Thuế GTGT là một trong các khoản thu đóng góp góp lớn cho ngân sách nhà nước. Việc xác định và tính đúng số thuế GTGT phải nộp cũng góp phần thực hiện đúng trách nhiệm nghĩa vụ cũng như quyền lợi của doanh nghiệp đối với khoản nộp này. Bài viết làm rõ sự khác biệt giữa hàng hoá chịu thuế suất 0% và hàng hoá không chịu thuế GTGT.
1. Khái niệm thuế GTGT
Theo Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định khái niệm thuế giá trị gia tăng như sau:
"Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng."
Thuế giá trị gia tăng có tên gọi là VAT - viết tắt của Value-Added Tax
Thuế suất thuế GTGT
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC và khoản 2 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC), mức thuế suất 0% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng như sau:
Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0% nêu tại mục 1.2.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Cụ thể:
(i) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả ủy thác xuất khẩu.
- Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế.
- Hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam.
- Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam.
- Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật:
+ Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài.
+ Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật.
+ Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.
(ii) Dịch vụ xuất khẩu bao gồm: Dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan.
Cá nhân ở nước ngoài là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và ở ngoài Việt Nam trong thời gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ. Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh và các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp cung cấp dịch vụ mà hoạt động cung cấp vừa diễn ra tại Việt Nam, vừa diễn ra ở ngoài Việt Nam nhưng hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa hai người nộp thuế tại Việt Nam hoặc có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với phần giá trị dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất 0% trên toàn bộ giá trị hợp đồng. Trường hợp, hợp đồng không xác định riêng phần giá trị dịch vụ thực hiện tại Việt Nam thì giá tính thuế được xác định theo tỷ lệ (%) chi phí phát sinh tại Việt Nam trên tổng chi phí.
Cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ là người nộp thuế tại Việt Nam phải có tài liệu chứng minh dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam.
(iii) Vận tải quốc tế bao gồm: Vận tải hành khách, hành lý, hàng hóa theo chặng quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam, hoặc cả điểm đi và đến ở nước ngoài, không phân biệt có phương tiện trực tiếp vận tải hay không có phương tiện. Trường hợp, hợp đồng vận tải quốc tế bao gồm cả chặng vận tải nội địa thì vận tải quốc tế bao gồm cả chặng nội địa.
(iv) Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung cấp trực tiếp cho tổ chức ở nước ngoài hoặc thông qua đại lý, bao gồm:
- Các dịch vụ của ngành hàng không áp dụng thuế suất 0%: Dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không; dịch vụ cất hạ cánh tàu bay; dịch vụ sân đậu tàu bay; dịch vụ an ninh bảo vệ tàu bay; soi chiếu an ninh hành khách, hành lý và hàng hóa; dịch vụ băng chuyền hành lý tại nhà ga; dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; dịch vụ bảo vệ tàu bay; dịch vụ kéo đẩy tàu bay; dịch vụ dẫn tàu bay; dịch vụ thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; dịch vụ điều hành bay đi, đến; dịch vụ vận chuyển tổ lái, tiếp viên và hành khách trong khu vực sân đậu tàu bay; chất xếp, kiểm đếm hàng hóa; dịch vụ phục vụ hành khách đi chuyến bay quốc tế từ cảng hàng không Việt Nam (passenger service charges).
- Các dịch vụ của ngành hàng hải áp dụng thuế suất 0%: Dịch vụ lai dắt tàu biển; hoa tiêu hàng hải; cứu hộ hàng hải; cầu cảng, bến phao; bốc xếp; buộc cởi dây; đóng mở nắp hầm hàng; vệ sinh hầm tàu; kiểm đếm, giao nhận; đăng kiểm.
(v) Các hàng hóa, dịch vụ khác:
- Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan.
- Hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% nêu tại Mục 1.2.
- Dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Chúng ta biết rằng thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế gián thu, điều tiết đánh vào người tiêu dùng (người nào tiêu dùng thì người đó chịu thuế) thông qua hàng hóa, dịch vụ họ sử dụng. Thuế suất thuế GTGT có 3 mức thuế suất phổ biến là 5%, 10% và 0%. Riêng thuế suất thuế GTGT 0%, chính sách thuế hiện nay chỉ dành cho hàng hóa xuất khẩu, xuất vào các khu phi thuế quan.
Đối lập với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế, tức người tiêu dùng không phải trả tiền thuế GTGT khi sử dụng hàng hóa dịch vụ đó. Đối tượng không chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào những ngành/nghề mới, tính an sinh xã hội cao …
Hàng hóa, dịch vụ thuế suất GTGT 0% và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế thì người tiêu dùng không phải trả tiền thuế GTGT. Vậy chúng có những điểm gì giống nhau, khác nhau? Chính sách thuế hay tác dụng của nó đến xã hội như thế nào?
Điểm khác nhau giữa hàng hóa không chịu thuế GTGT và hàng hóa có thuế suất 0% dễ nhận biết nhất có lẽ là thông tin ghi trên hóa đơn: Hàng hóa có thuế suất 0% là loại hóa đơn GTGT, dòng thuế suất ghi 0%, trong khi hàng hóa không chịu thuế được ghi trên hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn GTGT nhưng dòng thuế suất bị gạch chéo …
Hàng hóa, dịch vụ thuế GTGT 0% |
Hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế |
Đối tượng chịu thuế GTGT, người bán kê khai thuế theo quy định của Luật thuế. |
Không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, người bán không phải kê khai thuế. |
Doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và hoàn thuế (nếu đủ điều kiện hoàn thuế Luật định). |
Doanh nghiệp không được hoàn thuế, không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (đưa thẳng chi phí). |
Khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài. |
Khuyến khích doanh nghiệp phát triển các lĩnh vực thiết yếu cho người dân trong nước. |
Sử dụng hóa đơn GTGT ghi đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định (dòng thuế suất ghi 0%). |
Hóa đơn bán hàng hoặc GTGT dòng thuế suất, số thuế GTGT gạch chéo. |
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu (quy định tại Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC). |
Hàng hóa trong nước chưa sản xuất được, phục vụ an ninh quốc phòng, hàng thiết yếu, lợi ích cộng đồng, như sản phẩm trồng trọt, giống vật nuôi, dịch vụ tài chính, tài chính, dạy học, dạy nghề … (quy định tại Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC). |
Tài liệu tham khảo
Thông tư 219/2013/TT-BTC- hướng dẫn thi hành luật thuế GTGT
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: