ThS Đào Thị Đài Trang
Tóm tắt:
Trong quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020- 2030, Ngành Dệt May vẫn tiếp tục là ngành trọng yếu trong cơ cấu công nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong Ngành, trong đó có các doanh nghiệp may mặc, đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức trên con đuờng phát triển. Hệ thống kiểm soát nội bộ là phương sách quản lý hữu hiệu của các nhà quản lý doanh nghiệp. Hệ thống này bao gồm các chính sách và thủ tục kiểm soát đuợc thiết kế nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp đạt đuợc các mục tiêu: bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, đảm bảo độ tin cậy của hệ thống thông tin, đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động trên co sở tuân thủ các quy định pháp lý, và quan trọng hơn nữa, đảm bảo các hoạt động của doanh nghiệp đuợc thực hiện hiệu quả. Bài viết đi tìm hiểu kinh nghiệm về tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ ở một số nước trên thế giới đồng thời rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Phần 1: Tác giả sẽ trình bày kinh nghiệm tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ tại 2 nước: Trung Quốc và Mỹ, 2 cường quốc lớn nhất trong nền kinh tế thế giới hiện nay.
Từ khóa: Hệ thống kiểm soát nội bộ, Doanh nghiệp may mặc
1. Khái niệm và vai trò của kiểm soát nội bộ.
Kiểm soát nội bộ là những phương pháp và chính sách được thiết kế để ngăn chặn gian lận, giảm thiểu sai sót, khuyến khích hiệu quả hoạt động, và nhằm đạt được sự tuân thủ các chính sách và quy trình được thiết lập.[1,25]
2. Kinh nghiệm tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp may mặc ở một số nước trên thế giới.
Tại Trung Quốc: Hiện nay, Trung Quốc là nước dẫn đầu về xuất khẩu các sản phẩm may, chiếm khoảng 34% thị phần trên thị trường may toàn cầu. Trung Quốc có nhiều thế mạnh trong sản xuất may mặc do có lực lượng đông đảo lao động trong tổng dân số hơn một tỷ người, các ngành công nghiệp dệt và phụ trợ phát triển, hỗ trợ đắc lực cho sản xuất hàng may mặc với chi phí thấp. Các doanh nghiệp may được Chính phủ tạo các điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động kinh doanh. Trước sức ép của công luận quốc tế về các vấn đề nhạy cảm như điều kiện làm việc, quyền tự do hiệp hội,… của người lao động, Chính phủ Trung Quốc đã có sáng kiến xây dựng các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội mang “đặc thù của Trung Quốc” cho nền công nghiệp may mặc với tên gọi CSC 9000T, được Tổ chức Trách nhiệm xã hội quốc tế, Liên đoàn Lao động quốc tế, và các tổ chức phi chính phủ khác thừa nhận. Dựa trên tiêu thức hình thức sở hữu, các doanh nghiệp may mặc Trung Quốc được chia thành ba nhóm bao gồm: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài [1, tr18]
Trong thời kỳ chuyển đổi cơ chế kinh tế, việc mất dần đi các ưu đãi và bảo hộ đã khiến cho hệ thống quản lý, kiểm tra, kiểm soát của các doanh nghiệp này cần phải thích nghi và quen dần với sự biến đổi của môi trường kinh doanh hơn. Sau năm 2000, nhiều doanh nghiệp bắt đầu thực hiện cải tổ cơ cấu tổ chức và thực hiện các cam kết để tạo động lực sản xuất cho người lao động. Những thay đổi này được kết hợp với nền tảng kỹ thuật và trang thiết bị hiện đại, cải thiện năng lực quản lý đã giúp cho các doanh nghiệp này sản xuất được các sản phẩm chất lượng tốt, với năng suất lao động cao, sản lượng sản xuất tăng lên đáng kể.
Shanshan là một doanh nghiệp nhà nước điển hình tại Trung Quốc với lịch sử hơn 20 năm hình thành và phát triển, nhiều năm liền nằm trong mười doanh nghiệp may có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất Trung Quốc. Khác với Ngành Dệt, Chính phủ không can thiệp quá sâu vào doanh nghiệp may thuộc sở hữu nhà nước mà trao quyền tự chủ trong kinh doanh, kể cả việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ trong những doanh nghiệp này. Với lợi thế về công nghệ và vốn, các doanh nghiệp nhà nước đang dần chuyển từ phương thức sản xuất OEM sang OBM, đầu tư nhiều vào hoạt động thiết kế, xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm thu được lợi nhuận nhiều hơn từ chuỗi giá trị dệt may. Việc xuất hiện Phòng Thiết kế, Bộ phận Xây dựng hình ảnh và thương hiệu trong cơ cấu tổ chức bộ máy của công ty Shanshan (Một công ty hàng đầu về may mắc tại Trung Quốc) là minh chứng cho thực tế này. Ngoài hoạt động kinh doanh chính sản xuất sản phẩm may, các doanh nghiệp còn thực hiện các dự án kinh doanh bất động sản do có quỹ đất lớn được nhà nước giao cho sử dụng. Do hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nên ngoài Bộ phận Kiểm soát trực thuộc Hội đồng quản trị, trong cơ cấu tổ chức của Shanshan còn có Phòng Kiểm toán nội bộ trực thuộc Ban Giám đốc, có trách nhiệm thực hiện các chức năng đánh giá và tư vấn giúp cho nhà quản lý đạt được các mục tiêu về hiệu quả hoạt động, hiệu lực quản trị nội bộ và hiệu năng trong quản lý. Nhìn chung, các yếu tố của hệ thống kiểm soát nội bộ được thể hiện khá đầy đủ trong các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực may mặc, có đóng góp đáng kể cho nhà quản lý trong việc đạt được hiệu quả hoạt động, đảm bảo năng lực quản lý.
Tại Mỹ: Trong các doanh nghiệp có quy mô lớn trên thế giới đã thành công trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm may mặc, Nike là một ví dụ tiêu biểu. Năm 1964, Nike được thành lập bởi Phil. Knight và Bill Bowerman với hoạt động đầu tiên là sản xuất giầy có chất lượng cao cho vận động viên. Đến nay, qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, Nike đã trở thành một tập đoàn lớn mạnh nhất thế giới trong lĩnh vực thời trang thể thao, sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu về quần, áo, giầy và các dụng cụ chơi thể thao. Hội đồng Quản trị của Nike toàn cầu được kết cấu bởi các uỷ ban khác nhau bao gồm: Uỷ ban Kiểm toán, Uỷ ban Nhân sự cấp cao, Uỷ ban Lương thưởng, Uỷ ban Trách nhiệm xã hội, Uỷ ban Tài chính và Uỷ ban Điều hành. Hệ thống kiểm soát nội bộ nói chung và môi trường kiểm soát nói riêng của Nike chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bên ngoài. Trước hết đó là các quy định, các yêu cầu pháp lý đòi hòi Nike phải xây dựng và áp dụng các quy chế hoạt động và quản lý tài chính để thực hiện hoạt động kiểm tra kiểm soát trong nội bộ. Đạo luật Sarbanes Oxley ra đời năm 2002 và được chỉnh sửa năm 2004 quy định các công ty cần phải lập ra Báo cáo kiểm soát nội bộ trong đó có những nội dung liên quan đến tình hình thực tế kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại đơn vị. Cũng theo Đạo luật này, việc lập ra Uỷ ban Kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị là bắt buộc. Quyền lựa chọn, chỉ định kiểm toán độc lập tiến hành kiểm toán Báo cáo tài chính của doanh nghiệp thuộc về thẩm quyền của Uỷ ban Kiểm toán mà không phải thuộc thẩm quyền của toàn thể Hội đồng quản trị. Mục đích thành lập Uỷ ban Kiểm toán của Nike nhằm giúp cho Hội đồng Quản trị thực hiện được trách nhiệm của mình trước các chủ sở hữu về các vấn đề có liên quan đến kế toán, kiểm toán và kiểm soát nội bộ. Uỷ ban có trách nhiệm thay mặt Tập đoàn làm việc với kiểm toán độc lập về các vấn đề có liên quan đến cuộc kiểm toán và thực hiện trách nhiệm giám sát, báo cáo về tính độc lập, trình độ và kết quả kiểm toán cho Hội đồng Quản trị. Trong mối quan hệ với kiểm toán nội bộ, Uỷ ban có thẩm quyền ban hành, sửa đổi quy chế kiểm toán nội bộ tại Tập đoàn, lựa chọn, thiết lập và quản lý Bộ phận Kiểm toán nội bộ đồng thời có trách nhiệm đánh giá định kỳ đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nội bộ. Những nhiệm vụ cụ thể của Uỷ ban này bao gồm: rà soát các dự toán hàng năm; các khoản chi, các hợp đồng thuê tài sản hoặc thanh lý tài sản lớn theo thẩm quyền; các hoạt động mua bán, sáp nhập, các giao dịch về vốn; về chính sách phân chia cổ tức; các chính sách và hoạt động quản lý tài chính liên quan đến tỷ giá ngoại tệ, lãi suất, rủi ro thanh khoản,…sau đó đệ trình để Hội đồng Quản trị phê chuẩn. Một đặc điểm cần lưu ý trong cơ cấu Hội đồng Quản trị của Nike, đó là sự xuất hiện của Uỷ ban Trách nhiệm xã hội. Uỷ ban này được thành lập năm 2001 với mục đích rà soát các hoạt động và chính sách quan trọng của Nike về lao động, môi trường và quan hệ với công chúng trong phạm vi toàn cầu, từ đó đưa ra các kiến nghị với Hội đồng Quản trị để thực hiện cải thiện các hoạt động, chính sách này nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đây là sự thích ứng của Nike trước những phản đối của công luận, của các tổ chức phi chính phủ về điều kiện lương bổng, thời gian làm việc, điều kiện làm việc, vấn đề an toàn, sức khoẻ,… liên quan đến người lao động tại các nhà máy của Nike ở khắp các châu lục.. Tại Việt Nam, 28 doanh nghiệp may mặc đang sản xuất trang phục mang nhãn hiệu Nike cũng phải chịu sự kiểm toán tính tuân thủ các quy tắc ứng xử liên quan đến người lao động và môi trường theo chính sách toàn cầu mà Nike đã quy định.
Tài liệu tham khảo:
1. Mina Zhang (2009), Analysis of Chinese Garment Export Sector, Thesis of MBA Degree, Simon Fraser University.
2. Bộ Tài chính (2010), Thông tư 32/TT-BTC ngày 9 tháng 3 năm 2010 về Hướng dẫn Cơ chế tài chính thực hiện Chương trình ðào tạo nguồn nhân lực Dệt May Việt Nam
3. Trương Văn Cẩm (2008), Chiến lược nhân sự của doanh nghiệp - Lý luận và thực tiễn, Tạp chí Dệt May và Thời trang, Số tháng 12 năm 2008
4. Nguyễn Văn Công (2005), Chuyên khảo về báo cáo tài chính và lập, đọc, kiểm tra, phân tích báo cáo tài chính, Nhà Xuất bản Tài chính, Hà Nội
5. Bùi Thị Minh Hải (2011), Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam, luận văn tiến sỹ kinh tế, đại học Kinh tế Hà Nội.
Các trang web:
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: