Ths. Nguyễn Thị Khánh Vân
Bộ môn: Kiểm toán
Khoa Kế toán- Đại học Duy Tân
Tóm tắt: Bài viết trình bày tóm tắt những nội dung cơ bản của chuẩn mực kiểm toán nội bộ (KTNB) và các nguyên tắt đạo đức nghề nghiệp được ban hành theo thông tư Thông tư 08/2021/TT-BTC ban hành ngày 25 tháng 1 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính
1.Đối tượng bắt buộc thực hiện KTNB tại Việt Nam
Theo Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về KTNB qui định rõ các đơn vị phải thực hiện công tác KTNBbao gồm:
-Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị trực thuộc
-Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc
- Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên: có tổng quỹ tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương của số người lao động hiện có (bao gồm: số biên chế có mặt, lao động hợp đồng và lao động hợp đồng chuyên môn khác) trong một năm từ 20 tỷ đồng trở lên hoặc sử dụng từ 200 người lao động trở lên
-Các Công ty niêm yết; doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con
2. Nội dung chuẩn mực KTNB Việt Nam và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp KTNB
Nhằm ban hành một khung quy định để thực hiện và thúc đẩy hoạt động kiểm toán nội bộ tạo ra giá trị gia tăng cho đơn vị. Thiết lập cơ sở để đánh giá hoạt động kiểm toán nội bộ. Khích lệ các quy trình và hoạt động đã được cải tiến của đơn vị. Ngày 25 tháng 1 năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 08/2021/TT-BTC quy định chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ với hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 4 năm 2021. Theo đó, Chuẩn mực là một bộ quy định bắt buộc mang tính nguyên tắc, bao gồm: Quy định cốt lõi về thực hành chuyên môn kiểm toán nội bộ và về đánh giá hiệu quả hoạt động của kiểm toán nội bộ ở cấp độ cá nhân và cấp độ đơn vị. Các diễn giải chuẩn mực nhằm làm rõ các thuật ngữ và khái niệm trong chuẩn mực.
-Chuẩn mực kiểm toán nội bộ gồm có hai nhóm chính: nhóm chuẩn mực thuộc tính và nhóm chuẩn mực hoạt động. Nhóm chuẩn mực thuộc tính đề cập đến các đặc tính của đơn vị và cá nhân thực hiện công tác kiểm toán nội bộ. Nhóm chuẩn mực hoạt động mô tả bản chất của hoạt động kiểm toán nội bộ và đưa ra các tiêu chí chất lượng để đo lường hoạt động kiểm toán nội bộ. Nhóm chuẩn mực thuộc tính và nhóm chuẩn mực hoạt động được áp dụng đối với tất cả các hoạt động kiểm toán nội bộ. Căn cứ vào chuẩn mực thuộc tính và chuẩn mực hoạt động, phần hướng dẫn triển khai thực hiện được phát triển thêm bằng việc đưa ra các yêu cầu áp dụng cho hoạt động đảm bảo (Ký hiệu là A) hoặc hoạt động tư vấn (Ký hiệu là C).
Trong đó, nhóm chuẩn mực thuộc tính bao gồm các chuẩn mực cụ thể được ký hiệu từ 1000 đến 1300. Cụ thể:
Nhóm chuẩn mực 1000 qui định những vấn đề về mục đích, quyền hạn và trách nhiệm của KTNB.
Nhóm chuẩn mực 1100 qui định những vấn đề liên quan đến tính độc lập và khách quan KTNB.
Nhóm chuẩn mực 1200 - Năng lực chuyên môn và tính thận trọng nghề nghiệp
Nhóm chuẩn mực 1300 về Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng KTNB
Nhóm chuẩn mực hoạt động bao gồm các nhóm chuẩn mực cụ thể được ký hiệu từ 2000 đến 2600. Trong đó:
Nhóm chuẩn mực 2000 - Quản lý hoạt động kiểm toán nội bộ bao gồm các CM về công tác lập kế hoạch, Báo cáo và phê duyệt, Quản lý nguồn lực, Các chính sách và thủ tục kiểm toán; Qui định những vấn đề công tác điều phối và mức độ tin cậy, báo cáo ban điều hành cấp cao và cấp quản trị cao nhất; Qui định trách nhiệm bên cung cấp dịch vụ bên ngoài và trách nhiệm của đơn vị với kiểm toán nội bộ.
Nhóm chuẩn mực 2100 - Bản chất của công tác kiểm toán nội bộ bao gồm các qui định về Quản trị công tác KTNB; Quản lý rủi ro; đánh giá các hoạt động kiểm soát của đơn vị
Nhóm chuẩn mực 2200 - Lập kế hoạch cho các hoạt động đảm bảo hoặc hoạt động tư vấn đề cập đến các vấn đề cân nhắc khi lập kế hoạch; Các mục tiêu của hoạt động đảm bảo, hoạt động tư vấn; Phạm vi công việc; Phân bổ nguồn lực; Chương trình kiểm toán
Nhóm chuẩn mực 2300 - Thực hiện kiểm toán nội bộ bao gồm những vấn đề về Phân tích và đánh giá thông tin ; Ghi chép thông tin; Giám sát thực hiện;
Nhóm chuẩn mực 2400 - Báo các kết quả kiểm toán nội bộ trong đó nêu rõ Các tiêu chí báo cáo kết quả kiểm toán cuối cùng; Chất lượng báo cáo; Sai sót và bỏ sót; Việc sử dụng cụm từ "Tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán nội bộ Việt Nam"; Trình bày các vấn đề không tuân thủ; Phát hành và gửi báo cáo; Ý kiến tổng thể trong báo cáo kiểm toán
Nhóm chuẩn mực 2500 - Giám sát kết quả thực hiện khuyến nghị kiểm toán qui định người phụ trách kiểm toán nội bộ phải thiết lập một quy trình theo dõi để giám sát và đảm bảo các cấp quản lý của đơn vị thực hiện các khuyến nghị kiểm toán một cách hiệu quả
Nhóm chuẩn mực 2600 - Trao đổi về việc chấp nhận rủi ro
Đối với các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ
Người làm công tác kiểm toán nội bộ được kỳ vọng sẽ áp dụng và giữ vững các nguyên tắc đạo đức sau:
a. Tính chính trực: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải thực hiện các công việc chuyên môn với sự trung thực, tính cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm; tuân thủ các quy định pháp luật và công bố các thông tin cần thiết theo yêu cầu của pháp luật và yêu cầu chuyên môn của kiểm toán nội bộ.
b. Tính khách quan: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ; thể hiện mức độ cao nhất về tính khách quan chuyên môn trong việc thu thập, đánh giá và trao đổi thông tin về các hoạt động và quy trình được kiểm tra; đưa ra những đánh giá khách quan về tất cả các tình huống thích hợp và không bị tác động bởi lợi ích cá nhân của chính mình hoặc của những người khác trong việc đưa ra các xét đoán và kết luận của mình.
c. Tính bảo mật: Người làm công tác kiểm toán nội bộ tôn trọng các giá trị và quyền sở hữu thông tin được cung cấp và không tiết lộ các thông tin này nếu không được phép của các cấp có thẩm quyền trừ khi việc tiết lộ thông tin thuộc trách nhiệm chuyên môn hoặc theo yêu cầu của luật pháp.
d. Năng lực chuyên môn và tính thận trọng: Người làm công tác kiểm toán nội bộ áp dụng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn trong việc cung cấp các dịch vụ và các hoạt động kiểm toán nội bộ. Đồng thời hành động một cách thận trọng, phù hợp với các chuẩn mực nghề nghiệp và kỹ thuật được áp dụng.
đ. Tư cách nghề nghiệp: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan, tránh bất kỳ hành động nào làm giảm uy tín nghề nghiệp của mình.
Trong thời gian đến, hy vọng với sự ra đời của chuẩn mực KTNB Việt Nam và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán sẽ giúp cho hoạt động KTNB ở Việt Nam phát triển và trở thành công cụ hỗ trợ đắt lực cho quá trình quản lý hoạt động ở các đơn vị.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: