Th.S Đinh Thị Thu Hiền – Th.S Lê Thị Huyền Trâm
Tóm tắt
Hiện nay phân tích tài chính là công cụ không thể thiếu trong công tác quản lý của nhà quản trị doanh nghiệp, mục đích của quá trình phân tích tài chính là đánh giá, đưa ra nhận định liên quan đến những thông tin chung và riêng về hoạt động kinh doanh toàn doanh nghiệp. Tùy thuộc vào quy mô, lĩnh vực mà nhà phân tích có thể đưa ra các nội dung phân tích phù hợp và có hiệu quả. Trong rất nhiều nhóm chỉ tiêu phân tích như phân tích về cấu trúc, phân tích về khả năng sinh lời, về khả năng thanh toán thì nội dung phân tich về hiệu quả chi phí lại ít được thực hiện mặc dù chi phí là yếu tố cần kiểm soát và rất quan trọng trong quá trình quản lý của nhà quản trị DN. Với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, cụ thể là doanh nghiệp Dệt may thì chi phí sản xuất phát sinh nhiều, quá trình kiểm soát chi phí đóng vai trò quan trọng trong quá trình quản lý chi phí của nhà quản trị do đó việc tập hợp và phân tích hiệu quả chi phí được xem là thật sự cần thiết. Bài viết xin đề cập đến việc tìm hiểu các chỉ tiêu trong phân tích hiệu quả chi phí trong các doanh nghiệp Dệt may từ đó nhìn nhận thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường hơn về hiệu quả quản lý chi phí.
Từ khóa: hiệu quả, chi phí, phân tích tài chính, doanh nghiệp Dệt may..
Tổng quan về chi phí trong doanh nghiệp dệt may
Ngành công nghiệp dệt, may trong những năm gần đây đã có những bước tiến tích cực, tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp ngành Dệt bình quân giai đoạn 2012-2020 đạt 11,8%/năm (các năm có tốc độ tăng cao trên 10% là: năm 2013 tăng 21%; năm 2014 tăng 19,7%; năm 2015 tăng 14%; năm 2016 tăng 16,9%; năm 2018 tăng 12,5% và năm 2019 tăng 10,9%). Một số thương hiệu may mặc được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước như: May 10, May Việt Tiến, Dệt Kim Đông Xuân, Gấm Thái Tuấn, áo sơ mi An Phước… Những thương hiệu này không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn giúp ngành Dệt may Việt Nam tạo dựng tên tuổi trên thị trường nước ngoài. Năm 2020, ngành Dệt may, giày dép, túi xách, sản xuất trang phục là những ngành chịu tác động tiêu cực và kéo dài nhất của dịch Covid-19. Chỉ số IIP ngành dệt giảm 0,5%; ngành sản xuất trang phục giảm 4,9% do đại dịch Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, thu hẹp thị trường tiêu thụ các sản phẩm may mặc, nhu cầu sản phẩm dệt may giảm sút mạnh khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch. Trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước nhờ chuỗi sản xuất phục hồi với đơn hàng truyền thống tăng trở lại. Các nền kinh tế lớn trên thế giới triển khai tiêm phòng vắc xin để phòng dịch Covid-19, đồng thời từng bước mở cửa trở lại để khôi phục kinh tế.
Chi phí nói chung và chi phí trong ngành Dệt may nói riêng đều phản ánh chung bản chất đó là sự hao phí, hao phí này gắn liền với lao động sống và lao động vật hóa phát sinh trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, đồng thời hao phí này làm giảm lợi ích kinh tế. Đối với các doanh nghiệp Dệt may, việc quản lý chi phí được phân chia theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào Nhà quản trị, quy mô, mức độ phong phú và đa dạng về sản phẩm. Nói một cách tổng quát, chi phí trong doanh nghiệp Dệt may bao gồm chi phí sản xuất và chi phí ngoài sản xuất, đối với chi phí sản xuất luôn tồn tại 3 yếu tố chính là chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung. Với những doanh nghiệp lớn, có nhiều phân xưởng, nhiều tổ đội sản xuất thì 3 khoản mục chi phí trên được theo dõi riêng cho từng phân xưởng, tổ đội sản xuất. Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp là lượng nguyên vật liệu chính góp phần lớn vào định hình sản phẩm, chủ yếu là vải. Chi phí nhân công trực tiếp là lực lượng lao động tác động đến nguyên vật liệu góp phần tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, hao phí của lực lượng này được bù đắp bởi tiền lương do doanh nghiệp chi trả. Chi phí sản xuất chung là tập hợp toàn bộ chi phí phát sinh gián tiếp đến quá trình sản xuất sản phẩm như phân xưởng, máy móc thiết bị, nhân công gián tiếp, nguyên vật liệu phụ… Chi phí ngoài sản xuất được xem là những chi phí phát sinh liên quan đến quá trình tiêu thụ và quản lý chung doanh nghiệp, bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý.
Với những chi phí trên, tùy thuộc vào quan điểm sử dụng thông tin và quá trình quản lý của Nhà quản trị doanh nghiệp, chi phí có thể được phân loại theo nhiều nội dung khác nhau như theo chức năng, theo cách ứng xử của chi phí bao gồm biến phí, định phí hay chi phí hỗn hợp, theo tính chất… thì điểm chung của NQT đó là quản lý sao cho kiểm soát ở mức tối thiếu nhất.
Cho dù được hiểu theo quan điểm nào thì chi phí nói chung là những khoản doanh nghiệp bắt buộc phải chi ra trong quá trình kinh doanh. Tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động theo phương châm tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa chi phí, do đó việc quản lý chi phí phát sinh ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Đánh giá được tầm quan trọng của việc quản lý chi phí, các doanh nghiệp Dệt may có những phương pháp quản lý khác nhau trong đó có sử dụng các chỉ tiêu về phân tích hiệu quả chi phí.
Quá trình phân tích hiệu quả chi phí được thực hiện có hiệu quả nhất cần xác định được các chỉ tiêu cần phân tích, thời gian phân tích, tính trung thực hợp lý của nguồn tài liệu được sử dụng và xác định được các nguyên nhân tác động từ đó có các giải pháp đi kèm. Thông thường tài liệu về chi phí cần được tập hợp từ 2 kỳ trở lên trong đó có kỳ gốc và kỳ phân tích, số liệu cần được kiểm toán. Việc thu thập đầy đủ tất cả các bước giúp cho quá trình phân tích đạt kết quả khách quan nhất.
Các chỉ tiêu phân tích này đều dựa trên công thức chung là “Hiệu quả = Đầu ra/ Đầu vào” với đầu ra là kết quả thu về được có thể là doanh thu, lợi nhuận, đầu vào là các yếu tố chi phí ban đầu tham gia vào quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.
Về chỉ tiêu phân tích, gồm:
Trong quá trình tiêu thụ sản phẩm:
Phân tích các chi phí phát sinh trong quá trình tiêu thụ như giá vốn, chi phí bán hàng và chi phí quản lý ảnh hưởng đến doanh thu thuần bán hàng & cung cấp dịch vụ. Tỷ suất càng lớn thì chi phí phát sinh càng nhiều, không có hiệu quả cao trong sử dụng chi phí. Công thức cụ thể về các chỉ tiêu như sau:
Tỷ suất giá vốn hàng bán trên DTTBH&CCDV
Tỷ suất giá vốn hàng bán (%) = (Trị giá vốn hàng bán/DTTBH&CCDV) x 100
Tỷ suất chi phí bán hàng trên DTTBH&CCDV
Tỷ suất chi phí bán hàng (%) = Chi phí bán hàng/DTTBH&CCDV x 100
Tỷ suất chi phí quản lý doanh nghiệp trên DTTBH&CCDV
Tỷ suất chi phí quản lý doanh nghiệp (%) = (Chi phí quản lý doanh nghiệp/DTTBH&CCDV) x 100
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh
Thực hiện phân tích chỉ tiêu tỷ suất chi phí hoạt động trên tổng doanh thu thuần và chỉ tiêu tỷ suất chi phí tài chính trên tổng doanh thu thuần (hoặc tỷ suất chi phí lãi vay trên tổng doanh thu thuần).
Tỷ suất chi phí hoạt động trên tổng doanh thu thuần phản ánh trình độ sử dụng các yếu tố chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ tiêu cho biết, để thu được 100 đồng doanh thu thuần thì CTCP phải bỏ ra bao nhiêu đồng chi phí hoạt động.
Tỷ suất chi phí hoạt động trên tổng doanh thu thuần = Chi phí hoạt động/Tổng doanh thu thuần x 100%
Cơ sở số liệu tính chỉ tiêu dựa vào B02-DN; Chi phí hoạt động bao gồm: Giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khác.
Tỷ suất chi phí tài chính trên tổng doanh thu thuần phản ánh sự tác động của chi phí tài chính đến kết quả kinh doanh của công ty.
Tỷ suất chi phí tài chính = Chi phí tài chính/Tổng doanh thu thuần x 100%
Nếu chi phí tài chính chủ yếu là chi phí lãi vay thì có thể sử dụng chỉ tiêu phân tích là tỷ suất chi phí lãi vay trên tổng doanh thu thuần.
Tỷ suất chi phí lãi vay trên tổng doanh thu thuần (%) = Chi phí lãi vay/Tổng doanh thu thuần x 100%
Phương pháp thực hiện: Chủ yếu sử dụng phương pháp so sánh bằng số tuyệt đối và số tương đối. Số tuyệt đối nhằm xác định sự chênh lệch, biến động của từng chỉ tiêu, số tương đối nhằm xác định được tỷ lệ % của từng chỉ tiêu.
Thực trạng quá trình phân tích hiệu quả chi phí trong doanh nghiệp Dệt may
Thông thường, đối với các doanh nghiệp Dệt may có quy mô lớn, quy trình thực hiện quá trình phân tích được thực hiện thường xuyên và trở thành một nhiệm vụ quan trọng giúp cho NQT có thể đánh giá và đưa các giải pháp phù hợp. Thông thường bộ phận thực hiện quá trình phân tích này là bộ phận kế toán quản trị. Để quá trình phân tích có hiệu quả cao nhất thường số liệu được lấy ở các báo cáo tài chính đã được soát xét qua quá trình kiểm toán, số liệu ở các báo cáo nội bộ, thông tin chung, thông tin của ngành
Quy trình thực hiện phân tích hiệu quả chi phí là: Thu thập dữ liệu, lập bảng phân tích (xác định các chỉ tiêu, so sánh các chỉ tiêu giữa kỳ phân tích với kỳ gốc để xác định chênh lệch tuyệt đối và tương đối của từng chỉ tiêu) kỳ gốc có thể lựa chọn là kế hoạch, số năm trước và kỳ phân tích có thể là số thực tế, số năm nay; dựa vào bảng phân tích và các dữ liệu liên quan để đánh giá tình hình hiệu quả chi phí từ tổng hợp đến chi tiết, từ đó xác định trọng điểm cần tăng cường quản lý.
Bên cạnh quá trình phân tích, việc đưa ra những nhận xét cũng được xem là quan trọng, tất cả các kết quả thu về cho dù tốt hay không cũng nên xác định nguyên nhân, từ đó rút ra được các giải pháp phù hợp nhất.
Có thể làm rõ quá trình phân tích hiệu quả chi phí thông qua Công ty CP Vinatex Đà Nẵng với mã giao dịch VDN trong 2 năm 2019 và 2020, cơ sở phân tích các số liệu được lấy chủ yếu từ Báo cáo kết quả HDKD, Công ty đã tiến hành phân tích một số chỉ tiêu như sau:
Kết quả kinh doanh |
Năm 201901/01-31/12KT/HN |
Năm 202001/01-31/12KT/HN |
Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ |
706 |
514 |
Giá vốn hàng bán |
617 |
442 |
Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ |
89 |
72 |
Doanh thu hoạt động tài chính |
10 |
4 |
Chi phí tài chính |
12 |
9 |
Chi phí bán hàng |
50 |
43 |
Chi phí quản lý doanh nghiệp |
24 |
13 |
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh |
13 |
2 |
Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế |
13 |
2 |
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp |
10.4 |
1.6 |
(Trích BCKQKD )
Sử dụng bảng số liệu trên, bộ phận tiến hành phân tích, tổng hợp và cho ra kết quả trong bảng sau:
Chỉ tiêu |
Năm 2019 |
Năm 2020 |
2020 so với 2019 |
1. Tỷ suất CPHĐ/DTT (%) |
98,18% |
97,88% |
-0,3% |
2. Tỷ suất CPTC/ DTT (%) |
1,68% |
1,74% |
0,06% |
3. Tỷ suất GVHB/ DTTBH&CCDV (%) |
87,39% |
85,99% |
-1,4% |
4. Tỷ suất CPBH/ DTTBH&CCDV (%) |
7,08% |
8,37% |
1,29% |
5. Tỷ suất CPQLDN/ DTTBH&CCDV (%) |
3,4% |
2,54% |
-0.87% |
(Tác giả tổng hợp)
Quá trình phân tích đưa ra các kết luận sau:
Khi đánh giá chung quá trình kinh doanh, nhận thấy rằng tỷ suất chi phí kinh doanh của công ty trong cả 2 năm đều nhỏ hơn 100% nên công ty đã sử dụng chi phí kinh doanh có hiệu quả và có xu hướng tốt hơn trong năm 2020. Tuy nhiên, chi phí tài chính có xu hướng tăng ở năm 2020, mặc dù so với 2019 mức chênh lệch không nhiều 0,06%. Cần chú ý hơn đối với chi phí tài chính.
Khi đánh giá riêng quá trình tiêu thụ, nhận thấy rằng giá vốn giảm so với 2019 1,4% đây là tín hiệu tốt trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, bên cạnh đó quá trình sử dụng chi phí quản lý mang lại hiệu quả khi tỷ trọng giảm 0,87% so với năm 2019. Tuy nhiên, chi phí bán hàng chưa thật sự hiệu quả trong quá trình tiêu thụ khi tỷ trọng tăng 1,29% so với năm 2019. Cần xác định nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời hơn.
Giải pháp
Qua thực trạng có thể thấy rằng, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến quá trình sử dụng chi phí và tiến hành phân tích chi phí, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp các công ty có quy mô, có giao dịch trên thị trường chứng khoán, còn lại các doanh nghiệp nhỏ lẻ, siêu nhỏ thì chưa thực hiện công tác phân tích trên. Ưu điểm lớn nhất của quá trình phân tích đó là xác định, tổng hợp và kiểm soát được toàn bộ chi phí phát sinh, nhìn nhận một cách thực tế nhất về quá trình quản lý chi phí, đáp ứng nhu cầu của NQT doanh nghiệp. Nhược điểm đáng kể nhất là quá trình phân tích đôi khi chỉ dừng lại ở việc đọc số liệu, chưa xác định chính xác nguyên nhân tác động. Từ những đánh giá trên, có thể đưa ra các giải pháp như:
- Các doanh nghiệp cần có quy trình phân tích chi tiết, cụ thể và có hiệu quả nhất. Tránh lãng phí thời gian và nhân lực.
- Nên sử dụng các báo cáo nội bộ về chi phí như chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung để phân tích chuyên sâu về các yếu tố sản xuất
- Nên sử dụng kết hợp giữa báo cáo tài chính và báo cáo nội bộ trong việc phân tích các chỉ tiêu hay xác định các nguyên nhân về sự thay đổi của chi tiêu nào đó
- Đối với thuyết minh BCTC, đây là báo cáo mang tính chất diễn giải sự biến động của các chỉ tiêu một cách chi tiết và cụ thể theo từng đối tượng, do đó có thể hoàn thiện hơn quá trình phân tích nếu sử dụng báo cáo này.
- Sử dụng đa dạng các phương pháp trong phân tích hiệu quả chi phí như phương pháp so sánh phương pháp loại trừ nhằm xác định biến động và xác định nguyên nhân ảnh hưởng của các nhân tố bên trong tác động đến chỉ tiêu phân tích.
Kết luận
Có nhiều chỉ tiêu được thực hiện trong phân tích hiệu quả chi phí, việc doanh nghiệp sử dụng chỉ tiêu phân tích nào là tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Để đánh giá khách quan và hiệu quả nhất về chi phí cần trải qua thời gian dài, quá trình phân tích cần đầy đủ số liệu, nhân sự và phương pháp phân tích phù hợp. Việc sử dụng các chỉ tiêu về hiệu quả chi phí đáp ứng được nhu cầu sử dụng thông tin của NQT và các đối tượng quan tâm đến doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Thị Thủy (2018), Báo cáo tài chính: Phân tích – Dự báo và Định giá, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
2. Nguyễn Văn Công, (2017), Giáo trình Phân tích báo cáo tài chính, NXB Đại học Kinh tế quốc dân
3. Nguyễn Năng Phúc (2013), Giáo trình Phân tích Báo cáo tài chính, NXB Đại học Kinh tế Quốc Dân.
4. https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/gia-thanh-va-phan-tich-gia-thanh-trong-nganh-det-may-viet-nam-313378.html
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: