MỤC TIÊU VÀ CÁC NỘI DUNG TRONG KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN-Phần 1
NCS Phan Thanh Hải
Phó trưởng khoa Kế toán
Đối với hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán BCTC nói riêng, công tác KCSL của cuộc kiểm toán đóng vai trò cực kỳ quan trọng quyết định đến chất lượng và tính kinh tế của cả cuộc kiểm toán. Bài viết sau đây đi vào giới thiệu các mục tiêu và nội dung cơ bản của công tác này theo từng giai đoạn của quy trình kiểm toán BCTC phổ biến được áp dụng hiện nay
1. Kiểm soát chất lượng trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán
a Mục tiêu công việc kiểm soát chất lượng ở giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán
Nhìn chung, mục tiêu của kiểm soát chất lượng ở giai đoạn này nhằm đảm bảo cho các nội dung:
§ Thu thập thông tin đầy đủ về tình hình kinh doanh của khách hàng, hệ thống kế toán cũng như chính sách kiểm toán nội bộ doanh nghiệp.
§ Bước đầu có nhận định ban đầu về rủi ro tiềm tàng và đánh giá rủi ro kiểm soát.
§ Đánh giá đúng đắn mức trọng yếu cho các khoản mục kiểm toán.
§ Lập chương trình và xác định nội dung, thời gian, phạm vi của các thủ tục kiểm toán cần thực hiện một cách hiệu quả và có căn cứ xác thực.
§ Tổ chức thực hiện các bước công việc.
b Nội dung công tác kiểm soát chất lượng trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán
Giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán bắt đầu kể từ khi nhận được yêu cầu kiểm toán hay giấy mời kiểm toán của đối tác và sự chấp nhận làm kiểm toán bằng một thư hẹn kiểm toán, qua quá trình tìm hiểu sơ bộ, đánh giá chung về khách hàng, cũng như khả năng đáp ứng của công ty kiểm toán mà hợp đồng kiểm toán sẽ được chấp nhận ký kết hay không. Đây cũng chính là khâu kiểm soát đầu tiên đối với khách hàng và việc này thường giao cho Giám đốc hay người đại diện ban lãnh đạo trực tiếp đảm nhiệm.
Để xây dựng được một kế hoạch kiểm toán có chất lượng thì thông tin thu thập về đơn vị được kiểm toán phải đầy đủ, toàn diện và chính xác. Thông tin còn có thể thu thập từ nhiều nguồn bên ngoài như từ các phương tiện thông tin đại chúng, từ lần kiểm toán trước hay từ đối tác liên quan với đơn vị. Chú ý rằng tin tức có được từ bên thứ 3 là quan trọng hơn thông tin bên trong cùng chủ điểm, cần được xác minh tính đúng đắn trước khi sử dụng. Tính đầy đủ thể hiện ở việc thu thập thông tin của đơn vị được kiểm toán và đơn vị thành viên. Tính toàn diện thể hiện ở việc thu thập thông tin trên tất cả mọi hoạt động của đơn vị như những thông tin cơ bản về đặc điểm chủ yếu, cơ sở pháp lý và môi trường hoạt động của đơn vị được kiểm toán; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quá trình hoạt động…của đơn vị được kiểm toán; tình hình hoạt động của bộ máy quản lý, bộ máy kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán. Tính chính xác thể hiện ở việc thu thập thông tin đã được cập nhật mới nhất và không bị thay đổi sau khi kiểm toán viên thu thập.
Trong chuẩn mực số 300 “Lập kế hoạch kiểm toán” có nêu: “Kế hoạch kiểm toán phải được lập một cách thích hợp nhằm đảm bảo bao quát hết các khía cạnh trọng yếu của cuộc kiểm toán; phát hiện gian lận, rủi ro và những vấn đề tiềm ẩn, và đảm bảo cuộc kiểm toán được hoàn thành đúng thời hạn. Kế hoạch kiểm toán trợ giúp kiểm toán viên phân công công việc cho trợ lý kiểm toán và phối hợp với kiểm toán viên và chuyên gia khác về công việc kiểm toán.”
Các hoạt động kiểm soát chất lượng giai đoạn này là cực kỳ quan trọng, nếu các thủ tục kiểm toán được thiết kế và thực hiện đầy đủ sẽ tạo tiền đề cho các bước công việc sau trở nên nhanh chóng và hiệu quả.
Nội dung công việc kiểm toán trong giai đoạn này gồm 3 bộ phận, tương ứng là việc kiểm soát chất lượng theo từng bộ phận đó.
- Kế hoạch chiến lược
- Kế hoạch kiểm toán tổng thể
- Chương trình kiểm toán
Điều quan trọng để có thể kiểm soát công việc kiểm toán trong giai đoạn này là các kế hoạch bắt buộc được lập thành những tài liệu thống nhất và được phổ biến trong toàn bộ nhóm kiểm toán, cũng như truyền tải thông tin kịp thời về ban kiểm soát để có những đánh giá và điều chỉnh phù hợp.Mỗi nội dung công việc đều mang ý nghĩa kiểm soát thật chặt chẽ. Nếu kế hoạch chiến lược hay kế hoạch kiểm toán tổng thể được đánh giá là tốt sẽ đóng vai trò chủ đạo, định hướng cho công việc nhóm KTV thực hiện.
Chương trình kiểm toán sẽ là kết quả của kế hoạch chiến lược hay kế hoạch kiểm toán tổng thể, nó xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán cần thiết. Thông qua chương trình kiểm toán cụ thể, ban kiểm soát sẽ đánh giá được chất lượng kiểm toán mà nhóm kiểm toán thực hiện, tuỳ thuộc vào quy mô, mức độ yêu cầu chính xác của báo cáo tài chính của khách hàng. Căn cứ vào chương trình kiểm toán các KTV và trợ lý KTV tham gia vào các công việc cần thực hiện. Một chương trình kiểm toán cụ thể, được các KTV và trợ lý KTV hoàn thành tốt sẽ đảm bảo cho chất lượng kiểm toán. Thông thường, chương trình kiểm toán được nghiên cứu và soạn thảo chung cho toàn bộ các cuộc kiểm toán, nhưng tuỳ vào đặc điểm và mức độ trọng yếu của từng khoản mục, cũng như một số khác biệt của đơn vị được kiểm toán, trưởng đoàn là người cân nhắc, xem xét sử dụng cũng như thay thế bằng các thủ tục bổ sung phù hợp hơn. Chương trình kiểm toán còn được ghi lại để làm căn cứ kiểm soát chất lượng hồ sơ của ban kiểm soát công ty kiểm toán. Các bước công việc trên chương trình kiểm toán sẽ được ban kiểm soát chất lượng phê duyệt và soát xét theo khi nó thoã mãn được những yêu cầu như:
- Chương trình kiểm toán vạch đúng mục tiêu công việc và phù hợp với các yêu cầu của chuẩn mực.
- Chương trình kiểm toán được thiết kế sao cho tạo sự được sự linh hoạt cho người sử dụng có thể hoàn thành tốt công việc của mình.
- Chương trình kiểm toán được cân nhắc và thể hiện đúng với nội dung cần thực hiện.
- Chương trình kiểm toán là bảng hướng dẫn chi tiết cho KTV cũng như trợ lý KTV tham gia công việc kiểm toán trong suốt quá trình kiểm toán. Thế nhưng, khi có sự thay đổi về điều kiện, môi trường, hay những sự kiện ngoài dự kiến thì phải có sự điều chỉnh thích hợp với yêu cầu thực tiễn. tất cả phải được ghi nhận trên tờ chương trình kiểm toán do trưởng đoàn lập.
Việc kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán chủ yếu là:
§ Vấn đề kiểm soát khách hàng: có thể là tiền đánh giá (đối với khách hàng mới), hay đánh giá lại (đối với khách hàng cũ). Công việc này cần được đánh giá định kỳ với danh sách các khách hàng tiềm năng và khách hàng cũ. Trước khi quyết định chấp nhận hoặc giữ một khách hàng, cần đánh giá mức độ độc lập của công ty, khả năng đáp ứng những yêu cầu của khách hàng cũng như mức độ liêm khiết của ban lãnh đạo khách hàng. Phòng kiểm soát chất lượng sẽ kiểm tra lại Báo cáo đánh giá khách hàng và qua tìm hiểu xác định khối lượng công việc đảm nhận mà ban lãnh đạo xác định giá phí cho một cuộc kiểm toán.
§ Kiểm soát trình độ, năng lực và đạo đức của kiểm toán viên: KTV phải tuân thủ những chính sách, thủ tục kiểm soát chất lượng của công ty. Nếu KTV thiếu trình độ, nghiệp vụ sẽ không đáp ứng được nhiệm vụ được giao ảnh hưởng tới chất lượng của cuộc kiểm toán do không lường hết sai phạm. Hoặc KTV không trung thực, khách quan sẽ để các lợi ích cá nhân chi phối đến hoạt động kiểm toán dẫn đến kết quả kiểm toán sẽ bị sai lệch, bóp méo. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn tới chất lượng BCTC vì những sai phạm đó chính là những sai phạm trọng yếu.
§ Tính độc lập của kiểm toán viên: kiểm toán viên phải có đủ năng lực khả năng thực hiện công việc và đủ tín nhiệm với khách hàng, có trách nhiệm với công việc của mình. Kiểm toán viên phải là người không có quan hệ kinh tế với doanh nghiệp, và cũng không được có quan hệ họ hàng, ruột thịt với một trong những người lãnh đạo doanh nghiệp. Bước lựa chọn đội ngũ nhân viên thích hợp để kiểm toán một doanh nghiệp là điều rất quan trọng, đối với mỗi công ty khác nhau, đặc thù kinh doanh cũng như hệ thống chính sách khác nhau, cần thiết phải có những người kiểm toán viên am hiểu sâu sắc và có đủ năng lực để đảm nhận. Đây là một trong những thủ tục kiểm soát chất lượng quan trọng nhất.
§ Sự phân công công việc giữa KTV chính và trợ lý KTV: Người có trách nhiệm phân công phải xem xét các yếu tố như: yêu cầu về nhân viên và thời gian của hợp đồng kiểm toán; trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, địa vị của từng người, dự kiến thời gian hoàn thành công việc của người được giao việc. Khi phân công công việc, cần cân nhắc đến tính liên tục, tính luân phiên và tính hệ thống để nhân viên có thể thực hiện công việc một cách hiệu quả nhất.
------------------
Tài liệu tham khảo
1.Chuẩn mực kiểm toán số 220 (VSA 220)
2.Luật Kiểm toán độc lập năm 2012
3.Trần Thị Giang Tân, KSCLKT nhìn từ bên ngoài, NXB Tài chỉnh, 2010.
» Tin mới nhất: