Th.S Lê Thị Huyền Trâm
Khoa Kế toán – Đại học Duy Tân, TP Đà Nẵng
Tóm tắt
Nguyên vật liệu (NVL) là đối tượng lao động chủ yếu được tác động vào để hình thành nên sản phẩm. Khối lượng sản phẩm sản xuất của doanh nghiệp nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên vật liệu này. Nếu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu thì quá trình tạo sản phẩm được liên tục và ngược lại. Đảm bảo cung ứng, dự trữ và sử dụng nguyên vật liệu sao cho hiệu quả và tiết kiệm nhất được xem là cấp thiết đối với doanh nghiệp sản xuất, giúp rút ngắn thời gian hình thành sản phẩm, cung cấp kịp thời ra thị trường. Vì vậy hoạt động sản xuất được liên tục giúp nâng cao chất lượng của sản phẩm, tăng năng suất lao động và tiết kiệm được chi phí nguyên vật liệu. Do đó phải thường xuyên định kỳ phân tích tình hình cung ứng, sử dụng, dự trữ nguyên vật liệu để kịp thời nêu lên những ưu, nhược điểm trong công tác quản lý vật tư ở doanh nghiệp. Bài viết đề cập đến mối quan hệ giữa cung ứng, dự trữ và sử dụng nguyên vật liệu nhằm đưa ra cách đánh giá về hiệu quả khi sử dụng nguyên vật liệu.
Từ khóa: Nguyên vật liệu, doanh nghiệp, phân tích..
Trong doanh nghiệp thì phân tích mối quan hệ giữa cung ứng, dự trữ và sử dụng NVL được xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Có thể doanh nghiệp cung ứng và dự trữ nhưng sử dụng không có hiệu quả hoặc ngược lại. Điều này gây ra nhiều hạn chế, tăng chi phí và tăng giá thành. Do đó, phân tích mối quan hệ để thấy được ảnh hưởng của cung ứng, dự trữ và sử dụng đến kết quả sản xuất thông qua khối lượng sản phẩm sản xuất. Doanh nghiệp cần sử dụng các công cụ phân tích nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm.
Đảm bảo cung ứng, dự trữ, sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vì:
- Cung ứng, dự trữ đồng bộ, kịp thời và hợp lý nguyên vật liệu là điều kiện có tính chất tiền đề cho sự liên tục của quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đảm bảo cung ứng nguyên vật liệu có chất lượng tốt còn là điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động.
- Cung ứng, sử dụng tiết kiệm, dự trữ đầy đủ nguyên vật liệu còn ảnh hưởng tích cực đến tình hình tài chính doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận, tăng tích lũy cho doanh nghiệp. Vì vậy, phải thường xuyên, định kỳ phân tích tình hình cung ứng, sử dụng, dự trữ NVL để kịp thời nêu lên những ưu, nhược điểm trong công tác quản lý vật tư ở doanh nghiệp. Do đó, việc cung ứng nguyên vật liệu phải quán triệt các yêu cầu:
- Đảm bảo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiến hành được liên tục, đều đặn theo đúng kế hoạch.
- Thúc đẩy quá trình luân chuyển nhanh vật tư, sử dụng vốn hợp lý, có hiệu quả và tiết kiệm.
Để đáp ứng được yêu cầu trên, nhiệm vụ của phân tích tình hình cung ứng, sử dụng và dự trữ nguyên vật liệu bao gồm:
+ Kiểm tra tình hình thực hiện cung cấp nguyên vật liệu, đối chiếu với tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình tồn kho để kịp thời báo cáo cho bộ phận thu mua có biện pháp khắc phục kịp thời.
+ Phân tích tình hình dự trữ những loại nguyên vật liệu chủ yếu trong doanh nghiệp.
+ Phân tích thường xuyên và định kỳ tình hình sử dụng các loại nguyên vật liệu để có biện pháp sử dụng tiết kiệm vật tư
Dựa trên những yếu tố về quản lý nguyên vật liệu, phân tích mối quan hệ giữa cung ứng, dự trữ, sử dụng NVL được thực hiện thông qua công thức sau:
Q: khối lượng sản xuất của sản phẩm i
Vdki: khối lượng vật liệu i tồn kho đầu kỳ
Vnki: khối lượng vật liệu i nhập kho trong kỳ
Vcki: khối lượng vật liệu i tồn kho cuối kỳ
mi: định mức tiêu hao vật liệu i cho một đơn vị sản phẩm
Việc cung ứng, dự trữ và sử dụng nguyên vật liệu có mối quan hệ chặt chẽ với kết quả sản xuất. Khi nguyên vật liệu tồn đầu kỳ và nhập trong kỳ tăng lên là yếu tố thuận lợi cho việc tăng khối lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ. Còn khi nguyên vật liệu tồn cuối kỳ tăng thì trong trường hợp nào đó có thể gây ảnh hưởng giảm khối lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các yếu tố này (tồn đầu kỳ, nhập trong kỳ và tồn cuối kỳ) với kết quả sản xuất thể hiện qua số liệu nhiều khi không biểu hiện được sự tác động nhân quả giữa chúng. Chẳng hạn, có thể nói do yếu tố tồn kho nguyên vật liệu cuối kỳ tăng làm cho khối lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ giảm, nhưng cũng có thể ngược lại, do khối lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ giảm làm cho nguyên vật liệu tồn cuối kỳ tăng. Hoặc trường hợp yếu tố tồn đầu kỳ, nhập trong kỳ tăng và khối lượng sản xuất trong kỳ cũng tăng, nhưng việc tăng khối lượng sản xuất trong kỳ trong một chừng mực nào đó (chưa cần đến lượng tồn đầu kỳ, nhập trong kỳ tăng thêm) thì có thể là do yêu cầu tiêu thụ, hoặc yêu cầu dự trữ hàng hóa,...chứ chưa hẳn là do tác động của tồn đầu kỳ, nhập trong kỳ tăng lên. Tồn đầu kỳ tăng lên có thể là do kết quả của sản xuất và dự trữ kỳ trước, nhập trong kỳ tăng lên có thể là do kết quả của các yếu tố thuộc quá trình cung ứng nguyên vật liệu...Còn mối quan hệ giữa sử dụng NVL với kết quả sản xuất qua số liệu tính toán tuy không nói lên sự tác động nhân quả một cách trực tiếp, nhưng mối quan hệ giữa chúng thể hiện rõ theo khuynh hướng: khi sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm sẽ có ảnh hưởng tăng khối lượng sản xuất trong kỳ và ngược lại khi sử dụng nguyên vật liệu lãng phí sẽ ảnh hưởng giảm khối lượng sản xuất trong kỳ. Từ những điều trình bày trên, khi thực hiện phân tích mối quan hệ giữa cung ứng, dự trữ và sử dụng nguyên vật liệu với kết quả sản xuất ta không đặt vấn đề xác định ảnh hưởng của các nhân tố đến kết quả sản xuất như đối với một số nội dung phân tích khác, mà chỉ đặt vấn đề xem xét mối liên hệ qua lại giữa các yếu tố nêu trên với kết quả sản xuất. Tuy nhiên, nếu kết hợp với kết quả nghiên cứu thực tế thì có thể làm rõ được những mối liên hệ được nêu qua phân tích, tức là có thể xác định những yếu tố này là thực sự ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất hoặc không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất, hoặc ảnh hưởng ở một mức độ nào đó. Trường hợp có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất thì tùy theo tính chất ảnh hưởng mà ta có ứng xử quản lý phù hợp. Còn trường hợp không ảnh hưởng trực tiếp thì qua số liệu phân tích cũng nói lên khả năng, điều kiện thuận lợi hay không thuận lợi của các yếu tố trên đối với kết quả sản xuất, biết được khả năng tiềm tàng của các yếu tố trên đối với sản xuất như thế nào. Để làm rõ vấn đề này ta có thể tìm hiểu ví dụ sau:
Ví dụ: Có tài liệu về một loại nguyên vật liệu dùng cho sản xuất sản phẩm trong kỳ ở một doanh nghiệp thể hiện qua bảng phân tích sau:
Chi tiêu |
Kế hoạch |
Thực tế |
chênh lệch |
1.Khối lượng sản phẩm sản xuất(sp) 2.Định mức tiêu hao 1 sp (1000đ/sp) 3.Nguyên vật liệu tồn đầu kỳ (kg) 4.Nguyên vật liệu nhập trong kỳ (kg) 5.Nguyên vật liệu tồn cuối kỳ (kg) |
9.750 10 1.000 98.000 1.500 |
9.920 9,8 1.100 97.456 1.350 |
170 -0,2 100 -544 -150 |
Bước 1: Chỉ tiêu phân tích :
Qk = 9.750 sp Q1 = 9.920 sp
Bước 2: Đối tượng phân tích: rQ= 170 (sp) >0: Khối lượng sản phẩm sản xuất tăng hơn so với kế hoạch đề ra
Bước 3: Mức độ ảnh hưởng của nhân tố
-Nguyên vật liệu đầu kỳ: (1.100 + 98.000 - 1.500) / 10 - (1.000 + 98.000 - 1.500) / 10 = 11 (sản phẩm)
-Nguyên vât liệu nhập trong kỳ: (1.100 + 97.456 - 1.500) / 10 - (1.100 + 98.000 - 1.500) / 10= - 54,4 (sản phẩm )
-Nguyên vật liệu tồn kho cuối kỳ: (1.100 + 97.456 - 1.350) / 10 - (1.100 + 97.456 - 1.500) / 10= 15 (sản phẩm )
-Mức tiêu hao 1 đơn vị sản phẩm: (1.100 + 97.456 - 1.350) / 9,8 - (1.100 +97.456 -1.350) / 10= 198,4 (sản phẩm)
Bước 4: Tổng hợp: 11 + (-54,4) + 15 + 198,4 = 170 (sản phẩm )
Nhận xét:
Thông qua tài liệu phân tích cho ta thấy, so với kế hoạch đặt ra số lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ tăng 170 sản phẩm. Đây là biểu hiện tốt trong khâu sản xuất, để thấy rõ nguyên nhân chúng ta đi sâu vào từng nhân tố ảnh hưởng sau:
- Do vật liệu tồn đầu kỳ tăng 100 kg đã làm cho lượng sản phẩm sản xuất tăng thêm 11 sản phẩm. Đây là kết quả của kỳ trước đem lại chứ không phải kết quả trong kỳ đem lại.
- Do vật liệu thu mua trong kỳ giảm 544 kg, nhưng khi tính nhân tố này ta đã giả định mức tiêu hao không đổi (như kế hoạch). Trên thực tế, doanh nghiệp đã giảm mức tiêu hao 0,2 kg (9,8 -10), như vậy doanh nghiệp đã giảm lượng nguyên vật liệu thu mua trong kỳ để gảm bớt lượng vốn ứ đọng.
- Do lượng vật liệu tồn kho cuối kỳ giảm làm cho số lượng sản phẩm tăng 15 sản phẩm. Điều này cần phải xem xét cụ thể. Nếu việc giảm vật liệu tồn cuối kỳ có ảnh hưởng đến sản xuất kỳ sau là do tình hình nhập nguyên vật liệu gây ra, chứ việc sản xuất vượt kế hoạch là cần thiết thì phải tìm hiểu nguyên nhân tình hình nhập vật liệu không đạt từ đó có biệ pháp khắc phục.
- Do mức tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm giảm 0,2 kg làm cho khối lượng sản phẩm tăng 198,4 sản phẩm. Nếu chất lượng vẫn đảm bảo và tiêu thụ hết sản phẩm, thì đây là thành tích lớn nhất mà doanh nghiệp đạt được trong khâu qủan lý sản xuất và sử dụng nguyên vật liệu để giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Công tác quản lý nguyên vật liệu đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển của doanh nghiệp. Nó không chỉ kiểm soát về mặt số lượng, chất lượng và phân phối của nguyên vật liệu, mà từ đó, quản lý nguyên vật liệu còn ảnh hưởng đến năng suất lao động, số lượng và chất lượng sản phẩm, tình hình tài chính, đầu tư và khả năng nâng cao doanh thu của doanh nghiệp. Do đó, cần có những biện pháp nhằm đẩy mạnh quản lý NVL, cụ thể như sau:
- Lập các dự toán về chi phí nguyên vật liệu tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm, nhằm xác định lượng NVL xuất dùng, hạn chế lượng tồn kho. Lượng tồn kho quá lớn làm giảm chất lượng NVL, giảm chất lượng sản xuất khi NVL được đưa vào sử dụng
- Cần phân bổ rõ ràng lượng Nguyên vật liệu trực tiếp và gián tiếp thông qua các báo cáo quản lý lượng NVL sau mỗi chu kỳ kinh doanh
- Cấp phát NVL theo tiến độ kế hoạch đề ra nhằm kịp thời quản lý về lượng NVL sử dụng
- Cải tiến quy trình công nghệ , đổi mới máy móc thiết bị , tổ chức sản xuất hợp lý còng góp phần giảm các tổn thất trong quá trình sản xuất
- Sử dụng lại phế liệu - phế phẩm: tức là sử dụng tối đa vật liệu tiêu dùng trong sản xuất . thu hồi và tận dụng phế liệu - phế phẩm không những là yêu cầu trước mắt mà còn là yêu cầu lâu dài của doanh nghiệp. Việc tận dụng sẽ góp phần làm giảm định mức tiêu dùng nguyên vật liệu và hạ giá thành sản phẩm. Nó còn có thể đem lại nguồn thu cho doanh nghiệp nếu thực hiện bán phế liệu, phế phẩm cho các tổ chức và cá nhân ngoài doanh nghiệp .
- Đối với những công ty có quy mô lớn cần tổ chức quy trình quản lý nguyên vật liệu phân chia theo từng giai đoạn, từ giai đoạn mua, sử dụng NVL đến tồn kho nhằm kiểm soát chặt chẽ, chính xác và có hiệu quả cao trong kinh doanh.
4. Kết luận
Doanh nghiệp sản xuất cần phải có nguyên vật liệu, năng lượng mới tồn tại được. Vì vậy, để đảm bảo nguyên vật liệu, năng lượng cho sản xuất là một tất yếu khách quan, một điều kiện chung của mọi nền sản xuất xã hội. Phân tích mối quan hệ giữa cung ứng, dự trữ và sử dụng nguyên vật liệu trong sản xuất chỉ ra những vấn đề sử dụng nguyên vật liệu trong sản xuất còn lãng phí cũng như những ảnh hưởng tích cực, tiêu cực của tình hình cung ứng, sử dụng nguyên vật liệu đến kết quả sản xuất là việc làm cần thiết đối với doanh nghiệp. Qua đó giúp doanh nghiệp tổ chức tốt, kiểm soát chặt chẽ hơn về nguyên vật liệu, hạn chế tăng chi phí, giảm thiểu giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo về lợi ích kinh tế.
Tài liệu tham khảo
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: