CUNG CẤP DỊCH VỤ QUA BIÊN GIỚI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP KIÊM TOÁN ĐỘC LẬPVIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP HIỆN NAY : CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
NCS.ThS. Phan Thanh Hải
Phó Trưởng khoa Kế toán
Đại học Duy Tân
182 Nguyễn Văn Linh – TP Đà Nẵng
Chính phủ vừa ban hành nghị định 17/2012/NĐ-CP ngày 13/03/2012 quy định và hướng dẫn một số điều của Luật kiểm toán độc lập.Đây là văn bản quan trọng góp phần hướng dẫn một cách chi tiết nhằm cải thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ kiểm toán ở nước ta trong bối cảnh hội nhập. Văn bản này cũng đánh dấu cho sự ra đời một cách chính thức dịch vụ kiểm toán qua biên giới theo đúng các cam kết mà Việt Nam đã ký với các tổ chức qua các hiệp định như Hiệp định khung ASEAN (AFAS); Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA); Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ của tổ chức WTO (GATS)
Nội dung bài viết đi sâu vào việc chỉ rõ những cơ hội và thách thức trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới của các công ty kiểm toán độc lập Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đồng thời đưa ra một số đề xuất, giải pháp theo quan điểm riêng của tác giả.
Khái quát chung về dịch vụ kiểm toán qua biên giới
Thực tiễn cho thấy Việt Nam cũng như các nước ASEAN khi tham gia vào tiến trình hội nhập khu vực và thế giới đều xây dựng các định chế theo quy định của GATS. GATS quy định 04 phương thức cung cấp dịch vụ nói chung và dịch vụ kiểm toán nói riêng. Đó là các phương thức : Cung cấp dịch vụ qua biên giới; Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài; Hiện diện thương mại và Hiện diện thể nhân. Trong đó: [4]
- Phương thức 1 : Cung cấp dịch vụ qua biên giới
Cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới lầ phương thức theo đó dịch vụ kiểm toán được cung cấp từ lãnh thổ của một nước thành viên này sang lãnh thổ của một nước thành viên khác. Đặc điểm của phương thức này là chỉ có bản thân dịch vụ là đi qua biên giới, còn người cung cấp dịch vụ không có mặt tại nước nhận dịch vụ.
Ví dụ : một công ty kiểm toán Việt Nam cung cấp dịch vụ kiểm toán cho một chi nhánh của một doanh nghiệp Việt Nam ở Mỹ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Phương thức 2 : Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài
Theo phương thức này, người tiêu dùng dịch vụ kiểm toán của một nước phải di chuyển sang nước bên kia để sử dụng dịch vụ tại nước ngoài đó
Ví dụ : một doanh nghiệp Việt Nam có chi nhánh hoạt động tại nước ngoài có thể yêu cầu một công ty kiểm toán nước ngoài kiểm toán các BCTC của chi nhánh đó. Báo cáo kiểm toán này sẽ có pháp lý tại Việt Nam nếu Việt Nam cam kết không hạn chế đối với phương thức cung cấp dịch vụ này. Ngược lại, nếu các thành viên của WTO quy định không hạn chế đối với phương thức tiêu dùng nước ngoài thì các công ty kiểm toán Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ cho các công ty của các nước thành viên đó đang hoạt động tại Việt Nam.
- Phương thức 3 : Hiện diện thương mại
Phương thức nầy cho phép các nhà cung cấp dịch vụ kiểm toán nước ngoài được mở chi nhánh hoặc một cơ sở kinh doanh tại nước sở tại nhằm theo đuổi chiến lược phát triển quốc tế của mình. Phương thức hiện diện thương mại của WTO đã tạo cơ sở để các công ty kiểm toán lớn trên thế giới như Big Four thiết lập mạng lưới của họ trên khắp toàn thế giới để cung cấp dịch vụ cho các khách hàng là các công ty đa quốc gia.
Đối với Việt Nam thì phương thức này chỉ ra điều kiện để có thể mở các chi nhánh hay thành lập các công ty 100% vốn của Việt Nam hoạt động ở nước ngoài để thâm nhập thị trường kiểm toán quốc tế.
- Phương thức 4 : Hiện diện thể nhân
Theo phương thức này, công dân (thường là các chuyên gia kế toán, kiểm toán) của một nước thành viên trực tiếp đến cung cấp dịch vụ kiểm toán tại một nước thành viên khác. Phương thức này cũng được chia thành nhiều nhóm nhỏ có ranh giới rõ ràng như Business Visitor (di chuyển thực hiện nhiệm vụ thăm dò thị trường tìm kiếm khách hàng..); Intra corporate transfert (di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp); Cung cấp dịch vụ theo hợp đồng.
Từ trình bày ở chúng ta có thể thấy, phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới là một trong các phương thức cung cấp dịch vụ phổ biến trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay trong đó có dịch vụ kiểm toán. Các văn bản và hiệp định đã ký kết cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng “mở cửa” hội nhập trong lĩnh vực này ở trên bình diện các phương thức trong đó riêng phương thức 1 là chấp nhận không hạn chế.
Những cơ hội và thách thức đối với việc cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới của các doanh nghiệp kiểm toán độc lập Việt Nam hiện nay
Qua nghiên cứu tiến trình hội nhập dịch vụ kiểm toán của nước ta trong thời gian vừa qua đặc biệt là phân tích kỹ những nội dung của nghị định 17/2012/NĐ-CP ngày 13/03/2012 và nhiều văn bản có liên quan, theo quan điểm của riêng tác giả các doanh nghiệp kiểm toán độc lập Việt Nam đứng trước một số các cơ hội và thách thức trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới như sau :
* Những cơ hội :
- Thứ nhất, việc cung cấp dịch vụ vượt qua phạm vi ranh giới của lãnh thổ đặt ra cho các nhà quản lý các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam cơ hội để thay đổi nhận thức kinh doanh, hình thành các tư duy chiến lược mới trong quá trình tổ chức điều hành quản lý công ty, xây dựng và điều chỉnh lại các sứ mạng, tầm nhìn và cam kết với xã hội; xây dựng và điều chỉnh lại chiến lược phát triển và lựa chọn các chương trình hành động hợp lý với mỗi giai đoạn phát triển cụ thể của doanh nghiệp.
- Thứ hai, nội dung của nghị định 17/2012/NĐ-CP từ điều 10 đến điều 14 chương 2 cho thấy việc cung cấp dịch vụ qua biên giới chỉ mới cho phép đối với các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài chứ chưa cho phép các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam. Tuy nhiên khoản 1 điều 12 chương 2 trong nghị định đã chỉ rõ muốn được cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới thì các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải liên danh với doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam đầy đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán theo quy định hiện hành.
Từ quy định này có thể thấy các cơ quan quản lý hoạt động kiểm toán độc lập đã nhìn nhận rõ năng lực hiện tại của các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam là chưa đủ để tiến hành cung cấp dịch vụ kiểm toán cho khách hàng ngoài phạm vi biên giới lãnh thổ. Việc tham gia một cách gián tiếp dịch vụ kiểm toán qua biên giới dưới hình thức liên danh với những doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài có uy tín và thương hiệu lớn trong quá trình cung cấp dịch vụ sẽ mang lại cho doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam những kinh nghiệm hữu ích trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm toán từ khâu quản trị nhân sự, quản lý rủi ro kiểm toán, quy trình công nghệ đến công tác quảng bá, tiếp thị hình ảnh, duy trì và chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó các doanh nghiệp kiểm toán Việt nam cũng đứng trước cơ hội nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ kiểm toán viên, cán bộ quản lý; cải tiến chất lượng dịch vụ, xây dựng văn hóa kinh doanh đặc thù của đơn vị; tiếp cận nhanh chóng với hệ thống chuẩn mực kiểm toán và kế toán của quốc tế và các quốc gia khác nhau.
Đây cũng là xu thế và động lực để phát triển ngành kiểm toán độc lập ở nước ta hơn nữa trong thời gian tới bên cạnh việc gia tăng nỗ lực tiến hành các chiến lược thâm nhập thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; nỗ lực trong việc sáp nhập, hợp nhất và đăng ký trở thành thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế lớn của các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam trong thời gian qua.
- Thứ ba, việc cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới góp phần đặt các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam trước cơ hội mở rộng thị phần dịch vụ, được đối xử bình đẳng như các doanh nghiệp kiểm toán của các quốc gia khác trong quá trình hội nhập. Chính vì vậy sẽ cải thiện được sức cạnh tranh của dịch vụ, nâng tầm vị thế và uy tín của doanh nghiệp kiểm toán nói riêng và ngành kiểm toán độc lập của Việt Nam nói chung trên thị trường dịch vụ kiểm toán quốc tế.
* Những thách thức :
- Thứ nhất, nội dung của nghị đinh 17/2012/NĐ-CP quy định bắt buộc các một số các điều kiện về việc cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới đối với các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài trong đó có một số nội dung bắt buộc về việc được phép cung cấp dịch vụ kiểm toán tại Việt Nam như : phải có vốn chủ sở hữu trên 500.000 USD, có mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hành nghề tại Việt Nam, có ký quỹ tương đương vốn pháp định tại ngân hàng thương mại Việt Nam, có văn bản của cơ quan quản lý hành nghề của nước đặt trụ sở chính xác nhận không vi phạm pháp luật trong 3 năm liền trước khi cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới, có 5 kiểm toán viên được Bộ Tài chính Việt Nam cấp giấy chứng nhận hành nghề kiểm toán, trong đó có người đại diện theo pháp luật. Những nội dung quy định bắt buộc nêu trên đặt các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam trước những thách thức rất to lớn đó là phải tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng được những điều kiện tương tự như các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được quy định cụ thể trong nội dung của nghị định 17/2012/NĐ-CP mới có thể tiến đến việc chủ động cung cấp dịch vụ kiểm toán vượt khỏi phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Đây có thể khẳng định là thách thức lớn nhất bởi lẽ việc đáp ứng đầy đủ và toàn diện các tiêu chí trên không phải là điều dễ dàng đối với các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam trong thời điểm hiện tại và một vài năm đến.
- Thứ hai, nguy cơ chảy máu chất xám đặc biệt là đội ngũ kiểm toán viên có trình độ và kinh nghiệm quản lý của các doanh nghiệp kiểm toán nước ta trong bối cảnh việc cung cấp dịch vụ kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại thị trường Việt Nam ngày càng lớn hơn. Bởi lẽ các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài sẽ dùng chính sách trả tiền lương cao cho kiểm toán viên để thu hút nhân sự đáp ứng điều kiện tối thiểu về kiểm toán viên hành nghề theo quy định của nghị định 17/2012/NĐ-CP. Điều này làm cho các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam đứng trước áp lực phải không ngừng gia tăng các chi phí đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ qua biên giới đồng thời gia tăng các khoản chi phí tiền lương, cải thiện chính sách đãi ngộ để giữ chân được đội ngũ kiểm toán có trình độ và kinh nghiệm trước sự thu hút của các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài.
- Thứ ba, việc cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới đòi hỏi các doanh nghiệp kiểm toán phải có những hiểu biết sâu rộng về văn hóa kinh doanh, truyền thống mà đặc biệt là hệ thống pháp luật quy định của quốc tế, của các quốc gia khác nhau mà doanh nghiệp quyết định lựa chọn để áp dụng chiến lược thâm nhập thị trường ngoài phạm vi lãnh thổ. Điều này đặt cho các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam phải đầu tư nhân sự, chi phí nghiên cứu về thị trường và khách hàng; chi phí quảng bá tiếp thị, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ... khá lớn trong những năm đầu tiên. Chính những điều này tạo ra áp lực rất lớn về nguồn lực tài chính mà doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam phải đầu tư ban đầu trong khi vẫn phải đảm bảo giữ vững và ổn định chất lượng, thị phần cung cấp dịch vụ ở trong nước.
Trên cơ sở nhận diện một số các cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam đối với việc cung cấp dịch vụ qua biên giới trong thời gian đến, tác giả xin nêu ra một số các đề xuất như sau :
Đề xuất các giải pháp nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam thực hiện việc cung cấp dịch vụ qua biên giới trong thời gian đến
Ø Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán (Chính Phủ, Bộ Tài Chính và Hiệp hội kiểm toán viên hành nghề –VACPA)
- Tổ chức những cuộc hội thảo khoa học đánh giá một cách toàn diện tiến trình hội nhập của ngành kiểm toán độc lập Việt Nam từ trước cho đến nay. Qua đó nhìn nhận một cách đầy đủ và cụ thể những ưu điểm, hạn chế cũng như những cơ hội và thách thức của ngành trước bối cảnh hội nhập sâu rộng về dịch vụ kiểm toán trên thị trường quốc tế. Tiếp thu những ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý tại các doanh nghiệp kiểm toán để có những điều chỉnh và cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư, phát triển dịch vụ kiêm toán ở nước ta trong thời gian đến.
- Trước mắt đứng dưới góc độ quản lý nhà nước, Chính phủ cho phép các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam tham gia việc cung cấp dịch vụ qua biên giới của các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài dưới hình thức liên danh. Tuy nhiên trong thời gian 5-10 năm tới cần hướng đến việc cho phép các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam được chủ động tiến hành việc cung cấp dịch vụ kiểm toán vượt ra khỏi phạm vi biên giới của lãnh thổ với những điều kiện bắt buộc tương tự như các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài. Muốn vậy cần thiết phải xây dựng một chiến lược phát triển ngành mới phù hợp hơn, trong bối cảnh Luật kiểm toán độc lập và các văn bản quan trọng khác dưới luật như Nghị định 17/2012/NĐ-CP đã bắt đầu có hiệu lực.
- Bộ Tài Chính nên chuyển giao mạnh mẽ vai trò hoạt động và quyền hạn của Hiệp hội hành nghề, chú trọng đến công tác rà soát lại các chuẩn mực kiểm toán, các văn bản pháp luật hướng dẫn về hành nghề kiểm toán cho phù hợp với các quy định của các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, phù hợp với quy định của các quốc gia trong tổ chức Thương mại thế giới và các định chế chính trị và thương mại khác nhau mà Việt Nam có ký kết. Cải cách quy trình đào tạo, ôn thi, cấp các bằng cấp chứng chỉ hành nghề liên quan đến kiểm toán theo định hướng tiến đến công nhận các bằng cấp và văn bằng lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia khác nhau trên thế giới.
- Nên tiếp tục triển khai và mở rộng hiệu quả hoạt động của các dự án liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam trong quá trình đào tạo nhân sự, quản trị chiến lược, kiểm soát chất lượng, quảng bá và nâng cao thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ...đặc biệt đối với các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ.
- Ban hành những hướng dẫn cụ thể chi tiết liên quan đến quy trình ký quỹ vào các ngân hàng thương mại khi thực hiện các hợp đồng cung cấp dịch vụ qua biên giới; quy định đối tượng và phương pháp tính, kê khai và nộp bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với các kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán.
Ø Đối với các doanh nghiệp kiểm toán
- Nên xây dựng và điều chỉnh lại chiến lược phát triển, sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu của doanh nghiệp theo định hướng hội nhập sâu rộng đối với dịch vụ kiểm toán ra ngoài phạm vi thị trường trong nước. Chú trọng công tác quy hoạch cán bộ, đào tạo đội ngũ kiểm toán viên, đội ngũ quản lý nòng cốt, đào tạo lực lượng thay thế song song với việc xây dựng một chính sách lương và đãi ngộ tương xứng với năng lực và đóng góp của riêng cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Tiến hành công tác nghiên cứu điều tra, thăm dò về thị trường tiềm năng, thị trường mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến với chiến lược cung cấp dịch vụ qua biên giới. Lựa chọn kỹ lưỡng các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài để liên danh, học tập kinh nghiệm quản lý, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ và đào tạo đội ngũ.
- Có phương án huy động vốn và chủ động về tài chính nhằm đầu tư xây dựng thương hiệu, thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh về doanh nghiệp; giữ vững ổn định và phát triển bền vững việc cung cấp dịch vụ đối với thị trường trong nước và hướng đến cung cấp dịch vụ vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ.
- Đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán các bất cập và hạn chế trong cơ sở pháp lý phục vụ kiểm toán, các quy định về kiểm soát chất lượng, các quy định về khung giá phí kiểm toán và đặc biệt là tham gia một cách đầy đủ bắt buộc việc mua bảo hiểm trách nhiệm cho các kiểm toán viên khi có quy định hướng dẫn chi tiết.
Cung cấp dịch vụ nói chung và dịch vụ kiểm toán nói riêng là phương thức cung cấp dịch vụ phổ biến trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay nhằm đảm bảo phát huy tối đa lợi thế so sánh về yếu tố con người, khoa học kỹ thuật và công nghệ giữa quốc gia này và quốc gia khác. Tuy ngành kiểm toán Việt Nam chúng ta hiện nay còn đứng trước nhiều thách thức và hạn chế khi tham gia vào tiến trình hội nhập song những cơ hội đặt ra để hoàn thiện và nâng cao uy tín, vị thế của ngành nói chung và thương hiệu các doanh nghiệp kiểm toán nói riêng là không nhỏ. Hi vọng rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam sẽ không ngừng nỗ lực hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng triệt để các cơ hội, hạn chế tối thiểu các thách thức để tham gia một cách toàn diện hơn vào nền kinh tế quốc tế./.
-----------------------------------------
Tài liệu tham khảo :
1.Quốc hội khóa XII, Luật kiểm toán độc lập, 03/2011
2.Chính phủ,Nghị định 17/2012/NĐ-CP ngày 13/03/2012
3.Phan Thanh Hải,Giải pháp nâng cao khả năng hội nhập kinh tế quốc tế của dịch vụ kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, Tạp chí phát triển kinh tế, số 246, tháng 4/2011, tr.17-23
» Tin mới nhất: