CHO VAY TÍN CHẤP – SẢN PHẨM MANG TÍNH ĐỘT PHÁ CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
Nhu cầu vay vốn tiêu dùng và bổ sung vốn kinh doanh của người dân ngày một tăng, nhất là vào dịp cuối năm, đây cũng là dịp để các ngân hàng thương mại đẩy mạnh sản phẩm dịch vụ tín dụng đến với người tiêu dùng. Các khoản vay tín chấp thường có giá trị nhỏ, cho nên thủ tục thường khá đơn giản, thời gian cho vay nhanh nên mặc dù lãi suất cho vay cao hơn khoản vay thông thường, sản phẩm cho vay tín chấp vẫn được khá nhiều khách hàng lựa chọn.
Thời gian qua, có thể dễ dàng nhận thấy các cán bộ công nhân viên đang công tác tại các cơ quan nhận được khá nhiều cuộc điện thoại tư vấn mời gọi hỗ trợ cho vay tín chấp với số tiền từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng với nội dung tư vấn thì điều kiện và thủ tục vay rất dễ dàng.
Đồng thời có thể dễ dàng nhận thấy, tại các nút giao thông lớn trên địa bàn thành phố, có rất nhiều tờ rơi, thư ngỏ về sản phẩm tín dụng tín chấp được gửi đến khách hàng của các ngân hàng, các công ty tài chính… Hiện có ba đối tượng được ngân hàng, công ty tài chính “săn lùng” là những người đi làm hưởng lương; đã mua bảo hiểm nhân thọ; hoặc có thẻ tín dụng. Tùy từng đối tượng, điều kiện thực tế của khách hàng, mức lãi suất ngân hàng đưa ra sẽ khác nhau. Điều kiện thu hút khách hàng tham gia là không cần tài sản đảm bảo thế chấp và hồ sơ giải ngân được hoàn thiện trong vòng 2 ngày.
Với mức thu nhập hàng tháng bình quân 7 triệu đồng/tháng trả qua tài khoản mở tại ngân hàng, các cán bộ công nhân viên chức có thể làm thủ tục xin vay vốn nhanh chóng và được hoàn tất trong thời gian rất ngắn với lãi suất 1,5%/tháng trong thời hạn 36 tháng tại các công ty tài chính.
Công tác tiếp thị cho vay tín chấp đang được các công ty tài chính, ngân hàng truyền tải thông tin đến khách hàng qua nhiều kênh tiếp cận: quảng cáo trên Web, phát tờ rơi, qua điện thoại … Trên thực tế, hình thức vay tín chấp bằng lương đang là lựa chọn của rất nhiều khách hàng bởi thủ tục và điều kiện dễ dàng được đáp ứng. Chỉ cần có thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng trở lên, có hộ khẩu hay KT3 là khách hàng đáp ứng đủ nhu cầu. Nhiều ngân hàng đang triển khai mạnh dịch vụ cho vay tín chấp theo lương như VPBank, Sacombank, ACB… hay các tổ chức tài chính như Prudential Finance…
Thị phần triển khai sản phẩm cho vay tín chấp của các ngân hàng đang có nhiều lợi thế hơn so với các công ty tài chính, mà cụ thể ở đây là lãi suất có phần thấp hơn với điều kiện, thủ tục vay vốn cũng tương đối dễ dàng hơn. Điều này có thể giải thích, ngân hàng huy động được nguồn tiền gửi để cho vay, trong khi đó, công ty tài chính không có sản phẩm huy động gửi tiết kiệm từ khách hàng hàng. Mức lãi suất mà các ngân hàng cho vay tín chấp hiện dao động từ 1,1% đến 1,5%/tháng, trong khi mức lãi suất cho vay của các công ty tài chính khoảng 1,4% – 2%/tháng. Đặc điểm chung của các khoản cho vay tín chấp là khoản cho vay tín chấp thường dao động từ 10 triệu đồng đến 500 triệu đồng và thời hạn cho vay linh hoạt từ 12 tháng đến 60 tháng, thủ tục nhanh gọn, đây thực sự là khoản hỗ trợ kịp thời trong điều kiện khó khăn về vốn như hiện nay.
Mức lãi suất của sản phẩm cho vay tín chấp hiện cao hơn mức lãi suất cho vay thông thường (cho vay có tài sản đảm bảo), điều này cũng dễ hiểu bởi vì vay tín chấp không cần phải có tài sản đảm bảo nên mức độ rủi ro cũng cao hơn. Khách hàng vay vốn chủ yếu phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu. Trong khi nền kinh tế khó khăn, rủi ro trong việc khách hàng không có mức thu nhập ổn định thời gian dài là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, điều kiện vay và thời gian nhanh chóng giúp giải quyết được công việc tức thời. Nếu so với việc đi vay nóng ngoài chợ đen thì thực sự vay tín chấp là giải pháp tốt hơn.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, sàn lãi suất cho vay đang ở mức khá thấp, các ngân hàng chịu sức ép cạnh tranh lớn vì tăng trưởng tín dụng đang không đạt như kỳ vọng. Ngân hàng nào cũng muốn đẩy mạnh cho vay nên đưa ra mức lãi suất khá cạnh tranh. Vì vậy, với người có nhu cầu vay vốn kinh doanh, mua sắm hay tiêu dùng dịp cuối năm thì vay tín chấp đang là sự lựa chọn thích hợp.
Đối với hệ khách hàng là các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn, đây là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nguồn vốn thấp, là đối tượng để tín dụng đen đánh vào với lãi suất rất cao vì nắm bắt được tâm lý cần vốn mua hàng hóa, vật tư của các hộ kinh doanh để phục vụ cho việc kinh doanh. Các hộ kinh doanh cá thể rất muốn vay vốn ngân hàng nhưng kẹt nỗi rất khó tiếp cận, những người may mắn tiếp cận được cũng chỉ vay số vốn nhỏ chưa đủ để đầu tư kinh doanh.
Các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính thời gian vừa qua đã liên tiếp đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi tín chấp để phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể. Với mức lãi suất cho vay tín chấp ngắn hạn tương đối ưu đãi đã nhận được sự ủng hộ rất đáng kể của hệ khách hàng này.
Mức vay số tiền lớn, với lãi suất ưu đãi, cộng với thời gian vay phù hợp với chu kỳ kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể, thời gian quay vòng vốn của hộ kinh doanh nên từ đó tạo ra tâm lý thoải mái, yên tâm trong việc kinh doanh. Không còn phải lo lắng như khi vay vốn với lãi suất cắt cổ từ tín dụng đen.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố, hầu hết các ngân hàng thương mại đều quan tâm đến cho vay tiêu dùng và cho vay hộ kinh doanh cá thể tín chấp. Thậm chí, có những NH cổ phần chọn sản phẩm này làm chiến lược phát triển lâu dài.
Trái với quan điểm cho vay tín chấp manh mún, tốn chi phí và nhiều rủi ro, một số ngân hàng thương mại quan điểm rằng, cho vay tín chấp tiêu dùng và sản xuất kinh doanh món nhỏ, phân tán rủi ro nên nếu mất cũng mất rất ít. Trong khi đó, lãi suất thực tế vẫn còn cao hơn cho vay một số DN lớn ở thành phố. Vì thế, tính đầy đủ chi phí, các ngân hàng thương mại vẫn có lãi. Cả hai bên, ngân hàng và khách hàng đều có lợi. Vì thế, sẽ ngày càng có nhiều ngân hàng thương mại triển khai chương trình tín dụng tương tự đối với vay tín chấp.
Trong khi đó, từ kinh nghiệm thực tế cho vay tín chấp của ngân hàng cho thấy, các cán bộ công nhân viên vay vốn rất tôn trọng chữ tín vì mình và cộng đồng; quý trọng đồng vốn nên tỷ lệ nợ xấu thấp. Dù có nhiều rủi do khiến nợ xấu dễ phát sinh nhưng nguy cơ mất vốn lại thấp hơn nhiều lĩnh vực khác vì món vay nhỏ và phân tán.
Để tăng cường vốn vào vào sản phẩn cho vay tín chấp, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng và cả khách hàng vay vốn thì một điều quan trọng được nhiều chuyên gia lưu ý là cần phải xây dựng các chính sách bảo hiểm đồng bộ cho khách hàng và cho ngân hàng.
Theo đó, bên bảo hiểm sẽ nhận bảo hiểm lãi suất tiền vay, đồng thời thay mặt khách hàng vay vốn thanh toán toàn bộ khoản dư nợ lãi vay trong trường hợp khó khăn liên quan đến ốm đau, hoạn nạn khách quan.
Theo nhiều chuyên gia, nếu không có bảo hiểm, NH phải chịu thiệt gấp đôi vì NH phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Thay vì việc đó, ta cần có cơ chế bảo hiểm. Nếu vốn ít NH bảo hiểm lãi suất, nếu nhiều có thể bảo hiểm cả rủi ro.
Cơ chế bảo hiểm lãi suất cho khoản vay mới chỉ là một sự hé mở và chưa bao trùm được giá trị lớn nhất là toàn bộ khoản vay, gồm cả phần gốc. Người ta kỳ vọng là sẽ có bảo hiểm cho cả khoản vay. Nhưng điều này chỉ riêng một NH khó làm được, phải có chỉ đạo cấp nhà nước, tạo thành chuỗi trong đó bảo hiểm là một khâu quan trọng. Tuy nhiên, ý nghĩa của bảo hiểm lãi suất là một chính sách mồi, tạo một chỗ dựa và kích thích người dân vay vốn, NH cũng có thêm điều kiện để đẩy mạnh cho vay.
Ths. Mai Thị Quỳnh Như
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: