ÁP DỤNG CHUẨN MỰC BÁO CÁO TÀI CHÍNH QUỐC TẾ (IFRS) TẠI VIỆT NAM- NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ NHỮNG VIỆC CẦN LÀM ĐỂ CHUYỂN ĐỔI THÀNH CÔNG SANG IFRS
Ths. Nguyễn Thị Tấm
Khoa Kế toán – Trường Đại học Duy Tân
254 Nguyễn Văn Linh – Đà Nẵng
Hiện nay, IFRS đang được áp dụng toàn bộ hoặc gần như toàn bộ tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Trong xu thế toàn cầu hóa, áp dụng chuẩn mực chung về lập BCTC, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài tiến trình hội nhập với hệ thống IFRS. Bài viết này trình bày những khó khăn trong việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam và đề xuất những việc cần làm để chuyển đổi thành công sang IFRS.
1. Những khó khăn trong việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam
Hiện nay, trên thế giới, xu hướng áp dụng IFRS ngày càng trở nên phổ biến. Việc áp dụng IFRS giúp tăng cường khả năng so sánh và tính minh bạch của báo cáo tài chính, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, gia tăng niềm tin với nhà đầu tư, thúc đẩy các khoản đầu tư xuyên biên giới,…Với những lợi ích như vậy, việc áp dụng IFRS sẽ giúp Việt Nam đi đúng hướng theo tầm nhìn tới năm 2035 cũng như theo kịp đà phát triển trong khu vực và trên thế giới. Hiện Chính phủ đang có những bước đi tích cực, để sẵn sàng tiến tới áp dụng IFRS. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng IFRS lần đầu chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, không chỉ với DN áp dụng IFRS mà cả các bên liên quan như cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Tài chính, các trường đại học, các nhà nghiên cứu, công ty kiểm toán, hội nghề nghiệp,…
Thứ nhất là vướng mắc về hệ thống: Hệ thống phần mềm kế toán tại các Doanh nghiệp hiện nay chưa hoàn toàn đồng bộ và chưa có tính năng để nhập các bút toán chuyển đổi theo IFRS, do vậy việc chuyển đổi theo IFRS đều phải tiến hành thủ công dẫn đến mất nhiều công sức và có thể mắc phải những nhầm lẫn trong quá trình tính toán. Đặc biệt đối với các tập đoàn thì lượng dữ liệu tại một số công ty con tương đối lớn và phức tạp nên khá khó khăn và mất thời gian trong việc thu thập và xử lý cho nhu cầu sử dụng trong chuyển đổi IFRS. Nên việc cần triển khai đầu tư nâng cấp và đồng bộ hóa hệ thống phần mềm kế toán nhằm hỗ trợ công tác kế toán tài chính nói chung và công tác chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS nói riêng.
Thứ hai là khó khăn trong việc tiếp cận thông tin thị trường: Thông tin đầu vào từ thị trường (chứng khoán, nhà đất) để phục vụ cho công tác định giá còn rất hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng, thiếu minh bạch và không cập nhật, gây khó khăn trong quá trình làm việc và ảnh hưởng tới mức độ tin cậy của các đánh giá về giá trị hợp lý.
Thứ ba là các quy định và chuẩn mực: Các quy định về hạch toán kế toán, thuế và luật khác trong VAS cũng như các chuẩn mực của IFRS thường xuyên được sửa đổi, bổ sung hoặc thay mới, trong khi ở Việt Nam nguồn tài liệu phân tích và hướng dẫn về chuyển đổi theo IFRS rất ít (gần như không có), nên việc cập nhật áp dụng cũng khá khó khăn.
Thứ tư là khó khăn về nguồn lực: Chi phí cho việc lập Báo cáo tài chính theo IFRS là rất lớn, từ thuê kiểm toán, tư vấn, thuê tổ chức định giá, đến đào tạo nhân viên nên có một số phần doanh nghiệp chưa có điều kiện để thuê tổ chức định giá, do chi phí này hiện tại ở Việt Nam là khá lớn và có ít đơn vị có thể thực hiện được. Việc tuyển dụng được cán bộ có kinh nghiệm về IFRS tại Việt Nam không hề dễ dàng, do vậy đội ngũ cán bộ làm Báo cáo tài chính theo IFRS còn chưa nhiều cả về kinh nghiệm và kiến thức.
Thứ năm là sự phối kết hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp: Sự phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp chưa đáp ứng ngay khi áp dụng IFRS. Khác biệt giữa VAS và IFRS có liên quan đến quy trình kinh doanh, vì thế doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ. Ví dụ, phòng kế toán cần xác định những thông tin nào cần phải có để kế toán theo IFRS mà hiện thời hệ thống báo cáo theo VAS chưa có và phối hợp với phòng bán hàng, pháp chế rà soát và sửa đổi các điều khoản của hợp đồng bán hàng, mua hàng, hợp đồng vay, thuê tài sản,…
Thứ sáu sự hỗ trợ của bên ngoài doanh nghiệp: Sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các công ty kiểm toán, trường đại học đối với doanh nghiệp trong thời gian tới có ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai áp dụng IFRS. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng chưa biết rõ cơ chế phối hợp như thế nào, mức độ hỗ trợ ra sao.
2. Những việc Doanh nghiệp cần chuẩn bị để áp dụng IFRS
Việc áp dụng IFRS là một thách thức về trình độ năng lực chuyên môn, ngoại ngữ đối với nhân viên kế toán, kiểm toán, của các nhà đầu tư và cả các nhà quản lý. Nó đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ từ phía các doanh nghiệp và những người làm công tác kế toán, cũng như cần sự phối hợp đồng bộ của Chính phủ, các cơ quan ban ngành, nhằm điều chỉnh môi trường kinh tế, pháp luật đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc áp dụng IFRS không chỉ trong một sớm một chiều, do đó doanh nghiệp cần phải có sự nghiên cứu, tìm hiểu, xây dựng và chuẩn bị.
- Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp niêm yết, cần thiết lập hệ thống và quy trình lập Báo cáo tài chính theo IFRS cho riêng doanh nghiệp của mình và tiến hành cập nhật thường xuyên để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán áp dụng, tránh vi phạm các yêu cầu của chuẩn mực và quy định của pháp luật. Đây không chỉ là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự minh bạch của Báo cáo tài chính mà còn ảnh hưởng tới danh tiếng của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Doanh nghiệp cũng cần nâng cấp, điều chỉnh hệ thống phần mềm kế toán nhằm đáp ứng yêu cầu hạch toán theo IFRS.
- Vấn đề quan trọng tiếp theo chính là nguồn nhân lực: Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, trình độ, sự hiểu biết và nhận thức của những cán bộ trực tiếp cũng như gián tiếp tham gia vào quá trình lập báo cáo IFRS. Cần tạo điều kiện và có kế hoạch kinh phí hàng năm để cử cán bộ kế toán tham gia các khóa học, đào tạo trong nước và quốc tế với giảng viên là các chuyên gia giàu kinh nghiệm về IFRS, đồng thời tổ chức các buổi hội thảo nội bộ, đào tạo cũng như chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm lập Báo cáo tài chính theo IFRS giữa Công ty mẹ và các công ty thành viên, hoặc giữa Trụ sở chính và các chi nhánh. Cùng với đó, doanh nghiệp nên khuyến khích bản thân kế toán viên cần không ngừng cố gắng tự trau dồi, nghiên cứu, cập nhật kiến thức về IFRS bằng cách tham dự các buổi hội thảo cập nhật kiến thức IFRS của Bộ Tài chính, các hiệp hội nghề nghiệp kế toán, hiệp hội ACCA; tham gia học và thi lấy các chứng chỉ kế toán quốc tế.
- Một khía cạnh quan trọng nữa là phải có sự theo sát một cách thường xuyên, liên tục của Ban lãnh đạo xuyên suốt trong quá trình triển khai, để đưa ra các định hướng, cũng như nâng cao sự phối hợp của các cán bộ, phòng, ban trong doanh nghiệp, phục vụ cho công tác lập báo cáo IFRS.
- Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm và lựa chọn đội ngũ tư vấn đủ năng lực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai áp dụng IFRS, giúp doanh nghiệp “làm đúng ngay từ đầu” các yêu cầu cần thiết khi áp dụng IFRS. Thuê kiểm toán độc lập có chuyên môn, kinh nghiệm để tiến hành rà soát số liệu, quy trình chuyển đổi sang IFRS nhằm chấn chỉnh các bất cập và rút kinh nghiệm cho các kỳ sau cũng là một việc làm cần thiết.
- Doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị về kinh phí, nguồn lực khi áp dụng lập báo cáo theo chuẩn mực IFRS.
Từ những phân tích trên đây và từ những kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp đã chuyển đổi thành công từ các chuẩn mực kế toán trong nước sang IFRS, các doanh nghiệp cần chú ý đến một số điểm cơ bản như sau:
- Bắt đầu sớm: Các doanh nghiệp cần lên lộ trình chuyển đổi sang IFRS ngay khi có quyết định chuyển đổi để có thể đề ra những kế hoạch thay đổi về quy trình kinh doanh, tuyển dụng nhân sự và nguồn lực tài chính cho việc chuyển đổi IFRS thay vì đợi đến năm lập báo cáo tài chính theo IFRS lần đầu tiên;
- Cần thiết lập một đội dự án chuyển đổi sang IFRS trong đó người lãnh đạo dự án phải là một trong những thành viên của ban lãnh đạo doanh nghiệp, và có sự tham gia của các phòng ban chính trong doanh nghiệp, như kế toán, kinh doanh, pháp chế, công nghệ thông tin v.v.
- Đối với các tập đoàn thì cần thực hiện đánh giá tác động của việc chuyển đổi sang IFRS ở tất cả các đơn vị trong tập đoàn có thể có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty mẹ để có thể có kế hoạch đào tạo kế toán của các công ty này lập bộ báo cáo tài chính theo IFRS phục vụ cho mục đích hợp nhất báo cáo của công ty mẹ;
-Tổ chức đào tạo một đội ngũ kế toán có kiến thức về IFRS ở cả công ty mẹ và các công ty con trọng yếu trong tập đoàn;
- Làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán có nhiều kinh nghiệm về kiểm toán báo cáo tài chính hoàn thiện theo IFRS để có được sự hỗ trợ kịp thời đối với những vấn đề kỹ thuật trọng yếu khi lập báo cáo tài chính theo IFRS.
3. Một số kiến nghị
Về phía Nhà nước và các cơ quan chủ quản
Về phía các cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cần tăng cường hỗ trợ DN triển khai áp dụng IFRS như ban hành thông tư hướng dẫn rõ ràng và sát với nội dung IFRS, tránh tình trạng dịch không sát nghĩa, dẫn đến hiểu sai hoặc khó áp dụng. IFRS hàng năm có sự cập nhật, thay đổi, cần được Bộ Tài chính bổ sung kịp thời.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp với các chuyên gia, các công ty kiểm toán hỗ trợ DN trong các khâu đặc biệt là trong năm chuyển đổi báo cáo tài chính; phối hợp với các cơ quan quản lý khác để xây dựng các văn bản pháp lý phù hợp. Cần phát triển thị trường định giá, thị trường vốn, xếp hạng tín nhiệm DN nhằm hỗ trợ cho DN triển khai IFRS.
Về phía các trường đại học
Các trường đại học cần đưa nội dung IFRS vào chương trình đào tạo bậc đại học là hết sức cấp thiết, trong giai đoạn hiện nay. Các trường đại học cần tiến hành rà soát chương trình đào tạo ngành kế toán và bổ sung nội dung đào tạo IFRS, theo các cách thức khác nhau. Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy IFRS, thông qua đào tạo chuyên môn IFRS và các kỹ năng cần thiết khác để làm chủ các phương pháp giảng dạy tích cực trong đào tạo IFRS. Chủ động xây dựng hệ thống học liệu phong phú về IFRS, gồm cả tiếng Anh và tiếng Việt. Trường đại học cần nhận thức rõ việc đào tạo IFRS hiện nay, không chỉ là sự lựa chọn mà hướng đi cần phải thực hiện để góp phần vào công cuộc đào tạo đội ngũ nhân lực kế toán, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Cần đầu tư chi phí để phát triển hệ thống học liệu về IFRS, đầu tư cho giảng viên học tập, trau dồi chuyên môn và các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu trong thời gian sắp tới, thông qua xây dựng các cơ chế tài chính phù hợp với hướng ưu tiên đào tạo IFRS.
Về phía các nhà nghiên cứu, công ty kiểm toán, hội nghề nghiệp: Cần tăng cường khả năng nghiên cứu và tư vấn về IFRS của các nhà nghiên cứu, công ty kiểm toán; phát triển đội ngũ kiểm toán viên có chứng chỉ kế toán công chứng quốc tế và năng lực chuyên môn gắn với IFRS. Tăng cường sự tham gia về chuyên môn, đặc biệt về IFRS của các hội nghề nghiệp tại Việt Nam
Về phía các Doanh nghiệp
Về phía các DN, cần nhận thức rõ vai trò của IFRS đối với DN và coi đây là một chiến lược quản lý từ đó có kế hoạch cụ thể để chủ động áp dụng IFRS; ưu tiên đầu tư đào tạo IFRS cho đội ngũ nhân viên kế toán thông qua việc tham gia các khóa học, mời chuyên gia IFRS đến tư vấn tại DN; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận trong DN, chẳng hạn lập một đội dự án chuyển đổi sang IFRS trong đó bao gồm các bộ phận trong DN và người lãnh đạo dự án phải là một trong những thành viên của ban lãnh đạo DN; Đầu tư công nghệ thông tin đủ mạnh để hỗ trợ việc thu thập, xử lý thông tin giữa các bộ phận trong DN; mua sắm phần mềm kế toán phù hợp với IFRS.
4. Kết luận
Việc chuyển đổi từ các chuẩn mực kế toán Việt Nam sang IFRS của Việt Nam là một yếu tố quan trọng giúp cho các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể hội nhập và gia nhập ở mức độ cao hơn nữa với các thị trường tài chính quốc tế. Ngoài các ảnh hưởng tích cực của việc áp dụng IFRS đối với các doanh nghiệp, sẽ có rất nhiều thách thức không nhỏ đang chờ đón họ ở phía trước. Việc lãnh đạo doanh nghiệp có những hiểu biết đúng đắn về những khó khăn, thách thức của việc chuyển đổi sang IFRS và có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi một cách khoa học, bài bản, rõ ràng sẽ là một trong những tiền đề để doanh nghiệp có thể triển khai IFRS một cách nhẹ nhàng, suôn sẻ và hiệu quả hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Bộ Tài chính (2020) Quyết định 345/QĐ-BTC về việc phê duyệt Đề án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam.
[2]. Ðường Thị Quỳnh Liên (2017), Khó khăn, thách thức khi áp dụng IFRS tại Việt Nam và lộ trình thực hiện;
[3]. Nguyễn Thế Thọ (2017), Áp dụng IFRS đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt nam lợi ích, thách thức và lộ trình;
[4]. Những điểm cần lưu ý khi chuyển đổi từ IAS sang IFRS, http://www.misa.com.vn/tin-tuc/chi-tiet/newsid/5197/Nhung-diem-can-luu-y-khi-chuyen-doi-tu--IAS-sang-IFRS;
[5]. CPA Australia, Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, Vnexpress.net.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: