Nguyễn Thị Khánh Vân – khoa Kế toán ĐH Duy Tân
Bài viết tập trung làm rõ lịch sử hình thành, vai trò và các quan điểm khác nhau về kiểm toán nội bộ.
Trên thế giới, “hoạt động kiểm toán nội bộ đã hình thành từ rất lâu, xuất hiện vào khoảng 4.000 - 3.500 trước công nguyên” (Sawyer, 1996). Tuy nhiên, hoạt động này chỉ thực sự phát triển vào những năm đầu thế kỷ 20 khi có sự xuất hiện của các công ty cổ phần. Xuất phát từ thực tế là kiểm toán độc lập chưa đáp ứng được các yêu cầu kiểm soát rủi ro và ngăn chặn gian lận phát sinh tại đơn vị, kiểm toán nội bộ đã ra đời để đáp ứng yêu cầu này. Trong giai đoạn đầu, trọng tâm của kiểm toán nội bộ chỉ là kiểm tra tài chính và kế toán. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, yêu cầu kiểm toán nội bộ trong các công ty ngày càng tăng. Năm 1941 được xem là năm bước ngoặt phát triển của kiểm toán nội bộ thông qua hai sự kiện quan trọng. Thứ nhất là sự ra đời cuốn sách đầu tiên về kiểm toán nội bộ của Victor Z.Brink’s. Thứ hai là việc thành lập IIA - Hiệp hội kiểm toán viên quốc tế tại New York với 24 hội viên đầu tiên nhằm nghiên cứu, trao đổi những mối quan tâm chung về kiểm toán nội bộ. Chính sự ra đời của tổ chức IIA đã đánh dấu chính thức cho sự ra đời của nghề kiểm toán nội bộ và tổ chức này dần được mở rộng thành tổ chức đại diện cho kiểm toán nội bộ trên toàn thế giới như ngày nay.
Hoạt động kiểm toán nội bộ phát triển với tốc độ nhanh chóng kể từ sau các sự cố kế toán tài chính ở các công ty hàng đầu trên thế giới xảy ra vào đầu thế kỷ 21 như Worldcom, Enron, Tyco,…đặc biệt với sự ra đời của Đạo luật Sarbanes-Oxley vào năm 2002. Đạo luật này yêu cầu các công ty niêm yết phải công bố thông tin liên quan đến tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ và phải thiết lập hoạt động kiểm toán nội bộ. Bên cạnh đó, luật pháp của nhiều quốc gia cũng ngày càng khẳng định trách nhiệm của nhà quản lý đối với hệ thống kiểm soát nội bộ của công ty.
2. Sự cần thiết của hoạt động kiểm toán nội bộ
Trong vài thập kỷ gần đây, kiểm toán nội bộ đang dần đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong cấu trúc quản trị công ty. Sự hiện diện của kiểm toán nội bộ được xem như là “bức tường lửa” bảo vệ giúp duy trì hệ thống quản trị công ty tốt, giúp ban quản trị đánh giá và thiết lập các quy trình kiểm soát rủi ro. Khá nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự cần thiết của hoạt động này. Chẳng hạn như:
Wallace cùng cộng sự (1991) dựa trên câu trả lời từ mẫu khảo sát gồm 260 công ty có tổ chức IAF để xác định ảnh hưởng của kiểm toán nội bộ đối với việc tăng cường hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của công ty. Kết quả nghiên cứu đã giúp tác giả đưa ra nhận định rằng: “các công ty có tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ thì khả năng cạnh tranh tốt hơn, đạt được lợi nhuận nhiều hơn, năng lực quản lý được nâng cao hơn và việc quản lý rủi ro cũng được thực hiện hiệu quả hơn” (Wallace cùng cộng sự 1991)..
Pizzin cùng cộng sự (2012) nghiên cứu về tầm quan trọng của hoạt động kiểm toán nội bộ. Nhóm tác giả đã sử dụng dữ liệu khảo sát thu thập từ 292 công ty trong giai đoạn trước khi Đạo luật SOX ban hành. Kết quả là nhóm tác giả tìm thấy “hoạt động kiểm toán nội bộ đóng vai trò rất quan trọng đối với hiệu quả hoạt động quản lý cũng như trợ giúp các KTV độc lập khi xác định phạm vi kiểm toán BCTC phù hợp” (Pizzin cùng cộng sự, 2012).
Nhìn chung, các nghiên cứu đều thừa nhận hoạt động kiểm toán nội bộ ngày càng cần thiết trong việc hỗ trợ hoạt động giúp công ty đạt được các mục tiêu thông qua việc đánh giá và tăng cường công tác kiểm soát, quản trị rủi ro một cách hiệu quả, có hệ thống và kỷ luật. “Khác với KTĐL chỉ tập trung đến đánh giá mức độ rủi ro có sai sót trọng yếu trên BCTC, kiểm toán nội bộ có trách nhiệm phát hiện và ngăn ngừa các hành vi sai phạm nào có đặc điểm lừa dối, che giấu hoặc ảnh hưởng đến niềm tin như: đánh cắp tài sản công ty, tối đa hóa lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho công ty” (IIA, 2017). Hoạt động kiểm toán nội bộ còn giúp cho công ty giảm thiểu gian lận trên BCTC và các HVQTLN của nhà quản lý.
3. Một số khái niệm nền tảng về Kiểm toán nội bộ
Theo chuẩn mực hành nghề KTNB do Hiệp hội KTVNB Hoa Kỳ (Institute of Internal Auditors- IIA) công bố:
- Khái niệm năm 1947: “KTNB là hoạt động đánh giá độc lập trong một tổ chức về công tác kế toán, tài chính và các công tác khác của tổ chức đó. Hoạt động KTNB được xem như là các dịch vụ mang tính bảo vệ và xây dựng hỗ trợ cho BGĐ”
- Khái niệm năm 1981: “KTNB là một chức năng đánh giá độc lập được thiết lập trong một tổ chức để đánh giá và kiểm tra các hoạt động kinh doanh của tổ chức đó. Hoạt động KTNB được xem là một dịch vụ hỗ trợ cho chính tổ chức đó”
- Khái niệm năm 1999: “KTNB là hoạt động đưa ra sự đảm bảo và tư vấn mang tính độc lập và khách quan được thiết kế nhằm mang lại giá trị và tăng cường hoạt động của một tổ chức. KTNB trợ giúp một tổ chức đạt được các mục tiêu của mình thông qua phương pháp tiếp cận có hệ thống và có nguyên tắc để đánh giá và tăng cường tính hiệu quả của công tác quản trị rủi ro, của hệ thống kiểm soát nội bộ và của các chu trình.
Theo Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC):
“KTNB là một hoạt động đánh giá được lập ra trong một đơn vị kinh tế như một loại dịch vụ cho đơn vị có chức năng kiểm tra, đánh giá và giám sát tính hiệu quả của hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ”.
Theo VSA 610 – Sử dụng tư liệu của KTNB
“KTNB là hoạt động do đơn vị được kiểm toán thực hiện hoặc do tổ chức bên ngoài cung cấp, với chức năng chủ yếu là kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ”
Theo giáo trình lý thuyết kiểm toán trường Đại học Kinh tế Quốc dân:
KTNB là tổ chức của các KTV không chuyên nghiệp
Từ các quan niệm khác nhau trên, rút ra kết luận chung về KTNB là:
KTNB là 1 hoạt động nội kiểm có tính độc lập trong các cơ quan đơn vị kinh tế thực hiện với chức năng chính là kiểm tra, đánh giá các hoạt động tài chính và phi tài chính nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động đó và góp phần hoàn thiện hệ thống quản lý tại đơn vị kinh tế cơ sở.
Trong định nghĩa mới này, nhận thức mới về vai trò của KTNB đã được khẳng định rõ hơn so với trước đây khi xem hoạt động KTNB vừa là một chức năng kiểm tra, vừa là một chức năng tư vấn để hoàn thiện cho hoạt động của tổ chức, hỗ trợ nâng cao giá trị cho tổ chức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Khánh Vân, (2017), Giáo trình Kiểm toán nội bộ, Lưu hành nội bộ ĐH Duy Tân.
2. Institute of internal Auditor, (1978), Definition of internal auditing Altamonte Spring, Florida, the Institute of Internal Auditors.
3. Institute of Internal Auditors, (2000), The Standards for the Professional Practice of Internal Auditing, The Institute of Internal Auditors Research Foundation, Altamonte Springs, FL.
4. Institute of Internal Auditors, (2001), The Professional Pratices Framework, The Institute of Internal Auditors Research Foundation, Altamonte Springs, FL.
5. Institute of internal Auditor, (2017), The Standards for the Professional Practice of Internal Auditing guide: Independence and Objective, Altamonte Springs, FL.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: