RỦI RO QUẢN LÝ DÒNG TIỀN TRONG TÍN DỤNG DOANH NGHIỆP
Tóm tắt:Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới, thị trường tài chính ngân hàng cũng có những bước phát triển khởi sắc, trong đó các Ngân hàng thương mại là đơn vị kinh doanh tiền tệ, đã có những bước tiến cả về lượng và chất trong hoạt động cấp phát tín dụng. Tuy nhiên, đây là một trong những lĩnh vực kinh doanh đầy nhạy cảm, có rất nhiều yếu tố tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực kinh doanh này, đặc biệt là rủi ro trong vấn đề quản lý dòng tiền đối với vấn đề cấp phát tín dụng bổ sung vốn kinh doanh đối với các doanh nghiệp.
Từ khóa: Dòng tiền, tín dụng, rủi ro.
1. Những rủi ro trong quản lý dòng tiền tín dụng doanh nghiệp
Trong các cuộc khủng hoảng về tài chính những năm về trước, đặc biệt là giai đoạn 2009 -2011, các doanh nghiệp cần vốn vay để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, tuy nhiên, khát vốn nhưng họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay Ngân hàng. Bên cạnh đó, các Ngân hàng thương mại rất muốn đẩy vốn ra thị trường bằng cách cho doanh nghiệp vay tuy nhiên, vì các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính nên rất ít doanh nghiệp thỏa mãn được điều kiện vay vốn của Ngân hàng. Trong khi đó, các Ngân hàng thương mại cũng gặp phải không ít khó khăn khi duy trì sức khỏe hay nói rõ hơn là duy trì nhóm nợ trong hạn đối với các khách hàng đang vay vốn của họ.
Trong thời gian gần đây, với nhiều tác động từ phía Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, đồng thời thị trường tài chính cũng đã có những bước điều chỉnh tích cực trở lại. Điều này làm cho nhiều Ngân hàng thương mại đã tung ra thị trường nhiều gói tín dụng với mức lãi suất rất ưu đãi kèm theo các sản phẩm cho vay tương đối đa dạng, cải tiến thủ tục, quy trình cho vay trở nên gọn nhẹ và dễ tiếp cận hơn rất nhiều, với quyết tâm giúp khách hàng tiếp cận nhiều hơn, dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ những khó khăn về tài chính đối với người đi vay.
Tuy nhiên, để tìm kiếm được những khách hàng tốt để cho vay, những khách hàng vay vốn đúng mục đích bổ sung vốn kinh doanh thật sự với những phương án kinh doanh tốt là điều không hề dễ dàng trong thời điểm này, đặc biệt là công tác quản lý dòng tiền trong cấp phát tín dụng là điều không hề dễ dàng và ẩn chứa rất nhiều rủi ro tiềm ẩn.
- Các Ngân hàng thương mại khó kiểm soát được dòng tiền của phương án kinh doanh cho khách hàng vay.
Về lý thuyết thì một trong những điều kiện quan trọng, tiên quyết để khách hàng được cấp và duy trì tín dụng là Ngân hàng cho vay phải kiểm soát được dòng tiền, nguồn trả nợ của phương án kinh doanh trong suốt quá trình cho vay, giám sát sử dụng vốn vay, thu nợ hết khoản vay.
Phương án kinh doanh cho vay được thẩm định kỹ về phương diện tài chính để xác định: mức vay, thời hạn vay, nguồn trả nợ, phương thức cho vay. Căn cứ thẩm định thường dựa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính và kế hoạch luân chuyển vốn của khách hàng. Nhưng thực tiễn luân chuyển vốn, dòng tiền của phương án kinh doanh thường không đúng như dòng tiền đã thẩm định ban đầu, nhất là trong thời kỳ kinh tế suy giảm.
Những nguyên nhân trực tiếp làm kế hoạch dòng tiền bị phá vỡ là do suy giảm thị trường bán ra, công nợ tồn đọng vượt quá giới hạn kiểm soát, giá đầu vào tăng làm chi phí và giá thành sản xuất, giá vốn hàng bán tăng cao, lỗ kinh doanh… Dòng tiền của khách hàng theo chiều hướng xấu đi khiến nguồn trả nợ trở nên khó khăn, gây rủi ro cho vốn tín dụng, nhu cầu cơ cấu lại thời hạn nợ là khó tráng khỏi để giúp khách hàng vượt khó. Đó là rủi ro khách quan, chưa nói đến nhiều rủi ro chủ quan từ phía khách hàng vay như: đến cuối kỳ luân chuyển, thu tiền vào thì khách hàng lại sử dụng vốn quay vòng tiếp, khách hàng sử dụng vốn ngắn hạn tài trợ cho đối tượng dài hạn và ngược lại,.v.v.
- Các Ngân hàng thương mại thẩm định khách hàng chưa kỹ, tài chính của doanh nghiệp còn thiếu minh bạch
Luật Tổ chức tín dụng và qui định của Ngân hàng nhà nước về thẩm định cấp tín dụng đã nêu rõ tài liệu làm căn cứ thẩm định tín dụng doanh nghiệp, tổ chức là báo cáo tài chính hợp pháp. Điều này có nghĩa báo cáo tài chính phải được kiểm toán, hoặc xác thực của cơ quan thuế, hoặc chí ít là được đại hội cổ đông xác thực nhằm đảm bảo tính trung thực, minh bạch của báo cáo. Tuy nhiên thực tế hiện nay ở nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp dân doanh,… điều kiện báo cáo tài chính hợp pháp vẫn khó hiện thực. Điều này đặt các Ngân hàng thương mại cho vay vào tình thế khó khăn, nếu cứ khăng khăng đòi hỏi báo cáo tài chính có xác thực pháp lý thì cac Ngân hàng thương mại khó phát triển tín dụng. Do vậy việc chấp nhận thẩm định các báo cáo tài chính như trên chính là nỗi lo của những Ngân hàng thương mại biết coi trọng các chuẩn mực tín dụng.
Thẩm định phương diện tài chính là một điều kiện quan trọng cho việc quyết định tín dụng bảo đảm tính an toàn. Vì thế, hệ lụy của việc thẩm định các báo cáo tài chính không trung thực, thiếu minh bạch sẽ dẫn đến thông tin đầu vào làm căn cứ thẩm định sai lệch. Ngoài rủi ro pháp lý thì rủi ro tài chính doanh nghiệp rình rập ở nhiều mặt mà những biểu hiện phổ biến trên báo cáo tài chính là:
+ Dấu các khoản nợ phải trả hoặc phân tán nợ vay, vốn huy động khác bên ngoài vào các cá nhân, tổ chức thuộc nhóm khách hàng liên quan, để ngoài sổ sách kế toán, trong khi thông tin CIC cũng khó lòng đối soát phát hiện hết;
+ Điều chỉnh số dư các khoản mục tài sản nợ, có trên cân đối kế toán theo hướng làm đẹp các dòng lưu chuyển tiền tệ, hệ số đòn bẩy tài chính, khả năng thanh toán;
+ Tăng, giảm doanh thu mua, bán hàng, hạch toán không đầy đủ hoặc quá mức các khoản chi phí,… làm sai lệch kết quả kinh doanh theo hướng “nâng cấp” khả năng tăng trưởng, tỷ suất sinh lời và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
- Những rủi ro môi trường kinh doanh dễ bộc phát tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ vốn tín dụng
Trong thời điểm hiện tại, các Ngân hàng thương mại trong công tác cấp phát tín dụng thường thẩm định rất kỹ càng vì quy trình thẩm định được xây dựng của họ cho thấy một nền tài chính chứa đựng rất nhiều rủi ro. Thực tế phát sinh nợ xấu từ năm 2011 đến nay đã cho thấy điều này là một thực tế chứ không phải là suy đoán. Thật không khó nhận dạng tác động của suy giảm nền kinh tế chung làm dòng chảy tín dụng Ngân hàng thương mại khó được khơi thông bởi một số nguyên nhân như:
+ Hệ lụy tài chính từ một số doanh nghiệp, dự án đầu tư lớn không hiệu quả, dẫn tới dòng tiền không thu hồi được như dự kiến, vòng đời sản phẩm/dự án nhanh chóng kết thúc, khủng hoảng dòng tiền thu hồi về, bên vay không thực hiện được lịch trả nợ đã cam kết trong hợp đồng tín dụng;
+ Tình trạng chiếm dụng vốn dây chuyền, công nợ phát sinh lớn đi kèm với việc suy giảm khả năng thanh toán nợ từ trong tổ chức, doanh nghiệp, gây nhiều vụ vỡ nợ bên ngoài.
+ Khi giá cả, vàng và lãi suất tiền tệ biến động, chi phí đầu vào gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, phá sản, ngừng hoạt động phải tái cơ cấu tác động trực tiếp làm phát sinh nợ xấu hoặc suy giảm khả năng trả nợ vốn tín dụng.
2. Giải pháp hạn chế những rủi ro quản lý dòng tiền tín dụng doanh nghiệp
- Về mặt quy chế, quy trình, cần nghiên cứu, xây dựng một quy chế, quy trình quản lý dòng tiền chung cho các hoạt động của Ngân hàng thương mại và riêng cho hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh, đầu tư dự án, có thể ban hành dưới hình thức sổ tay nghiệp vụ hoặc bổ sung một phần vào sổ tay cho vay sản xuất kinh doanh, đầu tư dự án đã có. Đây sẽ là cơ sở pháp lý, đồng thời là cẩm nang quản lý của các chuyên viên khách hàng tại các Ngân hàng thương mại.
- Về mặt đào tạo, bồi dưỡng, cần quan tâm xây dựng chương trình đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý dòng tiền, trong đó đặc biệt quan trọng là học tập phương pháp, kỹ năng, kinh nghiệm của ngân hàng thương mại. Đây vừa là lý thuyết, vừa là thực hành trong bối cảnh các Ngân hàng thương mại tiếp cận với các hệ khách hàng mới, mới tham gia thị trường, cần phải có sự đi tắt, đón đầu để theo kịp trình độ chung của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
- Về mặt liên kết hệ thống nghiệp vụ, cần có sự liên kết chặt chẽ, xuyên suốt hệ thống chức năng,nhiệm vụ của Ngân hàng thương mại, giữa cho vay với huy động vốn, giữa tín dụng với bảo lãnh, giữa giải ngân với thu nợ… Trong một loại hình nghiệp vụ thì bảo đảm tính liên kết, tính logic từ khâu tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cho đến khâu cuối cùng là thanh lý hợp đồng tín dụng. Nhìn từ góc độ tiền tệ, mọi hoạt động của Ngân hàng thương mại, suy cho cùng là sự vận động, trôi chảy vào ra, xuôi ngược của các dòng tiền. Ngân hàng có trách nhiệm là bảo đảm cho các dòng tiền đó chảy đúng luồng, đúng hướng, đúng lưu lượng, kịp thời gian, tránh thất thoát và ách tắc. Tựu trung lại mọi biện pháp quản lý là đều xoay quanh những dòng tiền đó để bảo đảm sự vận động của chúng theo đúng các tiêu chí quản lý.
- Về kiểm soát chủ đầu tư khách hàng, cụ thể hơn là kiểm soát các dòng tiền của khách hàng, các Ngân hàng thương mại cần đi sâu và mở rộng hơn nữa phạm vi kiểm tra đối với khách hàng. Trong giải ngân, không chỉ kiểm tra trên chứng từ, tài liệu, ủy nhiệm chi chuyển tiền, mà còn phải kiểm tra tại đơn vị thụ hưởng (đối với những khoản giải ngân lớn và trường hợp dự án đồng tài trợ/cùng tài trợ) nhằm phòng tránh tình trạng chủ đầu tư thông đồng, móc ngoặc với nhà thầu để sử dụng vốn vay sai mục đích hoặc giải ngân trùng giữa các ngân hàng cùng tài trợ.
- Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng đối với khách hàng của Ngân hàng thương mại mà việc học hỏi các hệ thống Ngân hàng nhà nước là cần thiết và nên làm. Việc đánh giá, xếp hạng khách hàng cần có tính cập nhật kịp thời và toàn diện, để thông tin đó có thể sử dụng khi quyết định tín dụng đối với cả cho vay của các Ngân hàng thương mại, bảo lãnh và phục vụ khách hàng ở các dịch vụ khác.
Kết luận: Trong một môi trường kinh doanh luôn thay đổi, việc quản lý rủi ro, cải thiện dòng tiền và khả năng sinh lợi ngày càng trở nên cực kỳ khó khăn. Trước khi hợp tác với bất kỳ khách hàng nào các ngân hàng thương mại cũng cần phải đảm bảo rằng đối tác mới đáng tin cậy và không tạo rủi ro cho lợi nhuận kinh doanh của mình.
Tài liệu tham khảo:
(1):http://www.slideshare.net/thuyetnn/le-nguyen-phuong-ngoc-2007
(2):http://www.slideshare.net/thuyetnn/le-nguyen-phuong-ngoc-2007
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: