ThS Nguyễn Thị Quỳnh Giao
Trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, ký kết hợp đồng thương mại là hoạt động thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp hai bên doanh nghiệp không hài lòng hoặc vì một số vấn đề riêng của doanh nghiệp, không có sự thoả thuận hợp lý giữa hai bên dẫn đến kết quả huỷ hợp đồng và chịu một khoản phạt vi phạm hợp đồng kinh tế. Trong trường hợp đó kế toán sẽ xử lý và ghi nhận như thế nào?
Khoản phạt vi phạm hợp đồng kinh tế?
Phạt vi phạm hợp đồng là trách nhiệm dân sự do thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải khắc phục hậu quả bằng cách nộp một khoản tiền cho bên có quyền lợi bị ảnh hưởng một khoản tiền phạt nhất định. Đây là một chế tài khá phổ biến trong quan hệ hợp đồng nhằm răn đe, phòng ngừa vi phạm, giáo dục ý thức tuân thủ các cam kết đã ghi nhận trong hợp đồng, làm tăng tính tự giác thực hiện của các bên và trừng phạt bên có vi phạm hợp đồng.
Theo quy định tại Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 về thực hiện hợp đồng có thoả thuận phạt vi phạm hợp đồng như sau:
“1. Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận.
3. Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thoả thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm”.
Luật Thương Mại quy định: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm
Khoản phạt vi phạm hợp đồng kinh tế có được coi là chi phí hợp lý khi xác định thu nhập tính thuế?
Về các khoản phạt vi phạm của doanh nghiệp thì có Vi phạm hành chính và vi phạm hợp đồng kinh tế.
Hiện tại, theo Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định về các khoản chi phí không hợp lý:
“Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính bao gồm: vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê, vi phạm pháp luật về thuế bao gồm cả tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, đối với khoản vi phạm hành chính như trên thì đưa vào các khoản chi không hợp lý, còn khoản phạt vi phạm hợp đồng kinh tế thì vẫn được coi là chi phí hợp lý của doanh nghiệp, được đưa vào phí phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế.
Chứng từ phát sinh liên quan đến các khoản phạt vi phạm hợp đồng?
Tại khoản 1, điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC về hướng dẫn thi hành luật thuế GTGT quy định:
- Nếu doanh nghiệp phải nộp phạt vi phạm hợp đồng kinh tế bằng tiền mặt phải lập Phiếu chi
- Nếu doanh nghiệp thu tiền nộp phạt vi phạm hợp đồng kinh tế bằng tiền mặt lập Phiếu thu
- Nếu doanh nghiệp chi nộp phạt vi phạm hợp đồng kinh tế bằng hàng hóa phải lập hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng và kê khai thuế GTGT đối với các hóa đơn này như hoạt động bán hàng khác.
Hạch toán khoản phạt vi phạm hợp đồng kinh tế?
a) Trường hợp 1: Các khoản tiền phạt được ghi giảm giá trị tài sản:
Nợ TK 331, 111, 112…
Có các TK 151, 153, 154, 156, 241, 211…
b) Trường hợp 2: Các khoản tiền phạt được ghi nhận vào thu nhập khác:
Nợ 331, 111, 112…
Có TK 711 - thu nhập khác.
c) Trường hợp 3: Các khoản được bên thứ ba bồi thường (như tiền bảo hiểm được bồi thường, tiền đền bù di dời cơ sở kinh doanh...):
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 711 - Thu nhập khác.
- Các khoản chi phí liên quan đến xử lý các thiệt hại đối với những trường hợp đã mua bảo hiểm:
Nợ TK 811 - Chi phí khác
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 152,...
* Đối với bên chi tiền vi phạm hợp đồng kinh tế
Nợ TK 811 - Chi phí khác
Có các TK 111, 112
Có TK 333
Có TK 338
TÀI LIỆU THAM KHẢO
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: