Nguyễn Thị Khánh Vân
Khoa Kế toán
COSO (The Committee of Sponsoring Organizations of the Treadway Commission - Ủy ban Chống gian lận khi lập Báo cáo tài chính thuộc Hội đồng quốc gia Hoa Kỳ), được thành lập năm 1985. COSO là một chuẩn mực của thế giới trong lĩnh vực Kiểm soát nội bộ, được ban hành lần đầu vào năm 1992 tại Hoa Kỳ; COSO đóng vai trò như một bước khởi đầu làm nền tảng cho các doanh nghiệp khi xây dựng hệ thống Kiểm soát nội bộ.
1. Khái niệm KSNB và hệ thống KSNB
Khái niệm KSNB
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Quản trị rủi ro và xây dựng hệ thống Kiểm soát nội bộ (KSNB) nhằm giúp tổ chức hạn chế những sự cố, mất mát, thiệt hại, và tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức.
Theo Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 315: “KSNB là quy trình do Ban quản trị, Ban Giám đốc và các cá nhân khác trong đơn vị thiết kế, thực hiện và duy trì để tạo ra sự đảm bảo hợp lý về khả năng đạt được mục tiêu của đơn vị trong việc đảm bảo độ tin cậy của báo cáo tài chính, đảm bảo hiệu quả, hiệu suất hoạt động, tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan”.[Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315, ban hành theo Thông tư số 214/2012/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 thay thế chuẩn mực 400].
Luật Kế toán 2015 cho rằng “KSNB là việc thiết lập và tổ chức thực hiện trong nội bộ đơn vị kế toán các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra” [Điều 39 Luật Kế toán số 88/2015/QH13, có hiệu lực từ 01/01/2017]
Theo VAS (chuẩn mực Kiểm toán VN): KSNB là quy trình do Ban quản trị, Ban Giám đốc và các cá nhân khác trong đơn vị thiết kế, thực hiện và duy trì để tạo ra sự đảm bảo hợp lý về khả năng đạt được mục tiêu của đơn vị trong việc đảm bảo độ tin cậy của báo cáo tài chính, đảm bảo hiệu quả, hiệu suất hoạt động, tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan.
Theo COSO năm 1992 (The Committee of Sponsoring Organizations
of the Treadway Commission) - Ủy ban thuộc Hội đồng quốc gia Hoa Kỳ về chống gian lận khi lập báo cáo tài chính, KSNB là một quá trình do người quản lý, hội đồng quản trị và các nhân viên của đơn vị chi phối, nó được thiết lập để cung cấp một sự đảm bảo hợp lí nhằm thực hiện mục tiêu: (i) Báo cáo tài chính đáng tin cậy; (ii) Các luật lệ và quy định được tuân thủ; (iii) Hoạt động hữu hiệu và hiệu quả.
Sau hơn 20 năm, COSO đã ban hành bản cập nhật mới là COSO Internal Control 2013, theo đó, KSNB là một quy trình đưa ra bởi Ban quản trị của doanh nghiệp, nhà quản lý và các nhân sự khác, được thiết kế để đưa ra sự đảm bảo cho việc đạt được mục tiêu về hoạt động, báo cáo và tuân thủ.
Khái niệm hệ thống KSNB
Có rất nhiều quan điểm về hệ thống KSNB khác nhau do yêu cầu và góc độ nhìn nhận khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm chung được thừa nhận rộng rãi nhất hiện nay là theo Liên đoàn kế toán quốc tế. Theo quan điểm này, hệ thống KSNB là một hệ thống chính sách và thủ tục được thiết lập nhằm đạt được bốn mục tiêu sau: bảo vệ tài sản của đơn vị, bảo đảm độ tin cậy của các thông tin, bảo đảm việc thực hiện các chế độ pháp lý, đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Nhiệm vụ hệ thống KSNB
Bảo vệ tài sản và thông tin của doanh nghiệp trong bị lạm dụng và sử dụng sai mục đích nhà quản lý đề ra.
Điều khiển và quản lý kinh doanh của doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Đảm bảo cho các quyết định và chế độ quản lý được thực hiện đúng thể thức và giám sát mức hiệu quả của các chế độ và các quyết định đó.
Ngăn chặn, phát hiện các sai phạm và gian lận trong kinh doanh
Lập báo cáo tài chính kịp thời và tuân thủ theo các yêu cầu pháp định
Theo Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29 /12/2011 của NHNN Việt Nam quy định về hệ thống KSNB và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:
Hệ thống KSNB là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội
bộ, cơ cấu tổ chức của đơn vị được xây dựng và được tổ chức thực hiện nhằm
bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra.
Theo Thông tư số 16 /2011/TT-NHNN ngày 17/8/2011 của NHNN quy định về KSNB, kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
Hệ thống KSNB Ngân hàng Nhà nước là tổng thể các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được thiết lập phù hợp với các quy định của pháp luật và được tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo các nguồn lực được quản lý và sử dụng đúng pháp luật, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; ngăn ngừa rủi ro, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi gian lận, sai sót; cung cấp thông tin trung thực, phục vụ kịp thời cho việc ra các quyết định quản lý; đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
2. Phân biệt KSNB và hệ thống KSNB
Kiểm soát nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ cùng có chung mục đích, đều do con người xây dựng, thiết lập nhưng chúng có những điểm khác nhau. Kiểm soát nội bộ thường đi vào kiểm soát với những chính sách, thủ tục, nguyên tắc, quy định có tính hệ thống được thừa nhận rộng rãi, phổ biến và bao trùm. Kiểm soát nội bộ thường quan tâm đến mục tiêu kiểm soát hơn là các hành vi cụ thể và thủ tục kiểm soát với những quan điểm khác nhau trong từng điều kiện và giai đoạn cụ thể. Loại kiểm soát hành vi với những thủ tục cụ thể người ta gọi là các thủ tục kiểm soát. Với loại kiểm soát này, có những quan điểm hiện nay cho rằng đó là loại kiểm soát quản lý, hay kiểm soát độc lập trong kiểm soát trực tiếp các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính.
Hệ thống kiểm soát nội bộ là nói đến các chính sách, thủ tục, các bước kiểm soát do lãnh đạo đơn vị xây dựng có tính chất bao trùm tất cả mọi lĩnh vực trong đơn vị. Vậy, hệ thống KSNB bao gồm cả KSNB và bản thân con người cùng với những phương tiện có tính chất kỹ thuật, cấu trúc hướng vào kiểm soát mang tính bền vững, ổn định, đảm bảo và lâu dài. Hệ thống KSNB thường được bản thân các lãnh đạo đơn vị xây dựng, thiết lập hướng vào kiểm soát các hoạt động trong phạm vi và trách nhiệm của đơn vị.
Hiện nay, quan điểm về hệ thống kiểm soát nội bộ đang bao trùm cả kiểm soát nội bộ cùng với các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, con người.
+ Phương tiện thiết bị phục vụ kiểm soát càng khách quan, hiệu quả càng
tin cậy. Ở đâu, bộ phận kiểm soát càng sử dụng các phương tiện thiết bị kỹ thuật hiện đại, càng hạn chế sự chi phối, tác động của con người thì ở đó kiểm soát có độ tin cậy cao.
+ Về con người, người kiểm soát phải trung thực, minh bạch, có năng lực và luôn đảm bảo được sự phát triển đáp ứng yêu cầu kiểm soát trong các điều
kiện thay đổi.
- Hệ thống KSNB không chỉ là một thủ tục hay một chính sách được thực
hiện ở một vài thời điểm nhất định mà được vận hành liên tục ở tất cả mọi cấp độ
trong đơn vị.
- HĐQT và các nhà quản trị cấp cao chịu trách nhiệm cho việc thiết lập
một văn hóa phù hợp nhằm hỗ trợ cho hệ thống KSNB hiệu quả, giám sát tính
hiệu quả của hệ thống này một cách liên tục. Tất cả các thành viên của tổ chức
đều tham gia.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội, Luật Kế toán Việt Nam ban hành ngày 17/06/2003; Luật Kế toán
Việt Nam ban hành ngày 20/11/2015;
2. Ngân hàng Nhà nước (2011), Thông tư số 16/2011/TT-NHNN Quy định về
kiểm soát nội bộ, KTNB Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
3. COSO (2013), Internal Control - Integrated Framework, http://www.coso.org
4. Bộ tài chính, chuẩn mực kiểm toán số 315
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: