GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ KIỂM TOÁN MÔI TRƯỜNG
Kiểm toán môi trường được xuất hiện tại lĩnh vực công nghiệp của Hoa Kỳ vào thập kỷ 70 của thế kỷ 21 dưới dạng kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Các luật bảo vệ không khí và nước ngày càng trở nên khắt khe hơn; và các tổ chức thương mại phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại đối với môi trường do việc thải và xả các hoá chất độc hại xuống biển và bầu khí quyển. Kết quả là việc giải trình các vấn đề về môi trường được coi là một nội dung quan trọng trong báo cáo của các tổ chức và công ty. Xu hướng này được lan tỏa đến một số quốc gia khác nơi các tổ chức đa quốc gia của Hoa Kỳ đặt chi nhánh bởi theo luật định thì các công ty con phải áp dụng cùng các nguyên tắc với công ty mẹ. Bài viết này có nội dung giới thiệu những vấn đề tổng quan cơ bản liên quan đến kiểm toán môi trường trong đó chú trọng đến khái niệm, phân loại, đặc điểm và quy trình thực hiện.
Về mặt khái niệm kiểm toán môi trường
Trong thời gian vừa qua thì khái niệm về loại hình kiểm toán này được nhiều công ty, tổ chức tự nguyện áp dụng bởi đối với họ kiểm toán môi trường được coi là một công cụ chính để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường và danh tiếng của chính công ty. Tuy nhiên trong giai đoạn khởi đầu, việc báo cáo về môi trường được đặt nền móng bởi một số tổ chức như Hiệp hội Kế toán công chứng của Anh (ACCA) và Nhóm soạn thảo chuẩn mực quốc tế về Kế toán và Báo cáo của Liên hợp quốc (ISAR). Tại châu Âu nơi mà các luật về môi trường không quá nghiêm khắc như ở Mỹ, các cuộc kiểm toán môi trường được sử dụng để đánh giá mức độ “Xanh” của các công ty. Một số doanh nghiệp như Body Shop đã thể hiện vị thế của mình trên thị trường bởi hình ảnh “Xanh” của họ hay một số công ty sản xuất bột giặt có giá bán cao hơn các sản phẩm cùng loại do đã sử dụng các chất tẩy sinh học, ít tác động đến môi trường hay bởi những cam kết tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường…
Phòng Thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce) đưa ra định nghĩa: “Kiểm toán môi trường là một công cụ quản lý gồm nhiều quá trình từ hệ thống hoá, lập hồ sơ tài liệu, thực hiện và đánh giá mục tiêu, kiểm toán môi trường cho thấy rõ thực trạng của các tổ chức môi trường – công tác quản lý, điều hành và các thiết bị có được vận hành nhằm mục đích:
- Ngăn ngừa và giảm thiểu rác thải;
- Đánh giá sự tuân thủ các quy định hiện hành;
- Giám sát các hoạt động môi trường của các công ty;
- Cung cấp các thông tin về môi trường cho công chúng”.
Khái niệm “Kiểm toán môi trường” có tính chất thương mại nêu trên được phát triển rộng hơn và ngày nay đã trở thành một công cụ xúc tiến việc quản lý hiệu quả đối với môi trường. Các cuộc kiểm toán môi trường trong khu vực tư nhân liên quan đến việc phân tích các yếu tố đầu vào và kết quả đầu ra của doanh nghiệp và cho biết ảnh hưởng đối với môi trường của những nguyên vật liệu sản xuất được sử dụng và sản phẩm tạo ra từ chúng, tác động của những sản phẩm và chất thải do các quá trình sản xuất và quản lý của doanh nghiệp tạo ra.
Năm 1989, lần đầu tiên Kiểm toán môi trường được triển khai trong khu vực công tại Hoa Kỳ sau khi Tổ chức Friend of the Earth (Bạn của Trài đất) cho phát hành ấn phẩm “Điều lệ Môi trường đối với chính quyền địa phương”. Năm 1994, Anh ban hành Hệ thống quản lý môi trường của Anh; Tiếp đó Anh, Ireland, Tây Ban Nha và Canada là những quốc gia tạo khung để soạn thảo các chuẩn mực quốc tế về hệ thống quản lý môi trường; Năm 1993, Liên minh châu Âu bắt tay vào soạn thảo khung quản lý công nghệ và kiểm toán môi trường. Các văn bản pháp lý (khung) nêu trên đều hướng đến mục tiêu là thừa nhận những nỗ lực nhằm nâng cao công tác quản lý môi trường, làm rõ sự cần thiết phải không ngừng cải thiện môi trường. Các cuộc kiểm toán môi trường đối với các doanh nghiệp, các công ty đa quốc gia được coi là trọng tâm của những khung pháp lý trên và đòi hỏi phải thực hiện một cách thường xuyên. Và như vậy, kiểm toán môi trường được thừa nhận và triển khai một cách ngày càng sâu rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Từ góc độ của ngoại kiểm, tức hoạt động của cơ quan KTTC, kiểm toán môi trường không phải là một loại hình kiểm toán. Kiểm toán môi trường được coi là một nội dung kiểm toán và được thực hiện bằng những kỹ thuật, phương pháp kiểm toán không khác với những phương pháp và kỹ thuật kiểm toán mà hiện nay các cơ quan KTTC đang áp dụng; Nó bao gồm tất cả các loại hình kiểm toán là kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động. Đối với các cơ quan KTTC, trọng tâm kiểm toán có thể là việc trình bày các tài sản và nghĩa vụ môi trường, là việc tuân thủ pháp luật về môi trường và các công ước về môi trường (trên cả hai bình diện là quốc gia và quốc tế), và cũng có thể là các biện pháp mà đơn vị được kiểm toán đã xây dựng và vận hành nhằm tăng cường tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong lĩnh vực môi trường.
Về phân loại kiểm toán môi trường
Với cách tiếp cận kiểm toán môi trường là một nội dung kiểm toán mà không phải là một loại hình kiểm toán, có thể phân loại kiểm toán môi trường như sau:
- Căn cứ vào chủ thể kiểm toán: Kiểm toán nội bộ và kiểm toán từ bên ngoài (ngoại kiểm)
- Căn cứ vào chức năng kiểm toán: Kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động
- Căn cứ vào thời điểm kiểm toán: Tiền kiểm, Hậu kiểm và Kiểm toán trong quá trình thực hiện
- Căn cứ vào đối tượng kiểm toán (lĩnh vực/ ngành/nghề):
+ Kiểm toán không khí;
+ Kiểm toán nước, rác thải;
+ Kiểm toán năng lượng;
+ Kiểm toán tài nguyên thiên nhiên;
+ Kiểm toán hệ thống sinh thái;
+ Kiểm toán các hoạt động của con người và các ngành.
Về mục tiêu kiểm toán môi trường
Mục tiêu chung (mục đích) của kiểm toán môi trường là nhằm cải thiện môi trường và cải thiện hoạt động của Chính phủ và các công cụ chính sách về môi trường.
Các mục tiêu cụ thể trong kiểm toán môi trường được xác định theo loại hình kiểm toán như sau:
a. Mục tiêu của kiểm toán quy tắc: (trong kiểm toán môi trường, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán báo cáo tài chính thường được lồng ghép với nhau và gọi là kiểm toán quy tắc – regularity audit)
- Kiểm tra việc tuân thủ pháp luật (hiệp định/công ước quốc tế về môi trường và các luật, các quy định của quốc gia về bảo vệ môi trường);
- Kiểm tra và xác nhận các báo cáo tài chính, các khoản kinh phí cho hoạt động môi trường.
b. Mục tiêu của kiểm toán hoạt động:
- Đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực của các chương trình/dự án môi trường của Chính phủ;
- Đánh giá các chính sách và chương trình môi trường;
- Đánh giá hệ thống quản lý môi trường;
- Đánh giá tác động môi trường của các chương trình/dự án phi môi trường của Chính phủ.
Về đối tượng/Nội dung kiểm toán môi trường
Đối tượng của kiểm toán môi trường rất đa dạng, bao gồm nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đối tượng kiểm toán môi trường thành được chia thành các nhóm sau:
- Nước uống : chất lượng và nguồn cung cấp
- Thay đổi khí hậu
- Rừng và tài nguyên gỗ
- Đa dạng hóa sinh vật
- Khoáng sản như khai khoáng, dầu và khí thiên nhiên
- Nông nghiệp
- Rác thải sinh hoạt, rác thải cứng và không gây độc hại
- Các khu vực được bảo vệ và các công viên thiên nhiên
- Xử lý nước thải
Về quy trình kiểm toán môi trường
Quy trình kiểm toán là trình tự, thủ tục tiến hành các công việc của mỗi cuộc kiểm toán. Quy trình kiểm toán được xây dựng trên cơ sở của luật về cơ quan KTTC, hệ thống chuẩn mực kiểm toán và thực tiễn hoạt động kiểm toán.
Thông thường, một quy trình kiểm toán chung đối với các yếu tố có liên quan đến môi trường gồm 3 giai đoạn chính: thu thập thông tin (chuẩn bị kiểm toán); phân tích và đánh giá các thông tin thu thập được (thực hiện kiểm toán); và đưa ra các kết luận, kiến nghị kiểm toán và xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán (lập báo cáo kiểm toán). Tuy nhiên cũng có một cách tiếp cận khác, theo đó quy trình kiểm toán được chia thành 4 giai đoạn; và giai đoạn 4 là giai đoạn theo dõi việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán môi trường.
a. Giai đoạn chuẩn bị kiểm toán
Các hoạt động trong bước này bao gồm các công việc chuẩn bị như: lựa chọn đơn vị được kiểm toán, thu thập các thông tin ban đầu (dưới dạng bảng câu hỏi – Questionaire).
Các thông tin ban đầu được phân tích, đánh giá để xác định mục tiêu, quy mô, trọng tâm kiểm toán, đánh giá rủi ro kiểm toán; từ đó xác định nhân sự và các nguồn lực cần thiết cho cuộc kiểm toán cũng như lập kế hoạch kiểm toán chi tiết đến từng kiểm toán viên. Căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng cuộc kiểm toán, khi cần thiết kế hoạch kiểm toán phải bao gồm các nội dung như phối hợp với các cơ quan bảo vệ môi trường (trung ương/ địa phương) và các phòng thí nghiệm.
b. Giai đoạn thực hiện kiểm toán
Những công việc trong giai đoạn này bao gồm việc kiểm tra thực tế các thiết bị, máy móc, quy trình…; Đánh giá chất lượng môi trường; Trao đổi với cá nhân có liên quan… nhằm mục đích hiểu được các cơ chế hoạt động khác nhau của đơn vị. Sau khi có được những thông tin và dữ liệu cần thiết, kiểm toán viên phải tiến hành khảo sát có được sự hiểu biết về đơn vị và các quá trình hoạt động của nó và nắm bắt được những tác động của các hoạt động đó đối với môi trường xung quanh; đồng thời tiến hành các kỹ thuật kiểm toán phù hợp như chọn mẫu, phân tích, so sánh, quan sát trực quan… để có được những phát hiện kiểm toán sát thực, khách quan làm căn cứ đưa ra những kết luận, ý kiến kiểm toán dưới dạng “Dự thảo báo cáo kiểm toán”. Các thông tin, số liệu thu thập được phải được phân loại, lưu trữ và đánh giá; các phát hiện kiểm toán phải được đưa ra dựa trên những bằng chứng thu thập được; một số phát hiện kiểm toán cần được phân tích và đánh giá trong phòng thí nghiệm trước khi đưa vào biên bản/ báo cáo kiểm toán.
Dự thảo báo cáo kiểm toán phải được gửi cho lãnh đạo đơn vị được kiểm toán và những vấn đề trọng yếu phải được thảo luận trực tiếp giữa kiểm toán viên và lãnh đạo của đơn vị để có ý kiến bằng văn bản về những vấn đề đó. Việc lãnh đạo đơn vị được kiểm toán tham gia vào quá trình soạn thảo báo cáo kiểm toán và đưa ra ý kiến của mình đối với các bằng chứng và kiến nghị kiểm toán sẽ làm tăng giá trị của cuộc kiểm toán.
c. Giai đoạn lập báo cáo kiểm toán
Sau khi kết thúc việc thực hiện kiểm toán, việc lập báo cáo kiểm toán được tiến hành với những hoạt động sau:
- Hoàn thiện báo cáo kiểm toán;
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán.
-----------------------
Tài liệu tham khảo
Đỗ Thị Ánh Tuyết, Kiểm toán môi trường tại Việt Nam, luận án Tiến sĩ, 2014.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: