CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC CHẤP NHẬN SỬ DỤNG PHẦN MỀM KẾ TOÁN TẠI CÁC KHÁCH SẠN TRÊN ĐỊA BÀN ĐÀ NẴNG – TỔNG QUAN VÀ ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU
Ths. Nguyễn Thị Hồng Sương
Bài viết này sẽ đề cập đến những nhân tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận sử dụng phần mềm kế toán (PMKT) tại các doanh nghiệp(DN) – cụ thể hơn là các khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng. Trên cơ sở tìm hiểu tổng quan các nghiên cứu đã thực hiện liên quan đến các nhân tố ảnh hưởng này, bài viết sẽ có những nhận định và gợi ý cho các hướng nghiên cứu tiếp theo về các nhân tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận sử dụng PMKT tại các DN nói chung và tại các khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng.
Tổng quan các nghiên cứu nước ngoài về các nhân tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận sử dụng phần mềm kế toán tại doanh nghiệp
Trên thế giới, các nghiên cứu cụ thể về ý định sử dụng, quyết định lựa PMKT không nhiều, phần lớn là nghiên cứu đến ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nói chung: nghiên cứu liên quan đến khuynh hướng thay đổi công nghệ, đến ứng dụng CNTT.
Nghiên cứu của Y.L.Thong (1999): Tác giả đã nghiên cứu việc ứng dụng hệ thống thông tin trong những DN nhỏ tại Singapore với số lượng mẫu 1200 DN. Tác giả tập trung phân tích sự tác động của các nhân tố: đặc điểm của nhà lãnh đạo (khuynh hướng đổi mới; sự hiểu biết về hệ thống thông tin), đặc điểm của CNTT (lợi ích của hệ thống thông tin; sự tương thích của hệ thống; độ phức tạp của hệ thống), đặc điểm của tổ chức (quy mô, sự hiểu biết của người lao động về hệ thống thông tin, cường độ thông tin), đặc điểm môi trường (sự cạnh tranh). Trong đó, sự tương thích của hệ thống, cường độ thông tin và sự cạnh tranh không có ảnh hưởng đến ứng dụng hệ thống thông tin. Nghiên cứu có phát hiện mới là nhân tố cạnh tranh không có ảnh hưởng đến ứng dụng công nghệ thông tin, và điều này khác với nghiên cứu trước, vẫn cần có sự kiểm định lại tại các khu vực khác nhau nhằm làm rõ hơn mối quan hệ giữa nhân tố cạnh tranh và sự ứng dụng CNTT.
Nghiên cứu của Morteza Ramazani, Farnaz Vali Moghaddam Zanjani: Các tác giả cũng đã xây dựng nhiều khuôn mẫu lý thuyết liên quan đến các nhân tố có tác động đến ứng dụng CNTT. Nghiên cứu này cùng với một số nghiên cứu khác đã đưa ra các nhân tố được xác định là có khả năng ảnh hưởng đến ứng dụng CNTT, chẳng hạn như: lợi ích cảm nhận, sự sẵn sàng của tổ chức ,chi phí tài chính, sức ép cạnh tranh, sự hiểu biết về CNTT, độ tuổi ,…
Nghiên cứu của Razi & Madani (2012): Liên quan đến ứng dụng phần mềm kiểm toán tại khu vực Saudi Arabia, tác giả tập trung phân tích ảnh hưởng của các yếu tố thuộc nhân học và tâm lý học : tuổi, lợi ích cảm nhận, rủi ro ứng dụng, sự sẵn sàng của công ty, sức ép bên ngoài. Kết quả cho thấy nhân tố áp lực bên ngoài không có ảnh hưởng đáng kể, trong khi nhân tố sự sẵn sàng của công ty, lợi ích cảm nhận và rủi ro ứng dụng lại có tác động tích cực đến ý định sử dụng phần mềm kiểm toán. Nghiên cứu đã khám phá rằng áp lực bên ngoài không ảnh hưởng đến ứng dụng phần mềm kiểm toán, kết quả này dựa trên nghên cứu tại một quốc gia phát triển, chưa được nghiên cứu ở các nước đang phát triển. Đồng thời, nghiên cứu cũng chưa đề cập đến nhiều nhân tố có khả năng có ảnh hưởng đến ứng dụng phần mềm như: áp lực cạnh tranh, văn hóa tổ chức, phong cách quản lý,…
Nghiên cứu của Granlund và Malmi (2002: Nghiên cứu tác động của phần mềm ERP đến kế toán quản trị (KTQT), khám phá những tác động của các hệ thống thông tin toàn diện của DN đến công tác kế toán và KTQT. Phân tích định tính. Dữ liệu được thu thập thông qua phỏng vấn để nghiên cứu thực tế 10 công ty (ví dụ: ABB và Nokia) có kinh nghiệm về các hệ thống thông tin tích hợp ở Phần Lan. Kết quả nghiên cứu cho thấy các dự án ERP tác động tương đối nhỏ đến các thủ tục kiểm soát và KTQT .Các nghiên cứu cũng trở thành nền tảng lý thuyết cho các đề tài nghiên cứu sau này với nhiều nội dung khác nhau như: thương mại điện tử, thông tin truyền thông, ứng dụng Internet, phần mềm hoạch định nguồn lực DN(ERP).
Tổng quan các nghiên cứu trong nước về các nhân tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận sử dụng phần mềm kế toán tại doanh nghiệp
Ở Việt Nam, các nghiên cứu liên quan đến vấn đề sử dụng PMKT tại DN không ít. PMKT từ lâu đã giữ tầm quan trọng trong các DN và trở thành đề tài mà nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Từ năm 2000, cùng với việc đưa môn học Hệ thống thông tin kế toán vào giảng dạy ở các trường đại học ở Việt Nam, các nghiên cứu về hệ thống thông tin kế toán cũng đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng thời gian này. Cũng từ năm 2000, việc sử dụng PMKT là xu hướng chủ yếu của quá trình ứng dụng CNTT của các DN Việt Nam.
Nghiên cứu của Võ Văn Nhị, Nguyễn Bích Liên, Phạm Trà Lam (2014): “Định hướng lựa chọn phần mềm kế toán phù hợp cho các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam”. Nghiên cứu liên quan đến định hướng lựa chọn PMKT cho DN vừa và nhỏ (DNNVV), thông qua xác định các tiêu chí lựa chọn dựa sự tác động của yếu tố chất lượng phần mềm, và các yếu tố liên quan đến nhà cung cấp phần mềm. Nghiên cứu đã chỉ ra hai nhân tố chính tác động đến mức độ thoả mãn của DNNVV Việt Nam trong ứng dụng PMKT: (1) dịch vụ hỗ trợ sử dụng PMKT; (2) khả năng tạo mối quan hệ tốt giữa NCC PMKT với DN ứng dụng PMKT, trong khi yếu tố chất lượng PM lại không có ảnh hưởng đáng kể. Hạn chế của nghiên cứu là chưa đề cập đến tiêu chí mối quan hệ giữa chi phí và lợi ích tác động đến mức độ thỏa mãn của DNNVV khi sử dụng PMKT.
Nghiên cứu của Đỗ Thị Thanh Ngân (2014): “Định hướng tích hợp KTQT cho các PMKT áp dụng cho DNNVV” đề cập đến vấn đề định hướng tích hợp KTQT cho các PMKT áp dụng cho DNNVV. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng tại các DNNVV, phần mềm phục vụ cho KTQT chủ yếu là tính giá thành, quản lý công nợ phải thu, phải trả, và lập các báo cáo liên quan. Hạn chế của nghiên cứu là tập trung phân tích vai trò của KTQT và thực trạng ứng dụng KTQT trên phần mềm, kết quả cho thấy các DNNVV chưa ứng dụng PMKT nhiều cho mục đích quản trị, nhưng nhân tố nào có ảnh hưởng đáng kể đến việc ứng dụng thì tác giả chưa đề cập tới.
Nghiên cứu của Võ Thị Bích Ngọc (2014) “Nghiên cứu chất lượng phần mềm kế toán Việt Nam”. Dựa trên cơ sở lý thuyết, tác giả đưa ra thang đo đo lường 4 nhân tố ảnh hưởng chất lượng phần mềm kế toán là chức năng, thiết kế hệ thống, hỗ trợ khách hàng và tính an toàn của phần mềm, xây dựng mô hình hồi quy giữa 4 nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng phần mềm, và tác giả chỉ ra rằng thang đo chất lượng PM chính là sự hài lòng khách hàng.
Nghiên cứu của Phan Thị Thái Tuyền (2015): “Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng phần mềm kế toán Misa”. Kết quả nghiên cứu được tác giả sử dụng để đánh giá chất lượng phần mềm kế toán Misa. Trong nghiên cứu này thiết kế hệ thống và tin cậy là hai nhân tố mang lại sự hài lòng cho khách hàng nhiều nhất. Tuy nhiên về mặt chức năng thì không được đánh giá cao, điều này cần phải được xem xét hơn vì chức năng là nhân tố quyết định để đảm bảo công việc kế toán có thể hoàn thành tốt mang lại sự hài lòng cao cho khách hàng. Ngoài các yếu tố được xem xét trong mô hình, có nhiều yếu tố khác tác động đến sự hài lòng khách hàng như thương hiệu, giá cả…chưa được xem xét tới.
Nghiên cứu của Phạm Thị Tuyết Hường (2016): “Ảnh hưởng của chi phí sử dụng PMKT đến quyết định sử dụng PMKT ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”. Thông qua luận văn, tác giả tập trung xác định sự ảnh hưởng của chi phí đến quyết định sử dụng PMKT, có phân tích chi tiết sự tác động của từng thành phần chi phí. Tuy nhiên tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, với các số liệu thu thập được tác giả đã tổng hợp, phân tích thông qua thống kê mô tả. Và cuối cùng, tác giả đưa ra kết quả nghiên cứu rằng chi phí có ảnh hưởng đáng kể đến quyết định sử dụng PMKT tại các DNnhỏ và vừa, chưa xem xét sự ảnh hưởng của chi phí đến ý định ứng dụng PMKT, đây cũng là một lỗ hổng nghiên cứu.
Nghiên cứu của Trần Thị Kim Lý (2016): “Các nhân tố ảnh hưởng đến ứng dụng phần mềm kế toán tại các DN nhỏ và vừa tại thành phố Hồ Chí Minh”. Nghiên cứu đề xuất một số nhân tố gồm: sự ủng hộ của nhà quản lý, lợi thế tương đối, chi phí, rủi ro ứng dụng và áp lực thay đổi quy trình. Với giả định là các nhân tố này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến việc ứng dụng phần mềm kế toán tại các DNnày. Tuy nhiên luận văn chưa khai thác được các nhân tố tác động bên ngoài, cùng với các quyết định sử dụng cũng chưa được khai thác hết.
Nghiên cứu của Bùi Quang Hùng (2019): “Nghiên cứu về mối quan hệ về chất lượng phần mềm kế toán với hoạt động kế toán, năng lực phản ứng và hiệu quả hoạt động của DNtại Việt Nam”. Ngoài các đóng góp về mặt quản trị, nghiên cứu cũng đã góp phần bổ sung các mô hình đo lường và các lý thuyết khoa học liên quan đến ứng dụng PMKT tại các DN Việt Nam. Khẳng định việc ứng dụng PMKT có chất lượng sẽ ảnh hưởng tích cực đến hoạt động kế toán nói chung và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp (trên cơ sở các lợi ích của hệ thống kế toán do ứng dụng PM) đến hoạt động KTQT nói riêng. Đề tài hạn chế trong việc đánh giá tính chất và mức độ tích hợp của PMKT ứng dụng trong mối quan hệ với hoạt động kế toán, kế toán quản trị, năng lực phản ứng và hiệu quả hoạt động của DN.
Nói chung tại Việt Nam, các nghiên cứu phần lớn tập trung vào các tiêu chí lựa chọn PMKT, chưa có các nghiên cứu về phương pháp hay ý định áp dụng PMKT hay các nhân tố nào ảnh hưởng đến việc chấp nhận sử dụng một PMKT nào phù hợp với đặc thù của một loại hình DN cụ thể.
Định hướng nghiên cứu
Việc sử dụng PMKT là xu hướng chủ yếu của quá trình ứng dụng CNTT của các DNViệt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu cụ thể về nội dung này hầu như rất ít, chủ yếu liên quan đến ứng dụng PMKT vào trong DN như sử dụng PMKT để đẩy mạnh hoạt động KTQT, đánh giá mức độ phù hợp của phần mềm, lựa chọn PMKT phù hợp cho doanh nghiệp. Một điều nghịch lý là mặc dù đa phần các DN Việt Nam đang sử dụng các PMKT, nhưng các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến ý định chấp nhận sử dụng PMKT tại các khách sạn tại Đà Nẵng thì gần như chưa có - trong khi đó Đà Nẵng hiện là khu vực kinh tế lớn của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước nói chung.
Đối với các nghiên cứu nước ngoài đã có nhiều nghiên cứu thực hiện về vai trò của CNTT nói chung đối với hoạt động kế toán, cũng như ảnh hưởng của chúng đối với kết quả, hiệu quả hoạt động của DNhoặc mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên phần lớn các nghiên cứu đều thực hiện trên cơ sở ứng dụng phần mềm ERP. Chưa có nghiên cứu nào nghiên cứu cụ thể về ứng dụng PMKT hay các nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn PMKT cho các DN.
Các nghiên cứu tại Việt Nam chủ yếu tìm hiểu về các nhân tố liên quan đến việc lựa chọn PMKT, thực trạng ứng dụng PMKT, giải pháp xây dựng và nâng cấp PM, cũng có nghiên cứu các tiêu chí về chất lượng PMKT. Qua đó, tác giả nhận thấy chưa có nghiên cứu nào đặc biệt phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận sử dụng PMKT, sự tác động của các nhân tố đến ứng dụng phần mềm, đặc biệt dựa trên nền tảng lý thuyết khuynh hướng đổi mới (innovation). Đây cũng là nội dung nghiên cứu mà tác giả mong muốn làm rõ.
Hiện nay, rất nhiều khách sạn vẫn có tư tưởng rằng khách sạn nhỏ thì không cần phải đầu tư phần mềm quản lý. Chính vì tư tưởng sai lầm này mà rất nhiều khách sạn đã đánh mất khách hàng. Phần mềm quản lý khách sạn nói chung, PMKT khách sạn nói riêng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho khách sạn. Trước hết, nó giúp nhân viên lễ tân có thể thực hiện nghiệp vụ đặt phòng, check-in, check-out… nhanh chóng và chính xác hơn. Ngoài ra, PMKT còn có thể có các tiện ích như phân tích doanh thu và chi phí, lãi gộp theo nhân viên, hóa đơn, khách hàng, nhóm hàng, hợp đồng, theo vùng miền, theo nhóm khách hàng, theo dõi chi phí theo từng bộ phận; hỗ trợ theo dõi nợ phải thu, phải trả theo từng khách hàng, từng hóa đơn, từng hợp đồng, theo kỳ hạn nợ; tình hình sử dụng tài sản cố định; báo cáo doanh số theo từng nhân viên, phân tích doanh thu theo thời điểm; theo dõi chi tiết và tổng hợp công nợ theo tài khoản, từng khách hàng, từng hợp đồng, từng hóa đơn, thời hạn nợ, in bảng đối chiếu công nợ, xử lý chênh lệch tỷ giá tự động.
Một PMKT tốt là chìa khóa để kinh doanh khách sạn thành công.
Vì vậy, nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chấp nhận sử dụng PMKT tại các khách sạn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là một hướng tiếp cận khác liên quan đến ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực kế toán, cụ thể nghiên cứu này tập trung phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến ứng dụng phần mềm – giai đoạn ý định ứng dụng, không tập trung nghiên cứu giai đoạn quyết định lựa chọn phần mềm.
Kết luận
Như vậy, ở thị trường mới nổi như thành phố Đà Nẵng, chưa có nghiên cứu nào xem xét đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận sử dụng (ý định sử dụng) phần mềm kế toán của các khách sạn. Liệu việc sử dụng PMKT có đem lại lợi ích kế toán, thúc đẩy hoạt động KTQT từ đó gia tăng năng hiệu quả hoạt động của các khách sạn hay không. Đó chính là vấn đề mà tác giả muốn nghiên cứu.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Thị Tuyết Hường (2016): “Ảnh hưởng của chi phí sử dụng PMKT đến quyết định sử dụng PMKT ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.
2. Trần Thị Kim Lý (2016): “Các nhân tố ảnh hưởng đến ứng dụng phần mềm kế toán tại các DNnhỏ và vừa tại thành phố Hồ Chí Minh”.
3. Granlund và Malmi (2002):“ Moderate impact of ERPs on management accounting: a lag or permanent outcome”. Management Accounting Research, Vol. 13 No. 3, pp. 299-321.
4. G. Premkumar & Marharet Roberts, (1999). Adoption of new information
technologies in rural small businesses
5. Kaye Morris, Demand Media, (2009). “Factors to Consider when Choosing Accounting Software.
6. Morteza Ramazani, Farnaz Vali Moghaddam Zanjani, (2012). Accounting Software Expectation Gap Based on Features of Accounting Information Systems (AISS)”. Journal of Emerging Trends in Computing and Information Sciences, November, Vol. 3, No.11.
7. Y.L.Thong, 1999. An intergrated model of information systems adoption in small
Businesses. Journal of Management Information Systems, Spring, Vol. 15, No. 4, pp. 187-214.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: