Trích lập khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) trong doanh nghiệp luôn là một trong những vướng mắc pháp lý của nhiều tổ chức, cá nhân trong quá trình kê khai, hạch toán tài sản cố định trong doanh nghiệp. Bài viết này trao đổi một số nội dung liên quan đến vấn đề này như sau:
1. Doanh nghiệp muốn xác định thời gian trích khấu hao cho tài sản cố định dài hơn so với khung qui định thì có được không?
Doanh nghiệp muốn xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định mới và đã qua sử dụng khác so với khung thời gian trích khấu hao quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 45/2013/TT-BTC thì phải tuân thủ những quy định của pháp luật. Doanh nghiệp phải lập phương án thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản cố định trên cơ sở giải trình rõ các nội dung
Theo Điểm a Khoản 3 Điều 10 Thông tư 45/2013/TT-BTC có quy định như sau:
"Trường hợp doanh nghiệp muốn xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định mới và đã qua sử dụng khác so với khung thời gian trích khấu hao quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này, doanh nghiệp phải lập phương án thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản cố định trên cơ sở giải trình rõ các nội dung sau:
– Tuổi thọ kỹ thuật của TSCĐ theo thiết kế;
– Hiện trạng TSCĐ (thời gian TSCĐ đã qua sử dụng, thế hệ tài sản, tình trạng thực tế của tài sản);
– Ảnh hưởng của việc tăng, giảm khấu hao TSCĐ đến kết quả sản xuất kinh doanh và nguồn vốn trả nợ các tổ chức tín dụng.
– Đối với các tài sản hình thành từ dự án đầu tư theo hình thức B.O.T, B.C.C thì doanh nghiệp phải bổ sung thêm Hợp đồng đã ký với chủ đầu tư."
Thẩm quyền phê duyệt phương án thay đổi thời gian trích khấu hao của tài sản cố định:
Theo Điểm b Khoản 3 Điều 10 Thông tư 45/2013/TT-BTC có quy định về thẩm quyền phê duyệt phương án thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản cố định:
"– Bộ Tài chính phê duyệt đối với:
+ Công ty mẹ các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, công ty do nhà nước nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên do các Bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
+ Các công ty con do Công ty mẹ Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nắm giữ 51% vốn điều lệ trở lên.
– Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt đối với các Tổng công ty, công ty độc lập do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác có trụ sở chính trên địa bàn.
Trên cơ sở Phương án thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản cố định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày được phê duyệt Phương án, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý để theo dõi, quản lý."
Quy định về số lần thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ:
Theo Điểm c Khoản 3 Điều 10 Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định về số lần thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản như sau:
"Doanh nghiệp chỉ được thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ một lần đối với một tài sản. Việc kéo dài thời gian trích khấu hao của TSCĐ bảo đảm không vượt quá tuổi thọ kỹ thuật của TSCĐ và không làm thay đổi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ lãi thành lỗ hoặc ngược lại tại năm quyết định thay đổi. Trường hợp doanh nghiệp thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ không đúng quy định thì Bộ Tài chính, cơ quan thuế trực tiếp quản lý yêu cầu doanh nghiệp xác định lại theo đúng quy định."
Như vậy:
Doanh nghiệp muốn thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản cố định khác với khung thời gian trích khấu hao quy định tại phụ lục số 01 Thông tư 45/2013/TT-BTC thì:
- Lập phương án thay đổi thời gian trích khấu hao và giải trình rõ các nội dung: Tuổi thọ kỹ thuật của TSCĐ theo thiết kế, hiện trạng tài sản cố định, ảnh hưởng của việc tăng (giảm) tài sản cố định đến sản xuất kinh doanh.
- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày được phê duyệt phương án, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý để theo dõi.
- Doanh nghiệp chỉ được phép thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ 01 lần đối với một tài sản.
2. Công ty mua căn hộ officetel làm trụ sở văn phòng đã đưa vào sử dụng vào tháng 9/2019, nhưng đến nay chưa có sổ đỏ, chỉ có hợp đồng ghi 50 năm, hóa đơn do bên bán cung cấp. Như vậy, khi nào thì có thể thực hiện khấu hao tài sản cố định?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 45/2013/TT_BTC, mọi TSCĐ đều phải thực hiện trích khấu hao trừ trường hợp tài sản cố định do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp trừ trường hợp TSCĐ thuê tài chính.
Mặt khác, theo quy định tại tiết b điểm 2.2 khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 96/2015/TT_BTC:
Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
-…
- Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Chi khấu hao đối với tài sản cố định không có giấy tờ chứng minh thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ tài sản cố định thuê mua tài chính)."
Đối với tài sản là nhà ở, công trình xây dựng trên đất thì giấy tờ chứng minh quyền sở hữu là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mang tên của doanh nghiệp. Do đó, nếu doanh nghiệp đã mua, đưa vào sử dụng căn hộ officetel này mà chưa có sổ hồng thì cũng không thể thực hiện việc trích khấu hao TSCĐ với tài sản này để đưa vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN được.
3. Ngày 05 tháng 09 năm 2018 Công ty mua chiếc xe Toyota LANDCRUISER dưới 9 chỗ trị giá 2.500.000.000 VNĐ và được cấp giấy đăng ký xe ngày 10 tháng 09 năm 2018, mang tên Công ty. Đến năm 2019 khi Công ty đã đăng ký ngành nghề kinh doanh khách sạn và được cấp phép đăng ký kinh doanh lữ hành du lịch vào ngày 03 tháng 08 năm 2019 và có quyết định đưa chiếc xe Toyota LANDCRUISER dưới 9 vào hoạt động kinh doanh lữ hành của Công ty. Vậy Cty có được trích khấu hao hết giá trị đối với tài sản hay không?
Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014 quy định chi phí không được trừ:
"Phần trích khấu hao tương ứng với phần nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô chuyên kinh doanh vận tải hành khách, du lịch và khách sạn); phần trích khấu hao đối với tài sản cố định là tàu bay dân dụng và du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch.
Ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống chuyên kinh doanh vận tải hành khách, du lịch và khách sạn là các ô tô được đăng ký tên doanh nghiệp mà doanh nghiệp này trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký một trong các ngành nghề: vận tải hành khách, du lịch, kinh doanh khách sạn và được cấp phép kinh doanh quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh vận tải, hành khách, du lịch, khách sạn."
Như vậy, trong năm 2018, Công ty chưa đăng ký ngành nghề và chưa được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, vì vậy, phần vượt quá 1,6 tỷ giá trị của xe sẽ không được tính là chi phí hợp lý của Doanh nghiệp.
Đến năm 2019, Công ty đã được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực Lữ hành vì vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì Công ty sẽ được trích khấu hao toàn bộ giá trị chiếc xe. Tuy nhiên, công ty đã trích khấu hao trước từ 2018 và quy định thì chưa rõ ràng, công văn cũng chưa hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, muốn có cơ sở pháp lý cho trường hợp này cần có Công văn hướng dẫn từ cơ quan Thuế.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: