MỘT SỐ SẮC THUẾ ÁP DỤNG TẠI VIỆT NAM THỜI KỲ 1951-1954
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 và dành được độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đi vào quá trình kiến thức xây dựng đất nước, phát triển kinh tế tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc tiếp tục đấu tranh thống nhất đất nước. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II họp đầu năm 1951 đã đề ra những chuyển hướng cơ bản về kinh tế - tài chính. Chính sách Tài chính được cải tiến theo phương châm "Tăng thu, giảm chi, thống nhất quản lý thu chi tài chính" và "Thuế khoá phải công bằng, hợp lý".. Nội dung bài viết này là để giới thiệu cho người đọc các sắc thuế có hiệu lực trong giai đoạn 1951-1954. Đây là những sắc thuế đầu tiên của một Nhà nước mới ra đời còn nhiều non trẻ song mang nhiều tính nhân văn theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tại thời điểm năm 1951 theo đề nghị của Bộ Tài Chính, Uỷ ban Thường trực Quốc hội đã xem xét ban hành thuế nông nghiệp và công bố chính sách thuế đầu tiên dưới chính quyền Cách mạng Việt nam, nhằm khuyến khích mọi người ra sức tăng gia sản xuất, tạo thêm nhiều của cải cho xã hội, nâng cao đời sống, có lợi cho bản thân, cho kháng chiến, cho nền kinh tế chung, phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh; Từ thực tiễn kinh tế- xã hội ở nước ta trong thời kỳ đó và sự giúp đỡ, tư vấn của các chuyên gia thuế nước Cộng hoà nhân dân Trung hoa, chính sách thuế của ta gồm 7 thứ sau đây:
- Thuế nông nghiệp
- Thuế công thương nghiệp
- Thuế hàng hoá
- Thuế xuất nhập khẩu
- Thuế sát sinh
- Thuế trước bạ
- Thuế tem
Ngoài 7 thứ thuế được thông báo công khai trên đây, cấm các địa phương tuỳ tiện đặt ra những khoản bắt nhân dân đóng góp. Mọi hình thức quyên góp ở nông thôn đều bị cấm chỉ, trừ trường hợp nhân dân thật sự đóng góp tự nguyện để ủng hộ bộ đội, góp quỹ nghĩa thương cứu tế xã hội. Việc tăng giảm mức thu, loại thuế, thuế suất ... đều phải do Chính phủ Trung ương quyết định
1- Thuế nôngnghiệp
1.1 Theo Sắc lệnh số 13/SL ngày 1/5/1951, thuế nông nghiệp là hình thức thuế thu bằng hiện vật (thóc hoặc sản vật nông nghiệp) được ban hành để thay thế các khoản đóng góp về nông nghiệp cho NSNN và quỹ địa phưuơng như thuế điền thổ, thóc công lương, sương túc, thóc bình dân học vụ, thóc nuôi bộ đội địa phương, thóc nộp cho quỹ xã, thóc đắp đường ... đồng thời bãi bỏ việc mua thóc theo giá qui định.
1.2 Điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp ban hành kèm theo Sắc lệnh số 40/SL ngày 15/7/1951 đưọc quy định căn cứ theo 3 phương châm chính là:
- Tổng động viên tài lực để bảo đảm cung cấp cho nhu cầu kháng chiến .
- Góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, cải thiện dân sinh.
- Thực hiện đóng góp công bằng, dân chủ, công khai .
Từ chính sách động viên theo tự nguyện chuyển sang hình thức đóng thuế nông nghiệp bắt buộc theo mức nhất định, một số trường hợp phải nộp thuế cao hơn. Việc bồi dưỡng để cán bộ, đảng viên thông suốt với chính sách của Đảng, Chính phủ rất khó khăn... Việc làm cho các hộ nông dân hiểu được ý nghĩa cả chính sách và nghĩa vụ của mỗi người để nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, làm đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế lại càng khó khăn hơn.
Để khắc phục tình trạng trên, Đảng và Chính Phủ đã tập trung lực lượng cán bộ, đảng viên tham gia nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng quan điểm, quán triệt chủ trương chính sách về thuế nông nghiệp và coi đây là một công việc trọng tâm mà mỗi tổ chức Đảng, chính quyền từng cấp phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo việc thu thuế đúng chính sách, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ kế hoạch được giao và từng bước phát huy tác dụng của chính sách khuyến khích, thúc đẩy tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm... Nhờ phát động được tinh thần yêu nước của các từng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân, trước sự mất còn của chính quyền cách mạng, của đất nước, cán bộ, nhân dân ta đã nhận lấy sự khó khăn, gian khổ để góp phần cứu nước, bảo đảm hiệu quả cao của việc triển khai chính sách thuế nông nghiệp, giữ vai trò quan trọng nhất trong toàn bộ chính sách tài chính lúc bấy giờ.
2- Thuế công thương nghiệp: Thu bằng tiền áp dụng với các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh ( XSKD), dịch vụ nhằm mục đích kiếm lời, bao gồm cả doanh nghiệp hoạt động cố định, thường xuyên, có cơ sở kinh doanh khá, các quán hàng và các hộ buôn chuyến. Thuế công thương nghiệp (CTN) phân biệt theo 3 loại.
+ Thuế doanh nghiệp áp dụng đối với hoạt động cố định, thường xuyên, có quy mô kinh doanh vừa và lớn theo 2 phần thuế: Thuế tính trên doanh thubán hàng hoá hoặc doanh thu dịch vụ (với thuế suất từ 10% đến 15%, phân biệt theo ngành nghề cần thiết nhiều hay ít cho kháng chiến, cho đời sống nhân dân) và Thuế tính trên lợi tức kinh doanh theo biểu thuế luỹ tiến từng phần (từ 5% đến 27%, được giảm từ 10% đến 40% mức thuế nộp theo biểu, phân biệt theo ngành nghề cần thiết nhiều hay ít cho kháng chiến và cho đời sống nhân dân).
+ Thuế quán hàng:Áp dụng đối với những hộ SXKD, dịch vụ nhỏ với mức thuế được quy định trong biểu, theo số tuyệt đối cho từng bậc (gộp cả phần thuế đánh trên doanh thu và thuế đánh trên lợi tức). Số thuế nộp được khoán trong từng thời gian là 3 tháng hoặc 6 tháng, tùy mức doanh thu cố định bình quân hàng tháng cao hay thấp. Thuế quán hàng cũng được giảm từ 10% đến 40% mức thuế phải nộp theo biểu, phân biệt theo ngành nghề cần thiết nhiều hay ít cho kháng chiến và đời sống nhân dân.
+ Thuế buôn chuyến: Áp dụng đối với những người kinh doanh lưu động từ địa phương này sang địa phương khác (có thể khác huyện, khác tỉnh, thành phố) bán hàng theo từng chuyến, với mức thuế gộp cả phần thuế tính trên doanh thu và phần thuế tính trên lợi tức, thuế suất 3% đối với lương thực, thực phẩm, 5% đối với mặt hàng khác.
Ngoài tác dụng động viên sự đóng góp của người tiêu dùng và cơ sở SXKD, dịch vụ, thuế CTN còn khuyến khích hoạt động trong các ngành nghề cần thiết cho kháng chiến, cho đời sống nhân dân và thu hồi một phần tiền mặt trên thị trường nhằm góp phần ổn định tiền tệ, giá cả.
3- Thuế hàng hoá:Là thuế gián thu đánh vào 16 mặt hàng sản xuất tập trung, có chênh lệch nhiều giữa giá thành và giá bán, được chia thành 4 nhóm:
+ Thuốc hút: Từ 20% đến 50%
+ Đồ thờ cúng: 80%
+ Đồ ăn uống: Từ 10% đến 50%
+ Nguyên vật liệu: Từ 3% đến 15%
Thuế hàng hoá điều tiết thu nhập đối với người tiêu thụ, tạo thêm nguồn thu lớn cho NSNN, nhằm hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng tiết kiệm, hạn chế đối với hàng xa xỉ, không thật cần thiết cho đời sống nhân dân.
4- Thuế xuất nhập khẩu: Là công cụ để quản lý việc Xuất nhập khẩu (XNK) hàng hoá qua vùng tự do và vùng tạm bị chiếm nhằm góp phần bảo vệ và phát triển kinh tế của vùng tự do. Thuế tính theo giá hàng với thuế suất cao thấp tuỳ yêu cầu hạn chế hay khuyến khích xuất hoặc nhập khẩu nhiều hay ít, nhằm đấu tranh kinh tế với địch, có lợi cho ta. Hàng xuất về cơ bản được miễn thuế, hàng nhập được hạn chế trong phạm vi hàng cần thiết cho kháng chiến, đời sống, gồm 116 thứ với thuế suất tối thiểu là 30% trở lên để bảo vệ sản xuất trong vùng tự do.
5 Thuế sát sinh: Về thực chất là một loại thuế hàng hoá đặc biệt, áp dụng đối với lợn, trâu, bò, ngựa, dê đem giết thịt để bán với thuế suất 10% trên trị giá con vật nhằm động viên đóng góp của người tiêu thụ thịt súc vật cho NSNN.
6- Thuế trước bạ:Đánh vào chuyển nhượng tài sản chủ yếu là nhà đất nhưng trong thời kỳ kháng chiến, ở vùng tự do ít có chuyển nhượng nhà đất nên hiệu lực không nhiều.
7- Thuế tem: Chưa được ban hành trong thời kỳ kháng chiến.
--------------------------------
Tài liệu tham khảo :
Tổng cục Thuế (2010), Thuế Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Tài liệu tham khảo dành cho những người làm công tác thuế
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: