MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ỨNG DỤNG KẾ TOÁN TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI TRONG CÁC DOANH NGHIỆP THỦY SẢN VIỆT NAM
ThS Lê Thị Huyền Trâm
TÓM TẮT:
Hiện nay, kế toán trách nhiệm xã hội (KTTNXH) là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp bởi vì một doanh nghiệp muốn phát triển thì cần phải chú trọng đến hình ảnh của mình. Một trong những biện pháp quan trọng là thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đó. Việc thực hiện tốt kế toán trách nhiệm xã hội sẽ góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Bài viết này đi sâu hơn về các giải pháp nhằm ứng dụng kế toán trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp Thủy sản Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, kế toán trách nhiệm xã hội là một trong những vấn đề được đề cập, ở cả góc độ nghiên cứu lý luận và ứng dụng thực tiễn tại các DN. KTTNXH là yêu cầu cần thiết trong đó KTTNXH cần phải cung cấp thông tin về mặt xã hội, về môi trường, về hoạt động kinh doanh cho nhà quản trị. Thủy sản là một trong những ngành có sự sụt giảm mạnh nhất trong thời gian qua do sức cầu tiêu thụ lao dốc ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU. Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ước xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu tập trung vào: Tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD. Giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistics cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp, đi kèm đó là trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Vì vậy việc vận dụng KTTNXN là nội dung quan trọng, giúp các DN Thủy sản quản lý tốt chi phí, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng khác nhau từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.
2. Giới thiệu về kế toán trách nhiệm xã hội
* Kế toán trách nhiệm xã hội
Khái niệm kế toán trách nhiệm xã hội (social responsibility accounting- SRA) là khoa học quan sát, đo lường, tính toán, ghi chép, xử lý và phân tích thông tin về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như: trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng xã hội, trách nhiệm đảm bảo lợi ích cho cổ đông và người lao động trong doanh nghiệp. KTTNXH được coi là công cụ hỗ trợ việc thiết lập các mục tiêu xã hội của tổ chức bằng cách xem xét đầy đủ các nhu cầu của doanh nghiệp.
Thuật ngữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang được hiểu theo nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng trách nhiệm xã hội hàm ý nâng hành vi của doanh nghiệp lên một mức phù hợp với các quy phạm, giá trị và kỳ vọng xã hội đang phổ biến” (Prakash, Sethi, 1975). Với quan điểm này, doanh nghiệp ngoài việc có trách nhiệm với cổ đông và người lao động của doanh nghiệp còn có thể hiện trách nhiệm thông qua việc nộp thuế, nhà nước thì có trách nhiệm với xã hội.
Ở Việt Nam trong những năm gần đây thường sử dụng định nghĩa trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh thế giới vì sự phát triển bền vững như sau:” Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR) là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”.
* Vai trò của kế toán trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp
Thứ nhất, thực hiện KTTNXH giúp thu hút được nhân tài vì năng suất lao động của doanh nghiệp phục thuộc chủ yếu vào hệ thống nhân sự. Một doanh nghiệp có đội ngũ nhân viên giỏi, giàu kinh nghiệm sẽ góp phần tạo nên giá trị của doanh nghiệp. Để thực hiện điều này, doanh nghiệp phải đảm bảo môi trường làm việc tốt cho nhân viên, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, ...
Thứ hai, xét ở góc độ doanh nghiệp, KTTNXH sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín của công ty. Khi doanh nghiệp thực hiện KTTNXH có thể giúp doanh nghiệp tăng giá trị thương hiệu và uy tín đáng kể, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khả quan, thúc đẩy người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp mình hơn. Ngoài ra, KTTNXH có thể đem lại hiệu quả lớn hơn trong kinh doanh bằng việc góp phần giảm chi phí và tăng năng suất.
Thứ ba, thực hiện KTTNXH sẽ góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp thông qua việc doanh nghiệp tạo cho người lao động công việc tốt, đảm bảo cuộc sống, các vấn đề về an sinh xã hội được quan tâm. Có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến cộng đồng thông qua việc đóng góp vào các hoạt động như quỹ vì người nghèo, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn…góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho đất nước.
Thứ tư, KTTNXH hạch toán tài sản và các khoản nợ về môi trường, các khoản nợ phải trả về xã hội, về môi trường liên quan đến chi phí xã hội và môi trường bên ngoài, cung cấp các thông tin về tài sản, nguồn vốn.
3. Thực trạng và một số giải pháp nhằm ứng dụng kế toán trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam
Trên thế giới, khái niệm trách nhiệm xã hội doanh nghiệp không còn là vấn đề mới mẻ nhưng ở nước ta đặc biệt là các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến kế toán quản trị nói chung và kế toán trách nhiệm xã hội nói riêng nên việc thực hiện KTTHXH vẫn còn hạn chế. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp thủy sản hoạt động kinh doanh hiệu quả, đóng góp vào ngân sách nhà nước, vào sự phát triển kinh tế của đất nước, giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động. Song cũng có nhiều doanh nghiệp việc thực hiện trách nhiệm xã hội còn hạn chế, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nguy cơ mất an toàn trong thực phẩm dẫn đến sản phẩm bị tẩy chay. Đây là vấn đề nhức nhối nhưng chưa được quan tâm đúng mức, lợi ích của người tiêu dùng chưa được đề cao. Các doanh nghiệp trong đó có DN thủy sản chưa thấy được lợi ích cũng như vai trò quan trọng của việc thực hiện KTTNXH mang lại, dẫn đến một số doanh nghiệp chỉ coi mục tiêu lợi nhuận là trước mắt, bỏ qua trách nhiệm của mình với xã hội, không quan tâm đến quyền lợi của người lao động, gây ô nhiễm môi trường....Nguyên nhân dẫn đến điều này là do:
- Do nhận thức, quan điểm điều hành của nhà quản lý, trên thực tế nhận thức về trách nhiệm xã hội của nhà quản lý ở nhiều doanh nghiệp chưa cao dẫn đến nhiều doanh nghiệp thủy sản chưa hiểu hết bản chất của KTTNXH và sự cần thiết phải thực hiện nó.
- Chưa có cơ sở pháp lý để bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện KTTNXH, có nhiều doanh nghiệp nhận thức được nhưng họ cũng cố tình phớt lờ bởi các vấn đề đạo đức kinh doanh và chế tài trong thực hiện trách nhiệm xã hội chưa rõ ràng.
- Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nguồn tài chính hạn hẹp, công nghệ lạc hậu, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao nên việc chăm lo đảm bảo đời sống cho người lao động còn thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp chưa quan tâm đến trách nhiệm xã hội.
Từ thực trạng trên, để tăng cường khả năng cạnh tranh, uy tín, hình ảnh và thương hiệu cho các doanh nghiệp thủy sản thì cần phải thúc đẩy quá trình thực hiện KTTNXH trong doanh nghiệp, theo đó cần tập trung vào một số giải pháp sau:
- Về phía các cấp quản lý vĩ mô:
+ Nhà nước cần đưa ra thêm những chính sách, văn bản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bởi vì để thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp phải đầu tư khá lớn để cải thiện môi trường, phải phát sinh nhiều chi phí. Bên cạnh đó Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua những rào cản, khó khăn để có thể hội nhập ra bên ngoài.
+ Cần nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết hơn về việc sử dụng các công cụ quản lý trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các tài liệu hướng dẫn thực hiện kế toán trách hiệm xã hội. Hiện nay có nhiều công cụ quản lý trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như:
- Bộ tiêu chuẩn và công cụ quản lý về trách hiệm xã hội doanh nghiệp, ISO 26000 của tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO công bố chính thức vào năm 2008…
- Chuẩn mực kế toán phát triển bền vững của Hội đồng chuẩn mực kế toán phát triển bền vững Hoa Kỳ ban hành năm 2011.
- Tài liệu hướng dẫn báo cáo kế toán phát triển bền vững của Hiệp hội kế toán Cananda năm 2008...
- Công cụ Trible bottom line của John Elkington được công bố năm 1997
Mặc dầu tuy có nhiều công cụ và tài liệu hướng dẫn thực hiện trách nhiệm xã hội nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, không biết nên áp dụng theo bộ tiêu chuẩn nào của thế giới cho phù hợp với thực tế tại doanh nghiệp.
+ Cần tăng cường công tác khen thưởng, tôn vinh đối với những doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội., tạo hình ảnh tốt đẹp về doanh nghiệp, giúp góp phần xây dựng phát triển đất nước nhưng bên cạnh đó những doanh nghiệp không thực thi trách nhiệm xã hội thì cần có chế tài để đảm bảo công bằng, bình đẳng.
- Về phía Bộ Tài chính và Hội nghề nghiệp:
+ Cần tăng cường tuyên truyền, thông tin để các doanh nghiệp hiểu đúng bản chất của việc thực hiện KTTNXH. Ở đây, vai trò của các Hội nghề nghiệp rất lớn như hội xuất khẩu thủy sản, … trong việc tư vấn cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội
+ Cần nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thuộc thẩm quyền của Bộ và Hội nghề nghiệp dựa trên chính sách pháp lý của Nhà nước đưa ra về việc thực hiện KTTNXH, cần ban hành các chuẩn mực nghề nghiệp để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội.
+ Thường xuyên tổ chức các Hội thảo, hội nghị khoa học để bàn về chủ đề ” Kế toán trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp” nhằm ghi nhận những đóng góp từ Hội nghề nghiệp, từ phía doanh nghiệp, các chuyên gia trong ngành, các kế toán viên.
- Về phía doanh nghiệp:
+ Cần có chính sách đào tạo, huấn luyện đội ngũ, nâng cao trình độ kế toán viên, thay đổi nhận thức của người làm kế toán về vai trò của mình trong một doanh nghiệp. Nhân viên kế toán không chỉ là người ghi sổ, lập báo cáo tài chính mà còn là người tư vấn, tham gia vào quá trình xây dựng chiến lược, mục tiêu của đơn vị nữa.
+ Cần gắn liền kế toán trách nhiệm xã hội trong công tác kế toán quản trị doanh nghiệp, phát triển KTTNXH theo hướng kế toán quản trị nhằm giúp nhà quản trị thực hiện được mục tiêu của mình. Theo đó, KTTNXH cần phải đánh giá các nội dung như: đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nghiên cứu về kế toán quản trị môi trường, kế toán quản trị về thu nhập và chi phí xã hội…
+ Để thúc đẩy trách nhiệm xã hội thì trước hết doanh nghiệp cần phải tìm ra những điểm chưa phù hợp như quy định về giờ làm, ưu đãi lao động nữ, mua bảo hiểm cho tài sản và người lao động, hợp đồng và trả công cho người lao động đúng mức, ….từ đó có những điều chỉnh phù hợp hơn góp phần tăng cường kế toán trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định, chính sách liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
+ Cần thay đổi nhận thức, quan điểm của nhà quản trị về vai trò của kế toán trách nhiệm xã hội cũng như vai trò của kế toán quản trị nói chung, các nhà quản trị phải hiểu được thực hiện trách nhiệm xã hội là nhiệm vụ mang tính lâu dài nên cần định hướng đúng ngay từ bây giờ.
4. Kết luận
Trong điều kiện hội nhập như hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản cần tăng cường kế toán trách nhiệm xã hội. Khi DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thì ngoài việc có lợi cho doanh nghiệp, có thể đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng khác nhau bởi vì các nhà đầu tư, cổ đông, ngân hàng thì sẽ góp phần phát triển bền vững cho đất nước.Tại Việt Nam, việc thực hiện trách nhiệm xã hội là hoàn toàn phù hợp vì chúng ta đang gặp phải vấn nạn về môi trường, các hậu quả do doanh nghiệp hoạt động kinh doanh để lại. Vì vậy, các chủ thể kinh tế trong đó có doanh nghiệp phải có trách nhiệm để góp phần giải quyết, giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đất nước trong ngưỡng của hội nhập.
-----------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] PGS.TS Nguyễn Đình Tài, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: vấn đề đặt ra hôm nay và giải pháp
[2] TS. Huỳnh Đức Lộng, Những nghiên cứu về kế toán trách nhiệm xã hội, tạp chí Kế toán- kiểm toán số tháng 1/2016
[3] Bowen H. (1953), Social Responsibilities of Businessman, Newyork Haper Publishing.
[4] Brown & Dacin (1997), The Company and the Product: Corporate Associations and Consumer 5. Product Responses, Journal of Marketing, Vol. 61, No. 1 (Jan., 1997), pp. 68-84.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: