THỪA VỐN TÍN DỤNG – GAM MÀU NỔI CỦA SỰ ĐÌNH TRỆ KINH TẾ VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
ThS Mai Thị Quỳnh Như
Tính đến cuối tháng 04/2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã dương được 1,4%, bên cạnh đó, tăng trưởng huy động đang ở mức 5,34%. Cặp đôi này đã thể hiện sự chênh lệch song hành trong cả năm 2012 và tình trạng thừa tiền đang trở nên nghiêm trọng hơn vào đầu năm 2013. Trong khi đó, nền kinh tế và đa số doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Bài viết trọng tâm đi vào phân tích các nội dung cơ bản như sau:
- Các ngân hàng thương mại thực chất có thừa vốn hay không?
- Sự thừa vốn ở các doanh nghiệp
- Các giải pháp khắc phục tình trạng thừa vốn tín dụng
1/ Các ngân hàng thương mại thực chất có thừa vốn?
Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng tính đến tháng 04/2013 là 868.700 tỷ đồng, dương khoảng 1,4% so với cuối năm 2012. Trong khi đó, từ đầu năm 2013 đến nay, dù lãi suất huy động liên tục giảm tuy nhiên dòng tiền chảy vào hệ thống ngân hàng vẫn liên tục tăng (tăng trưởng huy động so với cuối năm 2012 là 5,34%).
Tính từ thời điểm nửa cuối năm 2012 đến nay, dưới điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lãi suất, lãi suất cho vay đã giảm từ khoảng 18%/ năm đến nay hầu hết các biểu lãi suất cho vay mới của ngân hàng chỉ ở mức 12% đối với cho vay ngắn hạn và 13% đối với cho vay trung dài hạn, các khoản lãi suất gắn với dư nợ cũ cũng giảm tương ứng về mức 13%. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất như vậy, việc giải ngân ra trong thời gian vừa qua vẫn rất hạn chế.
Có nhiều lý do để lý giải vấn đề này, thứ nhất, các ngân hàng công bố tiêu chí cho vay, lãi suất cho vay ưu đãi, là một chuyện, còn việc xét duyệt cho vay lại là một chuyện hoàn toàn khác. Trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, để đáp ứng hầu hết các tiêu chí an toàn, hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay ngân hàng là một đòi hỏi cực kỳ khó khăn đối với doanh nghiệp vay vốn.
Thứ hai, các doanh nghiệp cũng muốn vay vốn để có tiền đầu tư, sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, các khoản nợ cũ với lãi suất cao vẫn chưa có nguồn thanh toán để quay vòng vốn được. Điều này làm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị nghẽn lại. Thêm một yếu tố nữa làm hạn chế nguồn vốn vay ngân hàng, đó là tâm lý của các chủ doanh nghiệp vẫn còn kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian sắp tới nên vẫn chưa muốn sử dụng vốn ngân hàng đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, mặc dù vốn thừa không thể cho vay ra được, nhưng hầu hết các ngân hàng không thể hạ thấp lãi suất huy động để giảm thiểu chi phí vì nỗi lo thanh khoản, ngân hàng vẫn phải căng mình ra trong cuộc đua huy động để giải quyết bài toán thanh khoản, đồng thời bù vào khoản tiền đã cho vay nhưng chưa thể thu hồi được, hay còn gọi là nợ xấu, mà trong bối cảnh hiện tại, vấn đề nợ xấu xảy ra và xử lý nó giống như là công việc thường xuyên hằng ngày của mỗi ngân hàng.
Nhìn nhận vấn đề thừa vốn tín dụng dưới góc độ tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đang ngày một tăng lên, có thể nhận thấy được mặc dù vốn tín dụng đang dương tính trên bề mặt con số huy động so với cho vay, tuy nhiên kỳ thực một phần trong đó đang gánh phần nợ xấu mất khả năng chi trả của doanh nghiệp, cho nên vốn tín dụng ngân hàng thực chất không phải quá dư thừa.
Ở một khía cạnh khác, phần vốn huy động của các ngân hàng đang phải bù đắp cho phần hụt đi từ vàng. Từ cuối năm 2012, ngân hàng nhà nước chốt lại huy động vàng, chuyển sang dạng giữ hộ và thu phí, lượng vàng tiết kiệm của dân cư gửi trong ngân hàng bị đẩy ra ngoại bảng. Con số khổng lồ tương đương khoảng 110 nghìn tỷ đồng từ vàng các ngân hàng thương mại không còn được tính vào số dư huy động. Bị hụt đi phần lượng tiền tiết kiệm lớn đến như vậy buộc các ngân hàng thương mại phải tăng cường huy động VND để bù đắp. Vốn VND huy động tăng trưởng trong khoảng thời gian này những tưởng như bị dư thừa nhưng thực chất nó bù đắp thay thế cho một lượng lớn vốn vàng bị mất đi.
Từ các phân tích trên cho thấy, hiện tượng thừa vốn ngân hàng thực chất là do trong thời điểm hiện tại, mặc dù các ngân hàng có hàng loạt các gói sản phẩm tín dụng ưu đãi nhưng do tác động của sự trì trệ kinh tế dẫn đến việc các doanh nghiệp không mặn mà với các gói tín dụng lãi suất thấp, đồng thời lượng tăng trưởng huy động thời gian vừa qua bù đắp một phần vào nợ xấu (mà các khoản nợ này đang ngày một tăng do các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến mất thanh khoản) và bù đắp vào lượng huy động đã bị hụt đi từ vàng.
2/ Doanh nghiệp cũng thừa vốn
Lướt qua một số Báo cáo tài chính quý I năm 2013 của một số công ty niêm yết, có thể nhận thấy được lượng dư tiền tại thời điểm cuối quý tăng vọt, tương ứng với điều đó là nguồn thu từ hoạt động tài chính tăng vọt, cụ thể như Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An công bố báo cáo tài chính quý I/2013 với nguồn thu từ hoạt động tài chính tăng vọt, trong đó lãi tiền gửi tăng khoảng 9 lần so với cùng kỳ, dư tiền và tương đương tiền cuối quý I tăng 25% so với cùng kỳ lên gần 250 tỷ đồng, hay như Cty Nhựa Bình Minh, Công ty này có dư tiền đạt hơn 400 tỷ đồng trong quý I vừa qua, cao hơn vốn điều lệ đồng thời có doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh gấp 8 lần so cùng kỳ, với phần chính là từ lãi tiền gửi ngân hàng và cho vay….
Thông qua số liệu tài chính của các công ty nói trên, có thể nhận thấy rất rõ được xu hướng găm giữ tiền của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại, nền kinh tế hiện tại không cho phép doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư khi chưa tìm thấy bất kỳ cơ hội kinh doanh nào khả dĩ, kết quả là doanh thu từ hoạt động kinh doanh của các công ty nói trên cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua, kế hoạch doanh thu năm 2013 đặt ra cũng thấp hơn so với thực hiện năm 2012.
Trên thực tế, hiện tượng dư thừa tiền mặt đã có từ lâu, các doanh nghiệp này cói đó là nguồn vốn dư phòng và chờ đợi cơ hội để đầu tư. Tuy nhiên, gần đây xu hướng tích tiền trở nên phổ biến hơn và tỷ lệ tiền và tương đương tiền/vốn ngày càng cao hơn. Nó phản ánh một thực trạng, nhiều doanh nghiệp chưa có cơ hội để mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí đang co gọn để đảm bảo an toàn trong khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trước đây huy động tiền ồ ạt để đầu tư tài chính nhưng trong bối cảnh hiện nay các kênh đầu tư đều đang kém hấp dẫn. Các đơn vị này thực sự đang lung túng với đồng tiền mình đang có mà không biết làm như thế nào để nâng cao hiệu quả đồng vốn.
Đồng thời cùng với việc doanh nghiệp chưa thực sự cùng với ngân hàng sử dụng đồng vốn vay như là một đòn bẩy tài chính hiệu quả để cùng với đồng vốn tự có của mình phát huy tối đa hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Thực tế, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn chưa tiếp cận được các khoản vay với lãi suất thấp. một số doanh nghiệp hiện vẫn đang có những khoản dư nợ ngân hàng với lãi suất 16%/năm. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Thắng Lợi cho rằng, việc vay ngân hàng với lãi suất thấp rất khó bởi tiêu chí là một chuyện, xét duyệt là một chuyện.
Nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng, họ muốn vay mới để đầu tư sản xuất nhưng do còn có những khoản nợ cũ chưa trả được nên ngân hàng không cho vay. Lãnh đạo một số ngân hàng thì cho rằng, lãi suất đã giảm, nhưng tâm lý doanh nghiệp còn chờ đợi sẽ giảm tiếp nên chưa muốn vay. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho vốn trong hệ thống ngân hàng có trạng thái dư thừa.
3/ Giải pháp khắc phục tình trạng thừa vốn
Trường hợp dư thừa tiền mặt của các DN, hiện tượng đọng vốn ở hàng loạt các CTCK, ngân hàng đang phản ánh một thực tế đáng ngại là: nền kinh tế đang thiếu vắng các cơ hội sinh lời tốt. Dòng tiền đang ngập ngừng chờ đợi một kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng dường như đều không vững chắc do kinh tế đình trệ, cầu nội địa ở mức thấp. Trước tình hình đó các giải pháp được đưa ra theo ý kiến chủ quan của tác giải là cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay:
Thứ nhất, giải quyết vấn đề nợ xấu, đối với các khoản nợ xấu tại ngân hàng cần tiến hành xử lý thanh lý tài sản của các doanh nghiệp đã mất khả năng chi trả, tiến hành trích lập dự phòng các khoản nợ khó đòi, từ đó kéo giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp nhất có thể, đê dòng tiền đi vào ngân hàng chỉ dùng để phục vụ kích cầu nền kinh tế bằng cách cho vay ra có hiệu quả mà không còn phải bù đắp phần nợ xấu tại ngân hàng.
Thứ hai, giải quyết lượng vàng đang nằm tại hệ thống ngân hàng, hiện tại lượng vàng đang nằm trong ngân hàng chiếm một tỷ lệ rất lớn trong vốn huy động, ngân hàng nên tìm cách tư vấn, khuyến khích người dân hoán chuyển lượng vàng nhàn rỗi này thành vốn VND đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh sinh lợi và góp phần thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi sự trì trệ.
Thứ ba, điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay về mức phù hợp, tiến hành điều chỉnh các khoản vay của doanh nghiệp hiện hữu về mức phù hợp, từ đó giảm thiểu bớt chi phí lãi vay, đồng thời doanh nghiệp có thể quay vòng vốn nhanh, gia tăng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Điều chỉnh lãi suất huy động xuống mức phù hợp để doanh nghiệp sử dụng đồng vốn linh hoạt hơn, đẩy dòng tiền của mình dịch chuyển về xu hướng sản xuất kinh doanh nhiều hơn là thu lợi từ doanh thu tài chính
Thứ tư, can thiệp của nhà nước để tạo sự hấp dẫn đối với các kênh đầu tư tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội để sản xuất kinh doanh, các chính sách khuyến khích đầu tư, những ưu đãi trong vấn đề thuê đất, hoặc tạo cơ chế chính sách thoáng cho các ngành đem lại hiệu quả cao của Nhà nước cũng là một biện pháp hữu hiệu trong việc thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ như hiện nay.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: