HỘI NHẬP TRONG LĨNH VỰC DỊCH VỤ KIỂM TOÁN CỦA VIỆT NAM – THỰC TRẠNG VÀ THÁCH THỨC KHI GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN (AEC)
Gần 20 năm kể từ ngày gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEAN (28/07/1995), Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia giữ vai trò quan trọng và có tiếng nói uy tín trong khu vực cũng như trên thế giới. Đây cũng chính là kết quả của quá trình mở cửa, tiến hành hội nhập trên nhiều phương diện của Việt Nam nói chung và các dịch vụ nói riêng, trong đó có dịch vụ kiểm toán.
Nội dung bài viết này nhằm đưa ra những tổng kết mang tính khái quát về những thay đổi của dịch vụ kiểm toán tại Việt Nam, đánh giá thực trạng của quá trình hội nhập dịch vụ này thời gian qua đồng thời nêu ra các thách thức cơ bản mà Việt Nam phải đối mặt trong tiến trình gia nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong thời gian sắp đến. Trên cơ sở đó tác giả cũng đưa ra một số các đề xuất và kiến nghị phù hợp để thúc đẩy quá trình hội nhập dịch vụ này tại Việt Nam trong tương lai.
Từ khóa : hội nhập, dịch vụ kiểm toán, cộng đồng kinh tế ASEAN
Từ trước cho đến nay vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế đối với dịch vụ kiểm toán tại các quốc gia nói chung và ở các nước đang phát triển như Việt Nam nói riêng đã được nhiều tác giả thực hiện và công bố trên nhiều công trình nghiên cứu. Nghiên cứu sớm nhất được công bố là của tác giả Hugh A.Adams và Đỗ (2005) khi đề cập đến vấn đề Hội nhập với các nguyên tắc kế toán và kiểm toán quốc tế của Việt Nam giai đoạn trước năm 2005. Các nghiên cứu tiếp theo của các tác giả Trần (2008), Hà (2008), Nguyễn (2014)…cũng được thực hiện trên nền tảng phương pháp nghiên cứu định tính để đánh giá thực trạng vấn đề hội nhập trong dịch vụ kế toán và kiểm toán từ sau năm 2005 cho đến nay. Tuy nhiên với sự thay đổi mạnh mẽ của hệ thống các chuẩn mực, các nguyên tắc được thừa nhận trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính…trên phạm vi quốc tế và khu vực trong những năm vừa qua thì vấn đề hội nhập trong tất cả các dịch vụ này nói chung và dịch vụ kiểm toán nói riêng luôn luôn có tính cấp thiết và dành được sự quan tâm của nhiều đối tượng. Với những lý do đó thông qua phương pháp nghiên cứu định tính trên cơ sở các dữ liệu thu thập được, mục tiêu trọng tâm của bài viết đó là việc đánh giá lại thực trạng của quá trình hội nhập dịch vụ kiểm toán của Việt Nam những năm qua, phân tích những thách thức cơ bản của dịch vụ kiểm toán khi Việt Nam gia nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) . Nội dung bài viết bao gồm 3 phần : (1) Thực trạng hội nhập của dịch vụ kiểm toán của Việt Nam trong thời gian qua; (2) Những thách thức cơ bản của dịch vụ kiểm toán Việt Nam khi gia nhập AEC; (3) Một số các kiến nghị và đề xuất.
Thực trạng hội nhập của dịch vụ kiểm toán Việt Nam những năm qua
Trong quá trình phát triển của mình, Việt Nam đã nhận thức rõ việc phải chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm gắn kết nền kinh tế và thị trường trong nước với nền kinh tế khu vực và thế giới. Đây là một xu thế hoàn toàn tất yếu và mang ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của quốc gia. Quá trình hội nhập này được thực hiện thông qua các nỗ lực tự do hóa và mở cửa các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực về thương mại dịch vụ, đặc biệt là thị trường dịch vụ kiểm toán
Kể từ năm 1991, Việt Nam đã tiến hành mở cửa và hội nhập trong lĩnh vực kiểm toán với khu vực và thế giới. Thực trạng này về cơ bản được thể hiện thông qua những điểm chính như sau :
(1) Việt Nam thực hiện việc ký kết và tuân thủ theo các quy định, cam kết về dịch vụ kiểm toán theo hướng phù hợp với quy định chung và thông lệ của các nước trong khu vực và trên thế giới
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tiến hành việc ký kết các văn kiện và cam kết quan trọng về dịch vụ kiểm toán, đặc biệt là Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA), Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của tổ chức thương mại thế giới WTO (GATS). Trong 04 phương thức cung cấp dịch vụ nói chung và dịch vụ kiểm toán nói riêng (Cung cấp dịch vụ qua biên giới; Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài; Hiện diện thương mại và Hiện diện thể nhân) thì Việt Nam đã thực hiện cam kết 3 trong số 4 phương thức. Theo đó Việt Nam đã cho phép:
(a) Việc một công ty kiểm toán Việt Nam cung cấp dịch vụ kiểm toán cho một chi nhánh của một doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
(b) Một công ty Việt Nam có chi nhánh hoạt động tại nước ngoài có thể yêu cầu một công ty kiểm toán nước ngoài kiểm toán các BCTC của chi nhánh đó. Báo cáo kiểm toán này sẽ có pháp lý tại Việt Nam trên cơ sở Việt Nam cam kết không hạn chế đối với phương thức cung cấp dịch vụ này. Ngược lại, Việt Nam cũng đồng ý cho phép các công ty kiểm toán Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ cho các công ty của các nước khác thuộc thành viên của WTO, ASEAN hay Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam.
(c) Các nhà cung cấp dịch vụ kiểm toán nước ngoài được mở chi nhánh hoặc một cơ sở kinh doanh tại Việt Nam nhằm theo đuổi chiến lược phát triển quốc tế của mình. Tiêu biểu là các công ty kiểm toán thuộc nhóm Big Four đều có mặt hoạt động tại thị trường Việt Nam từ những năm 1991,1992 dưới hình thức thành lập các công ty TNHH 100% vốn nước ngoài theo Luật đầu tư của Việt Nam. Các hội nghề nghiệp như Hội kế toán công chứng Anh (ACCA), Hội kế toán công chứng Australia (CPA Australia)...cũng được phép mở các văn phòng đại diện tại Việt Nam trong những năm qua.
Phương thức mà Việt Nam chưa cam kết đó là Hiện diện thể nhân thông qua việc cho phép các chuyên gia kế toán, kiểm toán viên...của các nước khác đến cung cấp dịch vụ kiểm toán tại Việt Nam mặc dù Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cảnh, lưu trú của các thể nhân đi kèm khi thực hiện phương thức Hiện diện thương mại nói trên.
(2) Việt Nam đã có những thay đổi và hoàn thiện các chính sách pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán
Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản về kiểm toán và về cơ bản đã hình thành, tạo lập được một khung pháp lý phù hợp, đầy đủ đáp ứng yêu cầu quản lý dịch vụ kiểm toán của nhà nước và hội nghề nghiệp. Đồng thời đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Việt Nam thực hiện tốt các cam kết trong khuôn khổ các cam kết đã ký với các tổ chức nêu trên.
Hiện tại Việt Nam đang có hệ thống các văn bản như Luật kiểm toán, hệ thống 45 chuẩn mực ngề nghiệp cùng nhiều văn bản dưới dạng nghị định của chính phủ, quyết định, thông tư của Bộ Tài chính...quy định và hướng dẫn công tác kiểm toán. Các văn bản pháp luật này được điều chỉnh, cập nhật và thay đổi khá nhiều lần trong thời gian vừa qua trên cơ sở việc áp dụng hài hòa các quy định của những nguyên tắc kiểm toán chung được thừa nhận, hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế.
(3) Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách trong nỗ lực mở rộng và tự do hóa thị trường kiểm toán
Quá trình tự do hóa thị trường dịch vụ nói chung và thị trường dịch vụ kiểm toán nói riêng là biểu hiện rõ nét của quá trình mở cửa hội nhập, chính vì vậy trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự nỗ lực trong việc đa dạng hóa hình thức sở hữu của các doanh nghiệp kiểm toán từ chỗ chỉ cho phép các công ty kiểm toán thuộc sở hữu Nhà nước, các công ty kiểm toán có vốn nước ngoài hoạt động (Nghị định 07/NĐ-CP năm 1994) cho đến nay các công ty kiểm toán có thể hoạt động dưới nhiều hình thức sở hữu như các công ty TNHH, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân. Bộ tài chính và Hội nghề nghiệp khuyến khích việc các công ty kiểm toán trong nước nỗ lực đáp ứng đúng và đầy đủ các tiêu chuẩn để trở thành thành viên chính thức của các hãng kiểm toán quốc tế có uy tín trên thế giới và khu vực.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng đã chú trọng việc thành lập và hoạt động các Hội nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán (VAA, VACPA); thực hiện nhiều nỗ lực trong việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ kiểm toán, tự do hóa việc cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ; nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm toán, các nhà quản lý trong lĩnh vực kiểm toán; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ; thừa nhận các chứng chỉ, bằng cấp đào tạo của các hội nghề nghiệp có uy tín trên thế giới cũng như trong khu vực.
Mặc dù những vấn đề trình bày ở trên đã cho sự nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập dịch vụ kiểm toán với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong những năm vừa qua nhưng trong quá trình thực hiện Việt Nam phải đối mặt với những thách thức nhất định đặc biệt đặt trong bối cảnh gia nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
Những thách thức cơ bản của dịch vụ kiểm toán Việt Nam khi gia nhập AEC
AEC là mô hình liên kết kinh tế khu vực dựa trên nâng cao những cơ chế liên kết kinh tế hiện có của ASEAN và là một trong 3 trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020. Mục đích của AEC là tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua hội nhập nhanh hơntrong các lĩnh vực trong đó có dịch vụ kiểm toán, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của ASEAN, trong đó nhấn mạnh việc tự do di chuyển lao động và tự do di chuyển vốn giữa các nước trong khu vực.
Như vậy, với tiến trình này về cơ bản Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong đó đáng kể nhất là một số những vấn đề như sau :
(1)Quy mô và năng lực cạnh tranh của các công ty kiểm toán Việt Nam hiện nay còn yếu, đội ngũ kiểm toán viên còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng so với các yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế.
Trong những năm vừa qua, trong thị trường kiểm toán Việt Nam ngoại trừ các công ty kiểm toán có vốn đầu tư nước ngoài thì phần lớn các công ty kiểm toán Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ, năng lực về tài chính luôn luôn bị giới hạn nên thị phần cung cấp dịch vụ chủ yếu giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Các công ty kiểm toán phần lớn chưa đáp ứng đủ tiềm lực về tài chính và nhân lực để cung cấp các dịch vụ vượt phạm vi biên giới. Đội ngũ Kiểm toán viên chuyên nghiệp đạt trình độ quốc tế còn rất thiếu, hoạt động của các công ty kiểm toán còn thiếu tính định hướng chiến lược về thị trường, sự am hiểu văn hóa đa quốc gia trong phạm vi các nước khu vực ASEAN nói riêng và quốc tế nói chung còn nhiều hạn chế.
(2) Nhận thức về tầm quan trọng và vai trò của việc dịch vụ kiểm toán trong các nhà quản lý doanh nghiệp và công chúng ở thị trường trong nước còn chưa cao
Trên thực tế hiện nay, qua nhiều công trình nghiên cứu các tác giả như Trần (2008), Hà (2008) cho rằng nhiều công ty và một bộ phận công chúng ở thị trường trong nước ở Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ sâu sắc được vai trò của dịch vụ kiểm toán trong chiến lược phát triển lâu dài của đơn vị. Số lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ kiểm toán phần lớn thuộc diện đối tượng bắt buộc theo quy định của pháp luật. Ví dụ như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình cổ phần hóa, ngân hàng, tổ chức tín dụng, bảo hiểm...Những công ty tự nguyện sử dụng các dịch vụ kiểm toán để phục vụ các yêu cầu công khai, minh bạch về tình hình tài chính trong quản lý còn chiếm tỷ lệ ít. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến thị phần và công tác nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty kiểm toán trong thị trường.
(3) Cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán còn nhiều hạn chế và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Nhiều nghiên cứu của các tác giả như Hà (2008), Nguyễn (2014), Đinh (2014)...đã chỉ rõ là trong thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong công tác xây dựng pháp luật nhưng hệ thống các văn bản pháp luật về dịch vụ kiểm toán của Việt Nam vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu tính ổn định và chưa phù hợp hoàn toàn với các cam kết quốc tế. Ví dụ các chuẩn mực kế toán còn lạc hâu và chưa cập nhật so với các thông lệ và chuẩn mực kế toán quốc tế; hệ thống các chuẩn mực kiểm toán ban hành còn thiếu; việc thực hiện cam kết về sự hiện diện của thể nhân chưa được quy định rõ ràng, chi tiết...
Một số các kiến nghị và kết luận
Trên cơ sở phân tích tiến trình thực trạng và nêu ra một vài điểm hạn chế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tăng cường hội nhập trong AEC nói riêng của dịch vụ kiểm toán Việt Nam, tác giả đưa ra một số các giải pháp như sau :
(1) Việt Nam nên sớm ban hành các quy định ưu đãi liên quan đến phương thức Hiện diện thể nhân như các quy định về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú và cấp phép đối với các chuyên gia kế toán, kiểm toán cung cấp dịch vụ kiểm toán trong phạm vi khu vực ASEAN. Tiến hành việc đối chiếu, ban hành bổ sung hệ thống các văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán theo hướng hài hòa với các quy định của GATS, chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA).
(2) Xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển đội ngũ Kiểm toán viên đạt chuẩn trình độ khu vực và thế giới thông qua việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán uy tín trên thế giới như ACCA, CPA Australia, SAA…thực hiện quá trình đào tạo các chứng chỉ và bằng cấp chuyên nghiệp. Tăng cường việc thỏa thuận, hợp tác đàm phán giữa các cấp Chính phủ các nước trong khối ASEAN về đào tạo, giáo dục; tiến đến việc công nhận và chuẩn hóa các bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề lẫn nhau.
(3) Chú trọng đầu tư xây dựng thị trường vốn, tăng cường công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, công chúng trong thị trường về tầm quan trọng của dịch vụ kiểm toán. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty kiểm toán trong nước bằng cách tái cơ cấu, sáp nhập đối với các công ty có quy mô nhỏ.
Tóm lại, phạm vi bài viết này trao đổi một số vấn đề cơ bản liên quan đến thực trạng và những thách thức trong quá trình hội nhập của dịch vụ kiểm toán Việt Nam, đặc biệt đặt trong bối cảnh gia nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Để đẩy nhanh hơn nữa quá trình hội nhập khi gia nhập vào AEC, Việt Nam cần thiết phải thực hiện đầy đủ các cam kết về cung cấp dịch vụ kiểm toán theo thông lệ chung của thế giới, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nhân lực kiểm toán trên cơ sở thay đổi nhận thức của các đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán trong thị trường.
----------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
Trần, T. K. A (2008), Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán-Thực trạng và giải pháp (trang 82-93)
Hugh A.Adams và Đỗ, T. L (2005), Hội nhập với các nguyên tắc kế toán và kiểm toán quốc tế, NXB Chính trị quốc gia Việt Nam.
Bộ Tài Chính (2009-2014), Báo cáo tình hình hoạt động của các công ty kiểm toán độc lập năm 2008 và phương hướng hoạt động năm 2009 đến năm 2014.
Đinh, T. T (2014), Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán Việt Nam, Tạp chí tài chính Việt Nam, 3(1), 20-25. Tham khảo nguồn từ : http://www.tapchitaichinh.vn/Dien-dan-khoa-hoc/Hoi-nhap-quoc-te-trong-linh-vuc-ke-toan-kiem-toan-cua-Viet-Nam/47590.tctc
Hà, T. N. H (2008), Hệ thống kế toán và kiểm toán Việt Nam đã phù hợp với thông lệ quốc tế. Tham khảo nguồn từ :https://luattaichinh.wordpress.com/2008/11/24/h%E1%BB%87-th%E1%BB%91ng-k%E1%BA%BF-toan-ki%E1%BB%83m-toan-vi%E1%BB%87t-nam-da-phu-h%E1%BB%A3p-v%E1%BB%9Bi-thong-l%E1%BB%87-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/
Nguyễn, T. T (2014), Những giải pháp hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán-kiểm toán ở Việt Nam. Tham khảo nguồn từ : http://www.vacpa.org.vn/index.php?o=modules&n=forum&f=forum_detail&idforum=787&page=2
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: