VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG CỦA CƠ QUAN KIỂM TOÁN TRONG CÔNG TÁC KIỂM TOÁN MÔI TRƯỜNG
Kiểm toán môi trường là khái niệm đã xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây. Bài viết này đi vào giới thiệu vai trò và chức năng của cơ quan Kiểm toán nhà nước nói chung tại các quốc gia đối với loại hình kiểm toán này.
Vai trò của của các cơ quan Kiểm toán tối cao trong kiểm toán môi trường
Kể từ khi kiểm toán môi trường và phát triển bền vững được thừa nhận tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững (WSSD) năm 2002, nhiều cơ quan KTTC đã chú trọng đến việc triển khai KTMT nhằm giải quyết những vấn đề về môi trường. Hoạt động kiểm toán môi trường đã phát huy tác dụng to lớn trong việc giúp chính phủ các quốc gia thực hiện hoá các mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết được mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, hài hoà được các mục tiêu kinh tế và các mục tiêu xã hội. Vai trò của các cơ quan KTTC được thể hiện như sau :
- Thứ nhất Kiểm toán môi trường hỗ trợ việc tạo lập và thực thi Chiến lược phát triển bền vững của quốc gia
Dựa trên những đề xuất cho Thế kỳ 21 do UNCED ban hành trong năm 1992, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng cho mình các chiến lược phát triển bền vững. Thực tiễn hoạt động kiểm toán môi trường cho thấy các cơ quan KTTC đã có những đóng góp tích cực trong việc thiết lập và thực hiện chiến lược phát triển đó, cụ thể như sau :
+ Thông qua kiểm toán môi trường, các cơ quan KTTC tạo tiền đề cho việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững bằng cách phát hiện ra những vấn đề gây tác động bất lợi cho phát triển bền vững, tiến hành những phân tích và đánh giá cần thiết, cung cấp những thông tin cơ bản và đáng tin cậy cho việc tạo lập chiến lược phát triển bền vững của quốc gia.
+ Thông qua kiểm toán môi trường, các cơ quan KTTC đã góp phần nâng cao chất lượng của chiến lược phát triển bền vững cũng như chất lượng của các chính sách có liên quan bằng cách kiểm tra và giám sát kết quả thực hiện chính sách cũng như hiệu lực của chính sách có liên quan đến chiến lược phát triển bền vững, đồng thời đưa ra những kiến nghị khả thi và kịp thời cho chính phủ.
+ Thông qua kiểm toán môi trường, các cơ quan KTTC thực hiện việc giải toả trách nhiệm của Chính phủ đối với Quốc hội và nhân dân, góp phần xúc tiến việc lập cơ chế giải trình bằng cách kiểm tra và giám sát kết quả cũng như hiệu lực của việc thực thi pháp luật liên quan đến chiến lược phát triển bền vững, và điều chỉnh những hoạt động không tương thích.
+ Thông qua kiểm toán môi trường, các cơ quan KTTC hỗ trợ việc hiện thực hoá chiến lược phát triển bằng cách kiểm tra và giám sát việc bảo vệ môi trường và những việc có liên quan, thúc đẩy việc tạo lập và cải thiện hệ thống quản lý môi trường của quốc gia.
Tóm lại, thông qua việc tiến hành các cuộc kiểm toán môi trường, cơ quan KTTC có thể thu thập được những thông tin cần thiết và đáng tin cậy liên quan đến chiến lược phát triển bền vững của quốc gia. Bằng cách phân tích những thông tin nói trên và tập hợp những đặc tính của chúng với những điều kiện nội tại, chính phủ sẽ có thêm những căn cứ để xây dựng và ban hành những chiến lược phát triển bền vững phù hợp với đặc thù và tình hình của đất nước.
Thứ hai, Kiểm toán môi trường cung cấp các điều kiện cần thiết cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững
Chiến lược phát triển bền vững được hiểu là một tập hợp các mục tiêu cần đạt được và các chỉ số đánh giá quá trình nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Căn cứ vào những mục tiêu và chỉ số đề ra trong Chiến lược phát triển bền vững quốc gia, cơ quan KTTC tiến hành kiểm toán 3 lĩnh vực sau:
+ Kiểm toán các mục tiêu: cuộc kiểm toán này nhằm mục đích đánh giá xem những mục tiêu đó có thật sự khả thi và có được dựa trên sự hiểu biết thấy đáo cùng các bằng chứng xác đáng về những việc cần làm;
+ Kiểm toán các chỉ số: cuộc kiểm toán này nhằm mục đích đánh giá độ tin cậy và sự thích hợp của các chỉ số;
+ Kiểm toán tiến độ (quá trình): cuộc kiểm toán này nhằm so sánh độ tương thích của các chỉ số và các mục tiêu đề ra.
Thông qua việc thực hiện kiểm toán môi trường các cơ quan KTTC có thể đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững theo các khía cạnh như chúng có: được đề ra cho những lĩnh vực chính của nền kinh tế, có phản ánh những cam kết đối với quốc tế, có liên quan trực tiếp đến các mục tiêu và các chỉ số do Chính phủ đề ra, có được dựa trên những căn cứ hợp lý và có thể định lượng, có được phối hợp giữa các bên có liên quan, và có phù hợp với các nguồn lực hiện có cũng như các kế hoạch hành động đã được phê duyệt.
Các mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi chúng phù hợp với những nguyên tắc và xu hướng phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội; thể hiện được các nhu cầu phát triển trong tương lai; và có những tác động lâu dài.
Thứ ba, Kiểm toán môi trường giúp đảm bảo cho việc lập kế hoạch và thực hiện các chương trình phù hợp với các yêu cầu phát triển bền vững
Các chiến lược phát triển bền vững cần được triển khai thành các mục đích và mục tiêu cụ thể cho từng chương trình. Việc lập kế hoạch và thực hiện những chương trình cụ thể một cách phù hợp với các yêu cầu của phát triển bền vững chính là nhân tố đảm bảo sự thành công của Chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Thông qua kiểm toán môi trường, khi xem xét việc kiến tạo và chuyển giao các chương trình, dự án của Chính phủ các cơ quan KTTC phải đánh giá những mặt sau :
+ Những vấn đề gây hiệu ứng nhà kính, như là hiệu quả sử dụng năng lượng, quy trình mua sắm và sử dụng nước, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trong các đơn vị công ;
+ Các chương trình môi trường, bao gồm hiệu lực của các kỹ thuật được sử dụng nhằm hợp nhất các nhân tố môi trường trong quá trình ra quyết định;
+ Các chương trình, dự án môi trường là những chương trình, dự án có các mục tiêu kinh tế và xã hội phục vụ quảng đại quần chúng.
Chức năng của cơ quan KTTC trong kiểm toán môi trường
Các cơ quan KTTC cho dù tồn tại theo bất kỳ mô hình nào đều có thể thực hiện đầy đủ các loại hình kiểm toán là kiểm toán quy tắc (kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ) và kiểm toán hoạt động. Như vậy, cho dù tồn tại theo bất cứ mô hình nào thì các cơ quan KTTC đều có chức năng giám sát chi tiêu trong lĩnh vực công, đảm bảo trách nhiệm tài chính của Chính phủ và tăng cường năng lực cho các tổ chức, đơn vị trong khu vực công. Nói cách khác, kiểm tra, xác nhận và tư vấn là những chức năng cơ bản của các cơ quan KTTC.
Trong kiểm toán môi trường, các chức năng cơ bản của cơ quan KTTC được thể hiện cụ thể như sau :
Thứ nhất, Chức năng kiểm tra, xác nhận
Tại mọi quốc gia, rất nhiều tiền của, thời gian và nhân lực đã, đang và sẽ được chi tiêu cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề môi trường. Thông qua kiểm toán môi trường, cơ quan KTTC kiểm tra và giám sát việc tuân thủ pháp luật hiện hành và các công ước quốc tế trong lĩnh vực môi trường; kiểm tra các khoản thu nhập, chi phí của các hoạt động liên quan đến môi trường; và đánh giá hoạt động của các đơn vị, tổ chức và cá nhân hoạt động trong khu vực công.
Xét theo khía cạnh bảo vệ môi trường, cơ quan KTTC có trách nhiệm giải toả trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội và nhân dân bằng cách xác nhận một cách độc lập, khách quan và tin cậy về những thông tin và số liệu về môi trường, về hoạt động của các đơn vị, cá nhân thuộc khu vực công, và về ảnh hưởng/ tác động của những hoạt động đó đối với môi trường.
Thứ hai, chức năng tư vấn
Chính phủ có trách nhiệm tạo lập các chính sách để giải quyết các vấn đề về môi trường. Các vấn đề về môi trường được phát sinh từ các chính sách kinh tế và xã hội và có tích chất lan tỏa từ cấp độ này sang cấp độ khác như từ quốc gia đến khu vực hay từ quốc gia đến quốc tế. Để bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần có sự chung tay đóng góp của nhiều tác nhân trong một quãng thời gian lâu dài. Thông qua các cuộc KTMT, cơ quan KTTC – một cơ quan độc lập với Chính phủ, đưa ra những ý kiến độc lập, khách quan và đáng tin cậy về các hoạt động của Chính phủ; Kiến nghị những giải pháp khả thi và kịp thời nhằm nâng cao năng lực hoạch định chính sách về môi trường của Chính phủ, tạo lập những căn cứ xác đáng để nâng cao chất lượng của các cơ chế hoạt động trong các cơ quan nhà nước cũng như cơ chế tạo lập các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của cơ chế đó đối với các vấn đề có liên quan đến môi trường và phát triển bền vững.
------------------
Tài liệu tham khảo
Đỗ Thị Ánh Tuyết, Kiểm toán môi trường tại Việt Nam, luận án Tiến sĩ, 2014.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: