ThS. Nguyễn Khánh Thu Hằng
Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Dự thảo đã điều chỉnh các quy định để giúp thị trường có thời gian điều chỉnh lại và doanh nghiệp có thể cân đối nguồn tiền trong ngắn hạn, vượt qua giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn về thanh khoản như hiện nay.
Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo nguyên tắc tuân thủ điều kiện phát hành trái phiếu quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp. Nghị định này bổ sung các quy định theo thẩm quyền của Chính phủ để tiếp tục phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững, bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua. Nghị định cũng tăng cường quản lý, giám sát bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, thị trường gặp một số khó khăn như: Khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm; khối lượng mua lại tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu; khối lượng trái phiếu đến hạn trong thời gian tới lớn, doanh nghiệp có khó khăn về dòng tiền để cân đối nguồn lực thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn và huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề pháp lý, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu, rà soát Luật Chứng khoán và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các nội dung về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ. Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay. Để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023-2024, Bộ Tài chính đề xuất hoãn thực hiện quy định này trong vòng 01 năm.
Đối với quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày. Tại Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất hoãn thực hiện quy định này trong vòng 01 năm. Theo đó, việc phân phối trái phiếu của từng đợt là 90 ngày. Kể từ ngày 01/1/2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, giảm thời gian phân phối từng đợt xuống còn 30 ngày. Quy định này phù hợp với chính sách hoãn việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hướng đến nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân mua TPDN riêng lẻ.
Về kỳ hạn trái phiếu, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định, đối với TPDN đã phát hành trước khi Nghị định có hiệu lực thi hành và còn dư nợ thì “doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành”. Quy định này đã được thực hiện từ năm 2020 do hệ thống pháp luật về phát hành TPDN được hoàn thiện qua từng giai đoạn để tiến tới việc phát hành trái phiếu chuẩn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng huy động vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chinh đề xuất bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn; thời gian gia hạn tối đa là 02 năm. Việc cho phép gia hạn này sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023-2024.
Để doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức khác nhau để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật liên quan. Các nội dung đề xuất điều chỉnh tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm giúp thị trường có thời gian điều chỉnh lại và doanh nghiệp có thể cân đối nguồn tiền trong ngắn hạn, góp phần vượt qua giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn về thanh khoản như hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: