Lê Thị Huyền Trâm1; Đinh Thị Thu Hiền
1 Th.S Lê Thị Huyền Trâm, Giảng viên khoa Kế toán, Đại học Duy Tân
E-mail: lehuyentram1606@gmail.com
2 Th.S Đinh Thị Thu Hiền, Giảng viên khoa Kế toán, Đại học Duy Tân
E-mail: hien.dh207@gmail.com
TÓM TẮT:
Trong các doanh nghiệp (DN), hàng tồn kho (HTK) là một bộ phận chiếm tỷ trọng lớn, có vị trí quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh của DN, ảnh hưởng quyết định đến cấu trúc tài chính và hiệu quả hoạt động của đơn vị trong chu kỳ kinh doanh. Đối với các DN dệt may Việt Nam hiện nay thì công tác quản lý hàng tồn kho chưa được quan tâm đúng mức nên chưa cung cấp thông tin kịp thời cho nhà quản trị. Để quản lý hiệu quả hàng tồn kho, các nhà quản trị thường phải sử dụng nhiều công cụ quản lý khác nhau, trong đó có kế toán quản trị(KTQT) nói chung và kế toán quản trị hàng tồn kho nói riêng. Bài viết này đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện kế toán quản trị hàng tồn kho trong các DN dệt may Việt Nam.
Từ khóa: Kế toán quản trị, hàng tồn kho, doanh nghiệp, dệt may
1. Đặt vấn đề
Trong giai đoạn hiện nay, ngành dệt may Việt Nam là một trong số các ngành gặp nhiều khó khăn và hiện đang ở mức độ phát triển tương đối thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặc dù Nhà nước ta có chủ trương hợp lý tạo điều kiện cho ngành dệt may phát triển, nhưng quá trình hội nhập đòi hỏi phải có những đầu tư và phát triển mạnh mẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm dệt may phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giá cả, chất lượng, mẫu mã và các biện pháp marketing, các kênh phân phối. Để đáp ứng yêu cầu này thì KTQT đã trở thành công cụ chiến lược của nhiều nhà quản lý hiện nay. Trong đó quản trị HTK là nội dung quan trọng, giúp các DN nắm được tình hình quản lý, sử dụng HTK và đưa ra các giải pháp, các chính sách đúng đắn để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
2. Vai trò của kế toán quản trị hàng tồn kho trong doanh nghiệp
Kế toán quản trị hàng tồn kho là bộ phận của hệ thống kế toán quản trị nhằm cung cấp các thông tin về hàng tồn kho để mỗi DN thực hiện chức năng quản trị, nhằm giúp các nhà quản trị xây dựng kế hoạch, kiểm soát, đánh giá hoạt động và đưa ra các quyết định hợp lý. Theo đó, vai trò của kế toán quản trị HTK được thể hiện như sau:
- Thứ nhất, kế toán quản trị hàng tồn kho là nhân tố đóng vai trò chủ đạo trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến hàng tồn kho của nhà quản trị DN. Như chúng ta đã biết để đưa ra thông tin phục vụ cho việc ra quyết định, nhà quản trị cần nhiều nguồn thông tin khác nhau cụ thế kế toán quản trị hàng tồn kho sẽ sử dụng các phương pháp phân tích thích hợp, chọn lọc những thông tin cần thiết rồi tổng hợp, trình bày chúng theo một trình tự.
- Thứ hai, kế toán quản trị hàng tồn kho sẽ cung cấp thông tin cho nhà quản trị thông qua các báo cáo như báo cáo tồn kho, báo cáo lượng đặt hàng tối ưu, báo cáo tình hình dự trữ vật tư theo tiến độ sản xuất…Qua đó giúp cho các chức năng quản trị được thực hiện tốt hơn và gắn hoạt động của DN với môi trường bên ngoài DN như đặt hàng, xây dựng mô hình quản trị HTK…
- Thứ ba, kế toán quản trị hàng tồn kho trong DN không chỉ thu nhận, xử lý, cung cấp các thông tin quá khứ về tình hình quản lý và sử dụng hàng tồn kho một cách chi tiết theo yêu cầu quản lý mà còn cung cấp thông tin mang tính chất dự báo tương lai, dự báo về lượng hàng tiêu thụ, phục vụ cho mục đích ra quyết định của nhà quản trị. Qua đó giúp DN xây dựng kế hoạch đặt hàng cụ thể cũng như việc lựa chọn nhà cung cấp uy tín có thể hợp tác lâu dài. Như vậy, nhờ thông tin của kế toán quản trị hàng tồn kho, nhà quản trị có thể lập kế hoạch xác định nhu cầu hàng hóa cần cho tiêu thụ là bao nhiêu, mua vào thời điểm nào với lượng mua mỗi lần là bao nhiêu sẽ đạt hiệu quả cao nhất trong quản lý, tiêu thụ sản phẩm.
- Thứ tư, kế toán quản trị HTK có vai trò quan trọng trong việc đo lường và đánh giá kết quả của đơn vị. Các công cụ tính toán chỉ tiêu liên quan đến HTK của kế toán quản trị như vòng quay HTK, tỷ trọng HTK… có thể giúp cung cấp thông tin về khả năng tài chính, mức độ đáp ứng tài chính, chi phí cơ hội, thu nhập được giữ lại và các chi phí liên quan đến việc tăng nguồn tài chính từ bên ngoài.
3. Các phương pháp quản lý hàng tồn kho
Quản lý HTK có ý nghĩa kinh tế quan trọng do hàng tồn kho là một trong những tài sản có giá trị lớn. HTK có đặc điểm nếu hàng tồn kho dự trữ quá nhiều thì sẽ bị ứ đọng vốn, DN phải tốn thêm những chi phí liên quan đến dự trữ. Ngược lại, để sản xuất liên lục tránh đứt quãng trong dây chuyền sản xuất, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người tiêu dung thì DN phải đảm bảo về dự trữ HTK. Do vậy các doanh nghiệp cần phải có phương pháp quản lý HTK hiệu quả, có thể kể một số phương pháp sau:
* Quản lý HTK theo phương pháp cung cấp đúng lúc (JIT)
Khi sử dụng hệ thống kiểm kê đúng lúc (JIT), mục tiêu là giảm thiểu chi phí lưu trữ hàng tồn kho bằng cách duy trì số lượng mặt hàng tối thiểu cần thiết. Để hệ thống JIT hoạt động, chúng ta cần có hiểu biết vững chắc về sự ra đời, quy trình sản xuất và kỹ năng quản lý chuỗi cung ứng xuất sắc.
Hệ thống quản lý HTK “Just In Time” được phát triển bởi công ty Toyota Nhật Bản vào những năm 90 nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong quản lý HTK. Hệ thống quản lý HTK dựa trên ý tưởng thay vì tốn chi phí cho việc dự trữ hàng hoá thì các nhà sản xuất có thể cung cấp số lượng cần thiết về thời điểm giao hàng và số lượng cần giao. Chính vì vậy không có tình trạng tồn trữ và thiếu hụt nguyên vật liệu.
Lượng dự trữ đúng thời điểm là lượng dự trữ tối thiểu cần thiết để giữ cho hệ thống sản xuất và điều hành hoạt động bình thường. Với phương pháp cung cấp đúng lúc và dự trữ đúng thời điểm hay hàng tồn kho bằng không, người ta có thể xác định khá chuẩn xác số lượng của từng loại hàng tồn kho trong từng thời điểm nhằm đảm bảo hàng được đưa đến nơi có nhu cầu đúng lúc, kịp thời để cho hoạt động của những nơi đó được đảm bảo liên tục, tuy nhiên lại không bị sớm quá hay muộn quá.
* Quản lý HTK theo mô hình EOQ
Mô hình kiểm soát dự trữ cơ bản EOQ được đề xuất và ứng dụng từ năm 1915, cho đến nay nó vẫn được hầu hết các doanh nghiệp sử dụng. Kỹ thuật kiểm soát dự trữ theo mô hình này rất dễ áp dụng, nhưng khi sử dụng nó, người ta đã phải dựa vào những giả thiết quan trọng, đó là:
- Nhu cầu phải biết trước và nhu cầu không đổi;
- Lượng hàng của mỗi đơn hàng được thực hiện trong một chuyến hàng và được thực hiện ở một thời điểm đã địvnh trước;
- Phải biết trước thời gian kể từ khi đặt hàng cho tới khi nhận được hàng và thời gian đó không đổi;
- Chỉ có duy nhất 2 loại chi phí là chi phí tồn trữ và chi phí đặt hàng;
- Sự thiếu hụt trong kho hoàn toàn không xảy ra nếu như đơn đặt hàng được thực hiện đúng thời gian.
Công thức xác định mức đặt hàng hiệu quả:
Chi phí đặt hàng:
Chi phí tồn kho:
TC: tổng chi phí tồn kho
Da: Tổng nhu cầu trong năm
S: chi phí một lần đặt hàng
H: chi phí tồn kho đơn vị trong năm
Q: quy mô đặt hàng
EOQ: mức đặt hàng hiệu quả
Mức đặt hàng hiệu quả: là mức đặt hàng tại đó chi phí đặt hàng bằng chi phí tồn kho.
3. Thực trạng về KTQT hàng tồn kho trong các DN dệt may tại Việt Nam
3.1. Đặc điểm chung về HTK trong các DN dệt may
Công tác tổ chức, quản lý và hạch toán hàng tồn kho cũng có những nét đặc thù riêng vì hàng tồn kho trong doanh nghiệp thường gồm nhiều loại, có vai trò, công dụng khác nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đối với các DN dệt may thì HTK có những đặc điểm cơ bản sau:
- Sản phẩm có đặc điểm là đa dạng, chu kỳ sản xuất ngắn. Cùng một quá trình sản xuất, cùng loại nguyên vật liệu có thể cho ra rất nhiều loại sản phẩm có kích cỡ khác nhau: vải, sợi, hàng may mặc…
- HTK trong các DN dệt may là một bộ phận của tài sản ngắn hạn bao gồm thành phẩm, sản phẩm dở dang, nguyên vật liệu… và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp nên việc quản lý và sử dụng có hiệu quả hàng tồn kho có ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Trong doanh nghiệp dệt may nguyên vật liệu bao gồm nhiều loại khác nhau với đặc điểm về tính chất thương phẩm và điều kiện bảo quản cũng khác nhau. Do đó, công tác kiểm soát vật chất, kiểm kê, quản lý và sử dụng hàng tồn kho là một công việc phức tạp trong công tác quản lý tài sản nói chung và tài sản ngắn hạn nói riêng.
- Trong các DN dệt may thì HTK thường xuyên tham gia toàn bộ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có các nghiệp vụ xảy ra thường xuyên với tần suất lớn, qua đó hàng tồn kho luôn biến đổi về mặt hình thái hiện vật và chuyển hoá thành những tài sản ngắn hạn khác như, sản phẩm dở dang hay thành phẩm, ...
Xuất phát từ những đặc điểm của hàng tồn kho trong DN dệt may, tuỳ theo điều kiện quản lý hàng tồn kho ở mỗi doanh nghiệp mà yêu cầu quản lý hàng tồn kho có những điểm khác nhau. Các nhà quản trị cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của công tác kế toán quản trị hàng tồn kho tại các DN sản xuất hiện nay, từ đó có sự đầu tư thích đáng cho công tác kế toán nói chung và kế toán quản trị hàng tồn kho nói riêng.
3.2. Thực trạng KTQT hàng tồn kho trong các DN dệt may tại Việt Nam
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng ổn định trong giai đoạn từ 2016 – 2019. Năm 2016 đạt 28,12 tỷ USD, năm 2019 đạt 38,9 tỷ USD, tăng trưởng kép bình quân hàng năm là 9,55%. Riêng năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 35,27 tỷ USD, giảm 3,6 tỷ USD so với năm 2019, tương đương giảm 9,29%. Mức giảm này vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.
Nguyên nhân của mức sụt giảm trên là do là đại dịch diễn ra quá đột ngột, khiến thế giới không kiểm soát được và điều này ảnh hưởng đến sức mua toàn cầu, do việc làm của mọi người trên thế giới bị ảnh hưởng do cách ly toàn xã hội dẫn đến thu nhập của người dân giảm. Người dân ưu tiên việc mua nhu yếu phẩm, thực phẩm hơn là quần áo. Veston, sơ mi cao cấp của nam nữ vốn được xem là mặt hàng chiến lược, có giá trị cao nay bị thay đổi khi sức tiêu thụ giảm tới 80%.
Những thách thức của ngành dệt may trong năm 2020 chính là sự thay đổi phương thức mua hàng, thanh toán của các khách hàng. Cùng với đó, các mặt hàng sơ mi, veston cao cấp có mức độ tiêu thụ thấp, thậm chí có doanh nghiệp không có đơn hàng hoặc giảm tới 80%. Do đó, nhiều DN phải chuyển sang sản xuất đồ bảo hộ lao động, đồ mặc nhà, đồ thể thao, khẩu trang vải... Đi kèm với việc chuyển đổi chính là thay đổi công nghệ và phải đào tạo lại lao động, tốn kém chi phí của doanh nghiệp trong khi tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Ngoài nguyên nhân khách quan trên, tuy một vài DN quản lý HTK tốt, nhưng cũng còn nhiều DN việc quản lý HTK chưa thực sự hiệu quả, nguyên nhân của việc quản lý HTK chưa tốt đó là:
- Nhiều DN chưa áp dụng mô hình quản lý HTK, điều này dẫn đến DN chưa xác định được lượng dự trữ an toàn vì cho rằng tại thời điểm đặt hàng, lượng nguyên vật liệu nhập khẩu tồn kho vẫn đủ đáp ứng nhu cầu. Vì vậy DN cần xác định lượng đặt hàng tối ưu, giúp tối thiểu hóa chi phí đặt hàng và chi phí lưu kho.
- Hệ thống sổ sách kế toán HTK chưa được hoàn thiện. Có thể nói hệ thống sổ sách kế toán HTK đóng vai trò quan trọng trong quản lý HTK, tránh những sai sót, gian lận hoặc nhầm lẫn có thể xảy ra trong mọi hoạt động liên quan đến hàng tồn kho.
- Hiệu quả quản lý và sử dụng hàng tồn kho tại một số DN có xu hướng giảm. Điều này làm cho DN tăng chi phí, giảm tốc độ luân chuyển vốn, giảm doanh thu và lợi nhuận. Qua đó có thể đánh giá được công tác quản lý HTK chưa đảm bảo từ khâu luân chuyển chứng từ, theo dõi HTK trên tài khoản chi tiết, xây dựng định mức HTK đến công tác lập dự toán, lập báo cáo HTK.
4. Giải pháp hoàn thiện KTQT hàng tồn kho tại các DN dệt may Việt Nam
Từ thực tế KTQT hàng tồn kho ở các DN dệt may và dựa vào việc áp dụng KTQT hàng tồn kho ở các DN trên thế giới, tác giả đã rút ra một số giải pháp cho các DN dệt may Việt Nam như sau:
Thứ nhất là cần lập dự toán hàng tồn kho
Dự toán về hàng tồn kho cần được xây dựng chính xác, tiên tiến, phù hợp với khả năng, điều kiện của DN. Dự toán hàng tồn kho có ý nghĩa rất lớn trong việc tổ chức, quản lý, sử dụng có hiệu quả vật tư, tiền vốn của DN. Dự toán hàng tồn kho thường được lập hàng năm, phù hợp với năm tài chính, đảm bảo cho việc phân tích, đánh giá. Các DN dệt may Việt Nam cần lập dự toán hàng tồn kho chính xác và đầy đủ như: dự toán tiêu thụ, dự toán mua nguyên vật liệu, dự toán thành phẩm tồn kho cuối kỳ, .....
Thứ hai là cần hoàn thiện hệ thống tài khoản chi tiết.
HTK của DN dệt may rất đa dạng như áo sơ mi, quần kaki…nên cần xây dựng hệ thống tài khoản chi tiết cho từng loại, từng nhóm hàng may mặc phục vụ cho nhu cầu quản trị của doanh nghiệp. DN căn cứ vào hệ thống tài khoản kế toán do Bộ Tài chính ban hành hoặc được Bộ Tài chính chấp thuận áp dụng cho DN để chi tiết hóa theo các cấp phù hợp với kế hoạch, dự toán đã lập và yêu cầu cung cấp thông tin kế toán quản trị cho các nhà quản lý DN. Ví dụ chi tiết cho từng loại áo, từng size, … Tuy nhiên, việc chi tiết hóa các tài khoản phải đảm bảo không được làm sai lệch nội dung, kết cấu và phương pháp ghi chép trên tài khoản...
Thứ ba là cần phải xây dựng mô hình quản lý HTK hiệu quả
Để quản lý HTK tốt hơn các DN dệt may cần triển khai áp dụng mô hình quản trị HTK, cụ thể là mô hình EOQ hoặc mô hình JIT vì nếu triển khai mua theo số lượng đã tính toán thì không những sẽ tiết kiệm được chi phí tồn kho mà còn đáp ứng được nhu cầu, giảm bớt được thời gian lưu kho.
Thứ tư là cần lập báo cáo quản trị hàng tồn kho
Báo cáo quản trị HTK cần phản ánh một cách chi tiết tình hình hàng tồn kho của DN theo từng loại, từng cấp độ hàng tồn kho một cách chi tiết. Báo cáo quản trị hàng tồn kho cần chi tiết cho cả số dự toán và số thực tế để so sánh, đánh giá và tìm nguyên nhân sử dụng HTK hiệu quả hay không hiệu quả. Vì HTK trong DN dệt may là khoản mục chiếm tý trọng lớn trong tổng tài sản nên các nhà quản trị luôn luôn cần thông tin kịp thời, đúng lúc để đưa ra các quyết định đúng đắn, vì vậy định kỳ cần lập báo cáo quản trị hàng tồn kho. Việc xây dựng biểu mẫu báo cáo cần được đảm bảo các yếu tố cụ thể sau:
- Phải ghi thông tin kế toán thực tế, số liệu kế hoạch hoặc dự toán làm căn cứ so sánh, đánh giá khi sử dụng thông tin trong báo cáo kế toán nhằm phục vụ cho yêu cầu sử dụng thông tin.
- Phản ánh đầy đủ các chỉ tiêu chi tiết, cụ thể do yêu cầu quản trị kinh doanh đặt ra như các khoản mục chi tiết của giá cho từng loại HTK.
Thứ năm là hoàn thiện công tác chứng từ kế toán
Theo đó, đối với chứng từ kế toán, cần vận dụng các nguyên tắc, phương pháp về lập, luân chuyển, quản lý và sử dụng chứng từ kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của từng DN. Cụ thể hóa và bổ sung các nội dung cần thiết vào từng mẫu chứng từ kế toán đã được quy định để phục vụ cho việc thu thập thông tin quản trị nội bộ DN...
Thứ sáu là xây dựng kế hoạch đặt hàng
Trong trường hợp hàng đặt nhận được không chậm trễ hoặc quá trình sản xuất đúng như dự kiến lượng hàng sản xuất cho mỗi ngày thì không cần thiết phải có lượng hàng tồn kho an toàn. Cùng với đó, việc xây dựng được định mức hàng tồn kho tối ưu có liên hệ với việc xác định được lượng hàng tối ưu và tiến độ nhập hàng phù hợp. Trước hết, bộ phận kinh doanh của DN xem xét, phân tích thị trường để dự trữ nhu cầu hàng tồn kho, nhân viên tại các kho xây dựng kế hoạch mua những mặt hàng nào, số lượng bao nhiêu. Cần lưu ý là nhân tố mùa vụ, thời tiết liên quan chặt chẽ tới việc lựa chọn, kinh doanh sản phẩm dệt may phù hợp, quan trọng đối với doanh nghiệp xuất khẩu để bảo đảm vấn đề vận chuyển hàng hóa đúng tiến độ. Sau khi dự trù nhu cầu, kết hợp với báo cáo mức tồn kho do phòng kế toán gửi lên, bộ phận kinh doanh sẽ xây dựng kế hoạch đặt hàng.
5. Kết luận
Kế toán quản trị hàng tồn kho là bộ phận của hệ thống kế toán quản trị nhằm cung cấp các thông tin về hàng tồn kho để mỗi DN thực hiện chức năng quản trị yếu tố nguồn lực tiêu dùng cho các hoạt động, nhằm giúp các nhà quản trị xây dựng kế hoạch, kiểm soát, đánh giá hoạt động và đưa ra các quyết định hợp lý. Hiện nay các DN dệt may đang từng bước nỗ lực trong kinh doanh góp phần vào sự phát triển chung của đất nước với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Việc tổ chức KTQT hàng tồn kho là cần thiết trong các DN dệt may vì sẽ giúp DN nắm bắt được những đối tượng hàng tồn kho cụ thể để có thể đưa ra các quyết định kinh doanh đúng đắn góp phần tăng doanh thu, giảm chi phí cho DN.
-----------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
[1] Bộ tài chính (2006), Thông tư 53/2006/TT-BTC “Hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong các DN”
[2] ThS. Trần Thị Quỳnh Giang (2014), Kế toán quản trị hàng tồn kho: Công cụ giúp DN hội nhập hiệu quả, Tạp chí Tài chính số 5/2014
[3] PGS.TS. Phạm Văn Dược (1998), Hướng dẫn tổ chức kế toán quản trị trong các doanh nghiệp , NXB thống kê.
[4] http://www.vietnamtextile.org.vn/
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: