HÌNH THỨC SỞ HỮU CỦA CÁC DOANH NGHIỆP KIỂM TOÁN TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG CẦN HOÀN THIỆN TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP
NCS.ThS. Phan Thanh Hải
Phó Trưởng khoa Kế toán
Đại học Duy Tân
182Nguyễn Văn Linh – TP Đà Nẵng
Trong nhiều khía cạnh khác nhau ảnh hưởng quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp kiểm toán (DNKT), chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam (gọi chung là Doanh nghiệp kiểm toán) những năm vừa qua không thể không đề cập đến khía cạnh liên quan đến hình thức sở hữu. Căn cứ vào nội dung của Luật Kiểm toán độc lập (KTĐL) có hiệu lực từ 01/01/2012 cũng như Nghị định 17/2012/NĐ-CP ngày 13/03/2012 bài viết đi sâu vào phân tích những ưu nhược điểm của từng hình thức sở hữu các DNKT hiện nay; đánh giá thực trạng trong những năm qua và trên cơ sở đó nêu ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định liên quan đến hình thức sở hữu DNKT trong bối cảnh hội nhập.
1. Một số những nội dung cơ bản liên quan đến DNKT và hình thức sở hữu của các DNKT trong các văn bản pháp quy hiện nay ở Việt Nam
Theo định nghĩa được trình bày rõ ở đoạn 5-điều 5-chương 1 của Luật KTĐL thì “DNKT là DN có đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Đồng thời nội dung điều 3-chương 1-Nghị định 17/2012/NĐ-CP đã có phân tích sâu hơn và hướng dẫn : “DNKT tại Việt Nam làdoanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định và đã được Bộ Tài chính Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán”.Như vậy một DN được gọi là DNKT khi và chỉ khi nó thỏa mãn các điều kiện như sau :
- Là một tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định
- Có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
Trong đó điều kiện về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán được quy định khá đầy đủ và chi tiết tại điều 21-chương 3-Luật KTĐL tùy thuộc vào từng loại hình sở hữu : công ty TNHH hai thành viên trở lên; công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân (DNTN); chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể như sau :
+ Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lênkhi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
b) Có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai thành viên góp vốn;
c) Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn phải là kiểm toán viên hành nghề;
d) Bảo đảm vốn pháp định theo quy định của Chính phủ;
đ) Phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức do Chính phủ quy định. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là kiểm toán viên hành nghề.
+ Đối với Công ty hợp danh khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
b) Có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai thành viên hợp danh;
c) Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty hợp danh phải là kiểm toán viên hành nghề;
+ Đối với Doanh nghiệp tư nhân khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
b) Có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó có chủ doanh nghiệp tư nhân;
c) Chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Giám đốc.
+ Đối với Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đặt trụ sở chính;
b) Có ít nhất hai kiểm toán viên hành nghề trong đó có Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh;
c) Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài không được giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp khác tại Việt Nam;
d) Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam;
đ) Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải bảo đảm duy trì vốn không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ.
2. Thực trạng của các DNKT ở Việt Nam trong những năm qua dưới góc nhìn đánh giá liên quan đến hình thức sở hữu
Để có cách nhìn đánh giá một cách tổng quát thực trạng về hình thức sở hữu của các DNKT ở Việt Nam trong những năm vừa qua, căn cứ vào báo cáo tổng kết và đánh giá tình hình hoạt động của ngành KTĐL do Hiệp hội kiểm toán viên hành nghề (VACPA) công bố. Tác giả thu thập được số liệu qua bảng 1 dưới đây :
Loại hình sở hữu DNKT |
Năm |
||||||
2001 |
2004 |
2006 |
2007 |
2008 |
2010 |
2011 |
|
Chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam |
|||||||
Công ty có vốn đầu tư nước ngoài |
06 |
04 |
04 |
04 |
04 |
07 |
08 |
Công ty liên doanh |
0 |
01 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
DNKT |
|||||||
Doanh nghiệp tư nhân |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Công ty TNHH |
20 |
51 |
95 |
95 |
131 |
151 |
142 |
Công ty cổ phần (*) |
01 |
14 |
14 |
14 |
0 |
0 |
0 |
Doanh nghiệp Nhà nước (**) |
07 |
03 |
03 |
03 |
0 |
0 |
0 |
Công ty hợp danh |
0 |
05 |
18 |
15 |
6 |
04 |
02 |
Cộng |
34 |
78 |
98 |
126 |
141 |
162 |
152 |
Bảng 1. Sự thay đổi trong cấu trúc các loại hình công ty kiểm toán độc lập ở Việt Nam theo hình thức sở hữu giai đoạn 2001-2011
[Lưu ý : (*) và (**) là 2 hình thức sở hữu không được pháp luật cho phép thành lập dưới dạng các DNKT kể từ sau Nghị định 30/2009/NĐ-CP ngày 30/03/2009]
Nhìn vào bảng trên chúng ta cũng có thể rút ra được một số các kết luận như sau :
- Thứ nhất, loại hình doanh nghiệp tư nhân (DNTN) về kiểm toán mặc dù đã được nhà nước khuyến khích và cho phép từ những năm trước đây nhưng cho đến nay vẫn chưa có một DN nào làm thủ tục xin cấp phép và đi vào hoạt động.
Theo bản thân cá nhân tôi sở dĩ có thực trạng này bởi một số lý do cơ bản như sau :
+ Theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành đặc biệt là các hướng dẫn chi tiết trong nội dung Luật DN năm 2005 thì DNTN phải chấm dứt hoạt động khi giám đốc doanh nghiệp chết. Đây là một rủi ro rất lớn và hoàn toàn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong quá trình hoạt động kinh doanh của DN. Chính rủi ro này góp phần làm cản trở việc đa dạng hóa các sản phẩm, thực hiện các chiến lược thâm nhập thị trường của DN đặc biệt là khi nhắm đến các khách hàng mục tiêu có quy mô lớn, hoạt động kinh doanh phức tạp.
+ DNTN không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Đặc điểm này khiến cho DNTN chỉ thực sự phát triển được về quy mô, mở rộng được mạng lưới hoạt động khi có sự cung ứng vốn từ phía người chủ DN mà không thể tận dụng các nguồn huy động vốn khác từ thị trường tài chính. Đồng thời chính đặc điểm này sẽ cản trở, không cho phép DNTN tham gia vào thị trường chứng khoản và tiến hành cung cấp dịch vụ cho các công ty được niêm yết theo quy định hiện hành của ủy ban chứng khoán nhà nước.
+ DNTN không có tư cách pháp nhân. Đây là điểm hạn chế cơ bản và quan trọng nhất đối với loại hình DN này; nhất là đặt trong bối cảnh ở lĩnh vực cung cấp các dịch vụ kiểm toán, các kết luận khi thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng của loại hình DN này chỉ có độ tin cậy và sử dụng với một chừng mực và mức độ nào đóthì lại hoàn toàn mâu thuẫn với kỳ vọng thực tế của công chúng đối với đặc thù ngành nghề.
- Thứ hai, loại hình công ty TNHH là hình thức sở hữu phổ biến nhất trong thị trường kiểm toán ở nước ta từ trước cho đến nay.
Nhìn vào bảng 1 ở trên chúng ta có thể thấy : theo báo cáo của VACPA trong 2 năm gần đây 2010, 2011 thì loại hình TNHH chiếm 93,7% (151/162 DNKT) và chiếm 93,4% (142/152 DNKT) các DNKT đủ điều kiện hành nghề. Điều này cho thấy đây chính là loại hình các DNKT được các chủ sở hữu “yêu thích” thành lập. Theo quan điểm của cá nhân dở dĩ có thực trạng này đó là do :
+ Công ty TNHH có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đây là ưu điểm cơ bản cho phép loại hình DN này có thể cung cấp các dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ khác theo yêu cầu của các khách hàng, không phân biệt quy mô và giới hạn phạm vi thực hiện. Việc có tư cách pháp nhân cho phép các báo cáo kiểm toán được phát hành rộng rãi ra công chúng và có tính pháp lý giúp cho nhiều đối tượng hữu quan tin cậy và sử dụng dịch vụ.
+ Công ty TNHHmà cụ thể là loại công ty TNHH có từhai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần nhưng được huy động vốn trên thị trường chứng khoán, kể cả việc chào bán chứng khoán ra công chúng bằng các hình thức chứng khoán không phải là cổ phần. Đây là thuận lợi cơ bản để công ty nâng cao năng lực cạnh tranh, quy mô về vốn, quảng bá thương hiệu…
+ Công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác bằng tài sản của công ty theo đúng số vốn điều lệ. Đây chính là một vấn đề thể hiện sự mâu thuẫn giữa thực tế hoạt động của DNKT với quản lý nhà nước những năm trước đây. Đó là rất nhiều DNKT được thành lập dưới hình thức này có số vốn điều lệ đăng ký ban đầu rất thấp và như vậy rủi ro tiềm tàng đối với các khách hàng nếu phát sinh các tranh chấp liên quan đến các nghĩa vụ khi thực hiện các hợp đồng sử dụng dịch vụ của các DNKT dưới hình thức này sẽ rất cao.
Nhằm khắc phục nhược điểm này trong nội dung của chương 2- Nghị định 17/2012/NĐ-CP đã có quy định thêm về điều kiện ràng buộc liên quan đến vốn pháp định khi thành lập DNKT dưới hình thức công ty TNHH từ hai thành viên trở lên đó là :
ü Từ nay cho đến trước ngày 01/01/2015 DNKT dưới hình thức công ty TNHH từ hai thành viên trở lên phải có số vốn pháp định 3 tỷ đồng Việt Nam; và sau ngày 01/01/2015 là 5 tỷ đồng Việt Nam.
ü Trong quá trình hoạt động, phải luôn duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn mức vốn pháp định nói đến ở trên. Đồng thời DNKT phải bổ sung vốn nếu vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định tại trong thời gian 03 (ba) tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
- Thứ ba, loại hình DN hợp danh về kiểm toán chưa thực sự phát triển trong thị trường kiểm toán ở nước ta trong những năm vừa qua.
Nhìn vào bảng 1 ta có thể thấy số lượng các DN kiểm toán hợp danh giảm dần trong 5 năm qua. Điều này cho thấy, hình thức sở hữu này gặp phải nhiều vấn đề và thách thức trong quá trình hoạt động thực tiễn tại thị trường kiểm toán Việt Nam. Mặc dù theo thông lệ của quốc tế thì DN hợp danh là loại hình DN được pháp luật ghi nhận là một loại hình đặc trưng của công ty đối nhân, trong đó có ít nhất hai thành viên (đều là cá nhân và là thương nhân) cùng tiến hành hoạt động thương mại dưới một hãng chung (hay hội danh) và cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của công ty.
Đi sâu vào tìm hiểu kỹ hơn về hình thức sở hữu này thì tác giả bài viết nhận thấy ở nước ta các công ty kiểm toán dạng này chủ yếu hoạt động dưới hình thức DN hợp danh hữu hạn. Đây cũng là đặc thù khá khác biệt với thông lệ chung bởi lẽ theo luật Doanh nghiệp năm 2005 ở nước ta quy định DN hợp danh có thể được thực hiện dưới 2 dạng đó là hợp danh vô hạn và hợp danh hữu hạn.
§ DN kiểm toán hợp danh vô hạn là DN phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh). Các thành viên hợp danh phải là cá nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của DN.
§ DN kiểm toán hợp danh hữu hạn là DN vừa có cả thành viên hợp danh vừa có cả thành viên góp vốn. Trong đó thành viên góp vốn là tổ chức hoặc cá nhân, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của DN trong phạm vi số vốn đã góp vàoDN.
Bên cạnh những ưu điểm thì hình thức sở hữu này mang lại những rủi ro làm hạn chế khả năng hoạt động hiệu quả của các DNKT như sau :
+ Trong quá trình hoạt động, DN hợp danh kiểm toán không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Các thành viên phải góp vốn vào vốn điều lệ của DN khi thành lập. Số vốn mà mỗi thành viên cam kết góp vào DN phải được ghi rõ trong điều lệ của DN.
Việc không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào cũng là một nhược điểm góp phần gây cản trở việc mở rộng quy mô và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ của đơn vị. Bởi lẽ trong quá trình hoạt động, DN hợp danh kiểm toán có thể tăng vốn điều lệ bằng cách tăng phần vốn góp của các thành viên DN hoặc kết nạp thành viên mới vào DN theo quy định của pháp luật và điều lệDN.
+ Trong quá trình hoạt động sẽ có những lúc xảy ra những mâu thuẫn, tranh chấp, bất đồng giữa các thành viên hợp danh và góp vốn hình thành nên công ty. Do vậy sẽ có khả năng việc thoái vốn của các thành viên sẽ gây ra khó khăn và trở ngại cho quá trình phát triển và kinh doanh của đơn vị.
- Thứ tư, DNKT nước ngoài tại Việt Nam là hình thức sở hữu xuất hiện sớm và ổn định trong thị trường từ trước cho đến nay.
Theo các số liệu thống kê cho thấy, các DNKT nước ngoài bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1992 và cho đến nay đã có quá trình hoạt động 20 năm dưới dạng các DN kiểm toán 100% vốn đầu tư nước ngoàihoặc các DN liên doanh về kiểm toán.
Trong đó các DNKT có 100% vốn nước ngoàithuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, do nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam dưới dạng tự quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanhcăn cứ trên giấy phép đầu tư do Chính phủ Việt Nam cấp căn cứ trên quy định của Luật đầu tư. Còn DN liên doanh về kiểm toán là DN do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký giữa chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài, hoặc là DN do DN có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với DN Việt Nam, hoặc là DN do DN liên doanh hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh.
Hình thức sở hữu này tuy xuất hiện ở Việt Nam với số lượng ít các DN song vẫn đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững vì các lý do sau :
+ Các DN kiểm toán liên doanh hoặc DN kiểm toán có 100% vốn đầu tư nước ngoài đều được đầu tư rất lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân sự từ các nhà đầu tư nước ngoài cho nên có uy thế cạnh tranh rất lớn để để thực hiện việc cung cấp dịch vụ kiểm toán cũng như các dịch vụ khác cho các khách hàng lớn, những công ty nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
+ Loại hình DN kiểm toán 100% vốn đầu tư nước ngoài hay DN liên doanh về kiểm toán đều được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn có đầy đủ tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, chịu trách nhiệm trong kinh doanh trong phạm vi vốn điều lệ của doanh nghiệp (vốn pháp định).
Hình thức sở hữu này chỉ có nhược điểm đó là DNchỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác bằng tài sản của DN theo đúng số vốn điều lệ đồng thời không được phép phát hành cổ phiếu huy động vốn.
3. Những định hướng và giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa hình thức sở hữu của các DNKT ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập giai đoạn 2012-2020
Từ những trình bày nêu trên có thể nhận thấy, chính hình thức sở hữu là một trong số các nhân tố ảnh hưởng đến số lượng cũng như hiệu quả, chất lượng hoạt động của DNKT tại Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc hoàn thiện hơn nữa các quy định liên quan đến hình thức sở hữu các DNKT là vô cùng cấp thiết. Theo tác giả trong thời gian đến cần tập trung thực hiện một số các giải pháp cụ thể trên cơ sở các định hướng sau :
üPhải phát triển số lượng các DNKT đạt đến 250-300 DN vào năm 2020. Trong đó chú trọng phát triển hình thức sở hữu DNTN về kiểm toán chiếm khoảng 10%, DN hợp danh chiếm 20%, công ty TNHH chiếm 50% và chi nhánh các DNKT nước ngoài tại Việt Nam chiếm 20% trong tổng số các DN.
üTiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý quy định liên quan đến điều kiện thành lập, hoạt động, giám sát hoạt động của các DNKT hiện đang tồn tại.
üTái cơ cấu các DNKT hoạt động kém hiệu quả.
üXây dựng chiến lược phát triển số lượng các KTV và KTV hành nghề đạt từ 3000-4.500 KTV bởi lẽ đối chiếu với các quy định của Luật KTĐL và Nghị định số 17/2012/NĐ-CP thì việc thành lập các DNKT cần phải có điều kiện tối thiểu về nhân sự đặc biệt là các KTV hành nghề.
Muốn thực hiện được các định hướng nêu trên cần có một hệ thống các giải pháp được thực thi đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền. Theo quan điểm của tác giả cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau đây :
+ Thứ nhất, Bộ Tài Chính và các hiệp hội có liên quan như VACPA, VAA cần chủ trì tổ chức các buổi Hội thảo khoa học bàn về định hướng phát triển của các DNKT theo hình thức sở hữu trong thời gian vừa qua. Chỉ rõ những hạn chế và bất cập trong quá trình hoạt động kinh doanh của các DN; phân tích sự tác động ảnh hưởng của nhiều nhân tố đến quyết định lựa chọn hình thức sở hữu của các nhà đầu tư khi thành lập một DNKT.
+ Thứ hai, theo thông lệ chung của quốc tế thì những hình thức sở hữu như DNTN, công ty hợp danh về kiểm toán là những hình thức sở hữu phổ biến và được khuyến khích phát triển vì khả năng chịu trách nhiệm vô hạn trước các khoản thiệt hại cho khách hàng. Chính vì vậy ở nước ta, Bộ Tài chính và hiệp hội cũng cần phải nghiên cứu tham mưu cho chính phủ trong việc đưa ra các chế độ ưu đãi, khuyến khích đối với một số các hình thức sở hữu DNKT còn chưa phát triển. Chẳng hạn như ưu đãi về điều kiện và thủ tục thành lập, thuế TNDN phải nộp ngân sách, hỗ trợ và ưu đãi về điều kiện vay vốn mở rộng quy mô kinh doanh..v..v..
+ Thứ ba, trong nền kinh tế thị trường hiện nay dịch vụ kiểm toán cần được hiểu là dịch vụ kinh doanh có điều kiện do vậy Bộ Tài Chính và hiệp hội phải nghiên cứu ban hành những quy định cụ thể, chi tiết hơn liên quan đến phạm vi và loại hình dịch vụ được phép cung cấp đối với từng DNKT theo hình thức sở hữu, nguồn lực kinh doanh (vốn, đội ngũ KTV, phương pháp và chương trình kiểm toán…). Tiến hành công khai hóa các thông tin liên quan về điều kiện thực hiện các hợp đồng giao dịch đối với từng loại hình dịch vụ cụ thể trên cơ sở xác lập một khung giá phí dịch vụ rõ ràng và thông tin rộng rãi đến các khách hàng trên thị trường.
+ Thứ tư, Bộ Tài Chính và hiệp hội VACPA cần tiến hành công tác khảo sát, đánh giá xếp hạng tín nhiệm từng DNKT đủ điều kiện hoạt động hàng năm; xây dựng chuẩn tiêu chí chất lượng của các dịch vụ mà DNKT cung cấp cho khách hàng; xây dựng bộ hồ sơ mẫu khi thành lập DNKT, sơ đồ bộ máy quản lý mẫu tại từng loại hình DNKT nhằm cung cấp thông tin một cách đầy đủ và hữu ích hơn cho nhà đầu tư cũng như các nhà quản lý tại các DNKT đang hoạt động.
+ Thứ năm, cần tiến hành rà soát lại một cách tổng thể các văn bản pháp lý tạo nền tảng cho hoạt động KTĐL đặc biệt là sự nhất quán trong các quy định như Luật DN, luật KTĐL, luật đầu tư và các quy định hướng dẫn khác…
Trên đây là một số các định hướng và giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định liên quan đến hình thức sở hữu của các DNKT hiện nay ở Việt Nam. Hi vọng rằng việc hoàn thiện các quy định liên quan đến hình thức sở hữu sẽ là một trong nhiều yếu tố nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của ngành nghề kiểm toán đặc biệt là KTĐL trong bối cảnh hội nhập.
-----------------------------------------
Tài liệu tham khảo :
1. Quốc Hội khóa 12, Luật Kiểm toán độc lập
2. Chính phủ, Nghị định 17/2012/NĐ-CP ngày 13/03/2012- Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật KTĐL
3. Bộ Tài Chính, Chiến lược kế toán-kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: