Nguyễn Thị Hồng Sương
Trong nền kinh tế thị trường, vai trò của thông tin kế toán quản trị (KTQT) ngày càng được mở rộng và khẳng định vị thế phát triển. Mặt khác các mô hình tổ chức quản lý cũng thay đổi theo sự phát triển của công nghệ thông tin và các công cụ phân tích hiện đại thông qua hệ thống máy tính.. Trước sự đòi hỏi khách quan của nền kinh tế, trình độ của các nhà quản trị ngày càng nâng cao để đáp ứng và thỏa mãn các thông tin của nền kinh tế hội nhập và phát triển. Nên việc tìm hiểu các mô hình trong KTQT và ứng dụng mô hình nào phù hợp với doanh nghiệp mình là cần thiết.
Tổ chức bộ máy kế toán quản trị trong doanh nghiệp
Để phục vụ nhu cầu thông tin của các nhà quản trị trong việc đưa ra quyết định điều hành mọi hoạt động kinh doanh trong các tổ chức hoạt động. Nội dung tổ chức KTQT có vai trò quan trọng trong hoạt động tổng thể của DN. Trong thực tiễn, các DN thường tổ chức bộ máy kế toán quản trị theo:
(1) Tổ chức bộ máy kế toán quản trị và kế toán tài chính theo kiểu kết hợp:
Theo kiểu này các chuyên gia kế toán đồng thời đảm nhiệm hai nhiệm vụ: Thu nhận và xử lý thông tin kế toán tài chính (KTTC) và KTQT. Tổ chức bộ máy này thường được vận dụng ở các DN có quy mô vừa và nhỏ, số lượng các nghiệp vụ kinh tế phát sinh với tần suất ít.
Theo mô hình này, hệ thống kế toán bao gồm KTTC và KTQT kết hợp trong cùng một bộ máy (phòng) kế toán của DN. Về mặt tổ chức, mô hình này không phân chia thành KTTC và KTQT riêng mà chia thành các bộ phận kế toán thực hiện các phần hành kế toán cụ thể theo sự phân công. KTTC và KTQT cùng sử dụng một hệ thống tài khoản, trong đó KTTC sử dụng các tài khoản tổng hợp, còn KTQT sử dụng các tài khoản chi tiết (cấp 2,3,4). Tùy theo yêu cầu quản trị của DN, có thể mở các tài khoản chi tiết để thu thập, xử lý và cung cấp thông tin ở mức độ cần thiết.
Hình 1.1. Mô hình bộ máy KTQT - KTTC kết hợp
Mô hình hết hợp có ưu điểm là gọn nhẹ, dễ điều hành, phù hợp với các DN có quy mô vừa và nhỏ. Ở mô hình này, KTTC và KTQT ở bộ phận nào thì kết hợp với nhau ở bộ phận đó. Khi kết hợp với nhau đòi hỏi nhà quản trị trong quá trình phân công nhiệm vụ phải biết được năng lực chuyên môn của từng kế toán.
Nhược điểm của mô hình này là đòi hỏi kế toán viên có trình độ cao, người tổ chức phân công công việc phải hiểu rõ nhiệm vụ của KTTC và KTQT và hiểu rõ năng lực từng người. Tiếp theo là không chuyên môn hóa trong lĩnh vực do vậy sẽ rất khó khăn cho việc lập BCTC.
(2) Tổ chức bộ máy kế toán quản trị và kế toán tài chính theo kiểu tách biệt:
Theo kiểu này các chuyên gia KTQT độc lập với chuyên gia kế toán tài chính. Mô hình này thường được vận dụng ở các DN có quy mô lớn, số lượng các nghiệp vụ kinh tế phát sinh với tần suất nhiều, kinh doanh đa ngành, đa nghề. Các công việc cụ thể của KTQT được cụ thể hóa như:
o Lập dự toán, định mức chi phí, ngân sách cho các bộ phận và toàn DN.
o Căn cứ vào chứng từ ban đầu, hướng dẫn… để ghi vào các sổ KTQT theo nhu cầu của các nhà quản trị.
o Tiến hành lập các báo cáo KTQT theo yêu cầu của nhà quản lý và thực tế các DN.
o Thu nhận thông tin thích hợp để phục vụ ra quyết định kinh doanh tối ưu.
o Phân tích, đánh giá kết quả thu được so với các dự toán, định mức đã xây dựng để đưa ra các thông tin thích hợp.
Mô hình này thường vận dụng ở các DN có quy mô lớn. KTQT đặt trọng tâm vào việc xác định và kiểm soát chi phí ở DN bằng cách chia chi phí theo các trung tâm trách nhiệm quản lý, phân tích đánh giá và tìm hiểu nguyên nhân làm sai lệch chi phí và cuối cùng là điều hòa với KTTC .
Hình 1.2. Mô hình bộ máy KTQT độc lập với KTTC
Mô hình này có ưu điểm là có sự tách biệt thông tin KTQT và KTTC, mang tính chuyên môn hóa cao, việc lập báo cáo kế toán sẽ dễ dàng hơn nên việc cung cấp thông tin sẽ nhanh chóng hơn.
Nhược điểm mô hình này là nhà quản trị sẽ không có cái nhìn tổng quát về tình hình của doanh nghiệp nếu chỉ dựa vào những thông tin KTQT cung cấp. Hơn nữa, cách tổ chức mô hình KTQT tốn kém vì bộ máy kế toán sẽ rất lớn.
(3) Tổ chức bộ máy kế toán quản trị và kế toán tài chính theo kiểu hỗn hợp:
Mô hình này được xem là sự kết hợp giữa hai mô hình: mô hình kêt hợp và mô hình độc lập. Theo mô hình này thì một số bộ phận KTQT được tổ chức độc lập với KTTC, một số bộ phận khác tổ chưc kết hợp với KTTC.
Mô hình này có ưu điểm phù hợp với doanh nghiệp muốn áp dụng mô hình kế toán độc lập nhưng chưa đủ trình độ để tổ chức theo mô hình KTQT độc lập.
Tóm lại, việc lựa chọn mô hình tổ chức bộ máy KTQT nào phụ thuộc vào điều kiện thực tế của doanh nghiệp về quy mô sản xuất, loại hình hoạt động nhằm mục đích mang lại hiệu quả cao nhất. Thực tế, KTQT trong các DN chưa đủ mạnh để tách thành một bộ phận độc lập và chuyên sâu như một số nước phát triển. Hiện nay, chế độ kế toán DN được ban hành chủ yếu phục vụ cho KTTC. Vì vậy, việc tổ chức bộ máy KTQT theo mô hình kết hợp giữa KTTC và KTQT có thể được xem là phù hợp với các DN Việt Nam hiện nay.
Hình 1.3. Mô hình Tổ chức bộ máy KTQT theo kiểu hỗn hợp
Kết luận:
Kết luận: Hiện nay, có khá nhiều mô hình KTQT được áp dụng. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính dồi dào, nên tổ chức bộ máy KTQT độc lập, tách biệt với bộ phận KTTC nhưng lại kết hợp với nhau trên cùng hệ thống tài khoản kế toán, hệ thống sổ kế toán thống nhất. Đồng thời, cần xây dựng và phát triển chức năng KTQT chiến lược nhằm phân tích được cấu trúc chi phí của đối thủ cạnh tranh, từ đó xác định được mục tiêu cấu trúc chi phí của doanh nghiệp mình và tạo ra được lợi thế cạnh tranh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Đức Loan, (2017). Vận dụng lý thuyết khi tổ chức mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp khai thác, chế biến kinh doanh đá xây dựng ở Việt Nam, Tạp chí kế toán và kiểm toán.
2. Nguyễn Thị Loan, Trần Quốc Thịnh (2017), Giáo trình Kế toán quản trị, nhà xuất bản Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.
3. Phạm Châu Thành, Phạm Xuân Thành (2012), Kế toán quản trị, Nhà xuất bản Phương Đông.
4. Bộ Tài chính (2006), Thông tư 53/2006/TT-BTC hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong các DN;
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: