tiêu cần tham khảo số liệu của nhiều kỳ kinh doanh trước đó.
2.2. Phương pháp dự báo các chỉ tiêu trên báo cáo kết quả hoạt động (BCKQHĐ)
Để dự báo BCKQHĐ, người ta phải dựa vào các giả thiết về doanh thu, giá vốn hàng bán, CPBH, chi phí QLDN và các chi phí tài chính trong mối quan hệ với các khoản tiền vay, các khoản đầu tư,…
BCKQHĐ dự báo dựa trên mẫu của BCKQHĐ thực tế theo nguyên tắc phù hợp giữa chi phí và doanh thu. Dự báo BCKQHĐ được bắt đầu từ việc dự báo doanh thu. Doanh thu được dự báo dựa trên các giả thiết về thị trường, nhu cầu của khách hàng, giá cả sản phẩm và sản phẩm cạnh tranh. Để có thể xác định doanh thu người ta có thể sử dụng phương pháp tỷ lê, phương pháp hồi quy hoặc phương pháp phân tích dãy số thời gian.
Sau khi dự báo doanh thu, tiến hành dự báo giá vốn hàng bán, biến phí CPBH và biến phí chi phí QLDN. Giá vốn hàng bán, biến phí CPBH và biến phí CPQLDN được dự báo dựa theo kinh nghiệm nhiều năm của doanh nghiệp và thường chiếm tỷ lệ nào đó trong tổng doanh thu của mỗi loại sản phẩm. Để tăng độ tin cậy cho dự báo, doanh thu được dự báo ở đây là doanh thu thuần.
Minh họa:
* Tài liệu phân tích: Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh. Dự báo doanh thu tiêu thụ tăng 12% mỗi năm. Công ty tiến hành dự báo doanh thu, giá vốn, CPBH và chi phí QLDN dựa vào giả thiết sau:
- Doanh thu bán hàng năm N = 112% doanh thu năm N-1
- Giá vốn hàng bán = 72% tổng doanh thu
- CPBH và chi phí QLDN = 14% tổng doanh thu
Các bước lập dự báo BCKQKD như sau:
Bước 1: Dự báo doanh thu
Dự báo doanh thu bán hàng năm N được xây dựng dựa trên số liệu về doanh thu bán hàng trong năm N-1. Doanh thu bán hàng năm N = 112% doanh thu năm N-1 cụ thể ta có bảng số liệu sau:
Bảng 1 Doanh thu dự báo năm N
ĐVT: 1.000 đồng
Tháng |
Năm N-1 |
Năm N |
1 |
86.607 |
97.000 |
2 |
66.071 |
74.000 |
3 |
50.000 |
56.000 |
4 |
41.071 |
46.000 |
5 |
32.143 |
36.000 |
6 |
41.071 |
46.000 |
7 |
63.393 |
71.000 |
8 |
94.643 |
106.000 |
9 |
133.036 |
149.000 |
10 |
156.250 |
175.000 |
11 |
129.464 |
145.000 |
12 |
104.464 |
117.000 |
Tổng |
998.214 |
1.118.000 |
(Nguồn: Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh)
- Nếu theo phương pháp phân tích dãy số theo thời gian được sử dụng để phân tích xu hướng biến động của doanh thu trong quá khứ từ đó dự báo được xu hướng biến động trong tương lai. Dự báo này được thực hiện dựa trên giả thiết doanh thu của doanh nghiệp tiếp tục biến động theo xu hướng trong quá khứ. Kỹ thuật phân tích dãy số theo thời gian có tính đến ảnh hưởng của các nhân tố được sử dụng để làm tăng độ tin cậy của dự báo .
- Nếu sử dụng phương pháp hồi quy để dự báo xu hướng biến động của doanh thu, người ta phải thu thập số liệu doanh thu bán hàng của doanh nghiệp trong khoảng thời gian dài từ 5 đến 10 năm.
Bước 2: Dự báo giá vốn, CPBH và chi phí QLDN
ĐVT: 1.000 đồng
- Giá vốn hàng bán năm N = 72% tổng doanh thu năm N
= 72%* 1.118.000 = 804.960
- CPBH và QLDN năm N = 14% tổng doanh thu năm N
= 14%* 1.118.000 = 156.520
- Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận gộp – CPBH và QLDN
- Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế - Chi phí thuế TNDN
Bước 3: Lập BCKQKD dự báo cho năm N
Từ các số liệu ở trên, thuế suất thuế TNDN 20% ta có bảng số liệu sau:
Bảng 2Báo cáo kết quả kinh doanh dự báo năm N |
|||||
ĐVT: 1.000 đồng |
|||||
Chỉ tiêu |
Số tiền |
||||
1. Doanh thu |
1.118.000 |
||||
2. Giá vốn hàng bán |
804.960 |
||||
3. Lợi nhuận gộp (1) - (2) |
313.040 |
||||
4. CPBH và QLDN |
156.520 |
||||
5. Lợi nhuận trước thuế (3)-(4) |
156.520 |
||||
6. Chi phí thuế TNDN |
31.304 |
||||
7. Lợi nhuận sau thuế (5)-(6) |
125.216 |
(Nguồn: Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh)
Tóm lại dự báo là một môn khoa học hết sức rộng lớn. Trong tài chính doanh nghiệp, dự báo là quá trình xem xét thời kỳ đã qua, nhìn nhận hiện tại và ước định tình hình tài chính của doanh nghiệp trong tương lai đặt trong một viễn cảnh nhất định. Dự báo tài chính có ý nghĩa đối với cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Thế Chi, 2009, Giáo trình phân tích Báo cáo tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính
2. Nguyễn Năng Phúc, Giáo trình Phân tích Báo cáo tài chính, NXB Đại học Kinh tế Quốc Dân, 2008
3. https://cpc1.com.vn/Files/Uploads/2024/03/15/20/07/Bao%20cao%20tai%20chinh%202023.pdf
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: