SACOMBANK ĐÀ NẴNG: TĂNG TỐC CHO VAY AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ
Hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh tại các tổ chức tín dụng đã xuống dưới mức 15%/năm, thậm chí trong thời điểm hiện tại, một số ngân hàng thương mại (NHTM) còn chào các gói tín dụng lãi suất chỉ còn 12%/năm. Về phía các doanh nghiệp, việc sử dụng vốn vay bổ sung vốn kinh doanh với mức lãi suất này là có thể chấp nhận được.Tuy nhiên câu chuyện về việc khó tiếp cận vốn vẫn chưa kết thúc mà một phần nguyên nhân chủ yếu là do những quy định thủ tục và vấn đề thẩm định tài sản của ngân hàng. Ngoài ra, về phía các ngân hàng, mặc dù rất muốn cho khách hàng vay vốn nhưng vẫn còn e ngại về những vấn đề như: rủi ro trong quá trình cho vay, nên cho vay những sản phẩm nào, các giải pháp phòng ngừa rủi ro…
Để góp phần khơi thông dòng chảy tín dụng, hỗ trợ vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, Sacombank chi nhánh Đà Nẵng đã chú trọng hơn nữa những vấn đề liên quan đến việc cho vay vốn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vấn đề này.
Nội dung trọng tâm bài viết gồm 3 phần:
- Phần 1: Những vấn đề Sacombank Đà Nẵng chú trọng đối với việc cho vay vốn trong giai đoạn hiện nay.
- Phần 2: Các rủi ro thường gặp trong quá trình cho vay và cách phòng ngừa rủi ro
- Phần 3: Các giải pháp tăng tốc cho vay nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn và hiệu quả
1. Những vấn đề Sacombank Đà Nẵng chú trọng đối với việc cho vay vốn trong giai đoạn hiện nay.
+ Nhóm đối tượng khách hàng cần hướng đến
Khách hàng là điều kiện tiên quyết để ngân hàng tồn tại và phát triển. Chìa khoá của sự thành công trong cạnh tranh là duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất. Việc lựa chọn khách hàng mục tiêu trở thành lựa chọn bắt buộc của tất cả các những ngân hàng chứ không riêng gì một ngân hàng cụ thể nào. Tại Sacombank chi nhánh Đà Nẵng các nhóm khách hàng mục tiêu hiện nay bao gồm: nhóm khách hàng doanh nghiệp, nhóm khách hàng cá nhân. Đối với nhóm khách hàng mục tiêu là nhóm doanh nghiệp Sacombank Đà Nẵng luôn ưu tiên đối với những doanh nghiệp có truyền thống kinh doanh tốt, khả năng trả nợ rõ ràng. Trên thực tế, từ giữa tháng hai trở lại đây, Sacombank cũng thông báo giảm lãi suất cho các nhóm khách hàng doanh nghiệp hiện hữu, và đưa ra những sản phẩm tín dụng với lãi suất thấp dành cho nhóm khách hàng doanh nghiệp mục tiêu. Đứng đầu ưu tiên là nhóm doanh nghiệp thực phẩm, phân phối hàng tiêu dùng.Đối với nhóm khách hàng cá nhân: những khách hàng truyền thống cũng như khách hàng mới thực hiện nghĩa vụ trả nợ tốt luôn được ngân hàng chào mời tín dụng.
+ Những sản phẩm cho vay phù hợp với nhu cầu thị trường
Những sản phẩm cho vay tại Sacombank Đà Nẵng rất phong phú và đa dạng tuy nhiên tùy thuộc vào nhóm khách hàng cần hướng đến mà đưa ra các nhóm sản phẩm phù hợp.
Đối với khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng sẽ cung ứng sản phẩm - dịch vụ tài chính ngân hàng trọn gói như: sản phẩm cho vay, sản phẩm bao thanh toán, sản phẩm bảo lãnh, sản phẩm tài trợ xuất nhập khẩu, sản phẩm tài khoản, dịch vụ thanh toán quốc tế, gói dịch vụ ưu đãi dành cho các khách hàng doanh nghiệp, tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ...
Đối với các khách hàng cá nhân, Ngân hàng cung cấp nhanh chóng và đầy đủ chuỗi sản phẩm tiết kiệm và sản phẩm tín dụng tiêu dùng linh hoạt, an toàn, hiệu quả như: Cho vay tiêu dùng có thế chấp; cho vay tín chấp, cho vay mua nhà, cho vay sản xuất kinh doanh, cho vay mua xe; cho vay du học…và các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trong và ngoài nước…
+ Cách thức bán hàng
Làm thế nào để đánh giá một nhân viên kinh doanh là giỏi? Để trả lời câu hỏi đó có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Có một số doanh nghiệp thường dựa vào kết quả bằng cấp mà nhân viên đã có khi học ở các trường, kết quả qua các đợt thi nghiệp vụ hoặc thời gian mà họ cần mẫn làm việc trong cơ quan. Nhưng khi làm việc trong các ngân hàng để có thể nhìn nhận nhân viên kinh doanh có năng lực hay không lại hầu như dựa vào kết quả công việc mà họ mang lại.
Thứ nhất, là một nhân viên của ngân hàng hay của bất kỳ một doanh nghiệp nào khác, muốn có được thu nhập cao thì phải bán được nhiều sản phẩm, để bán được nhiều sản phẩm họ phải tìm mọi cách để thu hút, tư vấn và thuyết phục khách mua hàng. Họ phải biết tạo ra mối quan hệ tốt với từng khách hàng, làm được như thế thì số lượng khách hàng giao dịch với DN ngày càng tăng, hiệu quả mới ngày càng cao. (1)
Thứ hai, sử dụng Marketing là hoạt động không thể thiếu đối với bất kỳ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào, nó là con đường để rút ngắn khoảng cách giữa thương hiệu với khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng của doanh nghiệp đó. Marketing ngày nay bao gồm 2 kênh chính là marketing offline và marketing online (marketing trên internet), trong đó marketing online ngày càng trở nên quan trọng bởi số lượng người dùng internet ngày càng trở nên phổ biến.
2. Các rủi ro thường gặp trong quá trình cho vay và cách phòng ngừa rủi ro
Ngày 29/12/1999, Chính phủ có Nghị định số 178/1999/ NĐ-CP về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng (gọi tắt là Nghị định 178), trong đó Nghị định quy định tổ chức tín dụng được quyền lựa chọn, quyết định việc cho vay có bảo đảm bằng tài sản, cho vay không có bảo đảm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Quy định này đã mang lại lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây việc tuân thủ các điều kiện quy định về các biện pháp bảo đảm tiền vay của một số tổ chức tín dụng chưa được đầy đủ đã làm phát sinh nhiều khoản nợ không còn khả năng thu hồi, nguy cơ dẫn đến rủi ro đối với các ngân hàng cho vay là rất lớn.(2)
Đã xảy ra không ít trường hợp khách hàng vỡ nợ cùng lúc với nhiều ngân hàng trên địa bàn. Một mặt do ngân hàng cho vay thực hiện không nghiêm túc các điều kiện quy định về biện pháp bảo đảm tiền vay, nhất là trong trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm. Sự hời hợt, chủ quan trong phân tích, đánh giá về mức độ đáp ứng các điều kiện đối với khách hàng quan hệ vay vốn lần đầu làm nảy sinh tình trạng "phải theo". Loại khách hàng này ngân hàng cho vay đã lỡ đầu tư, nếu dừng cho vay thì không thể thu hồi được nợ cũ. Mặt khác, không ít ngân hàng cho vay quyết định biện pháp bảo đảm tiền vay chỉ chú trọng vào uy tín của khách hàng, còn những tính toán về mức độ đáp ứng các điều kiện cho vay khác thì chỉ làm cho đủ. Họ cho rằng, uy tín là tài sản vô giá của mọi khách hàng, điều này cũng không sai nhưng chưa đầy đủ vì có ai dám chắc uy tín là bất nhất, nó sẽ không bị suy giảm, đó là chưa kể đến trường hợp mất hết giá trị nếu vớ phải loại uy tín hão. Thực tế cho thấy có trường hợp khách hàng quan hệ với một ngân hàng lâu năm, thực hiện trả nợ đúng cam kết nhưng đâu ngờ việc trả nợ sòng phẳng đó không phải từ lợi nhuận mà từ khoản vay của TCTD khác. Hoặc ngân hàng cho vay nhận tài sản bảo đảm tiền vay trong trường hợp giá trị của tài sản nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm, nhưng khách hàng vay chưa đáp ứng các điều kiện vay không có bảo đảm bằng tài sản. Bảo đảm bằng tài sản loại này, nhiều ngân hàng cho vay tỏ ra thiếu nhất quán, lúng túng trong việc quyết định của mình, thể hiện một cách mơ hồ bằng cách ghi chép theo kiểu hàng hai trong tờ trình thẩm định và trên hợp đồng tín dụng (HĐTD) đại loại như "có tài sản bảo đảm + không có tài sản bảo đảm" hay "thế chấp tài sản của khách hàng vay, tài sản của bên thứ ba và tín chấp". Việc ngân hàng cho vay sử dụng đồng thời biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản và biện pháp bảo đảm tiền vay trong trường hợp cho vay không có bảo đảm bằng tài sản trong một HĐTD là để che dấu hành vi cho vay vượt giá trị tài sản bảo đảm (nếu ghi cho vay có tài sản bảo đảm) và cho vay không đáp ứng đủ các điều kiện về biện pháp bảo đảm tiền vay không có bảo đảm bằng tài sản (nếu ghi bảo đảm bằng tài sản như là một biện pháp bổ sung đối với khoản vay). Thậm chí có trường hợp khách hàng vay không còn tài sản, hoặc còn nhưng giá trị tài sản bảo đảm không đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ cho khoản vay mới, ngân hàng cho vay đã thực hiện định giá lại tài sản với giá trị cao hơn nhiều so với giá thực tế tại thời điểm định giá lại.
Do chủ quan trong phân tích, đánh giá các điều kiện về biện pháp bảo đảm tiền vay
Cơ sở đánh giá các điều kiện về biện pháp bảo đảm tiền vay nói chung, biện pháp bảo đảm tiền vay trong trường hợp cho vay không có tài sản nói riêng không ít ngân hàng cho vay chỉ dựa vào nguồn số liệu khách hàng cung cấp, chưa có sự kiểm chứng giữa các sổ sách kế toán và thực tế kiểm kê. Nhiều cán bộ tín dụng phân tích, đánh giá chưa đi vào chiều sâu cho nên kết quả thẩm định thường đi ngược lại với thực tế hoạt động của khách hàng vay. Nhiều trường hợp khách hàng vay có các chỉ tiêu tài chính rất khả quan: doanh số hoạt động tăng qua mỗi năm, doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, nhưng khách hàng vẫn không trả được nợ vay. Bởi vì nguồn số liệu mà CBTD sử dụng tính toán có chất lượng kém, không chính xác, hoặc nguồn số liệu đã quá xa so với thời điểm vay vốn nên hiệu quả thẩm định thấp, thậm chí mất tác dụng. Qua xem xét loại khách hàng này nhận thấy hầu hết họ đã rơi vào trạng thái suy giảm về mặt tài chính, kinh doanh kém hiệu quả, nếu không tiếp tục được vay thì không thể trả được nợ cũ nên kiếm cớ trì hoãn gửi báo cáo tài chính hoặc tìm cách "đánh bóng" lại số liệu, đôi khi được sự đồng ý của ngân hàng cho vay.
Tình trạng đặt nặng yếu tố tài sản để xem xét quyết định cho vay
Ai cũng biết tài sản bảo đảm chỉ là nguồn thu thứ hai, nhưng nó rất quan trọng nếu chẳng may khách hàng gặp rủi ro trong làm ăn, không còn khả năng thanh toán nợ, hơn nữa tình trạng thiếu trung thực của khách hàng trong việc cung cấp thông tin, tài liệu đang là phổ biến. Vì vậy để giảm bớt rủi ro, thời gian qua các ngân hàng cho vay phần lớn sử dụng biện pháp cho vay có tài sản bảo đảm, đặc biệt đối với những khách hàng chưa đủ niềm tin trong quan hệ tín dụng, khách hàng mới quan hệ lần đầu, một số khách hàng thuộc loại hình Công ty TNHH, DNTN. Tuy nhiên, tình trạng thiên về tài sản bảo đảm, coi đây là yếu tố quan trọng để xem xét quyết định cho vay đôi khi quá khắt khe, không những gây ra phiền phức cho khách hàng, mà còn đánh mất cơ hội đầu tư, nhất là đối với khách hàng có quy mô hoạt động lớn đang cần vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, khách hàng thuộc sở hữu nhà nước có lịch sử tài chính trung bình đủ điều kiện vay không có bảo đảm bằng tài sản, hoặc khách hàng có tài sản nhưng do giá trị tài sản bảo đảm thấp so với nhu cầu vốn thực hiện dự án đầu tư.
3. Các giải pháp tăng tốc cho vay nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn và hiệu quả
Để thực hiện đúng quy định về biện pháp bảo đảm tiền vay, đảm bảo an toàn và hiệu quả, cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:
Một là,ngoài khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng nói chung, khi quyết định chọn lựa biện pháp bảo đảm tiền vay trong các trường hợp cho vay có bảo đảm bằng tài sản (bằng tài sản của khách hàng vay, bằng tài sản hình thành từ vốn vay, bằng tài sản của bên thứ ba), cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng vay, ngân hàng cho vay cần phải tuân thủ các điều kiện quy định của Nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước và của Hội sở chính TCTD về biện pháp bảo đảm tiền vay tương ứng. Tuy nhiên để thực hiện tốt yêu cầu trên, ngân hàng cho vay cần phải có biện pháp tích cực nhằm hạn chế tính chủ quan trong quyết định chọn lựa, đặc biệt kiên quyết xử lý bồi thường đối với những hành vi thông đồng với khách hàng để sửa chữa, hợp thức hoá các chỉ tiêu tài chính trên bảng cân đối kế toán và các tài liệu liên quan để đủ các điều kiện theo quy định, nhất là trong cho vay không có tài sản bảo đảm, hoặc hành vi nâng giá trị tài sản bảo đảm cao hơn nhiều so với giá thị trường tại thời điểm giá/định giá lại nhằm đáp ứng nghĩa vụ được bảo đảm vì vụ lợi cá nhân dẫn đến nợ không có khả năng thu hồi.
Hai là, để có được một biện pháp bảo đảm tiền vay không những phù hợp với từng loại hình khách hàng cụ thể, mà còn đảm bảo an toàn, hiệu quả, trước hết ngân hàng cho vay cần phải có sự tính toán đầy đủ, đồng bộ và cân nhắc chính xác các yếu tố như tình hình sản xuất kinh doanh, khả năng tài chính, hiệu quả dự án/phương án, tài sản bảo đảm, mối quan hệ tín dụng trên cơ sở có sự phối hợp kiểm tra, đối chiếu thực tế, sau đó phân ra từng loại khách hàng để có chính sách ưu tiên hợp lý. Cụ thể, ngân hàng cho vay có thể ưu tiên áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay trong trường hợp cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có quy mô rộng lớn, ngành nghề kinh doanh quan trọng, doanh nghiệp truyền thống và đã được kiểm toán báo cáo tài chính và quyết toán thuế hàng năm, có dự án/phương án khả thi. Ngược lại, ngân hàng cho vay phải yêu cầu tài sản bảo đảm đối với các doanh nghiệp có thái độ trì hoãn gửi báo cáo tài chính, doanh nghiệp tuy đảm bảo khả năng tự chủ về mặt tài chính, vốn lưu động ròng dương... nhưng chất lượng và khả năng thu hồi hàng tồn kho, các khoản phải thu kém và chiếm tỷ trọng quá lớn so với tài sản lưu động, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp không đầy đủ, thiếu trung thực về thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn.
Ba là, mặc dù cho vay có tài sản bảo đảm các khoản vay vẫn hàm chứa rủi ro không thu đủ nợ do nhiều nguyên nhân khác nhau như tài sản hư hỏng, khó bán, giảm giá trị... Vì vậy, việc quyết định lựa chọn đúng đắn biện pháp bảo đảm tiền vay cho từng khoản vay cụ thể đảm bảo an toàn và hiệu quả, ngân hàng cho vay cần phải đánh giá khách hàng một cách toàn diện và chính xác sau đó chọn lấy yếu tố mạnh nhất để quyết định biện pháp bảo đảm tiền vay. Đặc biệt, không được chủ quan cho vay chỉ căn cứ vào mỗi tài sản bảo đảm, xem nhẹ các yếu tố tài chính, dự án/phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Tài liệu tham khảo:
(1):http://www.vietinbank.vn/web/home/vn/research/12/dau-la-nhan-vien-kinh-doanh-gioi.html
(2):(http://www.vietinbank.vn/web/home/vn/research/08/080711.html)
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: